DCall Podcast ngày 22.07.2022 – NLG lãi 111 tỷ trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,3 lần cùng kỳ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/07/2022

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

• Nord Stream 1 vận hành trở lại, châu Âu ‘thở phào’ 

– Đơn vị vận hành hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), nối Nga với Đức, cho biết hoạt động trung chuyển khí đốt tới châu Âu đã được khởi động lại trong sáng ngày 21/7 theo giờ châu Âu. 

– Dữ liệu trên website của đơn vị vận hành cho thấy lưu lượng khí đốt tăng từ 0 lên 29.284.591 kWh/h trong khoảng từ 6-7h00 giờ CET ngày 21/7. 

– Vài ngày qua, một số quan chức châu Âu lo ngại Nga có thể cắt đứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Nord Stream 1 sau khi hệ thống đường ống này dừng hoạt động phục vụ công tác bảo trì. Các quốc gia châu Âu, vốn nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng nhằm thay thế Nga, giờ đây có thể “thở phào”. 

– Dù đường ống Nord Stream 1 hoạt động trở lại, EU vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong trường nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn. Trước đó, EU đặt ra mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15% trước thời điểm cuối tháng 3/2023, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

• Xuất khẩu dệt may cuối năm gặp nhiều thách thức 

– Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc kim ngạch xuất khẩu đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2021. 

– Như vậy, ngành dệt may xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021. Đây là nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. 

– Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi nhiều đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, … vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. 

– Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên liệu, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 – 25%. 

– Dù vậy, song toàn ngành dệt may vẫn hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 20-21 tỷ USD trong nửa cuối năm, đưa trị giá xuất khẩu cả năm cán đích khoảng 42-43 tỷ USD. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

• DPR: Lợi nhuận sau thuế của Cao su Đồng Phú đạt cao nhất trong 5 năm 

– Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) vừa công bố, trong quý II/2022, công ty đã thu về 295,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 73,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 120% so với quý II/2021. Đây cũng là mức lãi cao nhất của quý II hàng năm công ty đạt được trong vòng 5 năm qua. 

– Tính chung 6 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17%, đạt mức 499,7 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2021 đạt 425,8 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức 119,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. 

– 6 tháng đầu năm, theo báo sản xuất kinh doanh của Cao su Đồng phú, doanh nghiệp đã thu về 4.738,7 tấn cao su, trong đó sản lượng chế biến là 4.738,6 tấn. Giá bán cao su bình quân của doanh nghiệp đạt mức 42,7 triệu đồng/tấn, so với cùng kỳ năm 2021 thấp hơn 7% 

– Trong năm 2022, Cao su Đồng Phú đặt chỉ tiêu doanh thu của công ty ở mức 910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng với giá bán bình quân ở mức 38 triệu đồng/tấn. Diện tích vườn cây cao su tự khai thác năm 2022 đặt mục tiêu đạt 4.780 ha, trong đó, diện tích cao su khai thác ở Campuchia năm 2022 đạt mức 5.110 ha. 

• NLG: Đầu tư Nam Long lãi 111 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,3 lần cùng kỳ 

– Trong báo cáo quý 2/2022, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 1.241 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó doanh thu từ bất động sản đạt gần 1.146 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 25 tỷ đồng. Doanh số đến từ 5 dự án: Mizuki Park (TP HCM), Izumi City (Đồng Nai), Akari City (TP HCM), Southgate (Long An ) và Cần Thơ. Với giá vốn tăng chậm hơn, lãi gộp của NLG ghi nhận hơn 561 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ. 

– Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng là điểm sáng của NLG khi lãi tiền gửi của Công ty ghi nhận hơn 26 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng gấp đôi, chi phí bán hàng tăng gấp 9 lần, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 45%. Lợi nhuận sau thuế, NLG đạt gần 111 tỷ đồng trong quý 2/2022, gấp 2,4 lần cùng kỳ. 

– Dự kiến trong quý 3 và 4 năm nay, Nam Long tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm thuộc 5 dự án trên. Cùng với đó, vào tháng 12, dự kiến 210 sản phẩm đầu tiên thuộc dự án Paragon Đại Phước (Đồng Nai) cũng sẽ được giới thiệu ra thị trường, ước tính doanh số 4.326 tỷ đồng. 

• Vĩnh Hoàn lãi quý II gấp hơn 3 lần cùng kỳ 

– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý II với doanh thu 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 784 tỷ đồng, gấp 3 lần. Đây là mức lãi cao nhất tính theo quý kể từ khi niêm yết, quý đứng thứ 2 là quý III/2018 với 609 tỷ đồng. 

– Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp cá tra tiếp tục cải thiện từ 18,45% lên 25,95%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý có mức tăng thấp hơn doanh thu với lần lượt 41% và 37%. 

– Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu đạt 7.494 tỷ đồng, tăng 81%; lãi ròng 1.332 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. EPS đạt 7.263 đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Công ty thực hiện 58% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm 

– Doanh nghiệp cho biết sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận quý II cũng như nửa đầu năm tăng cao. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều phục hồi tốt trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng lập đỉnh 5 USD/kg, cao hơn gần 2 USD có với cùng kỳ năm trước. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

– Phiên giao dịch ngày 21/07/2022, chỉ số VNINDEX hưng phấn ngay từ đầu phiên sáng khi tiếp tục mở GAP tăng điểm và chạm sát tới mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tham gia khá mạnh tại vùng điểm này đã khiến chỉ số liên tục rung lắc trong biên độ hẹp đến kết phiên, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.198,47 điểm, tăng nhẹ hơn 4 điểm (+0,36%)   

– Về độ rộng thị trường, tuy là phiên tăng điểm nhẹ nhưng phe bán chiếm ưu thế, thể hiện trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” khi có tới 247 mã giảm/197 mã tăng. Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ khi chỉ đạt 12.119,334 tỷ đồng.  

– Đóng góp cho việc duy trì chỉ sổ VNINDEX là nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 như MWG (+1,078 điểm), MSN (+0,904 điểm) và SAB (+0,847 điểm). Ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số điển hình là cổ phiếu VHM (-0,885 điểm), tiếp theo là BCM (-0,21 điểm) và PLX (-0,164 điểm).  

– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận 4/10 nhóm ngành giảm điểm, giảm nhiều nhất là nhóm ngành Năng lượng (-1,07%); Dịch vụ tiện ích, Công nghiệp và Bất động sản giảm nhẹ dưới 0,5%. Chiều ngược lại, hồi phục tốt nhất là nhóm ngành Tiêu dùng (+3%), Chăm sóc sức khỏe (+1,9%). Các ngành còn lại có mức tăng dưới 1%. Top nhóm ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Tài chính (3,067 tỷ đồng), Công nghiệp (1,832 tỷ đồng) và Bất động sản (1,386 tỷ đồng).  

 – Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng với giá trị đạt 387,68 tỷ đồng, tập trung giải ngân vào các cổ phiếu SSI (+64,06 tỷ đồng), LPB (+52,65 tỷ đồng) và GAS (+41,41 tỷ đồng). Chiều bán ròng chủ yếu đến từ VHM (-37,81 tỷ đồng), FUEVFVND (-16,61 tỷ đồng) và E1VFVN30  (-16,4 tỷ đồng).   

– Chỉ số VNINDEX tiếp tục chịu áp lực bán tại vùng 1.200 điểm. Thanh khoản có phần sụt giảm thể hiện tâm lý thị trường có phần cẩn trọng trong phiên diễn ra đáo hạn hợp đồng phái sinh. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi khối lượng bán của thị trường tại mốc 1.200 điểm, nếu lực cầu có dấu hiệu suy yếu thì khả năng VNINDEX sẽ có nhịp test lại vùng 1.160 – 1.180 điểm. Thời điểm này, nhà đầu tư nên ưu tiên đứng ngoài quan sát, chờ đợi tín hiệu xác nhận lực mua hay lực bán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế để đưa ra những quyết định giao dịch phù hợp. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest