1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Lạm phát tăng mạnh ở các nước Đông Nam Á
– Giá đầu vào như lương thực hay nhiên liệu tăng cao khiến lạm phát ở một số nước Đông Nam Á phá kỷ lục. Dữ liệu mới công bố của Thái Lan cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 7,1% so với cùng kỳ 2021 và cũng là cao nhất trong hơn 13 năm qua. Con số này lớn hơn đáng kể so với mức 4,7% của tháng 4. Trước đó, các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg cũng dự báo lạm phát tháng 5 của Thái Lan vào khoảng 5,9%.
– Ở Indonesia, lạm phát tháng 5 tăng 3,55% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức 3,47% của tháng 4. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu năm nay của Ngân hàng Trung ương Indonesia là 2-4%. Chính phủ Indonesia cũng đã chấp thuận bơm tiền để trợ giá năng lượng, giúp bình ổn giá một số mặt hàng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng.
– Còn tại Singapore, lạm phát cơ bản (không gồm chi phí ăn ở và vận chuyển) tháng 4 đã tăng tốc lên 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong 10 năm và cao hơn mức 2,9% của tháng 3.
– Lạm phát tăng cao bắt nguồn từ tình trạng tăng giá năng lượng và thực phẩm trên quy mô toàn cầu. Nếu các vấn đề về chuỗi cung ứng kéo dài thì an ninh lương thực trên các nước Đông Nam Á ngày càng bất ổn.
- Nhà Trắng dự báo lạm phát Mỹ tiếp tục gia tăng
– Ngày 8/6, Nhà Trắng cho biết lạm phát của Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2022, bất chấp những dấu hiệu cho thấy đà tăng giá hàng hóa ở nước này đã chậm lại.
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 4 thập kỷ qua, trong đó giá xăng liên tiếp chạm các mốc cao kỷ lục mới mỗi ngày, do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19.
– Các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng CPI hàng tháng của Mỹ sẽ duy trì đà tăng sau khi chậm lại vào tháng 4, khi CPI tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình, song đến nay vẫn chưa đưa ra được nhiều biện pháp giúp kiểm soát đà tăng giá cả.
– Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thực hiện các đợt tăng mạnh lãi suất để giảm sức ép lạm phát, với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong khi tránh nguy cơ suy thoái.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
- Giá dầu thô nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp 1,5 lần
– Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nhập khẩu dầu thô đạt 705,5 nghìn tấn, tương đương 500 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 47% lần về giá trị so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng, nhập khẩu dầu thô đạt 4 triệu tấn, tương đương 2,5 tỷ USD, tăng 5% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
– Trong tháng 5, giá dầu thô nhập khẩu khoảng 709 USD/tấn, tăng gấp 1,5 lần so với tháng 5/2021 và tăng hơn 4 lần so với tháng 5/2020. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp, giá dầu thô nhập khẩu ở mức trên 600 USD/tấn, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung năm 2021, 2020.
– Đầu tháng 5, Bộ Công Thương thông tin nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3 xăng dầu trong quý II, chiếm gần 27% tổng cung xăng dầu của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng bắt đầu tìm kiếm thêm các nguồn cung, nhập khẩu dầu thô của Malaysia, con số khởi điểm ở mức 197 nghìn tấn, tương đương 109 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 5% trong tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Việt Nam.
- Xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái
– Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 5/2022 đạt gần 35,2 tỷ USD, tăng 24,2% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 5.
– Trong đó, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu đạt hơn 18 tỷ USD, tăng gần 41% so với nửa đầu tháng 5 do một số nhóm hàng tăng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tăng 68%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 42,2%; hàng dệt may tăng tăng 37,5%… Tính trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 153,3 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.
– 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,36 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,93 tỷ USD, tăng 14,9%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.
– Theo phân tích của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới cũng đang có xu hướng gia tăng. Và các doanh nghiệp cũng gia tăng hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu, hàng tiêu dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
- Digiworld triển khai phương án thưởng cổ phiếu tỷ lệ 80%
– Digiworld (HOSE: DGW) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị triển khai phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành gần 72,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 80% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời điểm thực hiện trong tháng 6 và 7, sau khi được Uỷ bán Chứng khoán chấp thuận. Sau phát hành, vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến tăng từ 907,5 tỷ đồng lên 1.632 tỷ đồng.
– Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Hội đồng quản trị đã trình và được cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 80%
– Năm nay, Digiworld đề ra kế hoạch gồm doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 22% so với thực hiện 2021. Trong đó, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng điện thoại di động, kế đến là máy tính xách tay, thiết bị văn phòng, tiêu dùng.
– Quý I, doanh nghiệp báo cáo doanh thu đạt 7.009 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 211 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết kết quả này đến từ sự tăng trưởng của những mảng cốt lõi.
- POW: Ước đạt gần 12.400 tỷ doanh thu 5 tháng.
– Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần PV Power (Mã: POW) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 5 với 2.433 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 26% chỉ tiêu tháng và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 5 tháng, doanh thu của tổng công ty đạt 12.382 tỷ đồng, giảm gần 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 51% mục tiêu cả năm.
– Trong cơ cấu doanh thu, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 36%), tiếp đó là nhà máy điện Cà Mau 1&2 (gần 35,6%). Tỷ trọng đóng góp doanh thu của nhà máy Vũng Áng 1 chỉ còn gần 24,6%, còn lại là các nhà máy khác.
– Về tình hình các dự án mới: Dự án đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & Nhơn Trạch 4: Ngày 27/01/2022 Hội đồng quản trị PVPower đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Tổ hợp Liên doanh nhà thầu Samsung C&T và LILAMA. Hợp đồng EPC đã ký ngày 14/03/2022. Đang hoàn tất thiết kế, hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án.
– POW sẽ tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 09/06/2022, chỉ số VNINDEX đã có nhịp điều chỉnh test lại thành công mốc 1.300 điểm. Đóng cửa phiên, chỉ số dừng lại ở mốc 1.307,8 điểm, giảm 0,1 điểm (-0,01%), không có sự thay đổi so với số điểm phiên ngày hôm qua.
– Độ rộng thị trường phiên hôm nay khá cân bằng khi có 219 mã tăng và 214 mã giảm cho thấy sự giằng co khá mạnh của dòng tiền. Thanh khoản duy trì ở mức thấp khi đạt 12.680,227 tỷ đồng.
– Áp lực giảm điểm ảnh hưởng tới chỉ số VNINDEX đến từ VCB (-1,695 điểm), GAS (-0,637 điểm) và SAB (-0,443 điểm). Chiều tăng điểm có đại diện của nhóm Thép sau chuỗi phiên giảm liên tiếp là HPG (+1,03 điểm), tiếp theo đó là GVR (+0,409 điểm) và VGC (+0,356 điểm).
– 7/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh tăng điểm, trong đó nhóm ngành Nguyên vật liệu với mức tăng 2,35%. Các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 1%. Ba nhóm ngành giảm điểm trong phiên hôm nay gồm có Tài chính, Tiêu dùng và Tiêu dùng thiết yếu cùng mức giảm dưới 1%.
– Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục mua ròng 179,39 tỷ đồng tập trung ở các mã BSR (102,68 tỷ đồng), STB (82,44 tỷ đồng) và DXG (68,76 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối ngoại đến từ các mã VCB (-51,05 tỷ đồng), VHM (-44,77 tỷ đồng) và ACV (-33,61 điểm).
– Chỉ số VNINDEX phiên hôm nay đã có nhịp điều chỉnh test lại vùng 1.300 điểm cùng thanh khoản thị trường được duy trì ở mức thấp cho thấy áp lực bán tại nhịp điều chỉnh là không nhiều. Bên cạnh đó nhịp hồi phục ở cuối phiên cho thấy lực cầu đã có sự gia tăng đưa chỉ số hồi phục về mốc tham chiếu. Nếu lực cầu tiếp tục được duy trì thì có thể kỳ vọng VNINDEX sẽ quay lại lấp gap vùng 1.320 điểm. Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường và cân nhắc giải ngân gia tăng thêm những mã vẫn giữ được đà tăng tốt sau nhịp điều chỉnh.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0