DCall Podcast ngày 16.06.2022 – Giá xăng tăng cao kỷ lục khiến Mỹ nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ 

  • Giá xăng tăng cao kỷ lục khiến Mỹ nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga 

– Bộ Tài chính Mỹ ngày 14/6 ban hành quy định cho phép tiếp tục chấp nhận việc thanh toán các sản phẩm “liên quan đến năng lượng” với các ngân hàng Nga bị trừng phạt đến hết ngày 5/12. Quy định trước đó sẽ hết hạn vào ngày 24/6. 

– Danh mục sản phẩm “liên quan đến năng lượng” gồm sản phẩm dầu thô, dầu chưa tinh chế, khí tự nhiên hóa lỏng, sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên hoặc các sản phẩm khác có khả năng tạo ra năng lượng. 

– Bên cạnh đó, còn có than, gỗ hoặc các sản phẩm nông nghiệp được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, hoặc uranium dưới mọi hình thức, cũng như phát triển, sản xuất, truyền tải hoặc trao đổi năng lượng, thông qua hạt nhân, nhiệt điện và các nguồn năng lượng tái tạo. 

– Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giá xăng ở Mỹ liên tục tăng mạnh, thiết lập mức cao kỷ lục mọi thời đại. Do nguồn cung thiếu hụt, giới phân tích dự báo giá xăng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đến giữa tháng 7 mới lập đỉnh. Đó là thời điểm mà mùa lái xe ở Mỹ thường lên tới đỉnh điểm hàng năm. 

  • Lạm phát ở nhiều nước tăng kỷ lục 

– Theo phân tích của Deutsche Bank (Đức) về lạm phát ở 111 nước, tỷ lệ lạm phát trung bình trong 12 tháng qua (từ tháng 6/2021 – 5/2022) là 7,8%, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó (3%), chủ yếu do giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm tăng vọt. 

– Tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát ở các nước Tây Âu và Mỹ là gần như tương đương (8,8% ở Hà Lan, 7,9% ở Đức, 8,6% ở Mỹ…). Lạm phát thấp hơn ở Pháp (5,8%), nhưng cao tới 20% ở các nước vùng Baltic, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. 

– Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát các nền kinh tế lớn ở châu Á ghi nhận tỷ lệ thấp hơn nhiều (2,1% ở Trung Quốc, 2,5% ở Nhật Bản…). Theo Wall Street Journal, lạm phát thấp ở Trung Quốc một phần là do Bắc Kinh chỉ đưa ra các gói kích thích kinh tế tương đối nhỏ trong đại dịch COVID-19, kiểm soát giá chặt và nhu cầu tiêu dùng yếu. 

– Giá năng lượng cũng như lương thực, thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, tăng mạnh kể từ căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra và khiến nhiều nước đang phát triển đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao ở mức kỷ lục trong khoảng 15 năm trở lại đây. 

  • Giá thép, quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục giảm 

– Theo Sunsirs, giá một số loại thép tại Trung Quốc ngày 14/6 tiếp tục giảm. Cuộn cán nóng giảm 1,2% xuống còn 4.796 nhân dân tệ/tấn (711 USD/tấn). Giá mặt hàng này giảm 3% từ ngày 9/6. Thép thanh vằn giảm 1% xuống còn 4.680 nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Từ ngày 9/6, giá mặt hàng này giảm khoảng 3%. Thép không gỉ cũng hạ 1% còn 17.305 nhân dân tệ/tấn (2.567 USD/tấn). Giá quặng sắt giảm gần 2% xuống còn 980 nhân dân tệ/tấn (145 USD/tấn). Quặng sắt cũng giảm khoảng 3%. Về giá kim loại màu, thiếc, nickel, bạc ghi nhận mức giảm 2-3%. 

– Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này đến từ dịch Covid-19 tái bùng phát tại nước này, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo nghiên cứu vẫn khá lạc quan về triển vọng dài hạn đối với quặng sắt, bất chấp những khó khăn từ việc Thượng Hải phong tỏa một phần. Sản xuất thép được dự báo phục hồi từ quý III, trong bối cảnh tăng chi đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc, sẽ thúc đẩy giá thép tăng trở lại 

– Tính từ 11/5, giá thép giảm 5 lần với tổng mức giảm lên đến hơn 2 triệu đồng/tấn. Như vậy có thể thấy tác động kinh khủng mà dịch bệnh đem lại cho Trung Quốc nói riêng và toàn cầu trong suốt 2 năm qua là vô cùng lớn. Hiện giá thép tại Trung Quốc vẫn được kỳ vọng tăng trở lại sau khi tình hình ca nhiễm giảm đi trong thời gian tới. 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM 

  • HSBC: Lạm phát Việt Nam có thể vượt 4% 

– Theo HSBC, giá năng lượng tăng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung lên khiến lạm phát của Việt Nam có lúc vượt trần 4% trong nửa sau của năm 2022. 

– 1 năm trở lại đây, tình trạng lạm phát ở khu vực ASEAN có xu hướng thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, áp lực giá đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường ASEAN. Trong đó, rủi ro lạm phát với khu vực này vẫn là giá năng lượng, thực phẩm tăng cao. 

– Theo HSBC, rủi ro lạm phát đã có xu hướng tăng từ đầu năm 2022 với các nước trong khu vực ASEAN, khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với trước dịch. Dù vậy, tác động ở các quốc gia là khác nhau. Giá năng lượng tăng cao như hiện nay cũng là nguy cơ khiến Việt Nam, Malaysia và Indonesia rơi vào lạm phát toàn phần. Lạm phát giá năng lượng kéo dài, giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng nghiêm trọng hơn. 

– Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Ngân hàng nhà nước có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm %) trong năm 2023. 

– Chính phủ đã có một loạt chỉ đạo tới Bộ Tài chính, Ngân hàng hàng nước và các bộ, ngành để triển khai, thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế VAT… 

  • Tín dụng của NHNN Việt Nam tăng 8,15% so với cuối năm ngoái  

– Tại họp báo sáng 15/6 về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm ngoái, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. 

– Chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

– Về dư nợ cơ cấu, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng/dư nợ cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng. 

– Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế  – xã hội năm 2022 – 2023, NHNN theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường. 

3. DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

  • IDC: IDICO dự kiến phát hành 30 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2021 

– Theo đó, ngày 28/6 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Như vậy, IDC dự kiến sẽ phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu để nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên 330 triệu cổ phiếu. Được biết, trong năm 2021, IDC thông qua kế hoạch cổ tức 40%. Trong đó, 30% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. 

– Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, IDC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2.333 tỷ đồng, lần lượt tăng tới 300% và 183% so với thực hiện năm ngoái. 

– Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, IDC vẫn giữ nguyên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 40%, ngang ngửa kế hoạch của năm 2021, bao gồm 30% được chi bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. 

– Về tình hình kinh doanh 2021, IDC ghi nhận doanh thu thuần 4.324 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm trước; do biên lợi nhuận gộp suy giảm, các công ty liên kết làm ăn sa sút, lợi nhuận trước thuế giảm 40%, về còn 754 tỷ đồng. Dù vậy, với kết quả này, IDC vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận được giao khoảng 35%. 

– Hậu Covid-19, thị trường bất động sản có dấu hiệu trở lại sôi động và tích cực hơn. Bằng chứng cụ thể với con số kinh doanh đạt được ở Quý I/2022, IDC có thêm động lực và tự tin hoàn thành kế hoạch cả năm. 

  • VSC: Viconship chốt danh sách trả cổ tức bằng cổ phiếu 

– Theo Đại hội cổ đông VSC công bố, ngày 30/6 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%. Như vậy, ước tính Viconship sẽ phát hành thêm hơn 11 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 1.212,7 tỷ đồng. 

– Về kết quả kinh doanh, quý I/2022, Viconship ghi nhận doanh thu thuần 496,3 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm năm 2021 do doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ tăng 7,8% . Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm 3% còn 307 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp tăng từ 27,3% lên 32,7%.Kết quả, VSC thu về 109,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng tăng 42,1% lên 90,1 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I, Viconship đã hoàn thành lần lượt 26,1% kế hoạch doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận. 

– Năm 2022, Viconship đặt kế hoạch doanh thu 1.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng, vượt 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xếp dở cảng biển là 1,1 triệu TEU, tăng 10%. Căn cứ vào kế hoạch kinh doanh, lãnh đạo công ty cũng đề xuất mức cổ tức dự kiến cho năm nay là 20%. Nhìn lại năm 2021, Viconship báo lãi kỷ lục gần 414 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm 2020 và vượt 8,4% kế hoạch đã điều chỉnh (tăng gần 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2022 so với kế hoạch ban đầu). 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

– Phiên giao dịch 15/06/2022, chỉ số VNINDEX trong phiên sáng quay đầu giảm điểm trước tâm lý lo lắng khi tới gần ngày công bố nâng lãi suất của FED. Áp lực bán nặng nề đã kéo chỉ số xuống dưới vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Nhưng sau đó nhờ lực cầu của các mã trụ mà VNINDEX đã nhanh chóng hồi phục lại, đóng cửa ở mốc 1213,93 điểm, tương đương giảm 16,38 điểm (-1,33%). 

– Về độ rộng thị trường, ghi nhận 373 mã giảm/93 mã tăng, trong đó có tới 97 mã sàn chủ yếu ở các ngành khai khoáng, bán lẻ, chứng khoán, thủy sản…Tổng số lượng mã giảm chiếm gần 75% trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay có tăng nhẹ hơn phiên hôm qua, đạt 16.466,521 tỷ đồng. 

– Áp lực giảm điểm ảnh hưởng tới chỉ số VNINDEX đến từ GVR (-1,745 điểm), HPG (-1,033 điểm) và GAS (-0,982 điểm). Các mã tăng điểm hỗ trợ chỉ số như MWG (0,789 điểm), SSB (+0,426) và SAB (+0,329 điểm). 

– Phiên giảm điểm của VNINDEX chỉ có 3/10 nhóm ngành duy trì tăng điểm gồm nhóm ngành Tiêu dùng (+1,87%), Công nghệ thông tin (+1,48%) và Chăm sóc sức khỏe (+1,11%). Các nhóm ngành ở chiều giảm gồm Năng lượng , giảm nhiều nhất (-4,54%), các nhóm ngành còn lại có mức giảm từ 1-2,8%. Duy chỉ có Tiêu dùng thiết yếu có mức giảm ít nhất (-0,83%). Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính hơn 3.727 tỷ đồng, Công nghiệp đạt 2.706 tỷ đồng, Nguyên vật liệu đạt 2.215 tỷ đồng  

– Sau phiên mua ròng hôm qua, khối ngoại đã đổi chiều sang bán ròng với giá trị đạt 180,70 tỷ đồng, tập trung vào các mã DGC (-88,85 tỷ đồng), VNM (-78,79 tỷ đồng) và VND (-75,23 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các mã như VHC (37,01 tỷ đồng), VGC (33,21 tỷ đồng) và HPG (31,37 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch ngày hôm nay đã test thành công vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm cho thấy lực cầu đã tham gia mạnh mẽ không cho VNINDEX giảm điểm sâu hơn. Về nhóm ngành, chứng khoán tiếp tục là ngành có diễn biến tiêu cực nhất khi thị trường biến động, trong đó có 14 mã giảm đỏ và 9 mã giảm sàn. Tuy phiên hôm nay đã có lực cầu tham gia nhưng chưa thể xác nhận đà giảm đã chấm dứt nên nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến của thị trường tại vùng hỗ trợ này. Để kỳ vọng VNINDEX có thể hồi phục lên những vùng điểm cao hơn, chỉ số sẽ cần tạo nền tích lũy để hấp thụ hết lực bán. Rủi ro thị trường tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn nên nhà đầu tư cân nhắc chưa nên tham gia bắt đáy cổ phiếu cho đến khi thị trường có tín hiệu ổn định trở lại. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest