DCALL PODCAST NGÀY 20.06.2022 – Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, cao nhất gần 3 thập kỷ

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

  • Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, cao nhất gần 3 thập kỷ 

Kết thúc cuộc họp ngày 14-15/6/2022, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% – mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5% – 1,75%, cao nhất kể từ ngay trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 3/2020. 

Các thành viên FOMC đã đặt ra một lộ trình nâng lãi suất quyết liệt trong thời gian tới nhằm chế ngự lạm phát đang tăng với tốc độ chưa từng có kể từ tháng 12/1981. Theo mức trung bình dựa theo dự đoán của từng thành viên, lãi suất chuẩn của Fed sẽ kết thúc năm ở mức 3,4%. Giới chức cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, dự báo mức tăng chỉ đạt 1,7% trong khi tháng 3 ước tính là 2,8%. 

FED cũng cho biết sẽ giữ nguyên lộ trình thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 6/2022, bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng, sau ba tháng sẽ là 95 tỷ USD mỗi tháng. 

Mức tăng 0,75% là mức cao hiếm gặp trong lịch sử chính sách của FED, cơ quan này đã phải mạnh tay hơn dự định ban đầu trong bối cảnh lạm phát Mỹ liên tục đạt đỉnh 40 năm. FED tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu của thị trường, qua đó thu hẹp khoảng cách cung-cầu và điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc FED siết chặt chính sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại cũng kéo theo rủi ro về khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào “đình lạm” (stagflation). 

  • Chỉ số đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 20 năm 

Đồng đô la đã tăng trở lại vào thứ Sáu, phục hồi từ mức thấp nhất trong một tuần sau khi giảm trong hai ngày với quyết định tăng lãi suất của Feb. Ngày 19/06/2022, chỉ số đồng USD đạt 104,65 điểm, mức cao trong vòng 20 năm qua.  

Sức mạnh của đồng bạc xanh tiếp tục được củng cố sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, một động thái lịch sử để chống lạm phát và dự báo một nền kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong những tháng tới. 

Trong bối cảnh giá USD trên thị trường quốc tế treo cao, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD cũng tăng thêm 24 đồng/USD sau 1 tuần, lên mức 23,089 đồng trong ngày 17/06/2022. 

Ngân hàng Nhà nước vẫn niêm yết giá mua giao ngay ở mức 22,550 đồng/USD và giá bán ở mức 23,250 đồng/USD. Đồng thời, giá USD/VND ngân hàng tăng 70 đồng ở cả 2 chiều so với tuần trước, lên mức 23,070 đồng/USD (mua vào) và 23,380 đồng/USD (bán ra). 

Đồng đô la đã được hỗ trợ bởi sự trợ giúp kép của đà thắt chặt của Fed và sự chao đảo trong nền kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai điều kiện này sớm bị đảo ngược. Đồng thời, trong bối cảnh lo ngại tác động kinh tế của việc thắt chặt nhanh chóng các chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, đồng đô la tiếp tục được kỳ vọng mạnh lên trong thời gian tới. 

  • Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục 

Trung Quốc vừa công bố một loạt các dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo trong tháng 5, quãng thời gian nền kinh tế số 2 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.  

Sản lượng công nghiệp tăng 0,7% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Trong tháng 4, chỉ số này bất ngờ giảm 2,9%.  

Doanh thu bán lẻ giảm 6,7% trong tháng vừa qua so với 1 năm trước đó.Theo kết quả khảo sát của Reuters, các chuyên gia phân tích ước tính chỉ số này giảm 7,1%. Mức giảm thực tế cũng thấp hơn so với tháng trước, khi doanh thu bán lẻ giảm tới 11,1%.  

Xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 3,9% của tháng 4. Nhập khẩu tăng 4,1% so với cùng kỳ, tăng lần đầu tiên trong 3 tháng. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực được nhận định là nhờ vào việc cảng Thượng Hải – cảng lớn nhất của Trung Quốc đã được mở cửa trở lại vào tuần cuối cùng của tháng 5. 

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, so với mức tăng 8,0% của tháng 4. Đây là ngưỡng thấp nhất ghi nhận từ tháng 3/2021. PPI tăng chậm do nhu cầu thép, nhôm và nhiều hàng hóa công nghiệp quan trọng khác giảm xuống do đại dịch Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đồng với tháng 4. 

Những tín hiệu tích cực đã đến sau khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó bởi các đợt phong tỏa trên diện rộng và các công ty công nghệ, bất động sản sụt giảm hoạt động vì bị siết chặt chính sách quản lý. Trong bối cảnh các quy định phòng dịch không còn quá khắt khe và chính sách tiền tệ được điều chỉnh theo hướng có lợi hơn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm. 

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG 

  • Chỉ số trái phiếu toàn cầu sắp bước vào thị trường giá xuống 

Tính đến ngày 16/6/2022, chỉ số trái phiếu toàn cầu giảm 19,7%  so với mức kỷ lục vào tháng1/2021. 

Thị trường trái phiếu đã biến động tiêu cực kể từ 10/6 sau khi lạm phát  tháng 5 của Mỹ đã tăng lên 8,6%. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ cũng lên mức cao nhất kể từ năm 2007. 

Việc bán tháo của thị trường trái phiếu đã thổi bay gần 10 nghìn tỷ USD giá trị trái phiếu toàn cầu trong năm nay, xóa sạch lợi nhuận thu được sau khi các Ngân hàng Trung ương thực hiện các biện pháp nới lỏng chưa từng có. 

Hiện tại, chỉ số trái phiếu toàn cầu đã giảm 16% vào 2022, gấp hơn ba lần mức sụt giảm mạnh hàng năm kể từ 1990. 

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang trên đà bước vào thị trường giá xuống sau khi lạm phát của Mỹ tăng nhanh nhất trong 4 thập kỷ. Điều này đã, đang và sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thực hiện các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong thời gian tới với mức độ cao hơn. 

 3. KÊNH CỔ PHIẾU

  • Cổ phiếu tiêu điểm (ANV, BSR, PVS, NLG ) 
  • ANV – ANV đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ, gấp 6,6 lần năm 2021. 

Ngày 11/06/2022, ĐHĐCĐ thường niên của ANV thông qua kế hoạch khá tham vọng với doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng – gấp 6,6 lần năm ngoái. Chỉ tiêu này được điều chỉnh tăng so với con số trước đó công bố trong BCTN (doanh thu về 4.900 tỷ – tăng 40% và 720 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 4,8 lần năm 2021) 

ANV đặt mục tiêu tiếp tục áp dụng công nghệ cao để tự chủ về con giống cá tra chất lượng cao, đầu tư sản xuất Colagen và Genlatin, công suất 780 tấn/năm (dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành và đưa vào sử dụng). 

ANV là một trong 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng thuế bán phá giá 0%. Dự kiến ANV sẽ xuất khẩu lại vào thị trường mỹ từ tháng 8/2022 sau khi rời thị trường này năm 2016. 

Quý 1/2022, ANV ghi nhận lãi ròng hơn 206 tỷ đồng, tăng hơn 3,2 lần cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh 40 – 70%. 

ANV là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ ba tại Việt Nam với thị phần xuất khẩu đạt khoảng 6% vào năm 2021. Năm 2022, ANV có triển vọng tích cực do (1) ANV là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có chuỗi giá trị cá tra khép kín với khả năng tựu chủ 100% về con giống, thức ăn cho cá và cả vùng nuôi cá rộng 700 hecta. (2) Việc mở rộng sang các sản phẩm collagen và gelatin (C&G) và sự đóng góp ngày càng tăng từ thị trường Mỹ đẹm lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn.  

Khuyến nghị: Dự báo ANV sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm nay đạt được kế hoạch đặt ra, LNST 2022 đạt 1000 tỷ đồng ~ tương đương với P/Efw 2022 là 8 lần. 

Phân tích kỹ thuật: 

ANV tăng ấn tượng so với tuần giao dịch trước (tăng 16,67%), tiếp tục thiết lập đỉnh lịch sử trong tuần này. 

ANV là một trong số các đại diện khỏe nhất ngành Thủy sản và toàn thị trường nói chung khi vẫn đang giữ được xu hướng tăng và tiếp tục lập đỉnh mới ngay trong tuần này. Nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ, có thể gia tăng tỷ trọng nhỏ tại các nhịp điều chỉnh khi cổ phiếu về lại vùng quanh 57-60 +/-. 

Đối với các điểm mua mới, do cổ phiếu này hiện tại đã ở vùng cao so với định giá, dẫn đến rủi ro cũng cao hơn, nhà đầu tư ưu nên cân đối để tỷ trọng cổ phiếu này không quá 30% trong danh mục. 

  • Crack spread tiếp tục duy trì ở mức cao tác động trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của BSR. 

Doanh thu thuần quý 1 đạt 34,783 tỷ đồng (+65,3% yoy) và LNST đạt 2,312 tỷ đồng (+25,1% yoy). Sản lượng tiêu thụ quý 1/2022 đi ngang, đạt 1,594 nghìn tấn (+2.4% yoy).  

Trong 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp có sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 2,84 triệu tấn và 2,75 triệu tấn, tương đương với việc hoàn thành 44% và 42% kế hoạch cả năm do công ty đề ra 

Crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và thành phẩm) sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ vào nhu cầu hồi phục và tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thành phẩm. 

Do những trục trặc trong vận hành của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên trong tháng 4 và 5 vừa qua, BSR đã chạy lên tới 109% công suất thiết kế; có những giai đoạn chạy lên tới 112% công suất thiết kế để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. 

BSR trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng và LNST 1.295 tỷ đồng, tương ứng giảm 10% và 81% so với thực hiện năm 2021 (giả định giá dầu 60$/thùng). 

Khuyến nghị: 

Dung Quất sẽ vận hành ổn định, với hiệu suất 108% trong năm 2022 do không phải thực hiện đại tu (BSR đại tu 3 năm/lần với khoảng thời gian 50 – 52 ngày, đợt gần nhất là năm 2020) và bù đắp sản lượng thiếu hụt do NMLD Nghi Sơn giảm công suất. 

BSR đang nghiên cứu kế hoạch nâng cấp & mở rộng NMLD Dung Quất, nâng công suất lên 7.6 triệu tấn/năm (+16%). Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 và đưa vào vận hành thương mại từ năm 2026. 

Dự báo LNST BSR đạt 12,500 tỷ đồng (+86% yoy) tương ứng với mức P/E dự phóng đạt ở mức 8.1x thấp hơn mức P/E trung bình 3 năm của doanh nghiệp – mức hấp dẫn cùng triển vọng tăng giá của giá dầu thế giới trong năm 2022. 

Phân tích kỹ thuật: 

BSR tiếp tục diễn biến tích cực so với cả ngành Dầu khí và thị trường nói chung trong  tuần giao dịch 13-17/06 

BSR là một trong số các đại diện khỏe nhất ngành Dầu khí và toàn thị trường nói chung khi vẫn đang giữ được xu hướng tăng và tiếp tục lập đỉnh mới ngay trong tháng 6.  

Vùng 32-33.5 +/- là kháng cự mạnh, nhà đầu tư có thể chốt lời trong vùng này nếu đã đạt được lợi nhuận tương đối (hoặc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu) và mở mới vị thế với tỷ trọng nhỏ tại các nhịp điều chỉnh. 

  • PVS trên đà phục hồi từ năm 2022 và các cơ hội việc làm từ dự án Lô B và các dự án LNG/điện gió ngoài khơi. 

Năm 2022, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng (-32% yoy) và LNST đạt 488 tỷ đồng (-27,9% yoy). Tỷ lệ cổ tức dự kiến 7%.  

Quý 1/2022, PVS đạt doanh thu và LNST lần lượt đạt 3.769 tỷ đồng (+44,2% yoy) và 216 tỷ đồng (+49.5% yoy) nhờ được thúc đẩy bởi 1) khối lượng công việc lớn hơn cho mảng M&C, 2) lợi nhuận ổn định từ mảng FSO/FPSO và 3) khoản lợi nhuận bất thường trị giá 50 tỷ đồng từ thanh lý tài sản. 

Trong quý 1/2022, PVS có công việc từ trạm LNG Thị Vải và khối lượng công việc mới từ các hợp đồng quốc tế, bao gồm: 

  1. Dự án Gallaf Batch giai đoạn 3: dự kiến thực hiện từ 2022-2024. 
  2. Dự án điện gió Hải Long: tuy đây là hợp đồng giá trị nhỏ, biên LNG thấp nhưng sẽ giúp PVS tích lũy kinh nghiệm thi công các dự án điện gió ngoài khơi và bắt đầu tham gia mảng năng lượng tái tạo. 

Khuyến nghị: 

Giá khí LNG đang ở mức cao khiến dự án Lô B khả thi hơn. Mỏ khí Lô B là một trong những mỏ khí lớn nhất Việt Nam và có thể mang lại cho PVS một khối lượng công việc khổng lồ (hợp đồng M&C giá trị 1 tỷ USD). Dự kiến dự án có quyết định đầu tư cuối cùng trong 6T22, khởi công nửa cuối 2022, đóng góp vào lợi nhuận của PVS trong giai đoạn 2023-2026 và khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2027. 

Giai đoạn 2022 – 2024 có thể là giai đoạn tăng trưởng mạnh của PVS với giả định giá dầu tiếp tục duy trì mức cao kéo theo hàng loạt các dự án lớn được triển khai. Dự báo LNST năm 2022 đạt 930 tỷ đồng (+54 yoy) tương đương với P/Efw 2022 là 15.6 lần. 

Phân tích kỹ thuật 

PVS có tuần giao dịch tích cực so với tuần trước, tăng 2,36%. Tuy nhiên đà tăng này đã yếu dần về cuối tuần, phiên Thứ Sáu (17/06) cung-cầu lưỡng lự tạo ra cây nến Doji và chỉ tăng 0,65% so với phiên ngày hôm trước. 

PVS đang nỗ lực để lấy lại xu hướng tăng dài hạn. Sau khi chinh phục được MA200, cổ phiếu đang tiếp tục dao động quanh MA100. Tuy nhiên, thanh khoản giảm sút, lực cầu không đủ mạnh đã khiến cho đà tăng của cổ phiếu không được hỗ trợ tích cực. 

Nhà đầu tư đang có cổ phiếu PVS ưu tiên tiếp tục nắm giữ. Vùng 29-30.5 +/- có thể là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân nếu cổ phiếu tiếp tục quay về vùng này trong các phiên tới và tạo thành nền tích lũy ngắn hạn. 

  • NLG – Doanh số 5 tháng đầu năm đã đạt 7,800 tỷ đồng, sắp nhận ngàn tỷ từ IFC. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh số NLG ước đạt trên 7,800 tỷ đồng, thực hiện khoảng gần 35% chỉ tiêu doanh số đã đề ra trong năm 2022. 

Ban lãnh đạo đặt kế hoạch LNST năm 2022 đạt 1,21 nghìn tỷ đồng (+13% yoy), LNST năm 2023 đạt 2,0 nghìn tỷ đồng (+66% so với kế hoạch năm 2022), chủ yếu được thúc đẩy bởi việc bàn giao của tất cả các dự án trọng điểm 

Để thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian tới, NLG sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt khu đô thị lớn như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1 – 165 ha), Mizuki (26 ha), Izumi City (170 ha), Akari, Nam Long – Cần Thơ (43 ha), Nam Long Đại Phước (45 ha),… với mục tiêu tổng doanh số đạt 2 tỷ USD trong 3 năm tới. 

Hiện Tập đoàn đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị nhận giải ngân 1,000 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc Tế – IFC. Nam Long cho biết sẽ sử dụng số tiền cho giai đoạn 2 của dự án nhà ở Waterpoint (dự án có tổng diện tích 355 ha, thuộc địa phận tỉnh Long An), chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án Waterpoint giai đoạn 2 khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. 

Khuyến nghị: 

NLG sở hữu quỹ đất dự án quy mô lớn (684 ha) với giá vốn thấp. Định hướng trong 2022-2030 Nam Long trở thành Nhà phát triển Khu đô thị tích hợp với việc đa dạng hóa các phân khúc nhà ở tại các KĐT. NLG sẽ có cơ hội triển khai nhiều dòng sản phẩm đa dạng trung – cao cấp bên cạnh duy trì dẫn đầu phân khúc “vừa túi tiền” có thị trường bền vững như Ehome/Flora/Valora. 

NLG là đối tác của nhiều tập đoàn quốc tế, đa số các dự án đều liên doanh 50% với các đối tác Nhật Bản. Điều này khiến các dự án của NLG có được sự an toàn về thu hồi vốn, đồng thời chất lượng và tiến độ pháp lý & xây dựng luôn được đảm bảo. 

Doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng trưởng khả quan trong 2022-2023, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 ước đạt ~23.000-23.500 tỷ đồng. NLG đang được giao dịch ở mức P/E fw2022 là 11.8 lần (dự báo LNST đạt mức 1.2 nghìn tỷ đồng) 

Phân tích kỹ thuật 

NLG giảm 13,05% so với tuần giao dịch trước, ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp. 

NLG đang diễn biến khá tiêu cực khi cổ phiếu liên tục phá vỡ các hỗ trợ mạnh và trả lại thành quả nắm giữ trong vòng gần một năm qua (giá 37.3 được NLG thiết lập vào cuối tháng 7/2021) 

Hiện tại cổ phiếu đang về tới gần vùng quá bán, có thể kỳ vọng một (vài) phiên hồi tuy nhiên đây là cơ hội để thoát vị thế (vùng 39.6-40.8 +/-). 

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

  • Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng 
  • Vàng (phải) giảm trong phiên Thứ Sáu (17/06) về 1.839,35 USD/t.oz, kết tuần giảm 1,69% so với tuần trước, sau một loạt các đợt tăng lãi suất từ các NHTW lớn để kiềm chế lạm phát gia tăng đã làm rung chuyển thị trường tài chính. Ở chiều ngược lại, lo ngại những rủi ro tiềm ẩn trong kinh tế sau những đợt thắt chặt mạnh mẽ góp phần hỗ trợ cho giá vàng. Trong khi đó, chỉ số Dollar (trái) phục hồi trong phiên Thứ Sáu lên 104,7 điểm. 
  • Giá dầu thô Brent giao sau giảm 5% xuống 114 USD/thùng vào thứ Sáu, thấp nhất trong 3 tuần, hướng tới mức giảm hàng tuần đầu tiên kể từ đầu tháng Năm, do lo ngại rằng các đợt tăng lãi suất gần đây trên thế giới có thể gây ra suy thoái và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng lãi suất trong tuần, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong bối cảnh toàn cầu chống lại lạm phát gia tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng cảnh báo hôm thứ Tư rằng giá dầu tăng vọt và các dự báo kinh tế suy yếu đã làm mờ triển vọng nhu cầu trong tương lai. 
  • Giá thép giảm 1,04% trong tuần vừa rồi xuống mức 4552 NDT/tấn, giảm 12,6% so với mức đỉnh đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục yếu kết hợp với tồn kho tăng. Nhu cầu sản xuất suy giảm do lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu khi các NHTW đang tích cực thắt chặt và dịch bệnh ở Trung Quốc chưa thấy dấu hiệu chấm dứt. Mặt khác, tồn kho tăng đến từ việc các nhà máy đã xây dựng lại kho dự trữ sau những gián đoạn gây ra bởi chiến tranh Nga-Ukraine. 
  • Chỉ số vận tải biển chính của Baltic Exchange đã tăng ngày thứ tư liên tiếp lên 2.578 vào thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong hơn hai tuần, tăng 11,1% trong tuần này trong bối cảnh nhu cầu tàu thuyền tăng mạnh hơn. 
  • Tại sao doanh nghiệp cần phát hành trái phiếu? 

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển nhanh, năm 2021 đạt 15% GDP và đến nay quý 1/2022 đã đạt 16,4% GDP.  

Về mặt bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc lãi của Tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu, gần giống như việc doanh nghiệp đi vay.  Vậy tại sao các doanh nghiệp không tiếp tục vay ngân hàng mà lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp?  

Trước hết, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, bỏ qua kênh trung gian là ngân hàng, sẽ giúp đa dạng hóa dòng vốn, giảm rủi ro tập trung, tối ưu chi phí vốn cho doanh nghiệp và lợi tức của nhà đầu tư. 

Trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp huy động được kỳ hạn tối ưu theo nhu cầu. Các ngân hàng về bản chất là huy động vốn (chủ yếu là ngắn hạn) để cho vay doanh nghiệp (trong đó có những nhu cầu vay dài hạn). Để đảm bảo an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng thường bị giới hạn bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, dẫn đến nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp nhiều khi không thể được đáp ứng thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, kênh phát hành trái phiếu có thể giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn dài này cho các dự án kinh doanh chiến lược.  

Trong việc phát hành trái phiếu và đầu tư trái phiếu thì doanh nghiệp và NĐT là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Việc mua TPDN nghĩa là nhà đầu tư đã góp một phần vào việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng theo định hướng dài hạn và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời nhà đầu tư cũng được tiếp cận một kênh đầu tư mới với lợi tức tốt để đa dạng hóa danh mục tài sản. Tuy nhiên, khi đầu tư vào TPDN, nhà đầu tư cần có những hiểu biết nhất định về doanh nghiệp và trái phiếu cũng như lựa chọn tổ chức tư vấn, phân phối uy tín để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. 

  • Các dấu hiệu cho thấy xuất hiện rủi ro vỡ nợ chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp 

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh với CAGR 40% trong vòng 5 năm qua. Báo cáo mới nhất của FiinGroup cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo thông qua một số dấu hiệu: (1) Hoạt động phát hành đang kém sôi động trước những biện pháp lành mạnh hóa. Theo đó 5 tháng đầu năm 2022 quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm 28% so với cùng kỳ. Nếu không tính đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Vingroup, quy mô phát hành tháng 5 chỉ đạt 13,7 nghìn tỷ đồng. (2) Kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản làm cho cầu về trái phiếu bất động sản giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu phân khúc bất động sản có tính đầu cơ cao. (3) Hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là các nhà phát hành chưa niêm yết. Phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức chưa niêm yết, trong khi đó năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết. (4) Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao khi tính đến cuối tháng 4, khoảng 63% quy mô trái phiếu doanh nghiệp của bất động sản sẽ đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024). 

Nhìn chung, mặc dù có thách thức nhưng không thể không kỳ vọng về triển vọng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi nhiều dự án lớn trong tương lai đến từ các quy hoạch của nhà nước mà ngân hàng không thể tài trợ hết nhu cầu vốn dài hạn được. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải khơi thông và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, triển vọng này có phần phụ thuộc vào Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sắp được cơ quan quản lý ban hành tới đây. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest