DCall Podcast ngày 09/09/2022 – Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất thêm 0,75%

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/09/2022

1. Thông tin thế giới 

• Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất thêm 0,75% 

– Hôm thứ Năm (8/9), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản và báo hiệu các đợt tăng tiếp theo nhằm ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát ngay cả khi nền kinh tế EU đang hướng tới một cuộc suy thoái. 

– “Bước quan trọng này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mức chính sách hiện hành có tính tương thích cao sang mức sẽ đảm bảo lạm phát trở lại kịp thời với mục tiêu trung hạn 2% của ECB”, tuyên bố của ECB cho biết. 

– ECB cho biết thêm rằng, họ “dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa vì lạm phát vẫn còn quá cao và có khả năng duy trì trên mục tiêu trong một thời gian dài”. 

– Bên cạnh đó, ECB đã điều chỉnh tăng kỳ vọng lạm phát với dự báo trung bình lạm phát sẽ ở mức 8,1% vào năm 2022 và 5,5% vào năm 2023 và 2,3% vào năm 2024. 

– Khi được hỏi liệu suy thoái có nằm trong dự báo của ECB hay không, bà Lagarde (Chủ tịch ECB) cho biết, triển vọng cơ bản của khối là tăng trưởng GDP ở mức 3,1% cho năm 2022, 0,9% cho năm 2023 và 1,9% cho năm 2024 và do đó ECB có thể tránh được suy thoái. 

– Được biết, trong tháng 8, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục lập đỉnh mới ở ngưỡng 9,1%. 

– Với bước tăng mạnh lãi suất này, ECB phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng hy sinh tăng trưởng nhằm đạt được mục tiêu ổn định giá cả.   

• Pháp: Có nguy cơ suy thoái kinh tế vào đầu năm 2023  

– Theo báo cáo mới nhất do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp công bố, tỷ lệ lạm phát tại Pháp sẽ tiếp tục tăng cao lên mức 6,6% trong những tháng cuối năm trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại ở mức 0% trong quý 4/2022; trước khi đứng trước nguy cơ suy thoái vào năm 2023 do các yếu tố bất ổn về địa chính trị, dịch bệnh, thời tiết và nhất là viễn cảnh về một khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. 

– Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (Insee), tỷ lệ lạm phát tại Pháp sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm sau khi đã giảm nhẹ còn 5,8% trong tháng 8/2022. Mức đỉnh của lạm phát sẽ diễn ra trong hai tháng cuối năm với 6,3% trong tháng 11/2022 và 6,6% trong tháng 12/2022. Theo Viện Insee, lạm phát cả năm 2022 của Pháp sẽ là 5,3%, mức cao nhất kể từ năm 1985. 

– Nguyên chính khiến lạm phát tăng cao trở lại chủ yếu vẫn do sự leo thang của giá năng lượng và lương thực. Quyết định đóng hoàn hoàn đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) của Nga và nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa Đông sẽ khiến tỷ lệ lạm phát trong lĩnh vực năng lượng luôn ở mức trên 20% trong những tháng cuối năm, trong khi giá lương thực cũng sẽ bị ảnh hưởng, tăng từ 10% đến 11%. 

• Đồng USD mạnh đang lan tỏa ‘nỗi đau’ ra toàn cầu 

– Chỉ số đo lường đồng USD của FED so với một rổ các đồng tiền của những nền kinh tế phát triển đã tăng 10% từ đầu năm đến nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2002.  

– Theo hãng tin Bloomberg, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất nhiều thập niên đang khiến cả nước giàu lẫn nền kinh tế mới nổi chịu nỗi đau chung. Với đà thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong hơn 1 thế hệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng USD đang đè nặng lên các đồng tiền khác. 

– Sự tăng giá của đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế khác. 

– Theo Bloomberg, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều nền kinh tế không có được sức mạnh tăng trưởng như Mỹ và việc nâng lãi suất không giúp ích được gì nhiều cho thị trường tiền tệ. Hậu quả là chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn đi lên và đồng tiền vẫn mất giá. 

– Hãng tin Bloomberg cho biết các nền kinh tế hiện nay chẳng có nhiều công cụ để tác động ngược lại đồng USD, khiến tình hình này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Ngân hàng Nhà nước bơm gần 60.000 tỷ đồng trong ba phiên đầu tuần 

– Hơn 28.700 tỷ đồng đã được bơm ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong phiên giao dịch ngày 7/9 với 16 thành viên tham gia và trúng thầu, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

– Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chào mua thành công 13.720 tỷ đồng giấy tờ có giá kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,5%/năm và gần 15.000 tỷ đồng giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,65%/năm. 

– Trước đó, trong hai ngày 5/9 và 6/9, các ngân hàng cũng “vay nóng”  15.000 tỷ đồng mỗi phiên từ NHNN qua kênh OMO với lãi suất từ 4,5-4,6%/năm. Như vậy, chỉ riêng ba phiên đầu tuần này, NHNN bơm khoảng 58.720 tỷ đồng thông qua kênh OMO vào hệ thống ngân hàng thương mại. 

– Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng cao. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng lên 5,71%/năm trong phiên 6/9, cao hơn 0,5 điểm % so với phiên trước đó. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần cũng ghi nhận mức cao hơn 0,42 điểm %, đạt 5,63%/năm. 

– Trong tuần này, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng thanh khoản hệ thống sẽ trở lại trạng thái bình thường và NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt sử dụng kênh hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất. 

• Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng 

– Kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm nay của hệ thống ngân hàng quanh mức 14%, Ngân hàng Nhà nước thận trọng cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tùy từng ngân hàng. 

– Theo các thông tin ban đầu, có 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này. 

– Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như: Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%), Techcombank, Vietcombank (2,7%)… các nhà băng còn lại ở mức thấp hơn. 

– Như vậy, Sacombank là ngân hàng được giao thêm hạn mức tín dụng cao nhất khi được cấp thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7% và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank xác nhận điều này. 

– Được biết, đến cuối tháng 6-7/2022, hầu hết các nhà băng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được trao đầu năm 2022 khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Và đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong năm nay. 

– Ngay sau khi nới hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• HVN: HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết 

– Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có thông báo lưu ý đến khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN). 

– Trong báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng hơn 5.000 tỷ đồng trong khi lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 là gần 29.000 tỷ đồng đồng thời vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng. 

– Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. 

– Đơn vị kiểm toán nhận thấy “sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục” của Vietnam Airlines. 

– Theo đó, thông báo của HoSE nhấn mạnh về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của hãng bay này tiếp tục là số âm hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. 

– Trước đó, HoSE cũng cho biết sẽ giữ nguyên diện kiểm soát đổi với cổ phiếu HVN theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 1/6/2022.                                                                               

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 8/9/2022, chỉ số VNINDEX dù khởi đầu phiên giao dịch trong sắc xanh nhưng sau đó nhanh quay đầu suy yếu và liên tục giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp. Đến cuối phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VNINDEX giảm 8,57 điểm, đóng cửa tại mốc 1.234,6 điểm (-0,69%) 

– Về độ rộng thị trường, ưu thế vẫn nghiêng về phe bán với 317 mã giảm so với 151 mã tăng. Thanh khoản sụt giảm so với phiên giao dịch trước đó, chỉ đạt hơn 14.415 tỷ đồng. 

– Ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số VNINDEX chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng như  VCB (-2,397 điểm) và BID (-1,409 điểm), ngoài ra có GVR (-0,8 điểm). Chiều tăng điểm có MSN (+1,082 điểm), SAB và NVL với tổng mức đóng góp hơn 1,1 điểm. 

– Phiên hôm qua chỉ có 3/10 nhóm ngành hồi phục gồm Tiêu dùng và Tiêu dùng thiết yếu tăng hơn 1%, Công nghệ thông tin (+0,51%). Trong khi đó Tài chính, Năng lượng và Công nghiệp tiếp tục giảm sâu hơn 1,5%. Các ngành còn lại giảm dưới 0,5%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.078 tỷ đồng), Công nghiệp (2.269 tỷ đồng) và Bất động sản (1.942 tỷ đồng). 

– Khối ngoại nay đã quay trở lại mua ròng nhẹ hơn 74 tỷ đồng với đại diện là HPG (99,77 tỷ đồng), DGC (45,74 tỷ đồng), NLG (25,62 tỷ đồng). Ngược lại, chiều bán ròng có SSI (-35,25) tỷ đồng, STB (-30,22 tỷ đồng) và CTG (-18,7 tỷ đồng).  

– VNINDEX hiện đã giảm xuống dưới vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.240 – 1.250 điểm và đang hướng về vùng hỗ trợ mạnh 1.200 – 1.220 điểm. Thanh khoản tuy có sự sụt giảm nhưng với việc lực bán đang chiếm ưu thế thì khả năng đà giảm vẫn còn tiếp tục trong phiên hôm nay khi lực cầu vẫn còn yếu. 

– Nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục với những mã cổ phiếu đã giảm xuống dưới vùng hỗ trợ với thanh khoản lớn và hạn chế tham gia mua mới khi chưa có dấu hiệu đà giảm đã kết thúc. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest