DCall Podcast ngày 31/10/2022 – CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng bất chấp nhiều khó khăn

– Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đức dẫn số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 28/10 cho thấy trong quý 3, Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 0,3% so với quý trước đó. Đây là mức tăng ngoài kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

– Destatis cho rằng mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực tiêu dùng cá nhân trong thời gian qua.

– Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng có thể sẽ chấm dứt trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có hồi kết.

– Kinh tế Đức tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Tỷ lệ lạm phát cao tới 10% đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

– Trong các ngành công nghiệp, khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp vẫn than phiền về tình trạng thiếu các nguyên liệu thô quan trọng và sản phẩm trung gian, khiến công suất của các nhà máy sản xuất thường không đạt mức tối đa.

– Trong ngành xây dựng, lãi suất tăng và chi phí vật liệu cao đang khiến nhiều dự án bị hủy bỏ.

– Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

– Trước những khó khăn đó, trong dự báo gần đây nhất, Chính phủ Đức cho rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 1,4% trong năm nay và suy giảm ở mức âm 0,4% trong năm tới.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• CPI  bình quân 10 tháng tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước

– Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/10, giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước. So với tháng 12/2021 CPI tháng 10/2022 tăng 4,16% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,3%.

– Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%.

– Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.

– Theo đó, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 10 tháng năm 2022 là giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt; bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 36,01%, giá gas tăng 15,35%, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng tăng 4,6%, Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,44% , giá gạo trong nước tăng 1,16% so với cùng kỳ.

– Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 10 tháng năm 2022 như: giá dịch vụ giáo dục giảm 0,61% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

– Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 10 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• HPG: Hòa Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng quý 3/2022

– Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, Hòa Phát đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.

– Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn.

– Kết quả kinh doanh trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

– Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô trong 9 tháng đầu năm 2022, tương đương cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021.

• VNM: Doanh thu quý 3/2022 ổn định so với cùng kỳ

– Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) (HOSE: VNM) mới đây đã công bố báo cáo tài chính Quý 3/2022 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.094 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.363 tỷ đồng, đây là mức cao nhất trong 4 quý gần nhất và tăng 10,5% so với quý trước.

– Tổng lũy kế 9 tháng, công ty hoàn thành lần lượt 70,2% kế hoạch năm với tổng doanh thu đạt 44.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.748 tỷ đồng, hoàn thành 69,1% kế hoạch năm.Kết quả kinh doanh này được củng cố nhờ mức tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại.

– Bên cạnh đó, Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng ghi nhận sự cải thiện, đạt hơn 4.235 tỷ trong Quý 3/2022, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 7.190 tỷ.

• VCB: Lãi trước thuế 9 tháng tăng 29% so với cùng kỳ

– Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HOSE: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022.

– Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 đạt 7.566 tỷ đồng, tăng 31,9% so với quý 3/2021. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 13.664 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 1.587 tỷ đồng, tăng 35,3%.

– Vietcombank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 2.778 tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý 3/2021. Tuy nhiên, do giảm chi phí dự phòng của 2 quý trước nên chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng ở mức 7.785 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

– Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 24.939 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm 2021. Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30,675 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được hơn 81% mục tiêu sau 9 tháng.

• MWG: Hoàn thành 55% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng

– CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa công bố tổng quan kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, với doanh thu 102.816 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.483 tỷ; tăng lần lượt 18% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

– So với mục tiêu 140.000 tỷ doanh thu và 6.350 tỷ lợi nhuận sau thuế, MWG đã thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và đạt 55% con số lợi nhuận năm sau ba quý.

– Tính riêng quý 3, MWG ghi nhận 32.012 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 907 tỷ đồng; tăng lần lượt 31% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi thuần đạt 2,83% quý 3 và 3,38% trong 9 tháng.

– Trong 9 tháng, mảng di động đóng góp 27.000 tỷ doanh thu, mảng điện máy đóng góp 54.000 tỷ đồng. Hai mảng chủ lực chiếm 79% doanh số MWG, tăng 27% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Riêng quý 3, hai mảng này tăng đến 63% khi so sánh với nền thấp do Covid-19 hồi quý 3/2021. Mảng bách hóa mang về xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 19,4% tổng doanh thu và giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 28/10/2022, VNINDEX mở gap tăng gần 10 điểm ngay đầu phiên sáng nhưng nhanh chóng bị điều chỉnh lại khi áp lực bán gia tăng và chỉ số giảm dần về mốc tham chiếu. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.027,36 điểm, giảm nhẹ 0,65 điểm (-0,06%).

– Về độ rộng thị trường, số mã tăng tuy đã có sự sụt giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn duy trì trạng thái tích cực với 236 mã tăng/195 mã giảm. Thanh khoản được cải thiện, đạt 13.345 tỷ đồng.

– Áp lực bán tác động tới chỉ số VNINDEX đến từ các cổ phiếu trụ trong VN30 gồm HPG (-0,876 điểm) và NVL (-0,686 điểm), ngoài ra có EIB (-0,807 điểm). Chiều tăng điểm hỗ trợ chỉ số có TCB (+1,367 điểm), VHM (+0,984 điểm) và VIC (+0,671 điểm).

– 5/10 nhóm ngành giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ dưới 1%, gồm Tài chính, Tiêu dùng, Công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và Bất động sản. Chiều ngược lại, bị điều chỉnh mạnh có Nguyên vật liệu (-2,83%), Năng lượng (-1,52%). Các ngành còn lại giảm dưới 1%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.045tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.412 tỷ đồng), Công nghiệp (1.210 tỷ đồng).

– Khối ngoại đã có phiên bán ròng tăng mạnh đạt giá trị hơn 3.104 tỷ đồng do cổ đông lớn nước ngoài thoái vốn tại EIB theo hình thức giao dịch thỏa thuận với giá trị 3.031,39 tỷ đồng, ngoài ra có HPG (-139,11 tỷ đồng) và STB (-47,35 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các đại diện MSN (+76,23 tỷ đồng), VNM (+47,61 tỷ đồng) và FRT (+34,06 tỷ đồng).

– VNINDEX gặp áp lực bán khi tiến tới vùng 1.040 điểm và đã lấp lại vùng gap đã mở ở đầu phiên. Lực mua có dấu hiệu chững lại cho thấy nhà đầu tư đang khá cẩn trọng trong nhịp hồi phục này của thị trường. Nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu có dấu hiệu gia tăng của áp lực bán.

——–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 31/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest