DCall Podcast sáng 11/11/2022 – Mỹ: CPI tháng 10 tăng thấp hơn dự báo, thị trường khởi sắc

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Mỹ: CPI tháng 10 tăng thấp hơn dự báo, thị trường chứng khoán khởi sắc

– Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của nước này đã tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 7.7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo. Trước đó, các chuyên gia dự báo CPI tăng 0.6% so với tháng trước và 7.9% so với cùng kỳ năm ngoái.

– Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước và 6.3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo tương ứng 0.5% và 6.5%.

– Điều này thúc đẩy kỳ vọng về việc lạm phát đang dần giảm tốc và Fed sẽ làm chậm quá trình tăng lãi suất trong thời gian tới. Chứng khoán Mỹ có phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2020: Dow Jones, S&P 500, Nasdaq tăng lần lượt 3,7%, 5,54% và 7,35%.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Việt Nam xuất siêu 9,59 tỷ USD trong 10 tháng, cao hơn ước tính

– Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2022 (từ ngày 16/10 đến ngày 31/10/2022) đạt 30,32 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 2,57 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2022.

– Lũy kế 10 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 75,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 43,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 303,35 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 32,88 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

– Như vậy, lũy kế 10 tháng, cán cân thương mại thặng dư 9,59 tỷ USD (cao hơn ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD của Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 10).

• Gần 48.000 tỷ đồng Trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn vào tháng 12/2022

– Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

– Theo báo cáo của VBMA, trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, chỉ riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

– Đồng thời, sang năm 2023, áp lực này sẽ tiếp tục lớn thêm. Điển hình, tháng 9 và 12/2023 sẽ là những tháng có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều nhất với lần lượt là 42.022 tỷ đồng và 54.000 tỷ đồng.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• POW: Dự kiến doanh thu tháng 10/2022 tăng 83% so cùng kỳ 2021

– Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu dự kiến ở mức 1.860 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng doanh thu của PV Power đạt 22.628 tỷ đồng, tăng 4%.

– Năm 2022, PV Power đặt kế hoạch doanh thu 24.242 tỷ đồng, sau 10 tháng, công ty đã thực hiện được 93,3% chỉ tiêu năm.

– Đối với các dự án đầu tư mới, hiện Nhà thầu EPC của Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đang xử lý nền, hoàn tất thiết kế để triển khai các bước tiếp theo.

– Trong tháng 11, PV Power tiếp tục tập trung quản lý sản xuất các nhà máy điện. Tổng sản lượng điện dự kiến trong tháng 11 là 1,62 tỷ kWh, doanh thu dự kiến 2.627 tỷ đồng, tăng 41% so với kết quả tháng 10.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX đã có lúc giảm sâu gần 50 điểm nhưng nhờ lực cầu vào cuối phiên, chỉ số đóng cửa giảm 38,35 điểm (-3,89%) còn 947,24 điểm.

– Trên sàn HOSE, tỷ lệ mã giảm chiếm hơn 88% tổng số mã với 447 mã giảm, 21 mã tăng và 38 mã đứng giá. Trong đó có tới 170 mã giảm sàn và thanh khoản gia tăng nhẹ đạt 10.831 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu tác động tiêu cực tới VNINDEX là MSN, CTG và VPB với mức tác động lần lượt là -2,1 điểm và -2 điểm với hai cổ phiếu ngân hàng. Chiều hỗ trợ chỉ số các mã chỉ tăng nhẹ dưới 0,05 điểm.

– Cả 10 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là Nguyên vật liệu (-6,68%), Năng lượng (-6,44%) và Tài chính (-5,26%). Các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức giảm từ 1,7% – 4,8%.

– Khối ngoại tuy vẫn giữ vững vị thế mua ròng nhưng giá trị mua đã sụt giảm xuống còn 16,77 tỷ đồng. Cụ thể họ mua PVS (+49,33 tỷ đồng), KBC (+34,65 tỷ đồng) và VHC (+31,22 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối này tập trung vào HPG (-159,94 tỷ đồng), STB (-101,87 tỷ đồng) và FUESSVFL (-36,1 tỷ đồng).

– Thông tin HOSE và HNX không còn thành viên của Liên đoàn Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE) khiến thị trường lo ngại dòng vốn Thái Lan sẽ rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, việc HOSE và HNX không nằm trong danh sách WFE là do quá trình sáp nhập vào Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và VNX đang trong quá trình nhận chuyển giao tư cách thành viên của WFE. Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) vẫn đang xem xét vụ việc này và chưa có động thái hay kết luận gì.

– Đối với nhà giao dịch chứng khoán, thông tin đầy đủ hơn sau phiên bán tháo quá đà và sự tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ rạng sáng nay có thể giúp tâm lý thị trường cải thiện hơn và kỳ vọng về một phiên hồi phục vào cuối tuần này.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư định kỳ trong bối cảnh thị trường đang được định giá khá hấp dẫn hiện nay.

Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 11/11/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest