DCall Podcast ngày 29.07.2022 – VHM: Doanh thu và lợi nhuận Vinhomes sụt giảm trong Quý 2/2022

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/07/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới  

• Nợ lợi suất âm trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm  

– Theo chỉ số Bloomberg Barclays, tổng dư nợ có lợi suất âm của thế giới trong tuần trước ở mức 2,4 ngàn tỷ USD, giảm 87% so với mức đỉnh 18,4 ngàn tỷ USD đạt được vào tháng 12-2020. Lợi suất âm được hiểu là vào ngày đáo hạn, người mua nợ (trái phiếu) sẽ nhận lại được số tiền gốc cộng lãi coupon ít hơn số tiền ban đầu bỏ ra mua trái phiếu.  

– Lợi suất trái phiếu ở châu Âu đang tăng khi giới đầu tư dự đoán ECB sẽ bước vào chu kỳ nâng lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, được theo dõi chặt chẽ nhất của châu Âu, lần đầu tiên chuyển sang dương vào đầu năm nay kể từ năm 2019. Lợi suất của trái phiếu này chốt ở mức 1,019% khi thị trường đóng cửa vào hôm 25-7.  

– Tại Nhật Bản, BoJ đã tái khẳng định họ chưa sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ và vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. BoJ cũng đặt mục tiêu duy trì lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng zero. Các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan ước tính Nhật Bản chiếm 84% tổng dư nợ trái phiếu chính phủ có lợi suất âm trên toàn thế giới.  

– Dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu chính phủ châu Âu đã tăng nhanh trong năm nay. Theo dữ liệu từ Công ty EPFR, chuyên theo dõi việc hoạt động mua và bán ở các quỹ hoán đổi danh mục và phòng hộ, tính đến ngày 20-7, các quỹ này đã thu hút khoảng 12,8 tỷ USD trong năm nay, cao hơn 3 lần so với dòng vốn họ nhận được trong cả năm 2021.  

– Trong một vài năm trở lại đây thị trường trái phiếu toàn cầu có mức lợi suất không mấy hấp dẫn, tuy nhiên hiện nay với tình hình lãi suất tăng mạnh, nhiều nhà phân tích nhận định nợ lợi suất âm sẽ chuyển sang dương, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mong muốn thu nhập cố định.  

2. Thông tin vĩ mô VN  

• Thu hút vốn FDI của Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm  

– Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt trên 15,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 93% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn điều chỉnh và vốn góp tăng mạnh lần lượt là 59% và gần 26%.  

– Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.  

– Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn và Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn.  

– Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.   

– Với đà tăng của nguồn vốn FDI so với cùng kỳ năm 2021 đã cho thấy các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất – kinh doanh. Mặt khác, điều này cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam. Ngành Bất động sản Khu công nghiệp tiếp tục có triển vọng sáng trong thời gian tới  

• Quy hoạch Điện VIII dự kiến bỏ nhiều dự án nhiệt điện than  

– Bộ Công Thương vừa có văn bản số 4329/BCT-ĐL báo cáo Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch Điện VIII; trong đó, bộ này xin ý kiến Chính phủ không đưa vào Quy hoạch 14.120MW nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero đến năm 2050.  

– Trong tổng công suất 14.120MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch Điện VIII thì có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, bao gồm EVN, PVN và TKV.  

– Bộ Công Thương cũng kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428MW điện Mặt Trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành… với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỷ đồng.  

– Với các dự án điện Mặt Trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư, tổng công suất trên 4.136MW, Bộ Công Thương đề nghị giãn sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.  

– Nếu hơn 2.428 MW được chấp thuận phát triển tiếp đến 2030 thì tổng công suất các nhà máy điện khoảng 120.995- 148.358 MW (không gồm điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát). Tỷ trọng điện gió, điện mặt trời, sinh khối… khi đó sẽ chiếm khoảng 18-24% tổng công suất nguồn điện năm 2030.  

• Xuất khẩu “giảm tốc”, cán cân thương mại thâm hụt hơn 2 tỷ USD  

– Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 07 năm 2022 (từ 01/07 đến 15/07/2022) đạt 14,29 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 3,47 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 6/2022.  

– Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 699 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2022.  

– Như vậy, tính đến hết 15/7/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 202,03 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 27,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.  

– Trong kỳ 1 tháng 7 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,01 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 955 triệu USD.  

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết  

• VRE: Vincom Retail lãi sau thuế đạt 773 tỷ đồng quý 2/2022, tăng 99.5% so với cùng kỳ năm trước  

– Công ty cổ phần Vincom Retail vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý 2 đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 35,1% so với Quý 1 năm 2022 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư (kinh doanh trung tâm thương mại) đạt doanh thu 1.822 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước.  

– Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vincom Retail đạt 773 tỷ đồng trong quý 2, tăng 104,5% so với quý 1 và tăng 99,5% so với cùng kỳ năm trước.  

– Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Vincom Retail đạt 3.219 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.151 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,8% và 82,5% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.  

• DXG: Đất Xanh lãi ròng 130 tỷ đồng quý II, giảm 56% cùng kỳ  

– Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) vừa tổ chức họp mặt các nhà đầu tư. Công ty công bố quý II, doanh thu đạt 1.698 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 130 tỷ đồng, lần lượt giảm 52% và 56% so với cùng kỳ năm trước.  

– Nửa đầu năm, công ty đạt 3.490 tỷ đồng doanh thu và 401 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm lần lượt 46% và 52% so với cùng kỳ. Như vậy sau 6 tháng, Đất Xanh thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận.  

– Tổng tài sản cuối kỳ đạt 30.200 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho 11.700 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản.  

• VHM: Doanh thu và lợi nhuận Vinhomes sụt giảm trong Quý 2/2022  

– Công ty CP Vinhomes (VHM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, nguyên nhân được lãnh đạo công ty đưa ra là phần lớn doanh thu từ các hợp đồng mở bán bất động sản trong kỳ chưa được ghi nhận do chưa đến kỳ bàn giao nhà.  

– Cụ thể, trong Quý 2/2022,  nhà phát triển bất động sản trực thuộc Tập đoàn Vingroup ghi nhận 4.530 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đà suy giảm doanh thu, lãi gộp của Vinhomes cũng giảm hơn 10 lần, chỉ đạt 1.391 tỷ . Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 93% so với cùng kỳ, chỉ đạt 622 tỷ đồng.   

– Năm nay, nhà phát triển bất động sản này đặt mục tiêu ghi nhận 75.000 tỷ đồng doanh thu và 30.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm tài chính, công ty này mới hoàn thành 18% chỉ tiêu với cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.  

– Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Vinhomes ước đạt 299.562 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 129.348 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Với quy mô tài sản này, Vinhomes vẫn là nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường trong nước.  

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán  

– Phiên giao dịch ngày 28/07/2022, nhờ sự cộng hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số VNINDEX ngay từ đầu phiên sáng hưng phấn mở gap tăng điểm và diễn biến tích cực. Đến cuối phiên chiều, áp lực chốt lời ngắn hạn khiến đà tăng hạ nhiệt, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.208,12 điểm, tăng mạnh hơn 17 điểm (+1,43%). 

– Về độ rộng thị trường, phe mua quay trở lại chiếm ưu thế, có 378 mã tăng/90 mã giảm.  Số mã tăng chiếm gần 73% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản tăng đột biến, đạt 15.346,941 tỷ đồng. 

– Đóng góp cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX là cổ phiếu BID (+1,21 điểm), VRE (+1,06 điểm) và BCM (+0,89 điểm). Chiều giảm điểm có BVN, DBC, FPT với mức giảm quanh 0,1 điểm. 

– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận sự hồi phục ở hầu hết nhóm ngành. Duy chỉ có ngành Công nghệ thông tin giảm nhẹ 0,35%. Tài chính là nhóm ngành hổi phục tốt nhất (+2%) và cũng là nhóm ngành đứng đầu về giá trị giao dịch (4,561 tỷ đồng),  Năng lượng (+1,8%), Công nghiệp (+1,77%). Các nhóm ngành còn lại tăng dưới mức 1,4%. Ngoài Tài chính thì ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Công nghiệp (2,463 tỷ đồng), Bất động sản (2,062 tỷ đồng). 

– Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị lớn, đạt gần 686 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu KDC (361,51 tỷ đồng) STB (92,36 tỷ đồng) và SSI (59,13 tỷ đồng). Chiều ngược lại, HPG vẫn bị bán ròng mạnh (-108 tỷ đồng). 

– Với việc khối lượng bùng nổ hơn 15 nghìn tỷ sau 2 tháng giao dịch khá trầm lắng và lực cầu lan tỏa toàn thị trường đã giúp VNINDEX một lần nữa vượt mốc 1.200. Trước lực bán khi tiếp cận vùng 1.220 điểm, chỉ số sẽ cần thời gian để hấp thụ lực bán nên khả năng VNINDEX sẽ có những nhịp điều chỉnh ngắn hạn để test lại mức độ cung cầu từ thị trường. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi theo những cổ phiếu đã bước vào đà hồi phục, nên chọn lọc kỹ các mã cổ phiếu có lực cầu gia tăng trong vùng nền tích lũy để tham gia giải ngân. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest