Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/08/2022
1. Thông tin thế giới
• 1/3 doanh nghiệp Đức phải giảm công suất để tiết kiệm năng lượng
– Theo Cơ quan Năng lượng liên bang Đức, tổng mức tiêu thụ năng lượng tại Đức trong tháng 7/2022 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.
– Mức sụt giảm này phần lớn đến từ việc một phần 3 số doanh nghiệp Đức phải giảm công suất hoạt động để thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Một số tập đoàn công nghiệp lớn như Mercedes thậm chí phải giảm một nửa nhu cầu năng lượng từ nay cho đến cuối năm 2022 hay Siemens tuyên bố sẽ dừng sử dụng khí đốt từ ngày 11/8.
– Tuy nhiên, Đức có nguy cơ lớn rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới khi tỷ lệ lấp đầy các kho năng lượng dự trữ chiến lược hiện mới chỉ ở mức gần 75%. Lo ngại này trở nên lớn hơn sau khi Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên bố hợp đồng mua khí tự nhiên hoá lỏng với Qatar hồi tháng 3/2022 đã bị huỷ bỏ. Tiếp đến là việc Nga đang giảm dần nguồn cung năng lượng kể từ giữa tháng 7 và hiện chỉ duy trì 20% công suất so với mức thông thường
– Cơ quan Năng lượng liên bang Đức đã đưa ra kịch bản cực đoan nhưng được coi là cách duy nhất để giúp tránh nguy cơ khủng hoảng năng lượng là duy trì chính sách giảm 20% mức năng lượng tiêu thụ hiện nay, giảm 20% lượng khí đốt mà Đức đang trung chuyển sang các thành viên Liên minh châu Âu khác và cuối cùng là hoàn thành nhà máy chuyển đổi khí tự nhiên hoá lỏng vào tháng 1/2023.
2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
• Xuất khẩu sắt thép đảo chiều tăng mạnh 62,8% trong nửa cuối tháng 7
– Sắt thép là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất trong kỳ 2 của tháng 7/2022, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan.
– Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại tăng 154 triệu USD, tương ứng tăng 62,8%. Trước đó, nửa đầu tháng 7 xuất khẩu sắt thép giảm 193 triệu USD, tương ứng giảm 44% so với kỳ 2 tháng 6/2022.
– Mặc dù xuất khẩu sắt thép tăng đột biến thời gian gần đây song đánh giá về tình hình xuất khẩu sắt thép thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn do chính sách thương mại của các thị trường lớn là Mỹ và EU thay đổi theo hướng bất lợi cho Việt Nam.
– Mỹ đã nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thép Nhật Bản, EU và Vương Quốc Anh. EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch. Hạn ngạch miễn thuế của Việt Nam, là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
– Tuy vậy, tiêu thụ sắt thép đặc biệt là thép xây dựng trong nước sẽ sớm phục hồi. Giải ngân đầu tư công của Việt Nam sẽ tăng tốc từ cuối năm 2022 sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục. Worldsteel dự báo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN 5 sẽ củng cố sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng của khu vực này, với mức tăng 4,8% trong năm 2022 và 6,1% trong năm 2023, cao hơn các mức tăng tương ứng của nhu cầu thép thế giới là 0,4% năm 2022 và 2,2% năm 2023.
• Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng 24% trong 7 tháng đầu năm
– Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 67 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
– Phần lớn nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 50% như: máy quay phim và linh kiện tăng 95% (đạt 386 triệu USD); gạo tăng 67,6%, (đạt 11,8 triệu USD); sắt thép các loại tăng 56,4% (đạt 651,5 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 54,6% (đạt 8,03 tỷ USD).
– Riêng tháng 7, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2021 nhưng giảm gần 7% so với tháng 6.
– Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sang Mỹ cũng tăng trưởng tốt như: thủy sản tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước (đạt 1,47 tỷ USD); hạt tiêu tăng 27,3% (đạt 176,4 triệu USD); cà phê tăng 21,8% (đạt 176,4 triệu USD); rau quả tăng tăng 17,8% (đạt 158,2 triệu USD); thức ăn gia súc, nguyên liệu tăng 32,2% (đạt 89 triệu USD), chè tăng 28% (đạt 5,86 triệu USD).
– Chiều ngược lại, nhóm hàng giảm mạnh nhất là cao su, giảm 14,3% (ở mức 33,2 triệu USD), hạt điều giảm 11% (ở mức 510,5 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,6% (ở mức 5,56 triệu USD); sản phẩm hóa chất giảm 2,5% (ở mức 41,8 triệu USD)…
• Ngân hàng Nhà nước sẽ trì hoãn tăng lãi suất điều hành
– Trước đó, một số hiệp hội ngành hàng và chuyên gia kinh tế đã đề xuất NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2022 lên 15- 16%. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm 2022 như kế hoạch từ đầu năm nay.
– Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô, đồng thời cũng theo đuổi mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất điều hành trong năm nay.
– Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu). Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
– Động thái trì hoãn tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy thái độ thận trọng trước những bất ổn còn tồn tại, bao gồm: Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới, đồng đô la Mỹ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam và áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng tới khi nhu cầu trong nước phục hồi. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng muốn ngăn chặn cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng “nóng”.
3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
• VGC: Sẽ tạm ứng cổ tức 2022 tỷ lệ 10% bằng tiền
– Tổng công ty Viglacera (HOSE: VGC) sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 7/9. Theo tài liệu họp, công ty dự kiến trình cổ đông tạm ứng cổ tức cho năm 2022 theo tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay Viglacera cũng công bố mức cổ tức dự kiến cho năm nay là 16% bằng tiền.
– Ngày đăng ký cuối cùng, thời điểm, nguồn tiền chi trả sẽ được HĐQT quyết định phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Với 448,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Viglacera sẽ chi ra 448,3 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.
– Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ trình kế hoạch khảo sát, lập phương án đầu tư, báo cáo khả thi dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư khu công nghiệp, đô thị tại Cộng hòa Dominica. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến điều chỉnh mức thù lao cho Trưởng Ban kiểm soát Trần Mạnh Hữu từ 65,8 triệu đồng/tháng lên 92,7 triệu đồng/tháng và bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, thành viên Ban Kiểm soát từ 65,8 triệu đồng lên 69,5 triệu đồng.
• CMX: Lợi nhuận quý II tăng mạnh, Camimex hụt hơi hoàn thành kế hoạch năm
– Công ty cổ phần Camimex Group (HOSE: CMX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt 897 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn hàng bán trong quý tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 767 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận gộp trong quý vẫn ghi nhận ở mức 130 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý II/2021.
– Sau khi trừ hết các chi phí, Camimex Group thu về 46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn so với quý II năm ngoái 119%.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, Camimex thu về 1.367 tỷ đồng doanh thu và 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 51% và 129% so với nửa đầu năm 2021.
– Năm 2022, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu thu về 3.900 tỷ đồng từ doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2021. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, Camimex đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 23,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
4. Nhịp đập thị trường chứng khoán
– Trong phiên giao dịch ngày 16/08/2022, chỉ số VNINDEX dao động nhẹ quanh mốc tham chiếu khi lực mua – bán diễn ra khá cân bằng. Kết phiên, VNINDEX gần như không có sự thay đổi nhiều so với phiên giao dịch trước đó khi chỉ tăng nhẹ 0,49 điểm (+0,04%), đóng cửa ở mốc 1.274,69 điểm.
– Về độ rộng thị trường, có 240 mã giảm/206 mã tăng, nhiều mã cổ phiếu chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ dưới 1%. Thanh khoản có sự sụt giảm so với phiên trước, chỉ đạt gần 15.000 tỷ đồng.
– Chiều tăng điểm hỗ trợ chỉ số VNINDEX trong phiên hôm qua đến từ nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 như HPG (+0,81 điểm), NVL (+0,59 điểm), PLX (+0,377 điểm). Chiều giảm điểm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng như: BID (-0,641 điểm), VCB (-0,36 điểm), CTG (-0,3 điểm).
– Phiên hôm qua 3/10 nhóm ngành giảm điểm với biên độ nhỏ, dưới 0,3% gồm Công nghệ thông tin, Dịch vụ tiện ích và Tài chính. Ngược lại chiều hồi phục tốt có Nguyên vật liệu (+1,47%), Năng lượng và Tiêu dùng tăng quanh 1%. Các ngành còn lại tăng nhẹ dưới 0,6%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.281 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (3.011 tỷ đồng) và Công nghiệp (2.550 tỷ đồng).
– Khối ngoại trong phiên giao dịch khá cân bằng của thị trường đã có động thái giải ngân mạnh hơn, nâng giá trị mua ròng lên hơn 531 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (450,75 tỷ đồng), PVD (57,32 tỷ đồng), HDB (35,56 tỷ đồng). Ngược lại chiều bán ròng có TLG (-32,7 tỷ đồng), DCM và DGC với giá trị quanh 27 tỷ đồng.
– Đà tăng của VNINDEX hiện đã chững lại dần khi lực mua không còn đủ mạnh để tiếp tục đưa chỉ số hồi phục. Khả năng VNINDEX sẽ có nhịp điều chỉnh lấp vùng gap quanh mốc 1.260 điểm nếu lực mua tiếp tục suy yếu và không giữ được mốc 1.270 điểm hiện tại. Nhà đầu tư hạn chế giải ngân mua mới khi thị trường đang có những dấu hiệu chững lại đà tăng, cần chuẩn bị những chiến lược giao dịch phù hợp nếu thị trường có dấu hiệu điều chỉnh, ưu tiên quản trị rủi ro cho tài khoản.
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect