DCall Podcast ngày 17/10/2022 – Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

● Thủ tướng Anh sa thải Bộ trưởng Tài chính
– Thủ tướng Anh Liz Truss sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào cuối tuần trước, đồng thời cho biết chính phủ sẽ không hủy kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp như dự kiến.
– Ngược dòng thời gian, ngày 23/9, ông Kwarteng công bố chương trình “ngân sách nhỏ” (mini budget), bao gồm gói cắt giảm thuế 45 tỷ bảng, lớn nhất trong nửa thế kỷ và kế hoạch vay nợ thêm để thúc đẩy tăng trưởng.
– Lo ngại kế hoạch kinh tế này sẽ đốt nóng thêm lạm phát vào thời điểm giá cả ở Anh tăng nhanh nhất trong 40 năm, giới đầu tư đã ồ ạt bán đồng bảng, khiến giá xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ.
– Trái phiếu chính phủ Anh cũng bị bán tháo, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải can thiệp thị trường khẩn cấp. Cho đến nay, BoE đã tiến hành ba đợt can thiệp để trấn an thị trường trái phiếu đang suy sụp, khiến một số quỹ hưu trí của Anh đứng bên bờ vực vỡ nợ.
– Bà Truss đã bổ nhiệm ông Jeremy Hunt, người từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Y tế, vào chức vụ Bộ trưởng Tài chính Anh. Hành động này được cho là nhằm trấn an thị trường sau cơn hỗn loạn do chính sách kinh tế của ông Kwarteng gây ra.

● Lạm phát Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 2 năm
– Lạm phát ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9-2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh nhất trong hơn 2 năm, theo dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia (NBS). Theo NBS, CPI của Trung Quốc trong tháng rồi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, con số này hồi tháng 4-2020 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019.
– Sự gia tăng của CPI phần lớn chịu tác động của giá lương thực, thực phẩm tăng trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục. Đáng chú ý, giá thịt heo tăng 36%, mức cao nhất kể từ tháng 8-2020.
– Nếu loại trừ lương thực và năng lượng, CPI cốt lõi chỉ tăng 0,6% so với 1 năm trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 1-2021. Một số chuyên gia nhận định xu hướng nói trên của CPI cốt lõi và PPI cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng kém khởi sắc.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

● Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB
– Chiều ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để ổn định hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.
– Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
– Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước . Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
– Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.
– Theo đánh giá của các chuyên gia, kiểm soát đặc biệt ngân hàng là việc tái cấu trúc, giúp ngân hàng đó hoạt động ổn định hơn, vì thế, người gửi tiết kiệm tại SCB không cần phải lo lắng.

● 9 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép giảm so với cùng kỳ năm ngoái
– Theo báo cáo vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ 2021.
– Tính chung 9 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6%.
– Về tình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 8/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 513,74 nghìn tấn, giảm 16,26% so với tháng trước và giảm 65,82% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 457,61 triệu USD, giảm 29,02% so với tháng 7/2022 và giảm 68,25% so với cùng kỳ năm 2021.
– Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,92 triệu tấn thép giảm 30,27% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,08 tỷ USD giảm 13,35% so với cùng kỳ năm 2021.
– Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là khu vực ASEAN (35,33%), khu vực EU (19,68%), Hoa Kỳ (10,84%), Hàn Quốc (6,36%)…

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

● HAX: Lãi sau thuế 9 tháng gấp 6,65 lần so với cùng kỳ năm ngoái
– CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận gộp thu về đạt 116 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 786 triệu đồng.
– Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh lên 7,8 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 120 triệu đồng). Dù các khoản chi phí đều tăng nhưng doanh nghiệp vẫn mang về gần 58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện rất nhiều so với số lỗ 33 tỷ đồng trong quý 3/2021.
– Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, HAX đạt doanh thu 5.177 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 241 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, gấp 6,65 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 248 tỷ đồng.
– Giải trình về kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng vượt trội, Haxaco cho biết, số lượng xe cung ứng trong quý 3 đã được cải thiện, giúp giải quyết phần lớn các đơn hàng khách đã đặt cọc từ đầu năm. Chi nhánh Haxaco tại Cần Thơ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2022 đã bắt đầu có lợi nhuận, hứa hẹn mang lại thành quả tốt hơn cho công ty trong thời gian tới.
– Năm 2022, Haxaco đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 212 tỷ đồng, tăng trưởng gần 4% so với thực hiện được của năm ngoái. Như vậy sau 9 tháng, công ty đã vượt mục tiêu lợi nhuận đề ra.

● C4G: Lãi sau thuế 9 tháng tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (UPCoM: C4G) cho biết, trong quý 3 vừa qua, doanh thu thuần tăng trưởng khá tốt, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 670 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 79,5 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ; tương ứng biên lãi gộp ở mức 12%, giảm hơn 2 % so với quý 3/2021.
– Trong quý, doanh nghiệp chứng kiến doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 8,6 lần, lên xấp xỉ 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng nhảy vọt, tăng gấp đôi và dừng ở 53 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
– Khấu trừ các chi phí vận hành, C4G báo lãi sau thuế 25,7 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS đi ngang với 115 đồng/cổ phiếu, do doanh nghiệp có hoạt động phát hành thêm cổ phiếu hồi đầu năm nay.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm, C4G ghi nhận doanh thu đạt 2.047 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 96% so với cùng giai đoạn năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 14/10/2022, VNINDEX đã có trạng thái tích cực ngày từ đầu phiên sáng khi mở gap tăng 13 điểm. Tuy vậy, áp lực bán có sự gia tăng khi chỉ số tiến tới sát vùng 1.070 điểm và phiên chiều có sự sụt giảm nhẹ. Kết phiên, VNINDEX dừng chân tại mốc 1.061,85 điểm, tăng nhẹ hơn 10 điểm (+1,03%).
– Về độ rộng thị trường, phe mua vẫn giữ trạng thái tích cực với số mã tăng gấp 3 lần số mã giảm, tương đương với 336 mã tăng/102 mã giảm. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt 14.484 tỷ đồng.
– Đóng góp vào đà tăng của thị trường nổi bật là VCB đóng góp tăng 1,925 điểm, ngoài ra có GAS, MWG đóng góp hơn 1,7 điểm. Ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số đến từ cổ phiếu họ nhà VIN gồm VHM (đóng góp giảm gần 1 điểm), VIC (-0,679 điểm).
– Các nhóm ngành hiện vẫn giữ ổn định đà tăng, chỉ duy nhất nhóm ngành Bất động sản giảm nhẹ 0,31%. Nhóm ngành ghi nhận đà tăng mạnh gồm có Tiêu dùng (+2,98%) và Tài chính (+1,89%). Các nhóm ngành còn lại tăng dưới 1,7%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (3.113 tỷ đồng), Bất động sản (1.162 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.240 tỷ đồng) và Tiêu dùng thiết yếu (1.115 tỷ đồng).
– Giá trị mua ròng của khối ngoại tiếp tục sụt giảm khi chỉ đạt hơn 216 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân vào các mã FRT (+58 tỷ đồng), IDC (+45,77 tỷ đồng) và SSI (+40,22 tỷ đồng). Ngược lại, chiều bán ròng có GEX (-39,32 tỷ đồng), KBC (-38,86 tỷ đồng) và VHM (-28,14 tỷ đồng).
– VNINDEX kết tuần bằng việc mở gap tăng điểm cùng sự gia tăng về thanh khoản nhưng áp lực bán tại vùng gap 1.070 điểm khiến chỉ số tạm chững lại đà hưng phấn. VNINDEX sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ lực bán, khả năng sẽ có những nhịp điều chỉnh nhẹ đầu tuần trước khi tiếp tục đà hồi phục.
– Nhà đầu tư theo dõi sát diễn biến của thị trường, tận dụng những nhịp hồi để cơ cấu lại danh mục, hạn chế mua đuổi với những mã cổ phiếu đã mở gap tăng mạnh bởi rủi ro điều chỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

—————————-

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 17/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest