Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/07/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp
– Ngày 28/07 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp trong cuộc chiến chống lạm phát.
– Cụ thể, Fed nâng lãi suất cho vay qua đêm lên 2.25%-2.5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Lãi suất chuẩn của Fed sẽ tác động tới nhiều sản phẩm cho vay như các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi, các khoản cho vay mua xe và thẻ tín dụng.
– Trong tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cảnh báo, các chỉ báo gần đây về chi tiêu và sản xuất đã yếu đi. Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp. Nguyên nhân lạm phát hiện tại xuất phát từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, đà tăng của giá thực phẩm, năng lượng cùng với “áp lực giá cả chung”.
– Nếu GDP quý 2 tiếp tục âm, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái về kỹ thuật. Chuyên gia ước tính GDP quý 2 của Mỹ tăng trưởng 0.3%.
– Cùng với các đợt nâng lãi suất, Fed cũng đang giảm bớt quy mô 9,000 tỷ USD của bảng cân đối kế toán. Quy mô của bảng cân đối kế toán chỉ giảm 16 tỷ USD kể từ khi bắt đầu quá trình cắt giảm. Con số này vẫn thấp hơn mức trần 47.5 tỷ USD mà Fed thiết lập ra trước đó. Theo lộ trình của Fed, mức trần này sẽ được tăng lên trong mùa hè năm nay và cuối cùng sẽ chạm mức 95 tỷ USD/tháng vào tháng 9/2022. Cùng với đó, thị trường đang kỳ vọng Fed nâng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong tháng 9/2022.
– Việc nâng lãi suất 75 điểm trong 2 cuộc họp liên tiếp là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ khi họ bắt đầu sử dụng loại lãi suất này làm công cụ chính của chính sách tiền tệ hồi đầu thập niên 90. Các đợt nâng lãi suất này sẽ gây nguy cơ tổn thương lớn tới nền kinh tế và nguy cơ dẫn đến Mỹ suy thoái là rất cao.
• Mỹ thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới
– Dữ liệu của EIA cho thấy lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã tăng 12% trong 6 tháng đầu năm nay, so với cùng kì 2021. Bình quân, nước này xuất khẩu hơn 317 triệu mét khối LNG mỗi ngày. Nguyên nhân gồm khả năng xuất khẩu LNG tăng, giá LNG và khí đốt quốc tế đi lên, và nhu cầu toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu”, EIA cho biết.
– Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần 200% do thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, hãng năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp qua Nord Stream 1 sang châu Âu xuống chỉ còn 20% công suất từ ngày 27/7, giảm từ mức 40% hiện tại.
– Trước tình hình đó, Mỹ cũng đã hỗ trợ các nước đồng minh EU với việc tăng lượng xuất khẩu thêm gần 54 triệu mét khối mỗi ngày kể từ tháng 11/2021.
– Với số liệu trên đã đưa Mỹ lên top 1 trong việc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022.
• IMF: Dự báo kinh tế thế giới ‘cực kỳ bất ổn’, GDP Ukraine giảm 45%
– Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới, IMF cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực toàn cầu sẽ chậm lại, xuống 3,2% vào năm 2022 so với mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. Mức sụt giảm tăng trưởng GDP thế giới trong quý II/2022 là do đà giảm sút tại Trung Quốc và Nga.
– IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% đưa ra trong tháng 4/2022, liên quan tới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Về tỷ lệ lạm phát năm 2022 tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ chạm mức 6,6%, tăng so với mức 5,7% trong dự báo hồi tháng 4/2022, đồng thời cho biết tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây.
– Đối với Mỹ, IMF dự báo mức tăng trưởng 2,3% cho năm 2022 và 1% cho năm 2023, do nhu cầu chậm lại. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4,4% xuống 3,3%; đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là từ 2,8% xuống 2,6%, đối với Nga dự kiến sẽ giảm 6% và giảm thêm 3,5% vào năm 2023 và với Ukraine giảm khoảng 45% do căng thẳng với Nga.
2. Thông tin vĩ mô VN
• Ngân hàng dự kiến giảm bớt thắt chặt cho vay chứng khoán, siết cho vay bất động sản
– Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực. Đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
– Nhu cầu tín dụng “phục vụ đời sống và tiêu dùng” được nhiều TCTD dự báo tăng mạnh nhất trong năm 2022, tiếp theo là nhu cầu về vay thương mại, dịch vụ và vay phát triển công nghiệp, xây dựng, trong khi nhu cầu tín dụng “phát triển nông, lâm, thủy sản” được ít TCTD dự báo tăng nhất.
– Trong các lĩnh vực cho vay có: đầu tư vận tải kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng TCTD dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm 2022.
– Trong 6 tháng cuối năm 2022, TCTD kỳ vọng mặt bằng rủi ro tín dụng ổn định, tỷ lệ TCTD dự báo rủi ro tín dụng tăng 26,3%. Các TCTD dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể, tập trung với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Đồng thời dự kiến giảm bớt thắt chặt đối với lĩnh vực: cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi vẫn giữ nguyên xu hướng “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
• Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III đạt 10,8%
– Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như quá trình tăng trưởng của nền kinh tế mặc dù lạm phát đang gia tăng.
– Tăng trưởng doanh thu bán lẻ sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ ở mức 30,2% trong tháng 7, so với mức 27,3% trong tháng 6. Xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ tăng lần lượt 22,2%, 20% và 15% trong tháng 7 so với các mức 20%, 16,3% và 11,5% trong tháng 6. Dự kiến Việt Nam có thể ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng này.
– Chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ tăng lên mức 3,6% trong tháng 7, so với mức 3,4% trong tháng 6 – mức tăng nhanh nhất trong 2 năm trở lại đây, chủ yếu do các áp lực từ phía nguồn cung, trong khi đó áp lực từ phía nguồn cầu cũng dần gia tăng. Áp lực giá cả, nhất là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.
– Về giá năng lượng, Việt Nam đã liên tục giảm giá xăng dầu (khoảng 20%) kể từ đầu tháng 7/2022, sau 7 lần tăng giá liên tục kể từ cuối tháng 4. Chính phủ cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 10% từ mức 20%.
– Từ những số liệu và các chính sách của Chính phủ để kiềm chế lạm phát trên, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 10,8% trong quý III và 3,9% trong quý IV, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%.
3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
• STB: Lãi trước thuế nửa đầu năm tăng gần 20%, nợ xấu giảm mạnh xuống 1,22%
– Theo BCTC hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) báo lãi trước thuế 6 tháng hơn 2,900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
– Lợi nhuận trước trích lập Đề án của Sacombank đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
– Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.
– Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22% (từ mức 1,47% hồi đầu năm).
– Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%.
• HBC: Doanh thu quý II tăng 28,3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận giảm 14%.
– Trong BCTC hợp nhất quý II, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận 4.080 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về 3,3%.
– Doanh thu tài chính của HBC kỳ này gấp 2,81 lần so với kỳ trước, đạt 183,1 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ việc bán các khoản đầu tư đạt 126 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 50,2 tỷ đồng, giảm 14% so với kỳ trước.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của HBC tăng 29,7% và đạt 7.066 tỷ đồng. LNST đạt 60,8 tỷ đồng, giảm 11% cùng kỳ. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện 40% doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.
– Tổng tài sản của HBC tăng 10% so với đầu năm, chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, là khoản đang chiếm đến hơn 71% tổng tài sản của công ty. Việc tăng khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm 1.364 tỷ đồng trong kỳ này.
• PVS: Lợi nhuận ròng PVS quý II về mức thấp kỷ lục
– Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu tăng 25% đạt 3.811 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao hơn khiến lãi gộp giảm 37% xuống 150 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,8% về 3,95%.
– Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 64 tỷ đồng lên 144 tỷ đồng, tức tăng 124%. Chi phí tài chính cũng tăng 114% lên 30 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 31% nhưng chi phí quản lý tăng 54%. Hoạt động liên doanh liên kết tăng lãi 15% lên 173 tỷ đồng trong khi hoạt động khác giảm lãi từ 10 tỷ về 19 triệu đồng.
– Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 68 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí thuế thu nhập hiện hành ở mức cao 75 tỷ đồng khiến cho phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm xuống 12 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước – mức thấp kỷ lục kể từ khi lên sàn của doanh nghiệp.
– Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 7.581 tỷ đồng, giảm 34%; lãi ròng 228 tỷ đồng, giảm 23%. Công ty thực hiện được 76% chỉ tiêu doanh thu và 54,5% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
4. Nhịp đập thị trường chứng khoán
– Phiên giao dịch ngày 27/07/2022, chỉ số VNINDEX mở gap giảm nhẹ đầu phiên sáng và giữ mức giảm điểm nhẹ đến đầu phiên chiều, lực cầu tham gia ở cuối phiên cùng sự đóng góp của nhóm cổ phiếu trụ đã giúp VNINDEX hồi phục và đóng cửa ở mốc 1.191,04 điểm, tăng nhẹ gần 6 điểm (+0,5%)
– Về độ rộng thị trường, phe bán và phe mua khá cân bằng nhau khi có 222 mã tăng/201 mã giảm khi tâm lý thị trường đang vẫn lưỡng lự trước thời điểm FED công bố lãi suất mới nhất. Thanh khoản trong phiên giao dịch tăng nhẹ, đạt 10.023,836 tỷ đồng.
– Đóng góp cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX chủ yếu là nhóm cổ phiếu Tài chính gồm VCB (+1,318 điểm), CTG và BVH tăng quanh 0,5 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực có HPG (-0,589 điểm), tiếp MWG (-0,334 điểm) và MBB (-0,239 điểm).
– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận sự hồi phục tích cực ở hầu hết nhóm ngành khi chỉ có 3 nhóm ngành giảm điểm gồm Chăm sóc sức khỏe, Tiêu dùng và Nguyên vật liệu với mức giảm quanh 0,7%. Ngược lại Công nghiệp có mức hồi phục tối nhất với mức tăng 1,17%. Các nhóm ngành còn lại tăng nhẹ dưới 0,7%. Top 4 nhóm ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Tài chính (2.350 tỷ đồng), Công nghiệp (1.474 tỷ đồng), Nguyên vật liệu và Bất động sản có giao dịch ở mức 1,1 tỷ đồng.
– Khối ngoại phiên hôm qua đã giải ngân mua ròng mạnh với giá trị đạt 618,57 tỷ đồng, mua ròng nhiều nhất đến từ cổ phiếu KDC (619,62 tỷ đồng), tiếp đến có MWG (39,92 tỷ đồng), LPB (28,6 tỷ đồng). Chiều bán tập trung vào ngành thép: HPG (-166,18 tỷ đồng), NKG(-19,09 tỷ đồng).
– Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, VNINDEX đã có phiên hồi phục với số mã tăng giảm gần như cân bằng nhau cho thấy lực bán đã có dấu hiệu suy yếu khi kết phiên nhiều mã cổ phiếu đã đảo chiều tăng điểm trở lại. Nhóm cổ phiếu Bất động sản có đà hồi phục tốt ngay từ phiên giao dịch sáng, kết phiên nhiều mã cổ phiếu đóng cửa với mức tăng từ 3%-6%. Với đà hồi phục như hiện tại, VNINDEX có thể tiếp tục hướng tới mục tiêu chinh phục cột mốc 1.200 điểm. Nhà đầu tư cân nhắc giải ngân những mã cổ phiếu đã tạo được nền tích lũy tốt, dao động trong biên độ hẹp và lực bán suy giảm. Hạn chế tham gia mới với những cổ phiếu đã bước vào đà hồi phục để tránh rủi ro điều chỉnh từ thị trường.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0