DCall Podcast ngày 15.08.2022 – VGC: Ước tính lợi nhuận trước thuế 7 tháng đạt hơn 1.800 tỷ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• GDP của Anh suy giảm trong quý II/2022 

– Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh trong quý II/2022 đã giảm 0,1% so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 0,3% mà các nhà phân tích dự đoán. Trong quý I, kinh tế Anh vẫn ghi nhận tăng trưởng 0,8%. 

– Các ước tính hàng tháng cho thấy GDP của Anh sụt giảm 0,6% trong tháng 6, thấp hơn mức suy giảm 1,3% mà nhiều chuyên gia đã cùng dự đoán. Tuy nhiên mức suy giảm tháng 6 đánh dấu sự đảo chiều của kinh tế Anh bởi tháng 5/2022 nền kinh tế này vẫn ghi nhận tăng trưởng 0,4%. 

– Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (cơ quan vừa công bố các số liệu tăng trưởng quý II)  lý giải rằng sự suy giảm kinh tế phần lớn là do sụt giảm sản lượng của khu vực dịch vụ do lực cản lớn nhất xuất phát từ các hoạt động phòng chống dịch và công tác xã hội. 

– Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng trong quý IV/2022 nền kinh tế nước này sẽ rơi vào cuộc suy thoái kéo dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Đặc biệt, lạm phát được dự báo sẽ đạt đỉnh trên 13% vào tháng 10 tới. 

• GDP của Nga giảm 4% trong quý II/2022 

– Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II vừa qua giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Rosstat, GDP trong quý II giảm vì doanh thu trong các lĩnh vực đều giảm. Trước đó, Rosstat cho biết trong quý I năm nay, GDP của Nga tăng 3,5%. 

– Ngân hàng trung ương Nga cho rằng GDP của Nga sẽ giảm từ 4-6% trong năm nay và giảm từ 1-4% vào năm sau, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2024. 

– Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga đã loại trừ khả năng giảm phát trong tháng 8-9 tới, tuy nhiên cho rằng đà tăng giá nói chung sẽ chậm lại. Đề cập mức lạm phát của Nga trong năm 2022, ông Zabotkin cho rằng phạm vi lạm phát ở mức 12-15%. 

– Ngân hàng trung ương Nga đang duy trì mức mục tiêu lạm phát 4% trong những dự báo lạm phát những năm tới. Theo đó, Ngân hàng trung ương Nga ước tính lạm phát của Nga sẽ trở về gần mức mục tiêu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, sau đó đạt 4% vào năm 2025. 

• Trung Quốc: Chỉ số giá sản xuất hạ nhiệt trong tháng Bảy 

– Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, chỉ báo đo lường giá xuất xưởng của hàng hóa, đã tăng 4,2% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng trên đã giảm tốc từ mức tăng theo năm 6,1% ghi nhận trong tháng Sáu. 

– Số liệu của NBS cho thấy trong 40 lĩnh vực công nghiệp được khảo sát, 35 lĩnh vực ghi nhận giá tăng trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với con số 37 lĩnh vực hồi tháng Sáu.
Trong đó, chỉ số PPI của ngành khai thác than đá và ngành công nghiệp làm sạch tăng 20,7% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm 2021, giảm 10,7 điểm phần trăm so với mức tăng trong tháng Sáu. Trong khi đó, chỉ số PPI của ngành dầu khí ghi nhận mức tăng theo năm 43,9% trong tháng Bảy, giảm 10,5 điểm phần trăm so với tháng trước đó. 

– Số liệu được công bố cùng ngày cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, thước đo lạm phát chính, đã tăng 2,7% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái. 

• Nợ công của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay 

– Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nợ công của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới. 

– Cụ thể, vào cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ nợ công của chính quyền trung ương là hơn 1,255 triệu tỷ yên (hơn 9.421 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, với dân số tính tới ngày 1/7 là khoảng 124,84 triệu người, nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản là 10,05 triệu yên (hơn 75.000 USD) /người. 

– Tổng dư nợ nợ công (bao gồm trái phiếu chính phủ, hối phiếu tài chính và các khoản vay nợ) tăng 13.885,7 tỷ yên so với thời điểm cuối tháng 3/2022 (tức là cuối tài khóa 2021), trong đó dư nợ hối phiếu tăng 24.299,9 tỷ yên lên 110.498,8 tỷ yên, còn dư nợ trái phiếu lại giảm 7.075,9 tỷ yên xuống còn 984.335,3 tỷ yên. 

– Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ công của Nhật Bản tiếp tục tăng là do nước này phải chi các khoản rất lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19, trong khi chi phí an sinh xã hội cũng phình to do tình trạng già hóa dân số. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Ổn định nguồn cung, tiêu thụ ô tô quay đầu tăng tốc trong tháng 7/2022 

– Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có tổng cộng 30.254 xe được bán ra thị trường trong tháng 7/2022, tăng 20% so với tháng liền trước. 

– Nguyên do phần lớn đến từ phân khúc xe du lịch khi nhóm này có tỷ lệ tăng trưởng 30% so với tháng 6, đạt sản lượng bán hàng 23.087 chiếc. Phân khúc xe thương mại chỉ nhích rất nhẹ 1,8%, đạt sản lượng 6.945 chiếc. Phân khúc xe chuyên dụng tăng đến 57% song số lượng chỉ 222 nên tác động không đáng kể lên toàn thị trường. 

– Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 7/2022 đạt tỷ lệ tăng trưởng rất mạnh, lên đến 88%. Tổng sức mua 7 tháng năm 2022 đạt 232.094 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. 

– Đại diện một số hãng xe cho biết, hiện nhu cầu mua sắm phương tiện của người dân và doanh nghiệp vẫn đang cao hơn so với khả năng cung ứng của nhà sản xuất và nhập khẩu. Bởi vậy, cú quay đầu tăng tốc tháng 7 phần lớn đến từ những nỗ lực đáp ứng nguồn cung xe ra thị trường.  

– Dự báo thị trường ô tô từ nay đến cuối năm nếu không có biến động về nguồn cung xe, và chuỗi cung ứng linh kiện toàn cần dần được kết nối lại, tình hình thị trường ô tô các tháng cuối năm sẽ còn tiếp tục được cải thiện nhờ vào nhu cầu mua sắm xe mới của người dân Việt Nam vẫn còn rất lớn.  

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• VGC: Ước tính lợi nhuận trước thuế 7 tháng đạt hơn 1.800 tỷ 

– Theo đó, Viglacera cho biết lợi nhuận 7 tháng vượt 11% kế hoạch lợi nhuận cả năm và gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2021. 

– Năm 2022, Viglacera lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và tăng 4% so với mức thực hiện năm 2021.  

– Như vậy, theo tính toán, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 7 tháng là 1.887 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.464 tỷ đồng. 

– Theo giải trình, công ty cho biết lợi nhuận trong quý II tăng do lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tiếp tục phát huy vai tò dẫn dắt đóng góp chủ yếu và mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty so với cùng kỳ; còn lĩnh vực vật liệu xây dựng có sự tăng trưởng về quy mô và lợi nhuận do công ty hợp nhất báo cáo tài chính của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ do nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65%. 

– Trong những tháng cuối năm, ban lãnh đạo Viglacera cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, bám sát diễn biến thị tường, đặc biệt tập trung phát triển thị trường phía Nam và đầu tư vào công tác phát triển sản phẩm mới. Đối với mảng bất động sản, công ty sẽ tập trung đẩy nhanh các tiến độ giải phóng mặt bằng và phát triển dự án khu công nghiệp mới. 

• BVH: Tập đoàn Bảo Việt hợp tác toàn diện với VNPT, xây dựng hệ sinh thái tài chính – bảo hiểm số 

– Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện vào sáng ngày 11/8/2022. Hợp tác có thời hạn 10 năm, từ năm 2022-2032, nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính – bảo hiểm số nhằm mang lại giá trị bền vững hơn cho khách hàng hai bên, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  

– Theo đó, sự hợp tác giữa hai tập đoàn sẽ tập trung vào xây dựng hệ sinh thái tài chính – bảo hiểm số toàn diện, nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng trên cơ sở phát huy thế mạnh hiện có của từng doanh nghiệp. Tập đoàn Bảo Việt sẽ cung cấp các gói giải pháp toàn diện VNPT Care, VNPT care plus và VNPT corporate care cho cán bộ nhân viên, doanh nghiệp và đối tác của VNPT. 

– Với hợp tác toàn diện cùng VNPT, Tập đoàn Bảo Việt sẽ có thể khai thác thế mạnh hiện có của VNPT là các giải pháp công nghệ, hệ sinh thái giải pháp số, tài nguyên số để hoàn thiện hệ sinh thái bảo hiểm số của riêng mình, từ đó mở rộng quy mô kinh doanh, lợi thế cạnh tranh và giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong tương lai. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, chỉ số VNINDEX phiên sáng giao dịch lình xình quanh tham chiếu. Tuy nhiên đến phiên chiều, lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VNINDEX kết phiên trong sắc xanh, tăng hơn 10 điểm, đóng cửa ở mốc 1.262,33 điểm. 

– Về độ rộng thị trường, phe mua lấy lại ưu thế khi có 273 mã tăng so với 166 mã giảm. Thanh khoản có sự sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng. 

– Nâng đỡ chỉ số VNINDEX phiên cuối tuần trước là cổ phiếu BID (+1,153 điểm), HPG (+0,81 điểm), GAS (+0,679 điểm). Ngược lại, các cổ phiếu tác động giảm điểm chỉ số có VHM, VJC, SSB,… 

– Phiên ngày thứ Sáu, tăng tốt nhất là nhóm ngành Nguyên vật liệu (+2,15%), Công nghiệp (+1,16%). Duy chỉ có Chăm sóc sức khỏe giảm nhẹ (-0,14%) 

– Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 138 tỷ đồng, mua nhiều nhất là HPG (124,98 tỷ đồng), ngoài ra có VIC (25,29 tỷ đồng), NVL (16,14 tỷ đồng). Chiều bán ròng có KBC, BSR, VHM,… 

– Hiện nay, dòng tiền vẫn đang khá lưỡng lự trước vùng gap 1.260 – 1.280 điểm. Trong tuần giao dịch tới, nhà đầu tư cần quan sát dấu hiệu gia tăng hoặc suy yếu của lực bán để quyết định xu hướng tiếp theo của thị trường. Nếu diễn biến tích cực, VNINDEX có thể tiếp tục hồi phục hướng về vùng 1.300 -1.320 điểm. Trường hợp thị trường có sự điều chỉnh thì có thể kỳ vọng vùng hỗ trợ quanh 1.220 điểm.  

– Nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị tốt danh mục trong thời điểm này, chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản của thị trường để hành động phù hợp với chiến lược đầu tư cá nhân. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest