DCall Podcast ngày 07/10/2022 – VHM: Thành lập CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• WTO cắt giảm dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 khi suy thoái bùng phát

– Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã hạ đáng kể dự báo thương mại toàn cầu cho năm 2023, khi chiến sự Nga – Ukraine và những cú sốc khác ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

– Khi trình bày dự báo thương mại hàng năm đã được sửa đổi, các nhà kinh tế của WTO cho biết họ vẫn kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng 2,8% trong năm nay, phù hợp với dự báo tháng 4 của họ.

– Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết tăng trưởng GDP năm 2023 hiện dự kiến ​​chỉ là 2,3%, giảm so với dự báo trước đó là 3,2%.

– Ngược lại, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) duy trì dự báo cho năm 2022 ở mức 3%, dự báo tăng trưởng 2,2% trong năm tới.

– Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm 2023.

– Đối với thương mại hàng hóa toàn cầu, các nhà kinh tế của WTO cho biết hiện họ kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng 3,5% trong năm nay, cao hơn một chút so với dự báo trước đó. Các nhà kinh tế cũng nhận định doanh số bán hàng chỉ tăng 1% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,4% vào tháng Tư.

• Mỹ sẽ xuất thêm 10 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược

– Bất chấp nỗ lực ngăn chặn việc cắt giảm sản lượng của Mỹ, các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ ngày 5/10 đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần giảm lớn nhất kể từ năm 2020.

– Saudi Arabia cho biết việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu tương đương 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để phản ứng với việc tăng lãi suất ở phương Tây và nền kinh tế toàn cầu yếu hơn.

– Ngay sau đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo xuất thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho dữ trự dầu mỏ chiến lược (SPR) ra thị trường vào tháng tới, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét việc xả thêm dầu một cách phù hợp “nhằm bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy an ninh năng lượng”.

– “Bộ trưởng Năng lượng cũng đã được chỉ đạo nghiên cứu thêm các hành động khả thi để tiếp tục tăng sản xuất nội địa trong trung hạn”, các quan chức Nhà Trắng cho hay. Đồng thời, chính phủ Mỹ sẽ tham vấn với Quốc hội về các công cụ phản ứng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC+ đối với giá năng lượng.

• Trung Quốc rót hàng chục tỷ USD vào điện than và thép

– Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Giám sát Năng lượng toàn cầu (GEM) vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy Trung Quốc đã phê duyệt công suất sản xuất nhiệt điện than mới là 15 gigawatt và công suất luyện gang từ than đá ở mức 30 tấn trong nửa đầu năm nay.

– Nghiên cứu của CREA và GEM cho thấy Trung Quốc đã thông qua khoản đầu tư trị giá khoảng 26-33 tỷ USD vào lĩnh vực điện than và thép trong sáu tháng đầu năm bất chấp nước này phải chạy đua để đáp ứng các mục tiêu carbon của mình.

– Trung Quốc đã phê duyệt nhiều dự án than đá hơn do tình trạng thiếu điện làm tê liệt các thành phần lớn của nền kinh tế trong năm 2021.

– Sản lượng than đá của Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1-8/2022 đạt 2,93 tỷ tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, bù đắp cho sự sụt giảm nhập khẩu. Trung Quốc cũng đã nâng công suất sản xuất hàng năm tại các mỏ than lên 490 triệu tấn kể từ năm 2021.

– Tổng công suất phát điện của Trung Quốc đã đạt 2.466 gigawatt vào cuối tháng 8/2022, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chủ yếu nhờ lắp đặt các năng lượng Mặt Trời và điện gió mới, với tổng công suất điện Mặt Trời tăng 27% lên 349,9 gigawatt. Theo số liệu chính thức, nhiệt điện than cũng tăng khoảng 1% lên 1.110 gigawatt.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Đề xuất cho EVN được điều chỉnh giá điện bán lẻ khi chi phí đầu vào tăng từ 1% trở lên

– Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về dự thảo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

– Dự thảo nêu rõ chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm. Trước ngày 1/8 hằng năm, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm căn cứ các số liệu và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1/10 hằng năm.

– Dự thảo đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành).

– Bộ Công Thương cho rằng biên độ để điều chỉnh hẹp lại từ 3% xuống 1% đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện.

• Thêm 4 ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 85 nghìn tỷ đồng

– Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ.

– Trong đợt điều chỉnh room lần này, mức điều chỉnh cao nhất thuộc về VPBank với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MBBank trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng trong lần này nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng. Được biết, các ngân hàng trên đã nhận được văn bản chính thức điều chỉnh room tín dụng từ cơ quan quản lý.

– Trước đợt nới room trên, hồi trung tuần tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng. Theo thống kê, số lượng ngân hàng được điều chỉnh trong đợt đó lên tới 18 đơn vị.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• VHM: Thành lập CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC)– Ngày 06/10/2022, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) được thành lập, do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng các cổ đông khác, trong đó có Vinhomes.

– VMI JSC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.

– Cụ thể, VMI JSC sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản đươc chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư hợp tác với VMI JSC sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.

– Trong thời gian hợp tác kinh doanh, VMI JSC tính toán để đưa ra các chính sách hợp tác đầu tư linh hoạt dựa trên thực tế thị trường, đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ việc gia tăng giá trị của bất động sản trong thời gian đầu tư, đồng thời được VMI JSC cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi. Các chính sách hợp tác đầu tư sẽ được VMI JSC công bố trên nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến.

– Để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư này, VMI JSC sẽ xây dựng và tổ chức nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến. Nền tảng thông tin trực tuyến này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm thông tin đầu tư, trao đổi, tìm kiếm các nhà đầu tư khác và thông tin tư vấn liên quan cũng như cách thức thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền tài sản dựa trên sự xác nhận của VMI JSC.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 06/10/2022, VNINDEX diễn biến tiêu cực trong suốt phiên giao dịch khi chỉ số gặp áp lực bán trên diện rộng. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.072,57 điểm, giảm gần 30 điểm (-2,69%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán lan tỏa khi có tới 429 mã giảm/60 mã tăng. Số mã giảm gấp 7 lần số mã tăng trên sàn HOSE. Thanh khoản tăng nhẹ, đạt hơn 11.115 tỷ đồng.

– Ảnh hưởng xấu tới thị trường đến từ nhóm cổ phiếu trong VN30 như HPG (-1,77 điểm), MSN và VCB đều giảm quanh 1,7 điểm. Chiều nâng đỡ chỉ số có EIB (+0,692 điểm), VIC và PGV với tổng mức tăng hơn 0,17 điểm.

– Thị trường đỏ lửa khi cả 10 nhóm ngành đều trong trạng thái giảm điểm, tiêu biểu như Nguyên vật liệu (-5,15%) và Tiêu dùng (-4,59%). Các nhóm ngành còn lại giảm từ 2 – 4%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.646 tỷ đồng), Công nghiệp (1.694 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.415 tỷ đồng) và Bất động sản (1.393 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua bán ròng nhẹ 131,66 tỷ đồng và dòng tiền vẫn đang rút ra khỏi HPG với giá trị bán đạt 198,3 tỷ đồng, ngoài ra có PHS (-60 tỷ đồng) và NVL (-37,98 tỷ đồng. Chiều mua ròng có DPM (+37,75 tỷ đồng), FUEVFVND (+36,62 tỷ đồng) và CTG (+35,3 tỷ đồng)

– VNINDEX đã giảm trả lại toàn bộ số điểm đã hồi phục cùng thanh khoản gia tăng cho thấy lực bán vẫn còn rất mạnh và chỉ số đóng cửa ở mốc gần thấp nhất phiên. Khả năng đà giảm sẽ còn tiếp tục trong phiên tới khi vẫn chưa có dấu hiệu tham gia mạnh mẽ của lực mua.

– Nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn trước mỗi quyết định giao dịch khi đà giảm của VNINDEX chưa có dấu hiệu kết thúc. Giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn và chờ đợi dấu hiệu tham gia của lực mua rõ ràng hơn để tránh rủi ro ở những pha hồi phục kỹ thuật.

—————————–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 07/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest