DCall Podcast sáng 07/11/2022 – Không còn ngân hàng nào huy động với lãi suất trên 10%/năm

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Nga: GDP quý 3/2022 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái

– Theo báo cáo của Cục Thống kê Liên bang Nga, GDP của nước này trong quý 3/2022 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát của Nga trong tháng 9 là 12,9% do đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt. Con số này đã giảm so với mức 14,3% trong tháng 8 sau khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất để kiềm chế giá cả.

– Theo báo cáo do Bộ Phát triển Kinh tế Nga công bố mới đây, kinh tế Nga được dự báo suy giảm 2,9% trong năm 2022 và 0,9% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với các dự báo được đưa ra hồi tháng 8, lần lượt là 4,2% và 2,7%.

– Mặc dù GDP của Nga sụt giảm trong quý 2 và quý 3 liên tiếp, nhưng nền kinh tế của nước này đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh hơn so với dự kiến ​​ban đầu của một số nhà kinh tế, một phần nhờ doanh thu năng lượng khi giá cả toàn cầu tăng.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Không còn ngân hàng nào huy động với lãi suất trên 10%/năm

– Ngày 6/11, biểu lãi suất huy động mới nhất của một số ngân hàng thương mại đã không còn xuất hiện mức lãi suất cao trên 10%, thậm chí 11%/năm như những ngày trước.

– Một số chuyên gia phân tích việc các ngân hàng không còn niêm yết mức lãi suất cao trên 10%/năm sẽ góp phần giảm tâm lý kỳ vọng về lãi suất tăng của người gửi tiền.

– Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành và nâng trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam Đồng đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm tổng cộng 2 điểm % trong tháng 9 và tháng 10/2022.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• DPR: Lãi trước thuế 10 tháng ước đạt 191 tỷ, dự chi 86 tỷ trả cổ tức bằng tiền

– Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị thông qua kết quả sản xuất kinh doanh lũy kế 10 tháng và ước thực hiện năm 2022. Cụ thể, tổng sản lượng cao su khai thác đạt 8.496 tấn, đạt 95% kế hoạch. Sản lượng chế biến đạt 10.840 tấn, thực hiện 90% kế hoạch. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế 10 tháng đạt 191 tỷ đồng, thực hiện được 59% mục tiêu lợi nhuận năm. Công ty ước thực hiện cả năm đạt 285 tỷ đồng, bằng 87.5%.

– Cũng theo Nghị quyết, DPR sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức còn lại năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2,000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/11. Với 43 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DPR cần chi hơn 86 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

• BSR: Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất kỷ lục 112%

– Ngày 6/11, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR) cho biết, từ rạng sáng ngày 5/11, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức nâng công suất lên 112%. Đây là công suất lớn nhất của nhà máy kể từ khi vận hành tới nay.

– Trong 10 tháng của năm nay, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết. Tồn kho của nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.

– Vừa qua, thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng không nhỏ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo để bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch Thứ Sáu tuần trước 04/11/2022, chỉ số VNINDEX đã có lúc giảm tới 45 điểm nhưng nhờ lực mua tham gia hỗ trợ cuối phiên đã giúp VNINDEX thu hẹp đà giảm, đóng cửa tại mốc 997,15 điểm, giảm 22,66 điểm (-2,22%)

– Trên sàn HOSE, sắc đỏ chiếm ưu thế với 410 mã giảm, 56 mã tăng và 46 mã đứng giá. Thanh khoản tăng, đạt 12.909 tỷ đồng.

– Những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VNINDEX là NVL, VCB, BCM với mức tác động giảm lần lượt là -2,21 điểm, -1,43 điểm, -1,3 điểm. Những cổ phiếu hỗ trợ chỉ số đều thuộc nhóm ngành Ngân hàng: CTG, BID, MBB đóng góp tăng lần lượt +1,09 điểm, +0,38 điểm và +0,28 điểm.

– 10 trên 10 nhóm ngành giảm điểm với biên độ rộng, trong đó Tiêu dùng bị điều chỉnh mạnh nhất, giảm 6,35%, còn lại giảm từ 1,7%-3,4%.

– Khối ngoại nay chỉ bán ròng nhẹ 10,68 tỷ đồng. Cụ thể, họ bán HPG (-59,22 tỷ đồng), HDB (-52,12 tỷ đồng) và GMD (-42,63 tỷ đồng). Ngược lại khối này đang mua ròng: VNM (+82,9 tỷ đồng), VHM (+32,42 tỷ đồng), DGC (+38,6 tỷ đồng).

– Việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF là nguyên nhân chính gây ra biến động lớn cho chỉ số VNINDEX trong phiên cuối tuần trước.

– Đối với nhà giao dịch chứng khoán, theo dõi thêm diễn biến thị trường trong những phiên đầu tuần và cần thận trọng nếu chỉ số không thể vượt qua mốc 1.000 điểm.

– Đối với nhà đầu tư tích sản, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho tầm nhìn dài hạn và duy trì tích lũy đầu tư một cách đều đặn.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest