DCall Podcast ngày 11.08.2022 – 7 tháng, FPT lãi trước thuế 4.242 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Trung Quốc phong tỏa trung tâm sản xuất hàng hóa quan trọng 

– Cơ quan chức năng Trung Quốc vừa phong tỏa thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, một trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn của quốc gia này sau khi một số ổ dịch Covid-19 bùng phát.  

– Chính quyền Nghĩa Ô sẽ chia thành phố thành hai khu vực có nguy cơ trung bình và cao. Người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao tuyệt đối không được rời khỏi nhà, trong khi đó, người dân ở khu vực nguy cơ trung bình sẽ được ra ngoài sau ba ngày. 

– Cơ quan chức năng cũng cho tạm dừng hoạt động đi lại ra và vào thành phố trừ trường hợp bất khả kháng. Các trường học ngay lập tức chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, và các doanh nghiệp không thiết yếu chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất khép kín sẽ buộc phải đóng cửa. Nghĩa Ô, với dân số khoảng 1,9 triệu người, là một trung tâm sản xuất hàng hóa tiêu dùng lớn, xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.  

– Dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại Tây Tạng, địa phương ghi nhận ca nhiễm đầu tiên sau hơn 900 ngày hồi tuần trước. Các quy định hạn chế đi lại ngay lập tức được áp dụng khiến hàng chục nghìn du khách bị mắc kẹt tại đây.  

– Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia đang theo đuổi chiến lược phòng dịch Zero Covid khi tiếp tục áp dụng một loạt các quy định phòng dịch nghiêm ngặt nhằm dập tắt các ổ dịch mới. Trước đó, thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất của quốc gia này bị phong tỏa chặt trong vòng hai tháng. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Giá xăng dầu giảm mạnh lần thứ 5 liên tiếp 

– Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 11/8. Sau điều chỉnh, xăng RON 95-III giảm về mức 24.660 đồng/lít, giảm 940 đồng/lít; E5 RON 92 là 23.720 đồng/lít, giảm 900 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ năm liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng trở về tương đương tháng 10-2021. 

– Giá dầu cũng giảm so với cách đây 10 ngày: giá dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, về mức giá 22.900 đồng. Dầu hỏa cũng giảm thêm 1.210 đồng, về còn 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên 16.540 đồng/kg như 10 ngày trước.  

– Theo liên bộ Công thương – Tài chính, xu hướng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới 10 ngày qua giảm. Bình quân mỗi thùng xăng RON92 (loại dùng để pha chế E5 RON 92) giảm về 105,92 USD. Mỗi thùng RON 95 ở mức 109,92 USD. Dầu diesel giảm nhiều nhất, gần 6 USD, còn 124,99 USD. 

– Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã có 20 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. 

• Thu ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng sau 7 tháng đầu năm 

– Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Trong đó, thu nội địa 7 tháng ước đạt 870,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô 7 tháng ước đạt 43 nghìn tỷ đồng, bằng 152,5% dự toán, tăng đột biến 91,6% so cùng kỳ năm 2021. Còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng ước đạt gần 179,8 nghìn tỷ đồng, bằng 90,3% dự toán, tăng ấn tượng 23,6% so cùng kỳ năm 2021. 

– Tổng chi Ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 35,5% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 57,4% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 53,5% dự toán. 

– Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ Ngân sách nhà nước. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• FPT: 7 tháng, FPT lãi trước thuế 4.242 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ 

– Thông tin mới từ CTCP FPT (HOSE: FPT), 7 tháng đầu năm, doanh thu của tập đoàn đạt 23.219 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) 4.242 tỷ đồng, tăng lần lượt 22,2% và 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ là 2.906 tỷ đồng, tăng 30,1% và EPS đạt 2.659 đồng. 

– Tính riêng tháng 7, FPT ghi nhận 3.390 tỷ đồng doanh thu, 605 tỷ đồng lãi trước thuế; tăng lần lượt 22% và gần 23% so với tháng 7 năm ngoái. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 416 tỷ đồng trong tháng 7. 

– Năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo đó, với kết quả đạt được sau 7 tháng, FPT đã thực hiện được gần 55% mục tiêu doanh thu và gần 56% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. 

– Trong đó, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ lần lượt là 57% và 45%. 

– Doanh thu mảng công nghệ đạt 13.259 tỷ đồng, LNTT là 1.923 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,1% và 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số đạt 50%, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ đám mây (Cloud) tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ (87%), chiếm 55% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số. 

– Mảng xuất khẩu phần mềm đạt mức doanh thu 10.156 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,1%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 43%) và APAC (tăng 62%). Thị trường Nhật Bản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 20,2%. 

– FPT cho biết khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài tăng mạnh lên mức 13.762 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 43,2%. 

• VHC: Doanh thu tháng 7/2022 của ‘nữ hoàng cá tra’ Vĩnh Hoàn tăng 48% 

– CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2022 với doanh thu thuần tăng 48% so với cùng kỳ 2021 lên 1,2 nghìn tỷ đồng, được hỗ trợ bởi doanh số bán cá tra philê đông lạnh và các sản phẩm liên quan tăng 50% so với cùng kỳ (cá tẩm bột, mỡ cá, bột cá và thức ăn chăn nuôi). 

– Doanh số collagen và gelatin (C&G) trong tháng 7 tăng 22% nhờ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm. 

– Tính trên cơ sở so với tháng trước, tăng trưởng doanh thu tháng 7 của VHC phục hồi đạt 13% so với -30% trong tháng 6/2022, được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng nhanh chóng của philê đông lạnh và sự cải thiện về doanh số sản phẩn chế biến sẵn tăng lần lượt là 31% và 17%. Mặt khác, tăng trưởng doanh thu so với tháng 6/2022 của mảng C&G, phụ phẩm và các sản phẩm khác lần lượt giảm 14%, 11% và 16%. 

– Dù vậy, giới phân tích cho rằng, nhu cầu mặt hàng thủy sản sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 để chuẩn bị cho mùa lễ hội, song khó có thể trở lại mức đỉnh trong những tháng đầu năm. 

– Công ty Vĩnh Hoàn trước đó cho biết đã có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý III và các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý II. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn cũng đã phần nào được đảm bảo cho nửa cuối năm 2022. 

• CTR: Viettel Construction báo lãi trước thuế 7 tháng tăng hơn 22% 

– Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: CTR) vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 7 tháng với doanh thu 5.043 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế là 288,6 tỷ đồng, tăng 22,4%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và 56% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

– Trong 6 tháng đầu năm, Viettel Construction ghi nhận doanh thu thuần 4.226 tỷ đồng, tăng 19,3% so với nửa đầu năm 2021; lợi nhuận trước thuế 240,2 tỷ đồng, tăng 23,6%. Như vậy, trong tháng 7 doanh thu của công ty ước tính là 817 tỷ đồng, tăng 20% so với tháng 7/2021, lãi trước thuế 48,4 tỷ đồng. 

– Trong 7 tháng qua, mảng vận hành khai thác đóng góp nhiều nhất vào doanh thu khi chiếm tỷ trọng 58%, đạt 2.922 tỷ đồng, tăng 23%. Mảng xây lắp, dịch vụ kỹ thuật hay hạ tầng đều ghi nhận sự tăng trưởng nhưng doanh thu mảng giải pháp tích hợp giảm 31% còn 494,4 tỷ đồng. 

– Ở lĩnh vực hạ tầng công trình, đơn vị đã hoàn thành xây dựng 1.053 trạm BTS, hoàn thành 42,5% kế hoạch năm. Tính đến 31/7, Viettel Construction sở hữu và cho thuế 3.486 trạm BTS, gần 1,9 triệu m2 DAS, 2.986 km đường truyền dẫn và 16.874 MWp năng lượng mặt trời. 

– Với lĩnh vực xây dựng, nguồn việc trong 7 tháng đạt 1.310 tỷ đồng, trong đó có các dự án tiêu biểu gồm Phúc An Asuka giai đoạn 2, Era Central City,… Năm nay, công ty đã ký kết tổng cộng 910 hợp đồng xây dựng nhà ở riêng lẻ, giá trị nguồn việc mang lại 923 tỷ đồng, tăng 112% về số lượng và 303% về giá trị hợp đồng so với cùng kỳ 2021,… 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 11/8/2022, chỉ số VNINDEX phần lớn giao dịch khá tích cực trước thông tin CPI tháng 7 của Mỹ công bố chỉ ở mức 8,5%, mở cửa phiên sáng với mức tăng hơn 10 điểm và đã có lúc hưng phấn chạm ngưỡng 1.270 điểm. Nhưng đến phiên chiều, lực bán tham gia mạnh đã khiến VNINDEX đảo chiều giảm điểm nhẹ, đóng cửa ở mốc 1.252,07 điểm, giảm 4,43 điểm (-0,35%). 

– Về độ rộng thị trường, phe bán chiếm ưu thế khi có 319 mã giảm/136 mã tăng. Số mã giảm chiếm gần 60% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản tăng mạnh, đạt 18.777,025 tỷ đồng. 

– Tác động lớn đến đà suy giảm của chỉ số VNINDEX gồm NVL (-0,938 điểm), VNM (-0,741 điểm), HPG (-0,589 điểm). Chiều đóng góp tăng điểm hỗ trợ chỉ số tiêu biểu là VCB (+1,2 điểm), GAS (+1,018 điểm), VIC (+0,966 điểm). 

– Phiên hôm qua áp lực bán lan tỏa trên toàn thị trường khiến hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm dưới 1%. Chỉ có một vài nhóm ngành giảm mạnh như Nguyên vật liệu (-1,83%), Công nghiệp (-1,73%), Tiêu dùng (-1%). Nhóm ngành duy nhất giữ được đà tăng nhẹ trong phiên là Công nghệ thông tin với mức tăng 0,02%. Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn đứng đầu là Tài chính (5.473 tỷ đồng), tiếp đó là Công nghiệp (3.275 tỷ đồng) và Bất động sản (2.239 tỷ đồng).  

– Khối ngoại tuy vẫn duy trì trạng thái mua ròng nhưng giá trị vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ đạt gần 74 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Các mã được mua ròng nhiều nhất có SSI (67,72 tỷ đồng), PVS (51,82 tỷ đồng) và HDB (47,61 tỷ đồng). Trong khi đó chiều bán ròng có VNM (-104,97 tỷ đồng), VCI (-73,15 tỷ đồng), BSR (-51,01 tỷ đồng). 

– Phiên hôm qua chỉ số VNINDEX đã có động thái điều chỉnh lấp vùng gap tạo từ đầu phiên và vùng nền 1.250 điểm vẫn được giữ vững nhờ lực mua tham gia hỗ trợ. Với đà bán vẫn còn lan rộng, khả năng phiên hôm nay chỉ số sẽ tiếp tục gặp rung lắc tại vùng nền 1.250 điểm. Nhà đầu tư ưu tiên quản trị danh mục và cân nhắc hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest