DCall Podcast ngày 19/09/2022 – HAG: Đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng Bapi vào cuối năm 2023

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Lạm phát của Liên minh châu Âu EU vượt 10% trong tháng 8 

– Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) chạm mức 10.1% trong tháng 8/2022, cao hơn mức 9.8% của tháng 7/2022. Cách đây 1 năm, lạm phát của khu vực này chỉ là 3.2%. 

– Trong khi đó, ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9.1%, cao hơn mức 8.9% trong tháng 7. 

– Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8/2022 với 6.6%, kế đó là Malta với 7% và Phần Lan với 7.9%. 

– Ở chiều ngược lại, lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia vùng Baltic với lần lượt Estonia (25.2%), Latvia (21.4%) và Lithuania (21.1%). So với tháng 7/2022, lạm phát giảm ở 12 quốc gia thành viên và tăng ở 15 quốc gia khác. 

– Tại khu vực Eurozone, vấn đề tăng giá năng lượng góp phần lớn nhất gây ra tình tình trạng lạm phát, với tăng 3.95 điểm phần trăm. Tiếp đó là các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá (tăng 2.25 điểm phần trăm), dịch vụ (tăng 1.62 điểm phần trăm) và hàng công nghiệp phi năng lượng (tăng 1.33 điểm phần trăm). 

• Kinh tế Trung Quốc đã có một số tín hiệu tích cực 

– Trung Quốc vừa công bố một số dữ liệu kinh tế đáng chú ý, phần nào đó xoa dịu những quan ngại về tình hình tăng trưởng nền kinh tế số hai thế giới thời gian gần đây.   

– Theo đó, doanh số bán lẻ tăng 5,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo tăng 3,5% của Reuters. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng 4,2% trong cùng giai đoạn, cao hơn dự báo tăng 3,8% của giới chuyên gia.  

– Đầu tư tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm tăng 5,8%. Đầu tư vào hoạt động sản xuất tăng 10% so với tháng 8/2021. 

– Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng lại tăng chậm hơn so với tháng 7. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức giảm 5,2% trong tháng 7.  

– Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người lao động từ 16-24 tuổi giảm xuống 18,7% trong tháng vừa qua trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị giảm nhẹ xuống 5,3%. 

– Nhìn chung, nền kinh tế đang thể hiện sức chống chịu tốt đối với tác động của một loạt các yếu tố tiêu cực, nỗ lực duy trì khả năng phục hồi và tăng trưởng với một loạt các dữ liệu kinh tế khả quan”, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. 

• Giá trị đồng nhân dân tệ chọc thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 

– Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong phiên giao dịch cuối tuần trước, xuống mức 7,0166 ăn 1 đô la Mỹ và đã chọc thủng ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý (7 NDT ăn một đô la Mỹ). 

– NDT suy giảm về mức thấp nhất trong 26 tháng do áp lực tăng giá của đô la Mỹ và kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về một đợt tăng lãi suất thậm chí còn quyết liệt hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần này. 

– NDT chỉ mới 2 lần chạm ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc NDT vượt qua mức này có thể gây ra lo ngại dòng vốn tháo chảy khỏi đất nước trong bối cảnh giới chức trách ở Bắc Kinh muốn huy động nguồn lực để vực dậy một nền kinh tế đang lao đao vì các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 và cơn khủng hoảng của thị trường bất động sản. 

– Dữ liệu chính thức cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong tháng thứ 7 liên tiếp do họ bi quan trước sự suy yếu của NDT và mức chênh lệch lợi suất ngày càng lớn so với trái phiếu chính phủ Mỹ.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Chuỗi sản xuất giày dép toàn cầu chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam 

– Truyền thông quốc tế vừa dẫn “Báo cáo nghiên cứu về Ngành Da giày ở Việt Nam, 2022-2031” của Research and Markets – một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, cho biết: hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu da giày, chỉ sau Trung Quốc. 

– Cụ thể, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại đến hàng trăm quốc gia trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. 

– Báo cáo cũng cho biết hiện hai thương hiệu khổng lồ trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, và một phần của chuỗi giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí thấp hơn. 

– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,293 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu giày dép các loại đạt 16,368 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

– Như vậy, bình quân xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD/tháng, còn 4 tháng mới hết năm và còn 3,6 tỷ USD là cán đích mục tiêu. Với cơ sở này ngành da giày hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 22 – 23 tỷ USD trong năm 2022. 

• Bộ Công Thương không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu 

– Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Bộ Công Thương ra quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu kể từ ngày 7/9/2022. 

– Trước đó, ngày 20/10/2021, Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số một số sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu bởi đại diện ngành sản xuất trong nước. 

– Sau khi thẩm định, Cơ quan điều tra đánh giá không tồn tại hiện tượng chênh lệch giá, kìm giá, ép giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; lượng nhập khẩu là hợp lý và bổ sung nguồn cung đang thiếu của ngành sản xuất trong nước. 

– Do tình hình biến động chung trên thế giới, việc hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến vào Việt Nam sẽ ít có khả năng tái diễn trong thời gian tới, Bộ Công Thương quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu kể từ ngày 7/9/2022.  

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• HAG: Đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng bán thịt heo ăn chuối vào cuối năm 2023 

– Tại sự kiện ra mắt thương hiệu Bapi – Heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG), ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc công ty Bapi HAGL cho biết kế hoạch mở khoảng 200 cửa hàng Bapi trong năm nay.  

– Cụ thể, Bapi là cửa hàng chuyên bán thịt heo ăn chuối của HAGL và các sản phẩm từ thịt như xúc xích, giò chả, thịt nguội, heo xông khói… cùng các sản phẩm do công ty trồng như chuối, sầu riêng, tương lai còn có gà chạy bộ ăn chuối.  

– Mục tiêu đến năm 2023, HAGL có 1.000 cửa hàng Bapi, bao gồm cả mô hình nhượng quyền. Theo lãnh đạo HAGL, số lượng cửa hàng Bapi mở mới sẽ tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội. 

– Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho rằng với sản phẩm một cây – một con theo mô hình tuần hoàn, khép kín từ trồng trọt, thu hoạch, sản xuất, chế biến, HAGL đã “thoát nạn”. Nợ của HAGL từ đỉnh 28.000 tỷ đồng còn 8.000 tỷ đồng như hiện nay, con số không lớn so với quy mô doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong 8 tháng, HAGL lãi 781 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch năm nhờ bán ra hơn 136.000 con heo và 167.000 tấn chuối.  

– Theo ông Đức, thức ăn chăn nuôi chiếm 75% giá thành nuôi heo. Trong khi đó, mỗi năm, HAGL loại khoảng 200.000 tấn chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bán ra thị trường. Do đó, HAGL lựa chọn chuối làm thức ăn cho heo, vừa đảm bảo giá thành và chất lượng heo, vừa tận dụng được nguồn chuối thải loại.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 16/9/2022, VNINDEX đã chìm trong sắc đỏ hầu hết thời gian giao dịch. Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên chiều khiến VNINDEX giảm 11,63 điểm, đóng cửa mốc 1.234,03 điểm (-0,93%). 

– Về độ rộng thị trường, số mã giảm vượt trội với 368 mã giảm so với chỉ 95 mã tăng và 70 mã tham chiếu. Theo đó, số mã giảm chiếm gần 70% số mã trên sàn HOSE trong phiên cuối tuần trước. Thanh khoản trên mức trung bình 20 phiên, đạt 15.510 tỷ đồng. 

– Tác động tiêu cực đến thị trường đến từ nhóm cổ phiếu VN30, tiêu biểu là VIC (-1,351 điểm), HPG, GVR, CTG,VCB giảm quanh 0,8 điểm.  Trong khi đó hỗ trợ nâng đỡ chỉ số VNINDEX có NVL (+0,543 điểm), VCB (+0,342 điểm) và MSN (+0,288 điểm).    

– Với phiên giảm gần 12 điểm của VNINDEX, chỉ có nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu giữ được đà tăng nhẹ 0,14%. Chiều ngược lại, nhóm Nguyên vật liệu và Công nghiệp giảm mạnh nhất, hơn 2,2%. Các nhóm ngành còn lại giảm từ 0,2 đến 1,6%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chinh (3.249 tỷ đồng), Công nghiệp (2.700 tỷ đồng), Bất động sản và Nguyên vật liệu (quanh 2.000 tỷ đồng). 

– Về diễn biến khối ngoại, phiên ngày thứ 6, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được nâng lên, đạt 434,8 tỷ đồng với STB bị bán mạnh nhất (-224,05 tỷ đồng), VJC (-168,44 tỷ đồng), E1VFVN30 (-113,45 triệu đồng). Chiều mua ròng có PNJ (203,87) tỷ đồng, VNM (117,9 tỷ đồng) và VCB (74,93 tỷ đồng). 

– Với việc lực bán đang chiếm ưu thế, khả năng VNINDEX sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200 – 1.220 điểm nếu không có lực mua gia tăng trong những phiên đầu tuần. Nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu và tiền về ngưỡng an toàn, ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hạn chế giao dịch mua mới với những mã cổ phiếu đã tăng mạnh hoặc chưa có dấu hiệu kết thúc nhịp giảm. 

 ——————- 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 19/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest