Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/08/2022
1. Thông tin vĩ mô thế giới
• Mỹ bất ngờ bổ sung thêm 528.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 7
– Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, kinh tế Mỹ có thêm 528.000 việc làm mới trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, cao hơn gấp đôi so với dự báo của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm về ngưỡng 3,5%, thấp nhất trong vòng 50 năm. Bên cạnh đó, số lượng việc làm trong tháng trước được điều chỉnh tăng lên 398.000 đơn vị.
– Số lượng việc làm tại Mỹ tăng cao hơn dự báo trong tháng 7, phản ánh nhu cầu lao động lớn tại nền kinh tế số một thế giới, giúp xoa dịu quan ngại suy thoái sau khi GDP giảm trong hai quý liên tiếp.
– Báo cáo việc làm tích cực trong tháng 7 là tiền đề để các quan chức Fed tiếp tục theo đuổi chiến lược siết chặt chính sách tiền tệ nhằm sớm kéo giảm lạm phát, hiện ở đỉnh hơn bốn thập kỷ. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần trước bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba trong năm nay và quyết định đó sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế trước cuộc họp tháng 9.
• FAO: Giá lương thực thế giới giảm nhanh
– Theo báo cáo mới công bố cuối tuần trước của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới trong tháng 7/2022 là 140,9, giảm so với mức 154,3 của tháng trước đó.
– Cụ thể, trong tháng 7/2022, tất cả các chỉ số giá dầu thực vật, đường, sữa, thịt và ngũ cốc đều giảm. Trong đó, giá lúa mì giảm tới 14,5%, một phần nhờ thỏa thuận đạt được giữa Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen.
– Mặc dù giảm, chỉ số giá lương thực trong tháng 7 vẫn cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là chi phí vận tải và sản xuất tăng cao, năng suất giảm do thời tiết cực đoan và xung đột tại Ukraine.
– Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero, đánh giá giá lương thực giảm là điều đáng mừng, song khó khăn vẫn còn ở phía trước. Cụ thể, ông cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, sự biến động của tiền tệ và giá phân bón cao đều gây ra những tác động nghiêm trọng cho giá lương thực toàn cầu.
2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
• Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với ống thép nhập khẩu từ Việt Nam
– Ngày 29/07, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép – chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 – nhập khẩu từ Việt Nam.
– Trong vụ việc này, Nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) – là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép – từ Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
– Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Mỹ. Trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
– Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ống thép liên quan tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
• Đà tăng trưởng chững lại, xuất khẩu gỗ giảm trong tháng 7
– Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7 năm nay chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, đây cũng là tháng đầu tiên ngành ghi nhận mức tăng trưởng âm.
– Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường chính. Song, từ đầu năm nay đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ ghi nhận tăng mạnh ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường EU có mức tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Mỹ chiếm tới trên 60% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, chỉ đạt 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Trong khi các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Ông Lập cũng nhìn nhận, thị trường xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm.
3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
• DXG: Doanh thu giảm ở hầu hết các mảng, lãi ròng quý 2/2022 sụt giảm 55%
– Trong quý 2/2022, do chưa kịp bàn giao cũng như ghi nhận doanh thu ở một số dự án, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) lần lượt giảm 57% và 55% so với cùng kỳ.
– Cụ thể, trong 4 mảng kinh doanh của DXG, chỉ có mảng dịch vụ quản lý, cho thuê bất động sản đầu tư ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quý 2/2022. Tuy nhiên, đây lại là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu thấp nhất của Công ty. Trong khi đó, mảng kinh doanh chính của DGX là bán căn hộ và đất nền lại sụt giảm hơn 71%. Hệ quả, doanh thu thuần cả kỳ giảm 57%, xuống còn 1,550 tỷ đồng.
– Đáng chú ý, doanh thu bán căn hộ quý 2 giảm dù tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 5/2022, Chủ tịch HĐQT DXG – ông Lương Trí Thìn cho biết Công ty đang trong quá trình bàn giao 2 dự án trên đường Phạm Văn Đồng là Opal Boulevard và ST Moritz.
– Tuy nhiên, điểm sáng của Công ty là doanh thu tài chính tăng mạnh, gấp 5.6 lần cùng kỳ (197 tỷ đồng), nhờ ghi nhận khoản lãi hơn 172 tỷ đồng sau khi thanh lý các khoản đầu tư.
– Tại thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản của DXG ghi nhận hơn 30 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Hai khoản mục lớn trên tổng tài sản là phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đều lần lượt tăng 10% và 12%, lên 11.8 ngàn tỷ đồng và 12.6 ngàn tỷ đồng.
• HVN: Vietnam Airlines giải trình 3 giải pháp thoát lỗ
– Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát do lỗ hợp nhất trong các năm 2020, 2021 và quý 1/2022, vốn chủ sở hữu âm tại thời điểm 31/3/2022.
– Trong báo cáo tài chính quý 2/2022, Vietnam Airlines cho biết, lỗ sau thuế quý 2 của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất giảm mạnh so với quý 2 năm ngoái và đang trong lộ trình giảm so với quý 1 năm nay. Cụ thể, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ chỉ còn -2.243 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất là -2.568 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 43% so với cùng kỳ.
– Vietnam Airlines cũng cho biết, đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền. Trong đề án này, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
– Thứ nhất, cải thiện kết quả kinh doanh vận tải hàng không đồng bộ cùng các giải pháp tăng cường thích nghi và sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất.
– Thứ hai, là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
– Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Nhịp đập thị trường chứng khoán
– Kết tuần giao dịch 1/8 – 5/8/2022, chỉ số VNINDEX tăng hơn 46 điểm (+3,85%) đạt mốc 1.252,74 điểm. Khối lượng giao dịch có sự cải thiện lớn khi đạt hơn 3,7 tỷ cổ phiếu (+45,10%) và giá trị giao dịch đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng (+39,21%).
– Chuỗi mua ròng của nhà đầu tư khối ngoại vẫn là điểm nhấn tích cực của thị trường trong giai đoạn các tuần gần đây, khi khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 1.441 tỷ đồng trong tuần 01/08 – 05/08, gần như tương đương với giá trị mua ròng tuần trước khi VNINDEX vượt mốc 1.200 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục ưa chuộng nhóm tài chính, khi khối ngoại mua ròng SSI (591.7 tỷ đồng) và STB (332.4 tỷ đồng). Ngoài ra, VHM có sự trở lại ấn tượng khi được khối ngoại mua vào 311.5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại chủ động bán ra quỹ ETF VNDIAMOND 640 tỷ đồng và AGG (200.2 tỷ đồng).
– Tuy nhiên, mức độ hưng phấn trên thị trường đang dần hạ nhiệt khi dòng tiền đang phân hóa và dịch chuyển sang các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hóa lớn chịu áp lực chốt lời.
– Đà tăng của VNINDEX hiện đang gặp thử thách tại vùng gap260 – 1.280 điểm. Dòng tiền khá lưỡng lự trong 2 phiên giao dịch cuối tuần với diễn biến giằng co và phân hóa mạnh: thể hiện ở theo mẫu hình nến thân hẹp và số mã tăng xấp xỉ số mã giảm.
– Trong những phiên giao dịch tới, VNINDEX có thể đi ngang tích lũy để hấp thụ lực bán trước khi tiếp tục hồi phục, hoặc nếu áp lực bán gia tăng mạnh hơn thì chỉ số có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.220 điểm.
– Với những nhà giao dịch, hạn chế mua mới và cân nhắc hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu đang nắm giữ ở gần vùng kháng cự và có áp lực bán gia tăng để tránh rủi ro. Với những nhà đầu tư, tiếp tục quan sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng mua tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn nếu thị trường điều chỉnh.
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect