DCall Podcast ngày 16/09/2022 – VHC: Doanh thu 8 tháng của Vĩnh Hoàn vượt cả năm 2021

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Trung Quốc tung gói 200 tỷ nhân dân tệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh 

– Chính phủ Trung Quốc vừa phát thông báo sẽ cung cấp gói hỗ trợ tài chính quy mô 200 tỷ nhân dân tệ dành cho các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có các dấu hiệu giảm tốc. 

– Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại bơm vốn cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh với lãi suất tối đa 3,2%/năm. Chương trình sẽ kéo dài trong 1 năm và có thể gia hạn 2 lần. Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ 2,5% lãi suất của khoản vay. Theo đó, chi phí vay vốn mà các doanh nghiệp phải chịu tối đa không hơn 0,7%/năm. 

– Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhỏ, công ty cung cấp dịch vụ tiếp tục được xem xét giãn, hoãn các khoản thuế với trị giá lên tới 440 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn từ tháng 9 tới tháng 12/2022. 

– Đây là biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mới nhất được Chính phủ Trung Quốc thực hiện. Trước đó, Chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành một số bước đi để vực dậy nền kinh tế, bao gồm cả biện pháp tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, miễn thuế và tăng khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

• Nhật Bản thâm hụt thương mại kỷ lục do đồng yên yếu 

– Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại kỷ lục trong tháng 8, qua đó phần nào phản ánh tác động tiêu cực từ sự mất giá của đồng yên tới quá trình phục hồi của nền kinh tế số ba thế giới.  

– Theo đó, thâm hụt thương mại của quốc gia mặt trời mọc tăng lên ngưỡng 2.820 tỷ yên (tương đương 19,7 tỷ USD) trong tháng 8/2022. Số liệu thực tế lớn hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia đồng thời kéo dài quãng thời gian thâm hụt lên 13 tháng, dài nhất kể từ năm 2015.  

– Kim ngạch nhập khẩu tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tới từ các mặt hàng như dầu mỏ, than đá và khí thiên nhiên hóa lỏng. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với nhập khẩu (22,1%) với thế mạnh là lĩnh vực sản xuất ôtô. 

– Chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng thu nhập thấp hơn lạm phát, bên cạnh đó, chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng lên do đồng yên suy yếu khiến cho sức mua của người dân bị ảnh hưởng.  

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Tỷ giá USD/VND lên mức cao nhất trong 3 năm gần đây 

– Tại thị trường trong nước, ngày 15/9, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh trở lại. 

– Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.277 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.700 đồng/USD. 

– Tỷ giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) niêm yết ở mức 23.430 – 23.740 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 50 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. 

– Như vậy, tỷ giá USD đã có kỳ tăng liên tiếp trong 2 tuần qua và cao nhất trong 3 năm với mức 23.740 đồng/USD. 

– Ở mặt tích cực, với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá USD tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh. 

– Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ Việt Nam đồng sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn. 

– Ngoài ra, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu không ổn định được tỷ giá, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên vật liệu đầu vào càng trở nên đắt đỏ. 

• Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 trở lại mức 1 tỷ USD 

– Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 1 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 7/2022 và tăng 69,3% so với tháng 8/2021. 

– Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do năm 2021 các doanh nghiệp bị tác động bởi đợt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam trong tháng 8 và tháng 9. 

– Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, sau khi giảm xuống mức dưới 1 tỷ USD trong tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đã tăng trở lại. 

– Nhật Bản vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8/2022, đạt 173,2 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng 7/2022 và tăng 127,9% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đạt 1,12 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ chậm lại trong tháng 8/2022 khi giảm 2,8% so với tháng trước và chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 159,2 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,63 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2021.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VHC: Doanh thu 8 tháng của Vĩnh Hoàn vượt cả năm 2021 

– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố doanh thu tháng 8 đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với tháng trước. 

– Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ ghi nhận 508 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ và tăng 17% so với tháng trước; châu Âu đạt 119 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 40%; Trung Quốc đạt 169 tỷ đồng, tăng 19% và giảm 13%. Riêng thị trường nội địa (chủ yếu đến từ công ty con – Sa Giang) đạt 310 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ và tăng 76% so với tháng trước. 

– Lũy kế 8 tháng, doanh nghiệp cá tra ghi nhận doanh thu 9.964 tỷ đồng, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua con số đạt cả năm 2021. 

– Vĩnh Hoàn duy trì doanh thu cao trong bối cảnh xuất khẩu cá tra trong tháng 8 vẫn ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với tháng 7. Xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2-3 con số bất chấp lo ngại xuất khẩu Việt Nam chậm lại trong các tháng cuối năm do lạm phát tăng cao ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu. 

– Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 428 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ 2021, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

• AMD, ART, KLF: Thêm 3 cổ phiếu họ FLC bị đưa vào diện cảnh báo 

– Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSE: AMD) vào diện cảnh báo từ ngày 21/09. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp BCTC bán niên 2022 đã soát xét. 

– Cùng lý do trên, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 14/09 cũng đã đưa cổ phiếu CTCP Chứng khoán BOS (HNX: ART) và CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) vào diện cảnh báo. 

– Trước đó, HOSE quyết định chuyển cổ phiếu của Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và CTCP Nông dược HAI (HAI) từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch” từ ngày 01/06. Lý do cả ba doanh nghiệp này đều chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. 

– Đến ngày 26/08, HOSE thông báo huỷ niêm yết cổ phiếu ROS của CTCP xây dựng FLC Faros từ ngày 05/09. Ngoài ra, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB) cũng không ngoại lệ khi bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 09/09. 

– Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, 7 cổ phiếu “họ FLC” đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 15/9/2022, VNINDEX ghi nhận hồi phục khá tích cực khi mở gap tăng khoảng 7 điểm đầu phiên. Tuy nhiên áp lực bán tại mốc 1.250 điểm còn khá mạnh nên kết phiên VNINDEX điều chỉnh giảm về mốc 1.245,66 điểm, tăng nhẹ gần 5 điểm (+0,39%) so với phiên giao dịch trước đó. 

– Về độ rộng thị trường, đây là phiên thứ tư số lượng mã giảm chiếm ưu thế, tuy vậy số mã giảm đã thu hẹp dần xuống còn 237 mã giảm/197 mã tăng. Thanh khoản giảm so với phiên trước khi chỉ đạt hơn 11.293 tỷ đồng. 

– Đóng góp cho sự hồi phục của chỉ số VNINDEX vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BCM (+1,676 điểm), VCB (+1,078 điểm) và NVL (+0,888 điểm). Chiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu biểu là BID (-0,96 điểm), ngoài ra có GAS, MBB với tổng mức giảm hơn 0,5 điểm. 

– Chỉ có 1 nửa nhóm ngành hồi phục với biên độ nhỏ gồm Bất động sản, Dịch vụ tiện ích ( tăng quanh 0,8%), Chăm sóc sức khỏe, Công nghiệp, Tiêu dùng tăng nhẹ dưới 0,5%. Chiều giảm điểm có ngành Năng lượng giảm nhiều nhất gần 1%, các nhóm ngành còn lại giảm dưới 0,2%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính (1.885 tỷ đồng), Công nghiệp (1.757 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (1.415 tỷ đồng). 

– Khối ngoại phiên hôm qua có sự gia tăng về giá trị bán ròng, đạt 332,93 tỷ đồng, tập trung vào FUEVFVND (-63,31 tỷ đồng), STB (-46,11 tỷ đồng) và SSI (-41,64 tỷ đồng). Chiều mua ròng, khối ngoại vẫn giải ngân nhiều vào cổ phiếu HPG (57,87 tỷ đồng), VIC (23,85 tỷ đồng) và VCB (15,2 tỷ đồng). 

– Phiên đáo hạn phái sinh hôm qua kết thúc khá nhẹ nhàng, thị trường không có biến động gì lớn như những lần đáo hạn phái sinh trước. Tuy VNINDEX mở gap tăng và neo ở mốc 1.245 điểm nhưng phe mua chưa thực sự chiếm ưu thế hoàn toàn mà vẫn có sự giằng co. 

– Phiên hôm nay là ngày các quỹ ETF cơ cấu danh mục nên khả năng thị trường sẽ có những nhịp rung lắc nhất định, nhà đầu tư ưu tiên quan sát, hạn chế tham gia mới với những mã cổ phiếu đang có dấu hiệu suy yếu của lực mua, phòng ngừa rủi ro điều chỉnh.  

 ——————- 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 16/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest