1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Lạm phát Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới trong tháng 5.
– CPI tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 và cao hơn so với dự báo của thị trường là 8,3%. Trong đó, chi phí năng lượng, lương thực, nhà ở là các nhân tố đóng góp chính cho đà tăng mạnh của lạm phát tháng này: Giá năng lượng tăng 34,6% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 9/2005; Giá lương thực tăng 10,1%, lần đầu tiên tăng trên 10% kể từ tháng 3/1981; Chi phí nhà ở – chiếm tỷ trọng 30% trong rổ CPI – tăng 5,5%, nhiều nhất kể từ tháng 2/1991.
– Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản tăng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp xuống còn 6%, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 5,9%.
– Đồng USD trở thành kênh trú ẩn được ưa thích, chỉ số DXY tăng 0,9% trong phiên 10/6. Ngược lại, sức mạnh của đồng USD khiến cho chỉ số MSCI theo dõi đồng tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển (MSCI Emerging Markets FX) lao dốc.
– Sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lực giá cả tiếp tục không ngừng tăng khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, ảnh hưởng đến trật tự nguồn cung nhiên liệu và thực phẩm trên quy mô toàn cầu. Dữ liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng của tháng 5 được công bố là đòn giáng vào hy vọng của nhà đầu tư về khả năng lạm phát đã đạt đỉnh, đồng thời làm gia tăng quan ngại về vấn đề nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái, ảnh hưởng lan tỏa đến hành động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và các kênh tài sản.
- Trung Quốc: Lạm phát giảm tốc, hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại.
– Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, so với mức tăng 8,0% của tháng 4. Đây là ngưỡng thấp nhất ghi nhận từ tháng 3/2021. PPI tăng chậm do nhu cầu thép, nhôm và nhiều hàng hóa công nghiệp quan trọng khác giảm xuống do đại dịch Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đồng với tháng 4.
– Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2002 của Trung Quốc tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 3,9% ghi nhận trong tháng 4. Kim ngạch nhập khẩu tăng 4,1% so với cùng kỳ, tăng lần đầu tiên trong 3 tháng. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực được nhận định là nhờ vào việc cảng Thượng Hải – cảng lớn nhất của Trung Quốc đã được mở cửa trở lại vào tuần cuối cùng của tháng 5.
– Tình hình lạm phát được kiểm soát tốt tạo dư địa cho chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng, là một tham chiếu tâm lý tích cực cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản đồng nghĩa với việc tăng nhập khẩu hàng hóa và vật liệu xây dựng, sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát tại nước này. Việc Trung Quốc đang dần dỡ bỏ giãn cách tại các thành phố lớn giải quyết được nỗi lo về gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc là một trung tâm sản xuất và trung chuyển hàng hóa lớn của thế giới. Tuy nhiên điều này cũng đem lại áp lực cho nguồn cung nhiên liệu và nguyên vật liệu toàn cầu.
- Kiểm soát tín dụng nhưng không hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản
– Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo một số thông tin liên quan đến tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng ở mức hơn gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%, tương đương 37.000 tỷ đồng.
– Ngoài ra, NHNN cũng cho biết, hiện 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
– Tại kỳ họp ĐHCĐ 2022 và một số sự kiện liên quan đến tín dụng bất động sản, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết sẽ cắt giảm tỷ trọng cho vay bất động sản xuống dưới 10% trong năm nay. Các lãnh đạo cũng cho biết hiện không có sự hạn chế nào liên quan đến cho vay bất động sản, các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay đối với các dự án có hiệu quả, chủ đầu tư uy tín.
– Ngân hàng Nhà nước đánh giá lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, do đó cần có các giải pháp kiểm soát. Việc thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
– Mục đích của việc kiểm soát tín dụng bất động sản là để hạn chế dòng tiền chảy vào phân khúc đầu cơ, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch và lành mạnh trong dài hạn. Triển vọng đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản sẽ có sự phân hóa: lợi thế thuộc về các chủ đầu tư có kinh nghiệm, uy tín trên thị trường và khả năng bán hàng tốt; dự án có tính khả thi, thanh khoản tốt, vị trí phù hợp và có nhu cầu thực của người dân.
2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
- Đến năm 2025 vốn điều lệ tối thiểu của các ngân hàng là 5.000 tỷ đồng
– Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Chính phủ đưa ra 10 mục tiêu cụ thể. Trong đó, một số mục tiêu đáng chú ý như: Thứ nhất: Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%. Thứ hai: Đến năm 2025, tổ chức tín dụng phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ như sau: (1) Nhóm NHTM quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiêu 15.000 tỷ đồng. (2) Nhóm NHTM quy mô trung bình và NHTM có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Công ty tài chính 750 tỷ đồng, Công ty cho thuê tài chính 450 tỷ đồng. Theo đó, có ít nhất 2 – 3 NHTM nằm top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất Châu Á, tất cả các NHTM cổ phần niêm yết trên sản chứng khoán Việt Nam, 1 – 2 NHTM niêm yết trên sàn quốc tế. Thứ ba: Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập ngoại lãi của các NHTM lên khoảng 16% – 17% vào cuối 2025. Cuối cùng: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức dưới 3%.
– Đây là đề án quan trọng trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng tại Việt Nam, đề án sẽ tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
3. KÊNH CỔ PHIẾU
- Cổ phiếu tiêu điểm ( LHG, SZC, VEA,PLX)
- LHG – Nghị quyết và biên bản họp tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
– Kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính và thu nhập khác) đạt 781 tỷ đồng (-5% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 111 tỷ đồng (-62% YoY), lưu ý rằng LHG thường đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng khi LNST sau lợi ích CĐTS của công ty lần lượt đạt 162% và 183% so với kế hoạch năm 2020 và 2021.
– Cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2021 là 1.900 đồng/CP – tương đương với lợi suất cổ tức 5% .
– Quý I/2022, LHG ghi nhận doanh thu đạt 114,33 tỷ đồng (+3.7% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 48,66 tỷ đồng (+49% yoy). Tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2022 chủ yếu đến từ doanh thu tài chính tăng 231% YoY đạt 13 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Long Hậu hoàn thành được 43,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
– LHG là chủ đầu từ các khu công nghiệp Long Hậu 1 (LH1), LH2 và LH3 (bao gồm giai đoạn 1 đang khai thác và GĐ 2 đang trong quá trình đầu tư). Cuối 2021, KCN Long Hậu 3.1 (LH3.1) có diện tích đất còn có thể cho thuê là 61 ha (trong đó 40 ha sẵn sàng cho thuê) – đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho LHG trong ít nhất 3 năm tiếp theo (kế hoạch 2022 cho thuê 12 ha).
– Năm 2022: Tiếp tục đền bù GPMB hơn 20 ha còn lại của KCN LH3; Triển khai xin chủ trương đầu tư KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn 2 (dự kiến Q3/2022) diện tích 90 ha; Xin chủ trương đầu tư KCN An Định tại Vĩnh Long với quy mô 200 ha dự kiến hoàn thành vào Quý 4/2022.
– LHG hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng 2022 là 6.3 lần (LNST dự báo đi ngang đạt 300 tỷ đồng) – định giá hấp dẫn đối với công ty phát triển KCN có số dư tiền dồi dào cùng một dự án có vị trí chiến lược gần TP. HCM.
– Rủi ro: Tỷ lệ hấp thụ đất KCN thấp hơn dự kiến, vấn đề liên quan khoản phải trả của LHG cho IPC kéo dài.
Phân tích kỹ thuật
– LHG bị bán mạnh vào phiên Thứ Sáu (10/06) về mức giá 37.4, lấy lại đà tăng của 2 phiên giao dịch tích cực liền trước.
– LHG đã lấy lại được xu hướng tăng ngắn hạn kể từ tuần cuối tháng 5, tuy nhiên thanh khoản của cổ phiếu vẫn duy trì thấp cảnh báo rủi ro lượng cầu vào hấp thụ cổ phiếu chưa tốt. Nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ và hành động theo kỷ luật, hạn chế mua mới đối với cổ phiếu LHG.
– Vùng 34.7+- là hỗ trợ mạnh của cổ phiếu, trường hợp LHG chạm về hỗ trợ này và phục hồi, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và quan sát diễn biến cổ phiếu khi về tới các vùng gap đã tạo.
- SZC – Quý 1/2022: Doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận đi lùi
– Trong quý 1/2022 SZC công bố doanh thu đạt 277,3 tỷ đồng (+56% yoy). Tuy nhiên, giá vốn/doanh thu đã tăng mạnh lên mức 63,1% so với mức 39,3% của Q1/2021, ghi nhận 175 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, SZC lãi ròng 75,3 tỷ đồng (-5% yoy).
– Quỹ đất đô thị hiện nay đạt hơn 600 ha Đến cuối 2021 SZC đã nhận bàn giao 1.798 ha, trong đó quỹ đất công nghiệp ước khoảng 1.123 ha và quỹ đất đô thị khoảng 633 ha. Với tỷ lệ thương phẩm khoảng 40%, quỹ đất đô thị sẵn sàng triển khai của công ty ước tính khoảng 253 ha.
– Cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2022 của SZC về tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính và thu nhập khác) là 775 tỷ đồng (+6% yoy) và LNST sau lợi ích CĐTS là 184 tỷ đồng (-43% yoy). Chúng tôi lưu ý rằng SZC thường đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng do công ty đã vượt kế hoạch LNST sau lợi ích CĐTS từ 123% -184% trong giai đoạn 2018-2021.
– SZC đặt kế hoạch tích cực cho tăng trưởng kép (CAGR) tổng thu nhập và LNST sau lợi ích CĐTS tương ứng là 22% và 37% trong giai đoạn 2022-2026.
Khuyến nghị:
– SZC có vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội từ nhu cầu thuê đất KCN đang ngày càng tăng tại các tỉnh phía Nam. KCN Châu Đức sở hữu những lợi thế cạnh tranh 1) quỹ đất chưa cho thuê lớn (khoảng 600ha); 2) khả năng thu hút tệp khách hàng đa dạng nhờ vị thế gần cảng biển, sân bay.
– Giai đoạn 2022-2024, SZC có thể sẽ đón điểm rơi lợi nhuận từ các dự án KĐT, giai đoạn 2 của dự án – Sonadezi Hữu Phước (40,5ha) được mở bán đầu năm 2022. Sân golf Châu Đức dự kiến sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2022, sẽ hoàn thiện hệ sinh thái và nâng cao giá trị đất tại đây.
– SZC hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng 2022 là 17.6 lần (LNST dự báo đạt 320 tỷ đồng -1.02% yoy)
Phân tích kỹ thuật
– SZC trong phiên Thứ Sáu (10/06) khi tiến về MA50 đã thu hẹp lại đà tăng, tuy nhiên cổ phiếu vẫn duy trì được đà tăng theo tuần (tăng 1,43% so với tuần giao dịch trước).
– SZC là một trong các mã cổ phiếu thể hiện tốt so với ngành và so với toàn thị trường trong phiên bán tháo ngày 10/6 khi vẫn giữ được giá xanh và khối lượng giao dịch tương đối tích cực so với trung bình các phiên kể từ đầu nhịp hồi phục.
– Nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân khi cổ phiếu vượt được kháng cự quan trọng quanh 58.5-59.0 +/- với khối lượng tích cực, và gia tăng khi diễn biến cổ phiếu theo như kỳ vọng.
- VEA – Công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022
– Năm 2022, VEA đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 5,978 tỷ đồng (-12% yoy) do doanh thu hoạt động tài chính được xác định sẽ sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch covid chỉ đạt 5.340 tỷ (-14% yoy), LNST đạt 4.498 tỷ đồng (-25% yoy) do sụt giảm doanh thu tài chính và dự kiến trích lập dự phòng hỗ trợ vốn cho các đơn vị có vốn góp của VEAM trong các năm trước đây.
– Giai đoạn 2022-2026, tổng doanh thu công ty mẹ tăng trưởng bình quân 6.5%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 5%/năm
– Công ty dự kiến chia cổ tức với tổng số tiền 5.365,24 tỷ đồng ~ tỷ suất cổ tức 9%
– VEAM tiếp tục trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Vướng mắc lớn nhất hiện nay là ý kiến Kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của VEAM về các khoản cho vay nội bộ và thanh lý hàng tồn kho lâu năm.
– Quý I/2022, VEAM ghi nhận doanh thu tăng 16,7% lên 1.139,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 2,3% lên 1.479,1 tỷ đồng.
Khuyến nghị:
– Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam và sở hữu cổ phần tại nhiều công ty liên doanh, liên kết như Honda Việt Nam (30%), Ford Việt Nam (25%), Toyota Việt Nam (20%). Cổ tức hàng năm: từ 3 công ty liên doanh liên kết chiếm phần lớn lợi nhuận ròng của công ty vào khoảng từ 5,000-7,000 tỷ đồng, giúp công ty có lượng tiền mặt lớn.
– Dự báo LNST 2022 đạt 5,800 tỷ đồng – tương đương P/E ở mức 10.5 lần – mức hấp dẫn khi mà cổ tức hàng năm có mức lợi suất cao từ 9-11% và tiềm năng tăng trưởng của ngành ô tô còn rất lớn. Trong dài hạn VEA còn nhiều tiềm năng bên cạnh câu chuyện thoái vốn nhà nước và chuyển sàn sang HOSE khi mà các tiêu chí dần được đáp ứng trong tương lai
Phân tích kỹ thuật
– VEA chứng kiến phiên giảm đầu tiên sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, kết phiên 10/06 dừng lại ở 46.0 – thuộc vùng hỗ trợ mạnh của cổ phiếu.
– Sau phiên bùng nổ ngày 06/06, đà tăng của VEA cho thấy sự chậm lại kèm theo thanh khoản giảm dần qua các phiên. Tuy nhiên, hiện tại cổ phiếu chưa cho thấy dấu hiệu vi phạm xu hướng, cộng với việc dựa trên lịch sử vận động của cổ phiếu này, chúng tôi cho rằng VEA sẽ tiến vào trạng thái đi ngang trong biên độ thu hẹp. Có thể bắt đầu mở mới vị thế đối với VEA.
– Vùng 47.0+/-, 49.5+/- lần lượt là các ngưỡng kháng cự quan trọng, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ hoặc thực hiện chốt lời một phần dựa vào phản ứng của cổ phiếu khi tiến về các vùng kháng cự này.
- PLX – Công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 6.
– PLX đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 186 nghìn tỷ đồng (+10% yoy) và LNTT 3.060 tỷ đồng (-19% yoy) cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng năm 2022
– Quý I/2022, doanh thu thuần toàn Tập đoàn đạt 67.020 tỷ đồng (+75% yoy). Tuy nhiên, do giá vốn tăng tới 84% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 18%, xuống 2.777 tỷ đồng. Kết quả, LNST đạt 442 tỷ đồng (-40% yoy).
– Nguyên nhân PLX tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung do Q1/2022, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải giảm công suất từ 105% xuống còn 65-67%, có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu tiền. Trong tháng 5/2022, các bên đã đạt thỏa thuận thống nhất về việc đảm bảo tài chính cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
– Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2022 với tỷ lệ 12%.
Khuyến nghị:
– Theo Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết hoạt động với công suất khoảng 80%-85% để đảm bảo nguồn cung trong quý 2/2022. Kế hoạch này có thể giúp PLX đảm bảo nguồn cung ứng đầu vào và phục hồi lợi nhuận trong quý 2/2022.
– PLX dự kiến sẽ hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại PGB trong 2022F (PLX đang sở hữu 40% cổ phần của PGB). Công ty cũng dự kiến bán một phần vốn tại Công ty bảo hiểm PJICO (PGI) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 40.95% xuống 35.1% trong 2022F.
– Năm 2022, dự báo LNST công ty mẹ đạt 3.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lợi nhuận từ thoái vốn). Tại giá đóng cửa ngày 03/06, PVT đang được giao dịch tại mức PE fw 2022 là 21 lần.
– Rủi ro: Nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng cao có thể làm giảm biên lợi nhuận dài hạn của PLX.
Phân tích kỹ thuật
– PLX kết phiên giao dịch ngày 10/06 tại mức giá đóng cửa thấp nhất phiên (45.0) và dừng trên đường MA10.
– Đà hồi phục của PLX đang có dấu hiệu thu hẹp lại sau khi cổ phiếu chinh phục không thành công MA50 vào phiên 08/06. PLX có thể coi là yếu hơn so với các mã trong cùng ngành do nhiều mã Dầu khí đã lấy lại được MA50.
– Nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ và hành động theo kỷ luật, trường hợp cổ phiếu vượt được kháng cự mạnh quanh 48.0+/- kèm theo thanh khoản tích cực có thể cân nhắc giải ngân.
4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC
- Sau lúa mì, Ấn Độ sắp hạn chế xuất khẩu đường
– Theo Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm tiếp thị kéo dài đến tháng 9 tới. Mục đích của dộng thái trên là nhằm đảm bảo kho dự trữ trong nước trước khi mùa đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. Ấn Độ sắp ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước. Động thái bảo hộ này xảy ra trong bối cảnh New Delhi vừa cấm xuất khẩu lúa mì. Ngay lập tức, giá đường đã tăng vọt.
– Ấn Độ là nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil năm 2021. Các khách hàng hàng đầu của Ấn Độ gồm có Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai.
– Sự khan hiếm đường đến từ Ấn Độ có thể đẩy giá hang hóa này tăng vọt trong thời gian tới sau khi ổn định ở mức cao trong vòng 10 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Thêm vào đó, chính phủ cũng liên tục đánh thuế các sản phẩm đường từ Thái Lan. Các doanh nghiệp đường Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép trong xu hướng tăng của giá đường, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện thổ nhưỡng tốt ,sản lượng thu hoạch đường cao.
- Tại sao doanh nghiệp cần phát hành trái phiếu?
– Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển nhanh, năm 2021 đạt 15% GDP và đến nay quý 1/2022 đã đạt 16,4% GDP.
– Về mặt bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc lãi của Tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu, gần giống như việc doanh nghiệp đi vay. Vậy tại sao các doanh nghiệp không tiếp tục vay ngân hàng mà lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
– Trước hết, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, bỏ qua kênh trung gian là ngân hàng, sẽ giúp đa dạng hóa dòng vốn, giảm rủi ro tập trung, tối ưu chi phí vốn cho doanh nghiệp và lợi tức của nhà đầu tư.
– Trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp huy động được kỳ hạn tối ưu theo nhu cầu. Các ngân hàng về bản chất là huy động vốn (chủ yếu là ngắn hạn) để cho vay doanh nghiệp (trong đó có những nhu cầu vay dài hạn). Để đảm bảo an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng thường bị giới hạn bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, dẫn đến nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp nhiều khi không thể được đáp ứng thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, kênh phát hành trái phiếu có thể giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn dài này cho các dự án kinh doanh chiến lược.
– Trong việc phát hành trái phiếu và đầu tư trái phiếu thì doanh nghiệp và NĐT là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Việc mua TPDN nghĩa là nhà đầu tư đã góp một phần vào việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng theo định hướng dài hạn và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời nhà đầu tư cũng được tiếp cận một kênh đầu tư mới với lợi tức tốt để đa dạng hóa danh mục tài sản. Tuy nhiên, khi đầu tư vào TPDN, nhà đầu tư cần có những hiểu biết nhất định về doanh nghiệp và trái phiếu cũng như lựa chọn tổ chức tư vấn, phân phối uy tín để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
- Các dấu hiệu cho thấy xuất hiện rủi ro vỡ nợ chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
– Quy mô thị trường TPDN VN có tốc độ tăng trưởng mạnh với CAGR 40% trong vòng 5 năm qua. Báo cáo mới nhất của FiinGroup cho biết, thị trường TPDN đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo thông qua một số dấu hiệu: Thứ nhất: Hoạt động phát hành đang kém sôi động trước những biện pháp lành mạnh hóa. Theo đó 5 tháng đầu năm 2022 quy mô phát hành TPDN giảm 28% svck. Nếu không tính đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Vingroup, quy mô phát hành tháng 5 chỉ đạt 13,7 nghìn tỷ đồng. Thứ hai: Kiểm soát rủi ro tín dụng BĐSlàm cho cầu về trái phiếu BĐS giảm mạnh, đặc biệt là TP phân khúc BĐS có tính đầu cơ cao. Thứ ba: Hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là các nhà phát hành chưa niêm yết. Phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức chưa niêm yết, trong khi đó năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết. Thứ tư: Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao khi tính đến cuối tháng 4, khoảng 63% quy mô TPDN của BĐS sẽ đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).
– Nhìn chung, mặc dù có thách thức nhưng không thể không kỳ vọng về triển vọng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi nhiều dự án lớn trong tương lai đến từ các quy hoạch của nhà nước mà ngân hàng không thể tài trợ hết nhu cầu vốn dài hạn được. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải khơi thông và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, triển vọng này có phần phụ thuộc vào Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sắp được cơ quan quản lý ban hành tới đây.
- Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng
– Vàng (trục phải) phục hồi trong phiên Thứ Sáu (10/06) 1.870,96 USD/t.oz, tăng lần đầu tiên sau 3 tuần, với lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế bởi cuộc chiến tại Ukraine, nguồn cung liên tục bị gián đoạn khiến giá hàng hóa tiếp tục cao, cộng với đó là chi phí đi vay tăng. Trong khi đó, chỉ số Dollar (trục trái) tăng lên 104,15 điểm, phản ánh kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới.
– Giá thép tăng 3,02% trong tuần vừa rồi lên mức 4600 NDT/tấn, phản ánh triển vọng nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc sau khi nới lỏng giãn cách. Trên hết, việc chính phủ tiếp tục cam kết sẽ có thêm nhiều biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc đã tạo thêm sự lạc quan cho thị trường. Tuy nhiên, rủi ro tái giãn cách vẫn tồn tại khi Thượng Hải đã tiến hành phong tỏa một số khu vực của thành phố và công bố một đợt kiểm tra hàng loạt cho hàng triệu cư dân.
– Giá dầu thô tăng lần lượt 0,83% và 1,51% so với tuần trước, với dầu Brent đạt 122,01 USD/thùng (trái) và WTI đạt 120,67 USD/thùng (phải). Giá dầu vẫn neo cao do (1) nhu cầu mạnh mẽ ở Mỹ trong bối cảnh mùa lái xe cao điểm, với dự trữ xăng của Mỹ ở mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2014 và (2) triển vọng tăng sản lượng từ OPEC+ bị hạn chế bởi năng lực cung ứng không đồng đều ở các thành viên.
– Chỉ số BDI giảm mạnh 11,89% trong tuần vừa qua về 2.320 điểm, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp. Tính riêng phiên Thứ Sáu (10/06), chỉ số đã giảm 22 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4, do cả hoạt động của các phân khúc tàu và nhu cầu đều giảm, do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị và lạm phát đến thương mại hàng hóa toàn cầu.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0