1.Thông tin vĩ mô
• Mỹ trừng phạt ngành quân sự, cấm nhập khẩu vàng Nga
– Theo Bộ Tài chính Mỹ ngày 28-6, Washington áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến lĩnh vực quân sự của Nga nhằm ngăn chặn việc phát triển và triển khai vũ khí trong cuộc chiến ở Ukraine.
– Cụ thể, áp lệnh trừng phạt nhằm vào tập đoàn vũ khí nhà nước Nga Rostec, tập đoàn sản xuất máy bay MiG và Sukhoi của Nga – cùng nhà sản xuất máy bay vận tải và máy bay đánh bom Tupolev, 500 quân nhân Nga cũng bị hạn chế cấp thị thực, xử phạt người Nga mua lại linh kiện khí tài của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu,…
– Theo các lệnh trừng phạt mà G7 đã thống nhất, Mỹ cũng cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Tuy nhiên, không bao gồm vàng đã được lưu trữ bên ngoài nước Nga.
– Động thái mới này nhằm cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với công nghệ quan trọng cho quân đội của họ, làm suy giảm năng lực của Nga và tiếp tục cản trở cuộc chiến chống Ukraine.
2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
• Ngân hàng Nhà nước ngưng gia hạn và cơ cấu nợ từ 1.7.2022
– NHNN sẽ ngưng gia hạn Thông tư 14/2021 về việc cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi thông tư này hết hiệu lực vào ngày 30-6 tới. Có nghĩa là, từ ngày 1-7, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục được vay vốn tín dụng của ngân hàng nếu không thể trả nợ.
– Theo thống kê, nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều nên việc dừng thực hiện Thông tư 14/2021 sẽ giúp các ngân hàng nhận diện rõ hơn nợ xấu, qua đó có hướng xử lý hiệu quả.
– Hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng hơn 12 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng định hướng khoảng 14% trong năm 2022, sẽ cung ứng thêm 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong khi đó, hiện tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,2% nên ngân hàng vẫn có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay.
– Một số NHTM đã gần cạn room nên đã có động thái “phòng thủ”, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, phục hồi nhanh và các khoản vay có chất lượng cao vì đây là cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại chất lượng tín dụng của mình.
• Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2022 đạt 7,72%, lạm phát kiểm soát ở mức phù hợp
– Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.
– Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,3%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%. Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
– Còn CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
– Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III/2022, kinh tế-xã hội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu…
• Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021
– Tổng cục Thống kê cung cấp ngày 29/6 cho biết: Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường bộ chiếm gần 13% và gấp 2,4 lần; bằng đường biển chiếm 0,02% và giảm 42,6%.
– Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè, doanh thu của ngành này trong tháng 6/2022 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
– Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2022 tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý II năm nay.
– Để có được kết quả trên là do ngành du lịch triển khai một loạt các giải pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh… Kỳ vọng trong những quý còn lại, ngành du lịch sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ và đời sống người dân ổn định, doanh nghiệp phục hồi tốt.
3. Doanh nghiệp niêm yết
• HDG dự kiến phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu trả cổ tức
– CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) thông báo 07/07 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức đợt 2/2021 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 06/07. Tỷ lệ thực hiện là 100:20. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 40.8 triệu cp. Vốn điều lệ theo đó nâng từ 2,038 tỷ đồng lên thành 2,446 tỷ đồng. Trước đó, HDG đã trả cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền tỷ lệ 10%
– Năm 2022, HDG dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 25% vốn điều lệ với 5% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu. Hiện tại, Công ty tập trung phát triển dự án mới và quỹ đất nên giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho sự phát triển tiếp theo.
– Về kế hoạch doanh thu, HDG đặt mục tiêu 3,703 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận sau thuế 1,344 tỷ đồng, bằng với thực hiện năm 2021. Trong đó, mảng bất động sản sẽ mang về doanh thu 1,800 tỷ đồng, mảng năng lượng mang về 1,700 tỷ đồng, còn lại là mảng khách sạn, văn phòng cho thuê. Quý 1/2021, HDG đạt doanh thu 685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 296 tỷ đồng, đạt hơn 20% kế hoạch cả năm.
• KIDO cổ phần hóa KDF, dự thu tối thiểu 1.680 tỷ từ bán cổ phiếu quỹ
– Ngày 28/6, HĐQT Tập đoàn KIDO(HoSE: KDC) đã thông qua việc cổ phần hóa Công ty TNHH Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF).
– Theo đó, KDC sẽ huy động thêm phần vốn góp của các nhà đầu tư cá nhân độc lập đầu tư vào KDF số tiền 200 tỷ đồng, nhằm tăng vốn điều lệ từ 541,6 tỷ lên 741,6 tỷ đồng.
– Trong đó, KIDO từ mức sở hữu 100% sẽ giảm xuống còn 73,03%, còn lại 26,97% là các nhà đầu tư cá nhân độc lập. Sau chuyển đổi, KDF sẽ có tên là CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO với vốn điều lệ 741,6 tỷ đồng, tương ứng 74,16 triệu cổ phần.
– Trước đó, ngày 6/6, KIDO thông qua phương án bán toàn bộ 28 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10.05% cổ phần, với mục đích bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, nếu giao dịch thành công, KIDO dự thu về ít nhất 1.680 tỷ đồng.
4. Nhận định thị trường
– Phiên giao dịch 29/06/2022, chỉ số VNINDEX đã gặp áp lực bán lớn khi đầu phiên sáng tạo GAP giảm điểm xuống vùng 1.208 điểm, sau đó nhờ nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Ngân hàng đã kéo chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Đến phiên chiều, thị trường tuy có biến động nhẹ nhưng đã nhanh chóng hồi phục, kết phiên VNINDEX đóng cửa ở 1.218,09 điểm, giảm nhẹ 0,01 điểm.
– Về độ rộng thị trường nghiêng về phe bán khi có tới 263 mã giảm/184 mã tăng. Tổng số mã giảm chiếm hơn 51% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ, đạt 11.839,962 nghìn tỷ đồng.
– Đóng góp cho đà giữ vững chỉ số VNINDEX là BID (+1,657điểm), VNM (+0,821 điểm) và GAS (+0,5 điểm). Các mã làm giảm điểm chỉ số như VCB (-0,992 điểm), GVR (-0,629 điểm) và VHM (-0,57 điểm).
– Phiên giao dịch hôm qua tuy VNINDEX giữ được mốc điểm tham chiếu nhưng chỉ ghi nhận 3/10 nhóm ngành tăng điểm nhẹ, đó là Dịch vụ tiện ích, Tiêu dùng thiết yếu và Nguyên vật liệu với mức tăng dưới 1%. Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành khác cũng có mức giảm nhẹ, dưới 0,7%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính, đạt 2.803 tỷ đồng, Công nghiệp đạt 1.918 tỷ đồng và Nguyên vật liệu đạt 1.329 tỷ đồng.
– Khối ngoại đã quay đầu bán ròng nhẹ khi giá trị chỉ đạt 33,12 tỷ đồng, tập trung vào các mã DPM (-44,95 tỷ đồng), HPG (-44,01 tỷ đồng) và DCM (-38,2 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các mã như CTG (42,25 tỷ đồng), BID (36,48 tỷ đồng) và STB (35,51 tỷ đồng).
– Phiên giao dịch ngày hôm qua, sau 2 phiên tăng điểm đáng kể từ đầu tuần thì thị trường có sự chững lại về cả điểm số và thanh khoản. Trong khi số liệu GDP quý 2/2022 được công bố – với một con số tăng trưởng ước tính tăng 7,72% – thì những diễn biến trên thị trường chứng khoán chưa cho thấy sự đồng thuận với thông tin trên. Điều này cho thấy cái nhìn của nhà đầu tư về tương lai vẫn còn khá bi quan.
– Hiện tại, chỉ số VNINDEX đã tiến tới vùng kháng cự quanh mốc 1.220 điểm, đây là 1 mốc quan trọng để xem chỉ số có thể trụ vững, hấp thụ tốt lực bán tại vùng kháng cự không. Trong những phiên tiếp theo, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường, nếu áp lực bán suy giảm thì có khả năng VNINDEX sẽ hồi lên những vùng điểm cao hơn. Nhà đầu tư nên chú ý với các mã cổ phiếu có biên độ dao động tăng – giảm lớn, liên tục xảy ra ở những phiên gần đây thể hiện sự không ổn định về giá và tỷ lệ rủi ro cao.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0