DCall Podcast ngày 17.06.2022 – Fed nâng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng cao nhất kể từ năm 1994

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

  • Fed nâng lãi suất thêm 0,75% – mức điều chỉnh tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 

– Kết thúc cuộc họp ngày 15/4, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tiến thêm một bước trong quá trình chế ngự lạm phát. NHTW Mỹ nâng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Sau nhiều tuần được dự đoán, lãi suất chuẩn của NHTW Mỹ hiện dao động ở mức 1,5% – 1,75%, cao nhất kể từ ngay trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 3/2020. 

– Các thành viên FOMC đã đặt ra một lộ trình nâng lãi suất quyết liệt trong thời gian tới nhằm chế ngự lạm phát đang tăng với tốc độ chưa từng có kể từ tháng 12/1981. Theo mức trung bình dựa theo dự đoán của từng thành viên, lãi suất chuẩn của Fed sẽ kết thúc năm ở mức 3,4%. Giới chức cũng hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, dự báo mức tăng chỉ đạt 1,7% trong khi tháng 3 ước tính là 2,8%. 

– Dự báo lạm phát được điều chỉnh theo chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng tăng 5,2% trong năm nay từ mức 4,3%, dù lạm phát lõi được dự báo tăng 4,3% – chỉ cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. CPI lõi trong tháng 4 đã đạt mức 4,9%, do đó giới chức NHTW cho rằng áp lực giá sẽ giảm bớt trong những tháng tới. 

– Thông báo sau cuộc họp của FOMC cho biết: “Hoạt động kinh tế tổng thể dường như đã sôi nổi hơn sau quý 1 ảm đạm. Việc làm đã tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn tăng cao, cho thấy cung và cầu do ảnh hưởng của đại dịch tiếp tục bị mất cân bằng, giá năng lượng tăng và áp lực giá lan rộng hơn.” 

– Việc chính sách tiền tệ thay đổi lập tức có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

  • Tiến độ cao tốc Bắc Nam đối mặt với nhiều thách thức 

– Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông ngày 14/6, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 có tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6 đạt khoảng 23.544,3/57.075,3 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong số đó, bốn dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7%. 

– Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra, địa bàn triển khai 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có khoảng 100 ngày mưa. 

– Ngoài thời tiết diễn biến bất thường, Thứ trưởng Lâm nhìn nhận việc giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn tiếp tục là rào cản lớn tại dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng.  

– Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như lãnh đạo bộ và các cơ quan tham mưu tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần; yêu cầu các ban, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng, kiên quyết cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng… 

– Hiện Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai. 

  • Giá xăng trong nước tiếp tục được đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 

– Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm góp phần kiềm chế lạm phát tới đây. 

– Theo đó, nếu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại (từ ngày 1.4.2022 đã giảm 50%), sẽ giảm thêm từ 1.000 đồng/lít đối với dầu và 2.000 đồng/lít với xăng. Thế nhưng, gánh nặng đến từ các loại thuế phí khác vẫn đang đánh vào giá xăng dầu bán lẻ. 

– Cụ thể, mỗi lít xăng RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong đó, giá nhập về đến cảng là 22.389 đồng. Từ đây, giá được cộng thêm: thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10% (trên giá bán), thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng. Tổng người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%. Nếu cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng cộng các loại thuế phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%. 

– Một loại thuế cần loại bỏ hẳn đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu là thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì thế, Chính phủ nên xem xét giảm từ nay đến cuối năm hoặc giảm từ 3 – 6 tháng với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng…để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế hy vọng sẽ tốt hơn, khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

  • DCM: Đạm Cà Mau chốt quyền trả gần 953 tỷ đồng cổ tức năm 2021 

– Theo hội đồng quản trị, Đạm Cà Mau sẽ trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 18% bằng tiền mặt, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách sẽ được nhận 1.800 đồng. Với hơn 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đạm Cà Mau dự kiến trích ngân sách gần 953 tỷ đồng cho đợt phân phối lợi nhuận này. 

– Chốt quý I, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.074 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 1.977 tỷ đồng, gấp 7,4 lần cùng kỳ. Theo Đạm Cà Mau, các yếu tố chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, quản lý đều tăng do biến động giá nguyên liệu đầu vào, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty. 

– Tuy nhiên, nhờ diễn biến giá phân bón thuận lợi, lãi sau thuế của Đạm Cà Mau tăng gấp 10 lần cùng kỳ, đạt hơn 1.517 tỷ đồng. Như vậy sau 3 tháng, công ty đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. 

– Năm 2022, Đạm Cà Mau lên kế hoạch doanh thu đạt gần 9.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 513 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và giảm 72% so với mức thực hiện năm 2021. 

  • FPT: Cán mốc 3.000 tỷ lợi nhuận sau 5 tháng đầu năm 

– Doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm 2022 của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) đạt 16.227 tỷ đồng và 3.029 tỷ đồng, tăng 22,2% và 24,7% so với cùng kỳ. 

– Với kết quả này, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.095 tỷ đồng và 2.306 đồng, tăng 33,6% và 32,9%. 

– Theo đại diện FPT, mảng xuất khẩu phần mềm của doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, đạt mức doanh thu 7.006 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29%. 

– Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT cũng giữ vững mức tăng trưởng 36,6% đạt mức 10.168 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ lần lượt đạt 9.159 tỷ đồng và 1.342 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,5% và 23,4%. 

– Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số của FPT cũng đạt 78%, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh đạt mức 70 triệu USD, chiếm 56% doanh thu từ chuyển đổi số. 

  • Doanh thu tháng 5 của Vĩnh Hoàn tăng 96% so với cùng kỳ 

– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố doanh thu tháng 5 (đã bao gồm Sa Giang) đạt 1.508 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8% so với tháng trước. 

– Về cơ cấu doanh thu, doanh thu các sản phẩm từ cá tra là 1.036 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên giảm 11% so với tháng trước. 

– Xét theo thị trường, doanh thu tại Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh 157% đạt 812 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 nhưng giảm 19% so với tháng trước. Thị t-trường tăng trưởng mạnh thứ 2 là thị trường nội địa với mức tăng 100% lên 256 tỷ đồng nhưng cũng giảm 4% so với tháng trước. Hai thị trường Trung Quốc và châu Âu có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng cả so với tháng trước. 

– Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng trưởng mạnh trong bối cảnh ngành cá tra có nhiều thuận lợi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm kiềm chế vì dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. 

– Vĩnh Hoàn vừa bán hết hơn 1,4 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 30/5 tới ngày 14/6. Giá bán bình quân ở mức 107.624 đồng/cổ phiếu, ở gần vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu VHC. Tổng số tiền thu được là 154 tỷ đồng. Mang về khoảng 40 tỷ đồng tiền lãi từ việc bán số cổ phiếu trên. Mục đích bán cổ phiếu quỹ là bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

– Phiên giao dịch 16/06/2022, sau công bố tăng 0,75 điểm % lãi suất của FED, chỉ số VNINDEX lại đi ngược lại khi đã nỗ lực hồi phục ngay từ trong phiên sáng. Tuy nhiên, phiên ATC lại có sự sụt giảm bất ngờ nhưng kết phiên vẫn ghi nhận tăng điểm, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.236,63 điểm, tương đương tăng 22,7 điểm (+1,87%). 

– Về độ rộng thị trường, ghi nhận 298 mã tăng/154 mã giảm. Số lượng mã tăng đã có sự cải thiện, chiếm gần 60% số mã trên sàn HOSE. Tuy nhiên thanh khoản không ủng hộ nhiều khi giá trị giao dịch chỉ đạt 14.749,238 tỷ đồng. 

– Dẫn dắt cho đà tăng điểm chỉ số VNINDEX đến từ các cổ phiếu trụ VCB (+3,2 điểm), GAS, VNM và HPG đều có mức tăng gần 2 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã làm giảm điểm chỉ số chủ yếu từ nhóm ngành Bất động sản, Chứng khoán như VND (-0,412 điểm), DIG (-0,377) và DXG (-0.315 điểm). 

– Phiên tăng điểm của VNINDEX khá tích cực, chỉ ghi nhận 1 nhóm ngành giảm điểm là Chăm sóc sức khỏe (-1,11%). Nhóm ngành tăng nhiều nhất là Tiêu dùng (+5,38%), tiếp sau là Tiêu dùng thiết yếu (+4,35%),  Dịch vụ tiện ích và Nguyên vật liệu tăng gần 3,8%. Các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 2%. Top 4 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính hơn 2.764 tỷ đồng, Nguyên vật liệu đạt 2.150 tỷ đồng, Tiêu dùng thiết yếu và Bất động sản đạt hơn 1.500 tỷ đồng  

– Phiên giao dịch hôm nay khối ngoại quay trở lại mua ròng với giá trị tăng mạnh, đạt  698,93 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (251,44 tỷ đồng), STB (61,74 tỷ đồng) và SSI (56,29 tỷ đồng). Chiều bán ròng có các mã DGC (-48,11 tỷ đồng), MWG (-46,48 tỷ đồng) và DXG (-34,87 tỷ đồng).  

– Phiên hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên áp dụng cách tính mới của giá thanh toán cuối cùng. Tuy phiên ATC vẫn có chút biến động mạnh nhưng thị trường vẫn giữ được đà tăng điểm tốt. Chỉ số VNINDEX tăng điểm nhưng lực cầu vẫn còn ở mức lưỡng lự cho thấy tấm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu. VNINDEX đang ở vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.230 điểm – 1.250 điểm và áp lực bán vẫn còn nhiều nên chỉ số cần thời gian để hấp thụ hết lực bán tại vùng này. Sẽ không loại trừ khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm nếu lực cầu tham gia yếu, không hấp thụ hết được lực bán. Nhà đầu tư nên tập trung theo dõi các nhóm ngành đang tăng trưởng tốt như cảng biển, điện, dầu khí, công nghệ thông tin,… chờ đời cơ hội mới. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest