DCall Podcast ngày 20/09/2022 – FPT: Lãi sau thuế 8 tháng tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm gần 1.7 tỷ USD vào hệ thống tài chính 

– Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất của hợp đồng repo ngược (reverse repos) kỳ hạn 14 ngày, đồng thời bơm thanh khoản để đáp ứng cho nhu cầu tiền ngày càng cao vào giai đoạn cuối quý. 

– Cụ thể, PBoC bơm 2 tỷ Nhân dân tệ (gần 287 triệu USD) thông qua hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày và thêm 10 tỷ Nhân dân tệ (hơn 1.4 tỷ USD) thông qua repo ngược kỳ hạn 14 ngày. 

– PBoC cho biết động thái bơm tiền là để “duy trì thanh khoản ở mức ổn định trong giai đoạn cuối quý 3/2022”, theo tuyên bố. 

– PBoC cũng nối lại nghiệp vụ repo ngược kỳ hạn 14 ngày lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1/2022, đồng thời hạ lãi suất với hợp đồng này từ 2.25% xuống 2.15%. 

– Trước đó, PBoC cũng đã giảm một số loại lãi suất chủ chốt – bao gồm cả lãi suất hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày – để thúc đẩy nhu cầu tín dụng và vực dậy nền kinh tế.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Giá xuất khẩu cao su giảm nhưng tăng trưởng từ các thị trường vẫn khả quan 

– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 219.260 tấn cao su, giá trị 332,36 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 4,2% về giá trị so với tháng 7/2022, còn so với tháng 8/2021 tăng 15,9% về lượng và tăng 7,1% về giá trị. 

– Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.516 USD/tấn, giảm 6,6% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam đã ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp giảm và hiện đang ở vùng giá thấp so với mức giá xuất khẩu trung bình của năm 2021. 

– Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,2 triệu tấn, giá trị 2,01 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khi chiếm tới 69,8% tổng lượng cao su xuất khẩu, đạt 840.110 tấn cao su, giá trị 1,36 tỷ USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.  

– Bên cạnh đó, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonesia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị so với tháng 8/2021. Đặc biệt, có những thị trường đã tăng trưởng tới 2 con số như Ấn Độ (tăng trưởng 45,5% về lượng và 44,3% về giá trị), Nga (tăng 55,8% về lượng và 51% về giá trị) và Brazil (tăng 45,2% về lượng và 32,1% về giá trị). 

• Lần đầu dệt may đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD/tháng 

– Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng gần đây xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng trưởng tốt và liên tiếp lập kỷ lục về giá trị. Đặc biệt trong tháng 8.2022, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành này đạt tới con số 4 tỷ USD/tháng, tăng 8,7% so với tháng trước đó. 

– Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may đạt trên 26 tỷ USD, tăng 24,3%, tương ứng tăng 5,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Dệt may là ngành đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. 

– Một số thị trường chủ lực của sản phẩm dệt may Việt Nam đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thị trường Mỹ đạt gần 13 tỷ USD, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD; EU đạt trên 3 tỷ USD, tăng 41%, tương ứng tăng 879 triệu USD; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22%, tương ứng tăng 458 triệu USD; Hàn Quốc đạt 2,1 tỷ USD, tăng trên 20%, tương ứng tăng 365 triệu USD so với cùng kì năm 2021. 

– Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhóm hàng dệt may trong tháng 8 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trên 19 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

3.THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• FPT: i sau thuế 8 tháng đạt 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ 

– Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng mạnh. Hai thị trường khả quan nhất là Mỹ (tăng 42%) và APAC (tăng 61%). Thị trường Nhật Bản cũng có sự phục hồi đáng kể. 

– Trong tháng 8, doanh thu thuần của FPT đạt 3.841 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng 8 cùng kỳ 2021; lãi trước thuế 739 tỷ, tăng 28%; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 503 tỷ. 

– Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.409 tỷ đồng và 3.117 đồng, tăng 29,6% và 29%. 

– Năm 2022, FPT lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy sau 8 tháng, FPT đã thực hiện được lần lượt 64% và 65% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. 

– Trong 8 tháng đầu năm, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của FPT với tỷ lệ lần lượt là 57% và 46%, tương ứng với doanh thu mảng này là 15.481 tỷ và lợi nhuận là 2.256 tỷ. Các mảng khác như viễn thông cũng như giáo dục, đầu tư và khác cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số so với cùng kỳ 

• TNG: Lãi sau thuế 8 tháng tăng 44% so với cùng kỳ 

– Theo BCTC tháng 8/2022 vừa được công bố, doanh thu tháng 8 của TNG đạt 697 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và vượt 3% so với kế hoạch tháng. Trong đó, doanh thu đến từ xuất khẩu chiếm 99% (tương ứng 687 tỷ đồng), với phần lớn là các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ (40%) và Pháp (29%). 

– Trong tháng 8, giá vốn hàng bán tăng 20%, đạt hơn 593 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm 11%, còn hơn 7 tỷ đồng. Chi phí tài chính bật tăng mạnh hơn 44%, lên gần 23 tỷ đồng. Dẫu vậy, Công ty vẫn báo lợi nhuận sau thuế hơn 37.6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. 

– Lũy kế 8 tháng đầu năm, TNG báo doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 4.7 ngàn tỷ đồng và 204 tỷ đồng, tương ứng tăng 33% và 44% so với cùng kỳ. 

• PPC: Ước tính lãi trước thuế 8 tháng vượt 35% kế hoạch năm 

– Ngay từ các tháng đầu năm, PPC đã nhận định năm 2022 Công ty sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, sự cố tổ máy 6 Dây chuyền 2 chưa được khắc phục, thiết bị Dây chuyền 1 xuống cấp sau nhiều năm vận hành, cùng với giá cả, nguồn cung cấp của nhiêu liệu chính là than đá có nhiều biến động. 

– Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi, PPC vẫn ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 376,53 tỷ đồng, vượt 35,5% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận từ sản xuất điện là 111,8 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 255,4 tỷ đồng. 

– Trong các tháng cuối năm 2022, PPC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đặt ra theo kế hoạch, phấn đấu các tổ máy 2 dây chuyền vận hành ổn định; thực hiện sửa chữa khắc phục sự cố tổ máy 6 đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ đã đăng ký. Đem lại lợi nhuận cao cho chủ sở hữu, thu nhập cho người lao động. 

– Được biết, năm 2022, PPC đặt mục tiêu đạt 5,428 tỷ đồng doanh thu và 278 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 24% và 57% so với thực hiện năm 2021.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 19/9/2022, chỉ số VNINDEX diễn biến tiêu cực ngay từ phiên sáng đầu tuần. Đà giảm tăng mạnh dần về cuối phiên chiều khi các cổ phiếu trụ mất lực nâng đỡ thị trường và sức nặng của tâm lý bán tháo khiến VNINDEX mất 28,6 điểm, dừng chân ở mốc 1.205,43 điểm (-2,32%).  

– Về độ rộng thị trường, VNINDEX chìm trong sắc đỏ với 399 mã giảm, 64 mã tăng, 42 mã tham chiếu. Số mã giảm chiếm gần 76% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước, đạt 16.706 tỷ đồng.  

– Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường là cổ phiếu GVR (-1,72 điểm), BID (-1,664 điểm), GAS và VCB giảm quanh 1,4 điểm.  Chiều hỗ trợ nâng đỡ chỉ số VNINDEX có VIC (+0,386 điểm), ngoài ra có EIB, FPT có tổng đóng góp khoảng 0,3 điểm.  

– 10/10 nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm Năng lượng (-5,25%), tiếp theo là Công nghiệp (-3,53%), Nguyên vật liệu (-3,13%). Duy chỉ có Công nghệ thông tin giảm nhẹ 0,01%. Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 3%. Top 3 các nhóm ngành có giá trị dịch lớn gồm Tài chính (3.358 tỷ đồng), Công nghiệp (2.854 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (2.370 tỷ đồng).  

– Trái ngược với tâm lý tiêu cực chung của thị trường, khối ngoại quay lại mua ròng hơn 149,43 tỷ đồng với đại diện là HPG (121,5) tỷ đồng, DGC (38,98 tỷ đồng) và VNM (29,4 tỷ đồng). Ngược lại, khối này tập trung bán VND (-21,62 tỷ đồng), DGW (-19,89 tỷ đồng) và IDC (-11,48 tỷ đồng).   

– Phiên hôm qua, mặc dù lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên giúp VNINDEX không đóng cửa ở mốc thấp nhất ngày nhưng việc thị trường liên tiếp đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng đã phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái khá tiêu cực. Nếu hôm nay lực bán tiếp tục gia tăng thì khả năng VNINDEX sẽ tiến đến lấp gap vùng 1.190 -1.200 điểm mở ra từ phiên 28/7. 

– Nhà đầu tư hạn chế bán tháo theo thị trường, có thể chờ đợi những nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Tham gia bắt đáy thời điểm này sẽ khá rủi ro khi áp lực bán vẫn còn mạnh và chưa có dấu hiệu đà giảm sẽ kết thúc.  

—————————— 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 20/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest