DCall Podcast ngày 18/10/2022 – Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD/VND lên ±5%

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

● Goldman Sachs hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh
– Báo cáo được công bố mới đây nêu rõ khi cân nhắc đến các yếu tố gồm đà tăng trưởng ngày một yếu hơn, điều kiện tài chính thắt chặt hơn đáng kể và thuế doanh nghiệp dự kiến tăng từ tháng 4/2023, Goldman Sachs đã hạ triển vọng tăng trưởng của Vương quốc Anh. Ngân hàng này hiện dự kiến nền kinh tế Anh sẽ đối mặt một cuộc suy thoái sâu sắc hơn ước tính trước đó.
– Cụ thể, dự báo tăng trưởng hàng năm của Goldman Sachs cho nước Anh vào năm 2023 đã giảm từ -0,4% xuống -1%. Ước tính lạm phát cơ bản sẽ ở mức 3,1% vào cuối năm 2023.
– Các nhà phân tích của Goldman Sachs hiện dự kiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ ít có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Theo nhận định của Goldman Sachs, BoE sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 11 và tháng 12, thấp hơn mức 100 điểm cơ bản theo ước tính thị trường trước đó. Họ cũng đã hạ kỳ vọng lãi suất cuối cùng của BoE từ 5% xuống 4,75%.

● IMF khuyến nghị Italy nên cắt giảm mạnh nợ công
– Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Alfred Klammer cho biết, Italy “đang đối mặt với một tình huống phức tạp” về chính sách kinh tế. Ông nói: “Trong tình huống tăng trưởng thấp hơn và lãi suất tăng, Italy sẽ phải hết sức tập trung vào ngân sách của mình và việc giảm tỷ lệ nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo cách của chính phủ tiền nhiệm.Theo ông Klammer, Rome phải củng cố ngân sách thông qua việc cắt giảm chi tiêu.
– Italy đang trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 15/9. Theo các nguồn tin chính trị, ông Giancarlo Giorgetti, cựu Bộ trưởng Công nghiệp và phó lãnh đạo của đảng Liên đoàn, có thể trở thành Bộ trưởng Kinh tế tiếp theo của Italy.
– Nếu trở thành Bộ trưởng Kinh tế, ông Giorgetti sẽ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để thực hiện lời hứa cắt giảm thuế của liên minh cánh hữu mà không làm tăng khoản nợ công khổng lồ của Italy, hiện lên tới tương đương 150% GDP. Ông cũng sẽ cần giải quyết tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục và chi phí năng lượng tăng cao đang gây tổn hại cho các công ty và gia đình

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

● Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD/VND lên ±5%
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% (có hiệu lực từ ngày 17/10/2022).
– Theo Ngân hàng Nhà Nước, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
– Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt CSTT, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các TCTD được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để để ổn định thị trường.

● Xuất khẩu phân bón 9 tháng đầu năm tăng 45% về lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 9 đạt 161 nghìn tấn, tương đương 94 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 34% về giá trị so với tháng 8. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, xuất khẩu phân bón đi lên nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh tháng 1.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị gần 886 triệu USD, tăng 45% về lượng và gấp gần 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
– Như vậy sau 9 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu phân bón đã vượt 58% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.
– Trong tháng 9 giá xuất khẩu phân bón đã giảm mạnh 14 USD/tấn so với tháng 8 và giảm hơn 23% so với mức đỉnh tháng 1, xuống còn 584 USD/tấn. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp, giá phân bón xuất khẩu đi xuống. Tuy nhiên, bình quân 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 636 USD/tấn.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

● TDM: Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái
– CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3. Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần là 123 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 54 tỷ đồng tăng lần lượt 26%, 110% so với cùng kỳ năm trước.
– TDM cho biết, lợi nhuận quý 3 tăng là do sản lượng nước tiêu thụ và giá cung cấp nước sạch tăng so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lần lượt là 17,5% và 8,5%. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 82% so với cùng kỳ năm 2021 do không phát sinh chi phí mua vật tư y tế ủng hộ phòng dịch COVID-19.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TDM đạt 353 tỷ đồng, tăng 16% song lợi nhuận sau thuế giảm 24% còn 146 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch 510 tỷ đồng doanh thu và 236 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, TDM đã đạt 69% mục tiêu doanh thu, 62% chỉ tiêu lợi nhuận.

● PNJ sắp chi gần 200 tỷ đồng trả cổ tức đợt 3
– CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa chốt ngày 31/10 là ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông để nhận cổ tức đợt 3 năm 2021 với tỷ lệ 8% bằng tiền (800 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 28/10.
– Với hơn 246,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, PNJ sẽ phải chi ra gần 197 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Thời gian dự kiến thanh toán là 22/11.
– Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, PNJ dự kiến chia cổ tức năm 2021 là 20% bằng tiền mặt. Trước đó, PNJ đã tạm ứng 6% (600 đồng/cp) vào tháng 4 và 6% (600 đồng/cp) vào tháng 7. Như vậy, sau đợt thanh toán vào tháng 11 tới, doanh nghiệp đã hoàn tất chỉ tiêu cổ tức năm 2021.
– Về tình hình kinh doanh, lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 23.049 tỷ đồng, tăng 87,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.246 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Mức lãi lũy kế 8 tháng đầu năm cũng là kết quả cao nhất của doanh nghiệp so với các năm trước đây kể từ khi niêm yết. Với kết quả này, PNJ đã thực hiện được 94,4% kế hoạch lợi nhuận năm

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 17/10/2022, chỉ số VNINDEX đã có động thái mở gap giảm gần 10 điểm ngay từ đầu phiên và đã có lúc giảm hơn 28 điểm. Nhờ lực mua gia tăng tại vùng 1.030 điểm, VNINDEX hồi phục trong phiên chiều và đóng cửa tại mốc 1.051,58 điểm, giảm 10,27 điểm (-0,97%).
– Về độ rộng thị trường, ưu thế nghiêng về phe bán khi có 291 mã giảm/165 mã tăng. Thanh khoản có sự sụt giảm đáng khi chỉ đạt hơn 9.549 tỷ đồng.
– Ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chủ yếu là cổ phiếu nhà VIN gồm VIC (-3,586 điểm), VHM (-2,656 điểm), ngoài ra có VCB (-2,165 điểm). Ngược lại, chiều hỗ trợ thị trường là GAS (+0,827 điểm), SHB và DGC đóng góp hơn 0,3 điểm.
– 4/10 nhóm ngành giữ được đà tăng tốt trong phiên hôm qua gồm Năng lượng (+2,36%), Dịch vụ tiện ích (+1,54%), Công nghiệp và Tiêu dùng thiết yếu tăng nhẹ dưới 0,4%. Chiều giảm mạnh có Bất động sản (-2,86%) và Chăm sóc sức khỏe (-1,37%). Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.442 tỷ đồng), Công nghiệp (1.115 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (1.036 tỷ đồng).
– Khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng nhẹ với giá trị đạt 235,76 tỷ đồng, gồm VNM (+75,54 tỷ đồng), DGC (+54,58 tỷ đồng) và IDC (+50,14 tỷ đồng). Trong khi đó áp lực bán ròng có VND (-33,29 tỷ đồng), VHM (-30,93 tỷ đồng) và NVL (-22,22 tỷ đồng).
– VNINDEX đã có pha hồi phục vào cuối phiên nhưng áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế, cùng với đó là thanh khoản có sự sụt giảm nên chưa thể chắc chắn lực mua đã hoàn toàn quay trở lại. Kịch bản tích cực cho VNINDEX là có thể đi ngang tại vùng 1.040 – 1.060 điểm để hấp thụ hết lực bán trước khi có thể hồi phục lên vùng điểm cao hơn.
– Nhà đầu tư chưa nên nóng vội tham gia bắt đáy với tỷ trọng lớn trong giai đoạn này, cần có kế hoạch giải ngân với tỷ trọng hợp lý, chú ý tới thanh khoản và sự gia tăng của lực mua để tránh rủi ro từ những phiên hồi phục kỹ thuật.

—————————-

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 18/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest