Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/06/2022
1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• Giá quặng sắt lao dốc 8%, giảm phiên thứ 9 liên tiếp
– Các chuyên gia tin rằng giá quặng sắt có thể giảm về mức 100 USD/tấn, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021 nếu thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục đóng băng như hiện tại. Nước này chiếm khoảng 1 nửa sản lượng thép toàn cầu và quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất kim loại này.
– Quặng sắt đã giảm 8% hôm thứ 2 (21/6), xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua là 111,35 USD/tấn, sau báo cáo về việc các nhà máy thép ở Trung Quốc cắt giảm sản lượng. Đây đã là phiên giảm giá thứ 9 liên tiếp của quặng sắt.
– Trong khi đó, ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, với sản lượng hàng năm tính đến tháng 5 đạt hơn 1,1 tỷ tấn. Điều này đã đè nặng lên thị trường thép. Giá thanh cốt thép – loại được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng – đã giảm 20% kể từ đầu tháng 5 làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty sản xuất thép.
– Một năm trước, quặng sắt đạt mức cao kỷ lục trên 230 USD/tấn, do nhu cầu tăng cao cùng sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch. Giá quặng sắt sau đó đã giảm mạnh trong nửa cuối năm khi Bắc Kinh yêu cầu siết chặt các hoạt động của thị trường thép. Loại hàng hóa này được giao dịch ở mức 119 USD/tấn vào cuối năm 2021.
– Các chuyên gia cũng kỳ vọng rằng giá quặng sắt sẽ ở mức trung bình 140 USD/tấn trong quý III và 125 USD/tấn trong quý IV.
• DN dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ
– Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người của Mỹ (UFLPA) được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ngày 23/12/2021, cho rằng hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương được làm bởi lao động cưỡng bức, nên bị cấm theo Đạo luật thuế quan 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ.
– Đạo luật này đã ảnh hưởng đến những đơn hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các nhãn hàng đã ký với các doanh nghiệp phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương, vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ bông Tân Cương sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
– Ngoài ra, với tình hình chi phí đầu vào tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine, sự đứt gãy nguồn cung do chính sách “zero Covid” của Trung Quốc… có thể khiến cho mục tiêu xuất khẩu 42 – 43 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
– Về kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022, dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu.
2.THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Xuất nhập khẩu Việt Nam trong tháng 6/2022 giảm, cán cân thương mại thâm hụt 1.42 tỷ USD
– Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2022 (từ ngày 01/6 đến ngày 15/6/2022) đạt 31,64 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 3,53 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 5/2022.
– Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,42 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 1,3 tỷ USD. Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 6/2022 đạt 15,11 tỷ USD, giảm 16,1% (tương ứng giảm 2,9 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 5/2022 tập trung ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và thiết bị máy móc, phụ tùng…
– Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 6/2022 đạt 10,75 tỷ USD, giảm 18,2%, tương ứng giảm 2,4 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 5/2022. Tính đến hết ngày 15/6/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 122,66 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 16,65 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
– Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2022 đạt 16,53 tỷ USD, giảm 3,7% (tương ứng giảm 626 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 5/2022. Như vậy, tính đến hết 15/6/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 169,58 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 23,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Tính đến hết ngày 15/6/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 110 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 15,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Nhìn chung, mức giảm xuất nhập không đáng kể và nửa đầu năm 2022 vẫn cho thấy tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
3.THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• STB: Tăng trưởng tín dụng Sacombank dự báo đi ngang trong năm 2022
– Sacombank đã tiến hành công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 5,280 tỷ đồng. Điều này dường như chưa phản ánh kết quả của việc bán khoản vốn hiện đang được quản lý bởi VAMC. Và sẽ ảnh hưởng đến việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cho ngân hàng này trong năm 2022.
– Do đó, MBS dự báo mức tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 13,5%-14%, tương đương với năm 2021.
– Ngoài ra, trích lập dự phòng giảm mạnh khi tiến hành định giá lại giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản. Tính đến cuối quý III/2021, tỷ lệ bất động sản chiếm hơn 83,8% danh mục tài sản thế chấp.
– Bên cạnh đó, với việc ngân hàng tái ký với Daiichi Life, thu nhập ngoài lãi được gia tăng mạnh, ước tính mức phí trả trước dự kiến sẽ đạt 250 triệu USD và sẽ được ghi nhận trong năm 2022. NIM hợp nhất quý I của Sacombank có sự suy giảm so với cuối năm 2021 do lãi vay trung bình có sự suy giảm mặc dù chi phí vốn (COF) vẫn cải thiện so với cùng kỳ. Chi phí tín dụng vẫn ở mức 0,75%, ngang bằng với cả năm 2021.
– Qua đây có thể thấy hiệu quả hoạt động của Sacombank chưa thực sự tốt vì hầu hết nguồn lực được sử dụng nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản và hạn chế tăng trưởng tín dụng.
• SeABank được DFC cấp khoản vay 200 triệu USD
– Ngày 14/6, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã công bố thông qua khoản tài chính lên tới 1,4 tỷ USD cho 34 dự án ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
– Trong đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được cấp khoản vay lên tới 200 triệu USD nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khủng hoảng khí hậu.
– Trước đó, SeABank đã được Tổ chức tài chính quốc tế – IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.
– Cuối tháng 4, SeABank đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng thông qua việc chào bán thành công hơn 181,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng đạt hơn 1.306 tỷ đồng, tăng trưởng 87,1% so với cùng kỳ năm 2021.
4.NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 21/06/2022, đầu phiên sáng VNINDEX đã mở gap tăng lên mốc 1.180 điểm, sau đó nhanh chóng giảm dần về quanh mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng mạnh. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.169,27 điểm, giảm nhẹ 3,2 điểm (-0,27%).
– Về độ rộng thị trường, tuy là một phiên giảm điểm nhẹ nhưng phe mua chiếm ưu thế khi có 295 mã tăng/181 mã giảm. Trong đó có tới 59 mã tăng trần và 36 mã giảm sàn. Tổng số lượng mã tăng chiếm gần 58% số trên sàn HOSE. Thanh khoản phiên giao dịch ngày hôm nay có sự sụt giảm nhẹ so với phiên hôm qua, đạt 13.314,59 tỷ đồng.
– Nguyên nhân chính khiến chỉ số VNINDEX giảm điểm đến từ các cổ phiếu trụ gồm GAS (-4,162 điểm), VCB (-2,108 điểm) và MSN (-1,856 điểm). Các mã tăng điểm hỗ trợ chỉ số chủ yếu là ngành Ngân hàng như TCB (+1,656 điểm), VPB (+1,417 điểm), MBB (+0,99 điểm).
– Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận sự hồi phục với 5/10 nhóm ngành tăng tăng điểm. Trong đó tăng nhiều nhất là nhóm ngành Tài chính (+3,62%), Nguyên vật liệu (+1,71%), các nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe, Bất động sản và Công nghiệp có mức tăng dưới 1%. Ở chiều ngược lại, giảm nhiều nhất vẫn là nhóm ngành Dịch vụ tiện ích và Công nghệ thông tin, hơn 5%, các nhóm ngành còn lại giảm từ 3-4%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính với hơn 2.500 tỷ đồng, Công nghiệp đạt 2.161 tỷ đồng và Nguyên vật liệu đạt 1.362 tỷ đồng.
– Khối ngoại vẫn khá cẩn trọng khi trong phiên hôm nay chỉ mua ròng với giá trị gần 29 tỷ đồng, tập trung vào các mã FUEVFVND (56,28 tỷ đồng), HPG (38,61 tỷ đồng) và STB (36,76 tỷ đồng). Chiều bán ròng có các mã như VNM (-87,56 tỷ đồng), AGX (-61,6 tỷ đồng) và VNM (-55,8 tỷ đồng).
– Phiên giao dịch ngày hôm nay tiếp tục là phiên giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán tại vùng hỗ trợ đáy quanh mốc 1.160 điểm. Các nhóm cổ phiếu Bán lẻ, Công nghệ thông tin, Thủy sản, Tiện ích có nhiều mã giảm sàn và gần sàn. Trong khi đó nhóm cổ phiếu trụ là Ngân hàng, Chứng khoán, Thép có đà hồi phục tốt sau chuỗi những phiên giảm điểm mạnh. Tuy vậy nhà đầu tư cũng chưa nên vội tham gia mua đuổi với 3 nhóm cổ phiếu này, đặc biệt trong giai đoạn VNINDEX đang ở vùng hỗ trợ quan trọng trước khi có thể xác nhận xu hướng hồi phục hay tiếp tục điều chỉnh.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0