DCall Podcast ngày 12/10/2022 – Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5%

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Bank of America: Mỹ sẽ sớm mất đi 175.000 việc làm mỗi tháng, rơi vào suy thoái nhẹ
– Theo CNN, ngân hàng Bank of America cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến nền kinh tế nước này mất hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng kể từ đầu năm 2023.
– Thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên trong tháng 9. Nhưng Fed có thể sẽ sớm thay đổi tình hình bằng cách mạnh tay tăng lãi suất nhằm hạ bớt nhu cầu đối với mọi thứ, từ ô tô, nhà cửa cho đến thiết bị gia dụng. Bank of America cho biết tốc độ tăng trưởng việc làm dự kiến sẽ giảm một nửa trong quý IV/2022.
– Dưới áp lực từ cuộc chiến chống lạm phát của Fed, việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ bắt đầu thu hẹp vào đầu năm tới. Kết quả là 175.000 việc làm sẽ bị mất đi trong mỗi tháng của quý đầu tiên của năm 2023.
– Các dữ liệu ước tính do Bank of America công  bố cho thấy tình trạng thất nghiệp sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Xuất khẩu thuỷ sản chạm mốc 8,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái– Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 9/2022, xuất khẩu thủy sản đạt trên 850 triệu USD. Dù vẫn cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.

– Trong tháng 9, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Xuất khẩu tôm đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% so với cùng kỳ.

– Lũy kế 9 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất, đạt 2 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ.

– Về thị trường trong 9 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai, nhưng đây lại là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD trong 9 tháng qua.

• Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5%

– Trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10 có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

– Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 – 6%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 – 1,5%…

– Trên cơ sở ước thực hiện năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao và dự báo bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát và suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nước, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5% là hợp lý, Chính phủ giải thích.

– Thẩm tra kế hoạch trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5% trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• TPB: Lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng 35% so với cùng kỳ

– Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương 35%.

– Theo báo cáo, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong tổng thu nhập của ngân hàng là nguồn thu nhập từ lãi thuần với hơn 8.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 20,62% so với cùng kỳ năm trước.

– Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng hơn 78% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động dịch vụ khởi sắc mạnh nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm 2021.

– Tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 317.000 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch mục tiêu. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng 49.515 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021. Dư nợ tín dụng đạt 178.902 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

• VIB: Lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng 46% so với cùng kỳ

– Ngân hàng Quốc tế (HoSE: VIB) công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán cho 9 tháng đầu năm 2022 với hiệu quả kinh doanh vượt trội.

– Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, VIB đạt tổng doanh thu trên 13.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2.400 tỷ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, khoảng 4.600 tỷ đồng, với mức tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu.

– Nhờ đó, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của Ngân hàng giảm xuống còn 35%, hiệu quả quản trị chi phí ở nhóm dẫn đầu ngành. Chi phí dự phòng ước tính đạt hơn 900 tỷ đồng.

– Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 2.780 tỷ đồng. Hết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.

• CTR: Ước tính lãi trước thuế 9 tháng tăng 28% so với cùng kỳ– Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction – HoSE: CTR) đã công bố kết quả kinh doanh ước tính 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 6.838,3 tỷ đồng, tăng trưởng 24,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 79,6% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 400,4 tỷ đồng, tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 77,4% kế hoạch năm.

– Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm, mảng Vận hành khai thác đóng góp hơn 3.833 tỷ đồng, tăng 18,6% và chiếm tỷ trọng cao nhất 56%. Doanh thu có sự chuyển dịch rõ ràng ở lĩnh vực Xây dựng khi tỷ trọng tăng từ mức 21% lên 28%. Doanh thu mảng Dịch vụ và Hạ tầng cho thuê cũng tăng trưởng cao lần lượt 35,5% và 58,5% so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 3%. Ngược lại, doanh thu mảng Giải pháp tích hợp sụt giảm 19,7% so với cùng kỳ xuống 676,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10%.

– Như vậy, ước tính trong quý 3, Viettel Construction đạt 2.613 tỷ đồng doanh thu và 160,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đều tăng trưởng 36% so với kết quả cùng kỳ năm ngoái.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 11/10/2022, thị trường quay trở lại với đà giảm ngay từ đầu phiên sáng. Trong phiên, đã có lúc VNINDEX giảm xuống dưới vùng 1.000 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục với sự hỗ trợ từ lực mua. Kết phiên VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.006,20 điểm, giảm hơn 36 điểm (-3,48%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán lan tỏa trên diện rộng với 435 mã giảm/46 mã tăng, trong đó có tới 134 mã sàn. Thanh khoản sụt giảm, chỉ đạt hơn 12.874 tỷ đồng dù khối lượng giao dịch có sự tăng nhẹ.

– Nhóm cổ phiếu trụ mất đi động lực nâng đỡ thị trường, đặc biệt nhóm ngân hàng là tác nhân khiến VNINDEX giảm sâu, tiêu biểu là VCB giảm hơn 3,7 điểm, BID (-1,929 điểm), ngoài ra có VHM (-2,325 điểm). Chiều tăng điểm nhẹ có GAS, BAF, VHC,… tăng dưới 0,05 điểm.

– 10 nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có Tài chính và Năng lượng (giảm quanh 4,8%), Công nghiệp (-4,42%). Các nhóm ngành còn lại giảm từ 1 – 3,8%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (3.433 tỷ đồng), Bất động sản (1.608 tỷ đồng), Nguyên vật liệu và Công nghiệp (quanh 1.300 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua đã giảm giá trị mua ròng xuống còn 159,92 tỷ đồng. Các mã được giải ngân có VIC (65,56 tỷ đồng), DGC (49 tỷ đồng) và VNM (+47,43 tỷ đồng). Chiều bán ròng có NVL (-54,56 tỷ đồng), VND (-36,61 tỷ đồng) và STB (-26,61 tỷ đồng).

– Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào tuần thứ 6 giảm điểm liên tục và áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Từ vùng đỉnh 1.528,57 điểm, VNINDEX đã đánh mất nhiều ngưỡng quan trọng và hiện đang ở vùng hỗ trợ mạnh 1.000 – 1.030 điểm.

– Nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục, tận dụng những nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn. Hạn chế mua đuổi với những cổ phiếu bỗng dưng bật tăng mạnh để tránh rủi ro tăng giá giả.

—————————–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 12/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest