Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/07/2022
1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Lạm phát tăng tốc ở châu Á gây áp lực lên các ngân hàng trung ương
- Theo tờ Wall Street Journal ngày 5/7, tình trạng lạm phát tăng tốc đang lan rộng khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tạo ra kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay để hạ nhiệt giá cả leo thang.
- Mức tăng giá ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thấp hơn so với ở Mỹ và châu Âu, nơi tỷ lệ lạm phát đã tăng trên 8%, nhưng các nhà hoạch định chính sách ở một số quốc gia cảnh báo rằng giá cả hiện đang tăng nhanh hơn dự kiến, gây áp lực lớn lên các hộ gia đình và doanh nghiệp.
- Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) hôm 5/7 đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, từ mức 0,85% lên 1,35%. Việc tăng lãi suất mới nhất của RBA cũng giống như hành động của một loạt các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
- Lạm phát ở châu Á đang bị thúc đẩy bởi giá dầu và lương thực, vốn đã tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây để đáp trả.
- Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã nâng dự báo lạm phát cho khu vực bao gồm 10 nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn hạn.
- Trung Quốc và Ấn Độ chi 24 tỷ USD mua nhiên liệu của Nga
- Theo các dữ liệu hải quan mới nhất, Trung Quốc đã chi 18,9 tỷ USD cho dầu, khí đốt và than đá của Nga trong 3 tháng tính đến cuối tháng 5, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã nhập 5,1 tỷ USD nhiên liệu từ Nga trong cùng giai đoạn, gấp hơn 5 lần kim ngạch của một năm trước.
- Riêng về dầu thô, Trung Quốc đã nhập của Nga trong tháng 6 tổng cộng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, hay 15% nhu cầu dầu thô của cả nước, ngang bằng với khối lượng kỷ lục của tháng 5. Ngoài ra, Trung Quốc dự kiến nhận khoảng 880.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày thông qua hai đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO) và đường ống Kazakhstan-Trung Quốc.
- Kết hợp với Ấn Độ, hai nước đã mua thêm một triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga vào tháng 5 so với tháng 4, theo các nguồn tin thương mại của Trung Quốc và Ấn Độ. Con số đó tương đương với một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, mang lại cho Moscow khả năng thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
2.THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
- Tăng trưởng GDP năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu
- Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: mức tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% và 6 tháng đạt 6,42% cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, mức tăng trưởng 7,72% trong quý II là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay.
- Kết quả tăng trưởng trên có được là nhờ vào động lực và đóng góp của một số ngành, lĩnh vực cụ thể: Ngành công nghiệp và xây dựng (tăng 7,7% so với cùng kỳ), ngành dịch vụ (+ 6,6% so với cùng kỳ) và Nông, lâm, ngư nghiệp & thuỷ sản (+2,8% so với cùng kỳ)
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022, đặc biệt vào cuối năm kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ; từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022.
- Tuy nhiên theo bà Hương, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 do: Việt nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin cao và kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,31 điểm phân trăm so với cùng kỳ năm 2020.
- Khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra 6-6,5%.
- Tăng trưởng tín dụng kinh tế Việt Nam đạt 9,35% tính đến hết ngày 30/6,
- Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại”, cho thấy đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).
- Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
- Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%). Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
- Để đạt được kết quả trên, ngành ngân hàng đã triển khai các chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
- VCS: Vicostone ước tính doanh thu quý II đạt 1.725 tỷ đồng
- Ngày 7/7/2022, Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý II/2022. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.725 tỷ đồng và 439,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,8% và 16,91% so với cùng kỳ năm 2021.
- Là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao.
- Ngoài ra, Vicostone còn phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm giá rẻ từ đối thủ trong ngành. Trên thực tế, các nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nổi lên là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và mới đây là Malaysia.
- Vicostone sẽ tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, để có những giải pháp phù hợp, quản lí và kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; đầu tư mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu phát triển; duy trì vị thế tại các thị trường trọng điểm và đẩy mạnh mở rộng thị trường mới.
- Digiworld ước lãi 140 tỷ đồng quý II, tăng 20%
- Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 11 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld (HoSE: DGW) cho biết doanh thu quý II ước đạt 4.801 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
- Nguyên nhân tiêu thụ laptop giảm trong quý II có thể do quý II là quý đầu tiên Việt Nam mở cửa nên người dân tập trung vào các dịch vụ du lịch, giải trí nhiều hơn mua sắm sản phẩm điện tử. Sang quý III, tiêu thụ laptop kỳ vọng tăng trở lại khi mùa tựu trường đang đến. Trong bối cảnh đó, ngành hàng chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng tốt.
- Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu 11.810 tỷ đồng, tăng 28% và lãi sau thuế 351 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Digiworld thực hiện được 44-45% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.
- Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, laptop ghi nhận tăng 24% đạt 3.361 tỷ đồng, điện thoại tăng 31% đạt 6.522 tỷ đồng, thiết bị văn phòng tăng 28% đạt 1.763 tỷ, hàng tiêu dùng tăng 2% đạt 164 tỷ đồng.
- Hòa Phát tiêu thụ 560.000 tấn thép trong tháng 6, tăng 14%
- Tập đoàn Hòa Phát công bố sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) tháng 6 đạt 560.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ 2021 và giảm 15% so với tháng trước. Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 348.000 tấn, tăng 51% so cùng kỳ và giảm 11% so tháng trước; HRC ghi nhận 202.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
- Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29%; bán hàng HRC đạt 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.
- Doanh nghiệp cho biết tiêu thụ thép xây dựng tháng vừa qua tăng trưởng tốt nhờ thị trường khu vực miền Nam và xuất khẩu tăng mạnh, lần lượt tăng 200% và 60% so với cùng kỳ năm 2021. Việc Chính phủ thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm trong đó có trục cao tốc Bắc Nam đã giúp nhu cầu trên thị trường vật liệu xây dựng cải thiện hơn so với năm trước.
- Đối với thị trường xuất khẩu, thép Hòa Phát duy trì mức cao nhờ khai thác được một số thị trường mới như Singapore, Hồng Kông. Đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như Canada, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, … vẫn diễn ra đều đặn.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
-Phiên giao dịch ngày 7/7/2022, sau cú rơi điểm mạnh trong phiên giao dịch trước đó, chỉ số VNINDEX giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong suốt phiên giao dịch sáng. Đến cuối phiên chiều, VNINDEXT bất ngờ tăng điểm nhờ lực cầu tham gia mạnh vào các cổ phiếu trong rổ VN30. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.166,48 điểm, tăng 16,87 điểm (+1,47%).
– Độ rộng thị trường, phe mua quay trở trở lại chiếm ưu thế với 248 mã tăng/182 mã giảm. Số mã tăng chiếm hơn 48% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự sụt giảm so với phiên giao dịch trước đó khi chỉ đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng.
– Đóng góp cho đà hồi phục của chỉ số VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu trụ: VCB (+3,319 điểm), VIC (+2,278 điểm), VHM (+2,149 điểm). Chiều giảm điểm có GAS (-0,846 điểm), EIB (-0,209 điểm), GVR (-0,104 điểm).
– Phiên hôm qua ghi nhận sự hồi phục tích cực khi chỉ có 3/10 nhóm ngành giảm điểm, đó là Chăm sóc sức khỏe (-1,32%), Năng lượng (-0,68%) và Công nghệ thông tin (-0,16%). Tăng điểm nhiều nhất là Tiêu dùng thiết yếu (+3%), Bất động sản (+2,21%). Các ngành còn lại tăng dưới 1,3%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trong phiên ngày hôm qua vẫn là Tài chính (2,458 tỷ đồng), Công nghiệp (1.245 tỷ đồng), Bất động sản (1.029tỷ đồng).
– Khối ngoại hôm qua đã quay lại mua ròng với giá trị hơn 487,45 tỷ đồng. Tập trung vào các mã VNM (+121,2 tỷ đồng), VND (+54,75 tỷ đồng) và VCB (+41,41 tỷ đồng). Chiều bán ròng có KDC (-14,06 tỷ đồng), DPM (-10,26 tỷ đồng) và FUEVFVND (-9,15 tỷ đồng).
– Phiên hôm qua, với động thái kéo trụ cuối phiên trên nền thanh khoản thấp nên chưa thể khẳng định xu hướng hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Trong kịch bản tích cực, VNINDEX sẽ đi ngang tích lũy tại vùng hỗ trợ quanh 1.160 điểm để hấp thụ hết lực bán trước khi có thể hồi phục lê vùng điểm cao hơn. Chiều ngược lại, nếu VNINDEX không thể giữ vững được vùng nền hỗ trợ quanh 1.160 điểm thì khả năng sẽ giảm hướng về vùng nền hỗ trợ tiếp theo quanh 1.000 điểm. Nhà đầu tư thời điểm này nên đứng ngoài quan sát, chưa nên tham gia bắt đáy khi tỷ lệ rủi ro thị trường điều chỉnh vẫn đang khá cao.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0