Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/07/2022
1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• Lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh mới, cao hơn dự báo
– Theo dữ liệu mới được công bố của Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất từ tháng 11/1981. Nếu so với tháng 5, giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng 1,3%.
– Nguyên nhân chính được cho do tác động từ xu hướng tăng giá năng lượng, thực phẩm và nhà ở. Giá năng lượng ở Mỹ đã tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2021.
– Lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng, tăng 0,7% so với tháng 5 và 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ đồng nghĩa áp lực giá cả tiếp tục đặt lên nền kinh tế. Điều này buộc Fed phải quyết tâm theo đuổi chiến lược chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới nhằm kéo giảm nhu cầu thị trường. Theo công cụ dự báo FedWatch của sàn giao dịch CME, giới đầu tư ở Phố Wall thậm chí đang đặt cược khả năng 41,6% Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 1% và tỷ lệ cược 58.4% Fed sẽ nâng lãi suất với bước ngảy 0.75% trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7.
• Đồng yên xuống thấp nhất từ 1998 so với USD
– Đồng USD tăng giá lên ngưỡng cao nhất so với đồng yên Nhật trong thế kỷ 21 trong bối cảnh nhà đầu tư tích cực mua vào đồng bạc xanh với dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới.
– Kết thúc ngày 15/7, đồng USD tăng 1,3% lên mức 1 USD đổi 138,4 JPY. Đây là mức giá rẻ nhất của đồng yên so với đồng bạc xanh kể từ năm 1998. Tính từ đầu năm 2022, đồng yên giảm 21% so với đồng USD, 12% so với euro và 13% so với bảng Anh.
– Diễn biến này đẩy chỉ số Dollar Index tăng lên ngưỡng cao nhất hai thập kỷ, phản ánh kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tới nhằm sớm kéo giảm lạm phát.
– Fed được dự báo sẽ kéo lãi suất lên ngưỡng 3,7% tính tới cuối tháng 2/2023. Ngược lại, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, với lãi suất điều hành hiện ở ngưỡng -0,1%, nhằm mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Điều này có thể sẽ khiến đồng JPY tiếp tục mất giá hơn so với đồng USD trong thời gian tới.
• Tăng trưởng GDP Trung Quốc không đạt kỳ vọng trong quý 2
– Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 2,6% trong quý 2 so với quý 1, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó và mức tăng trưởng 1,4% đạt được trong quý 1.
– Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4%, không đạt dự báo tăng 1%. Nửa đầu năm, GDP Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% mà Chính phủ nước này đề ra.
– Trên thực tế, sản xuất công nghiệp tháng 6 của Trung Quốc đã không đạt kỳ vọng khi chỉ tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng dự báo là 4,1%. Bù lại, doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã quay đầu và bật tăng 3,1%, so với mức sụt giảm trước đó.
– Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm đạt trên mức kỳ vọng, tăng 6,1% so với 6% dự đoán. Đầu tư vào bất động sản trong nửa đầu năm đã giảm 5,4% so với một năm trước, con số này tệ hơn mức giảm 4% trong 5 tháng đầu năm.
– Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm so với thời kỳ trước dịch bệnh, xuống còn 5,8% vào tháng 6. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 ở các địa phương này lại tăng lên 19,3%.
– Nền kinh tế Trung Quốc giảm mạnh trong quý 2 vừa qua, phản ánh tổn thất to lớn gây ra bởi các đợt phong toả chống Covid-19 và phủ thêm bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Với sự giảm tốc của tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc có thể phải triển khai các biện pháp kích thích kinh tế để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, các rào cản đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang khá cao, vì việc kích cầu có thể sẽ thổi bùng lạm phát.
2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
• Ngân hàng Nhà nước giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% – lãi suất cho vay mua nhà dự báo tăng
– Chiều 14/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch Covid-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.
– Trước những khó khăn hiện hữu từ việc cạn room tín dụng và việc kiểm soát hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hàng loạt các NHTM đã tăng lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian gần đây như VCB, Shinhan Bank,vv….
– Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm của các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào việc cấp room tín dụng từ phía NHNN. Với quyết định giữ mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch sẽ phần nào ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng cả năm 2022. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà nửa cuối năm nay có thể sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Trong năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dự báo sẽ đi ngang.
3. KÊNH CỔ PHIẾU
• Cổ phiếu tiêu điểm ( VIC, NTC, HAX, HDC)
• VIC: VinFast ký kết với Credit Suisse và Citigroup để thu xếp 4 tỷ USD cho nhà máy tại Mỹ
– Ngày 13/07/2022, VinFast công bố ký kết thỏa thuận thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu. Mỗi hợp đồng ký kết có giá trị tối thiểu khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và các hoạt động đầu tư kinh doanh của VinFast tại thị trường Mỹ.
– Quý 1.2022, VinFast và bang North Carolina đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ. Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 2 tỷ USD được khởi công trong năm 2022, công suất dự kiến đạt 150,000 xe mỗi năm.
– VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư cho Giai đoạn 1 là 4,0 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý 4/2022.
– Năm 2022, VIC đặt kế hoạch doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 140.000 tỷ đồng. LNST thu nhập doanh nghiệp 6.000 tỷ đồng. Năm 2021, LNST lỗ 7.6 nghìn tỷ đồng. Quý 1/2022 doanh thu đạt 18,229 tỷ VND (-22%YoY), LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 2,454 tỷ VND (+17%YoY).
Khuyến nghị:
– Mảng bất động sản: Triển vọng kinh doanh 2022-2024 tích cực nhờ các dự án đang triển khai. Ít nhất 3 dự án lớn của VHM có thể mở bán trong năm nay bao gồm các dự án Dream vity, Cổ Loa, Wonder Park. Ước tính tổng doanh thu của các dự án này là 262,8 nghìn tỷ đồng.
– Mảng cho thuê: Tăng trưởng trở lại sau dịch và khai thác thêm các trung tâm thương mại mới: Năm 2022 VRE sẽ triển khai thêm 3 trung tâm thương mai với tổng diện tích 95.000 m2, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên gần 1,8 triệu m2, gồm: Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội), Vincom Plaza Bạc Liêu (Bạc Liêu) và Vincom Plaza Mỹ Tho (Tiền Giang).
– Mảng xe hơi: Mảng này báo lỗ kỷ lục 27 nghìn tỷ đồng vào năm 2021. Trước đó, BLĐ kỳ vọng có thể hết lỗ EBITDA vào năm 2025. Việc thâm nhập vào thị trường xe hơi Mỹ mang nhiều rủi ro nhưng sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn nếu thành công.
– VIC đang giao dịch tại mức P/B ~ 2.5 lần
Phân tích kỹ thuật:
– VIC dao động trong biên độ hẹp tuần 11-15/7, ghi nhận giảm 0,57% so với tuần giao dịch trước.
– Trong tuần, giá cổ phiếu VIC vận động quanh vùng kháng cự mạnh 69.9 +/- bới biên độ thu hẹp dần ở cả giá và thanh khoản Điều này cho thấy dấu hiệu cạn kiệt ở cả lực cung và lực cầu.
– VIC đang duy trì xu hướng giảm trong cả ngắn và dài hạn, do đó chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư mua mới hay tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này. Hành động phù hợp là tận dụng các nhịp phục hồi của cổ phiếu để thoát vị thế.
• NTC báo lãi quý 2 tăng 41%, nợ vay ngắn hạn gấp đôi đầu năm
– Quý 2/2022, doanh thu thuần trong kỳ của NTC đạt hơn 82 tỷ đồng (+39% yoy). Lãi sau thuế quý 2 đạt gần 72 tỷ đồng (+41% yoy). Do kết quả đi lùi của quý đầu năm, lãi sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ 6%, đạt mức 153 tỷ đồng ~ 58% kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua.
– Năm 2022, NTC đặt kế hoạch tổng doanh thu 654,23 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 262,93 tỷ đồng (-10,6% yoy).
– Công ty cũng dự kiến làm các thủ tục để chuyển sàn niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE trong năm 2022.
– Liên quan đến khó khăn của NTC trong việc nhận đất từ chính quyền địa phương để triển khai dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC3), đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết các vấn đề đã được tháo gỡ. Có thể là trong quý 3, NTC sẽ được giao đất để triển khai dự án.
Khuyến nghị:
– NTC là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh top đầu của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR). NTC đã cho thuê toàn bộ 2 dự án của mình: 229 ha đất công nghiệp tại KCN NTC1 và 288 ha đất KCN NTC2 (Dự án mở rộng).
– Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu cho thuê 100 ha đất. Tuy nhiên quỹ đất của khu công nghiệp hiện hữu không còn kế hoạch cho thuê đất phụ thuộc vào tiến độ của dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II (NTC-3).
– Dự án NTC-3 với diện tích đất thương phẩm 288.52 ha, giá thuê thương phẩm ước tính 100 – 110 USD/m2/chu kỳ thuê, dự báo dự án có thể sẽ đóng góp từ 400 – 600 tỷ đồng LNST hàng năm của NTC trong 5 năm (2022 – 2027)
Phân tích kỹ thuật
– NTC kết tuần giao dịch ghi nhận tăng 3,07%, lấy lại mức giảm điểm của tuần trước.
– NTC diễn biến tích cực hơn so với tuần trước, phiên thứ Sáu (15/7) cổ phiếu đã quay về lấp đoạn gap được tạo vào phiên giao dịch trước đó và kết thúc tại mức giá cao nhất phiên. Điều này cho thấy hiện tại đang có lực cầu đối với cổ phiếu.
– Kịch bản tích cực là NTC đang tạo đáy quanh vùng 168.5 +/-. Tuy nhiên, NTC đang duy trì xu hướng giảm dài hạn, do đó chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư mua mới cổ phiếu này và tỷ lệ nắm giữ tối đa trong danh mục là 20%, nhà đầu tư tiếp tục quan sát thận trọng diễn biến giá của cổ phiếu để đưa ra hành động phù hợp.
• HAX – Công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2022
– Theo Báo cáo tài chính riêng vừa công bố, HAX ghi nhận doanh thu thuần quý 2 hơn 1,475 tỷ đồng (+27% yoy). Lãi sau thuế công ty mẹ gần 82 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng trong bối cảnh doanh thu thuần và doanh thu tài chính tăng mạnh.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAX ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt 3,080 tỷ đồng (+24% yoy) và 138 tỷ đồng (+134% yoy).
– Năm 2022, HAX đặt kế hoạch tổng doanh thu 5,800 tỷ đồng (+4.48% yoy) và lợi nhuận sau thuế 169.6 tỷ đồng (+6.1% yoy).
– Kết quả tăng trưởng mạnh của HAX trong nửa đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính áp dụng lại chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 01/12/2021 và chỉ vừa kết thúc vào ngày 01/06/2022.
Khuyến nghị:
– Nghị định 103/2021/NĐ-CP về việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước góp phần giúp doanh thu và lợi nhuận của HAX 6 tháng đầu năm tăng mạnh.
– Tuy nhiên khả năng HAX sẽ khó có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 6 tháng tới do (1) nguồn cung xe thời gian tới khan hiếm, (2) Mercedes ngày càng thắt chặt tiêu chuẩn với các đại lý, tạo áp lực mở rộng showroom để đại lý Việt Nam bắt kịp tiêu chuẩn trong khu vực nên HAX phải huy động 1 số vốn đáng kể, dẫn tới rủi ro pha loãng tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
– Dự báo LNST 2022 đạt mức 220 tỷ đồng (+38% yoy)~ P/Efw2022 đạt 5.03 lần thấp hơn trung bình 5 năm là 7.9 lần.
Phân tích kỹ thuật:
– HAX tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần giao dịch 11-15/7, tăng 14,03% so với tuần trước
– HAX đang tạm thời giữ được xu hướng tăng trong ngắn hạn, tuy nhiên cổ phiếu này cũng đang có rủi ro quay về lấp đoạn gap đã tạo trong các phiên 11-12/7.
– Nhà đầu tư tiếp tục quan sát vận động của cổ phiếu, các nhịp giảm về lấp gap (trong vùng 25.3-21.9) có thể là cơ hội để mở mới vị thế. Do HAX vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng trong dài hạn nên tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này trong danh mục mà chúng tôi khuyến nghị là tối đa 20%.
• HDC: HĐQT thông qua giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ.
– HĐQT công ty quyết định sẽ đăng ký mua lại tối đa 3.000.000 cổ phiếu (~2.7% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) giá mua không quá 40k/cổ phiếu, mục tiêu bình ổn giá thị trường.
– Trước đó, CT HĐQT mua vào 300.000 cổ phiếu, nâng sở hữu từ 9,5% lên 9,84% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 29/4 đến 11/5.
– Quý I/2022, HDC ghi nhận doanh thu đạt 399,85 tỷ đồng (+35.1% yoy), LNST đạt 98,05 tỷ đồng (+25% yoy).
– Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp tương đối lạc quan, với doanh thu mục tiêu 1.913 tỷ đồng (+36% yoy), lợi nhuận sau thuế mục tiêu 430 tỷ đồng (+38% yoy).
– HDC dự kiến bỏ ra 4.190 tỷ đồng, gấp 3,5 lần năm 2021, để phục vụ hoạt động đầu tư. HDC sẽ bổ sung nguồn vốn thêm 2.100 tỷ đồng trong năm, thông qua việc vay vốn ngân hàng và huy động từ các nguồn khác
Khuyến nghị:
– HDC là doanh nghiệp có quỹ đất tiềm năng ở vị trí đẹp, có giá trị cao và giá vốn khá thấp do đã đóng tiền sử dụng đất từ trước.
– Năm 2022, HDC tiếp tục triển khai phần còn lại của 7 dự án, gồm: khu nhà ở Hải Đăng – The Light City, khu biệt thự đồi Ngọc Tước II, khu du lịch Đại Dương (Antares), khu nhà ở phía Tây 3/2, Ecotown Phú Mỹ, Fusion Suites Vũng Tàu, khu đô thị Phước Thắng. Trong đó, doanh số dự kiến của 3 dự án khu nhà ở Hải Đăng – The Light City, khu biệt thự đồi Ngọc Tước II và khu nhà ở phía Tây 3/2 lần lượt ước đạt 1.600 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 145 tỷ đồng.
– Động lực chính của HDC trong thời gian tới có thể đến từ: Tiến độ pháp lý của các dự án trung và dài hạn như Phước Thắng, Long Điền, Vũng Tàu Wonderland sẽ được hoàn thiện khi quy hoạch tổng thể Vũng Tàu được phê duyệt
– Dự báo P/Efw 2022 ở mức 10.5 lần (LNST 430 tỷ đồng). CARG tăng trưởng lợi nhuận 3 năm tiếp theo ở mức 18%/năm.
Phân tích kỹ thuật
– HDC ghi nhận tuần giao dịch tích cực ở cả giá và thanh khoản, kết tuần tăng 13,59% so với tuần trước
– HDC đang tiếp đà hồi phục và tiến về vùng kháng cự mới quanh 43 +/-. Vùng 40-43 là cơ hội để giải ngân đối với cổ phiếu này, tuy nhiên do HDC vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng trong dài hạn nên tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này trong danh mục mà chúng tôi khuyến nghị là tối đa 20%.
– Các kháng cự mạnh gần nhất của cổ phiếu lần lượt quanh 43 +/-, 47.5 +/-, 50.5 +/-. Tại đây, nhà đầu tư lưu ý theo dõi vận động của cổ phiếu để đưa ra quyết định phù hợp.
4.KÊNH TÀI SẢN KHÁC
Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng
– Vàng dao động gần mức thấp nhất trong 11 tháng khoảng 1.710 USD/ounce vào thứ Sáu (15/7) và đang trên đà giảm tuần thứ năm liên tiếp, khi đồng đô la tăng giá và kỳ vọng về việc tăng lãi suất thậm chí còn mạnh mẽ hơn đã làm giảm nhu cầu vàng. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng 9,1% vào tháng 6 năm 2022 so với một năm trước, chạm mức cao nhất kể từ năm 1981 và gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang để phản ứng quyết liệt hơn. Vàng cũng suy yếu bất chấp lo ngại suy thoái leo thang, khi các nhà đầu tư lựa chọn đồng đô la là kênh trú ẩn an toàn chống lại những bất ổn kinh tế.
– Hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ đã kéo dài đà tăng lên hơn 7 USD/MMBtu vào giữa tháng 7, mức cao nhất trong một tháng và cao hơn 18% trong tuần, được hỗ trợ bởi nhu cầu điều hòa không khí mạnh mẽ ở miền Nam nước Mỹ trong khi sự không chắc chắn về nguồn cung ở châu Âu khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ mạnh mẽ. Trên hết, báo cáo EIA mới nhất cho thấy các kho dự trữ ở mức 2,369 nghìn tỷ feet khối, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 2,688 nghìn tỉ feet khối thường thấy trong thời gian này các năm trước.
– Thép thép chạm đáy dưới mức 4.000 CNY/tấn, mức chưa từng thấy kể từ tháng 11 năm ngoái và hiện giảm hơn 20% so với mức đỉnh đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu liên tục yếu kết hợp với tồn kho tăng. Lo ngại kéo dài rằng kinh tế toàn cầu suy thoái do sự thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn và sự bùng phát Covid-19 dai dẳng ở Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu sản xuất. Thêm vào đó, các nhà máy ở Trung Quốc đã xây dựng lại kho dự trữ sau những gián đoạn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và các vụ đóng cửa Covid-19.
– Giá lúa mì Chicago kỳ hạn đã giảm xuống dưới mốc 7,9 USD/Bu vào giữa tháng 7, mức thấp nhất trong 5 tháng và đã quay trở về mốc trước cuộc xâm lược của Nga với sự hỗ trợ từ triển vọng nguồn cung mạnh mẽ hơn. Các phái đoàn từ Nga và Ukraine sẽ ký một thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra khỏi các cảng Biển Đen đã bị tạm dừng kể từ ngày 24/2. 24 triệu tấn lúa mì ước tính bị mắc kẹt gần các hầm chứa ở cảng. Sau thông tin trên, Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lô hàng hoặc hoạt động mua bán ngũ cốc hoặc phân bón của Nga nhằm giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực trên toàn thế giới.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0