DCall Podcast ngày 31.08.2022 – Việt Nam dẫn đầu ASEAN về quy mô và tỷ lệ điện gió và mặt trời

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 31/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Bloomberg: Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang EU trong 1 năm 

– Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu hoàn toàn trong hơn một năm mà không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế nước này, hãng tin Bloomberg dẫn phân tích của các chiến lược gia tại Capital Economics.  

– Với tình hình giá cả hiện nay, “cán cân thanh toán của Nga đang ở vị thế vững chắc đến mức, nếu giá dầu và xuất khẩu dầu vẫn ở mức hiện tại, Nga có thể giữ xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu ở ngưỡng 20% mức bình thường trong ít nhất 3 năm” – các chuyên gia của Capital Economics cho hay.  

– Liam Peach, một nhà kinh tế tại Capital Economic chia sẻ, việc Nga cắt giảm nguồn cung kéo dài hàng năm có thể xảy ra “mà không có hậu quả bất lợi cho nền kinh tế nước này”.  

– Ông chỉ ra, dù khối lượng giảm, thu nhập hàng quý của Nga nhờ xuất khẩu khí đốt vẫn có thể lên tới 20 tỉ USD. 

– “Việc Nga có đóng van hoàn toàn hay không sẽ là một quyết định chính trị và độ dài của bất kỳ đợt cắt giảm khí đốt nào sẽ phụ thuộc vào quy mô doanh thu dầu mỏ bù đắp” – chuyên gia Liam Peach nói. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2.9% so với tháng trước 

-Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) riêng tháng 8 ước tăng 2.9% so với tháng trước và tăng 15.6% so với cùng kỳ năm trước. 

– Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9.4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5.5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10.4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8.1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6.8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5.8%, đóng góp 0.1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4.2%, đóng góp 0.6 điểm phần trăm trong mức tăng chung. 

– Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 26.8%; sản xuất trang phục tăng 22.5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18.5%; sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17.4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 14.3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14.2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11.3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10.4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6.3%; sản xuất kim loại giảm 0.8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 0.7%. 

• Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng cao hơn thời điểm trước dịch 

– Báo cáo kinh tế xã hội do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành lần lượt tăng gấp 2,9 lần và 65,4 lần so với cùng kỳ 2021. 

– Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 3,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Con số vừa nêu cao hơn nhiều so với mức gần 2,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. 

– Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước đạt 15.400 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. 

• Giải ngân vốn đầu tư công đạt 51% kế hoạch trong 8 tháng năm 2022 

– Tổng cục Thống kê cho biết vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8 được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai và giải ngân trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi mạnh. 

– Trong tháng 8, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 48.300 tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn do trung ương quản lý đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 36,8%; vốn địa phương quản lý 39.400 tỷ đồng, tăng 55,2%. 

– Tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%). 

-Vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 50.400 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. 

– Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao 6 Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). 

• Việt Nam dẫn đầu ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời 

– Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô cũng như tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022). 

– Trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích (FIT), đến 31/12/2020, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng với cơ chế giá FIT, đến ngày 31/10/2021, hệ thống điện đã tiếp nhận và đưa vào vận hành khoảng 4.000 MW điện gió, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW. 

– Hiện tại, tỉ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau. 

– Về điện khí LNG, đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900 MW). Ngoài ra có hơn 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất hơn 115.000 MW. 

– Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• ROS: Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS sẽ chuyển sang sàn UPCOM 

– Ngày 30/8/2022, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký chứng khoán gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS sang thị trường UPCOM, do cổ phiếu này bị hủy niêm yết tại HoSE theo Quyết định số 579/QĐ-SGDHCM ngày 25/8/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Việc này đồng nghĩa với biên độ dao động giá mỗi phiên của ROS sẽ là 15%, thay vì 7% như ở HoSE. 

– Trước đó, Trước đó, ngày 25/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định về việc hủy niêm yết hơn 567 triệu cổ phiếu ROS. Giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá là gần 5.676 tỷ đồng. 

– Lý do mà HOSE đưa ra là ROS có khả năng không công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2022 đúng hạn, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý 1 và quý 2/2022. Đồng thời, công ty chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện theo pháp luật. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 30/8/2022, VNINDEX đã có sự hưng phấn khi mở gap tăng gần 5 điểm ngay đầu phiên sáng. Đã có lúc chỉ số chạm gần tới mốc 1.290 điểm nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh và kết phiên dừng chân ở mốc 1.279,39 điểm, tăng hơn 8 điểm (+0,68%). 

– Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về số mã tăng với 226 mã tăngso với 208 mã giảm. Thanh khoản giảm đáng kể so với phiên giao dịch bùng nổ ngày hôm qua, chỉ đạt 13.835,936 tỷ đồng. 

– Nâng đỡ cho chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với đại diện là VCB với mức đóng góp 4,194 điểm, BID (+1,025 điểm), ngoài ra có GVR (+1,722 điểm). Chiều tác động giảm đến chỉ số có DIG, MWG, PLX mới mức giảm nhẹ quanh 0,2 điểm.  

– Phiên hôm qua chỉ có 4/10 nhóm ngành tăng điểm gồm Tiêu dùng thiết yếu (+1,07%), Dịch vụ tiện ích,Tài chính với mức tăng dưới 0,4%. Trong khi đó các ngành còn lại đều ghi nhận giảm với biên độ nhỏ, dưới 0,8%. Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (2.937 tỷ đồng), Bất động sản (1.900 tỷ đồng), Công nghiệp và Nguyên vật liệu (quanh 1.800 tỷ đồng). 

– Khối ngoại phiên hôm qua chỉ ghi nhận bán ròng nhẹ với giá trị hơn 13,5 tỷ đồng, tập trung bán nhiều TLG (-41,68 tỷ đồng), PHR (-34,89 tỷ đồng) và DGC (-25,77 tỷ đồng). Chiều mua ròng có PVD (54,92 tỷ đồng), VHM (37,57 tỷ đồng) và GAS (35,8 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch hôm qua, VNINDEX tuy đã có sự hưng phấn và có động thái lấp lại vùng gap tạo ra ngày 29/8 nhưng do áp lực bán vẫn còn khá lớn khiến nhiều cổ phiếu không giữ được sắc xanh và quay đầu giảm điểm ở cuối phiên chiều. Thanh khoản sụt giảm cũng cho thấy lực mua vẫn còn khá yếu, nếu những phiên tới lực mua không có sự gia tăng thì khả năng VNINDEX sẽ test lại vùng hỗ trợ 1.250 – 1.260 điểm. Sắp tới kỳ nghỉ lễ 2/9, nhà đầu tư cân đối hợp lý về tỷ trọng tiền và cổ phiếu, ưu tiên quản trị rủi ro và hạn chế mua mới.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest