DCall Podcast ngày 07/09/2022 – POW: Bắt tay đối tác ngoại làm dự án điện khí LNG gần 2 tỷ USD

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/09/2022

1. Thông tin thế giới 

• CREA: Nga thu về giá trị gần 160 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng 

– Ngày 6/9, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan cho biết, trong sáu tháng sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Nga đã thu về 158 tỷ euro (khoảng 158 tỷ USD) từ xuất khẩu năng lượng. 

– Theo CREA, xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá dầu, khí đốt và than đá tăng vọt. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, dù khối lượng xuất khẩu năm nay giảm. 

– Trong sáu tháng kể từ ngày 24/2, CREA ước tính EU là khách hàng nhập khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nhiên liệu Nga, với giá trị 85,1 tỷ euro, tiếp theo là Trung Quốc (34,9 tỷ euro) và Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro). 

– EU đã ngừng mua than của Nga, nhưng khối này chỉ đang từng bước cấm nhập khẩu dầu Nga và chưa áp dụng bất kỳ giới hạn nào đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên. 

– Theo CREA, EU phải cấm sử dụng các tàu và cảng của châu Âu để vận chuyển dầu Nga đến các nước thứ ba, trong khi Anh cần ngừng cho phép ngành bảo hiểm của Anh tham gia vào các giao dịch thương mại trong lĩnh vực này. 

• Trung Quốc ấn định tỷ giá Nhân dân tệ ở mức yếu nhất trong 2 năm 

– Sáng ngày 6/9, tỷ giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đưa ra ở ngưỡng 6,9096 CNY đổi 1 USD, thấp nhất từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, mức tỷ giá tham chiếu này vẫn cao hơn dự báo trong 10 ngày liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2019.  

– 6,9 CNY/USD là ngưỡng quan trọng cuối cùng trước khi đồng nhân dân tệ thủng ngưỡng tâm lý 7 CNY/USD, điều mà Trung Quốc nỗ lực không để xảy ra trong suốt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

– Đồng nhân dân tệ vẫn đứng trước áp lực suy yếu trước đồng bạc xanh trong bối cảnh tồn tại sự khác biệt rõ rệt giữa quan điểm chính sách của hai ngân hàng trung ương. Trong khi Trung Quốc duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng mạnh lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát cao nhất bốn thập kỷ. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Gói phục hồi kinh tế-xã hội đã giải ngân được 55.000 tỷ đồng  

– Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhìn chung, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. 

– Đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55.5 ngàn tỷ đồng, trong đó: Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10,073 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3,045 tỷ đồng cho gần 4.54 triệu lao động; Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13.5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34,970 tỷ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.4 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52,000 tỷ đồng. 

– Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế… 

– Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212,227 tỷ đồng, đạt 39.15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24,942 tỷ đồng. 

• EVN rót gần 27.600 tỷ đồng làm nhà máy nhiệt điện Ô Môn III 

– UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. 

– Dự án có mục tiêu xây dựng nhà máy nhiệt điện turbine khí chu trình hỗn hợp, quy mô theo quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt để cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn cung cấp điện; đồng thời, cùng các nhà máy nhiệt điện trong trung tâm điện lực Ô Môn tiêu thụ hết khí Lô B. 

– Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 8,342ha, với tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 9.926 tỷ đồng, vốn huy động 17.670 tỷ đồng. 

– Về tiến độ thực hiện dự án, trong quý II – III/2022, dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư; quý IV/2022 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án sẽ khởi công vào quý I/2025; bắt đầu tiếp nhận khí vào quý III/2027; vận hành thử nghiệm vào quý IV/2027 và phát điện thương mại vào quý IV/2027. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• POW: Bắt tay đối tác ngoại làm dự án điện khí LNG gần 2 tỷ USD 

– Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) vừa thông qua nghị quyết tham gia góp vốn để thành lập Công ty CP Điện khí LNG Quảng Ninh.  

– Cụ thể, PV Power sẽ cùng các đối tác là Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tokyo Gas Co.,Ltd. và Marubeni Corporation tham gia thành lập doanh nghiệp mới, trong đó PV Power góp 30% vốn điều lệ. 

– Theo kế hoạch từng công bố, dự án điện khí LNG Quảng Ninh tọa lạc trên khu vực phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW, với tổng mức đầu tư 47.480 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD). 

– Về quy mô, dự án bao gồm 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW, sân phân phối 500 KV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất 1.500 MW của nhà máy điện.  

– Đồng thời, nhà máy sẽ có bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm, bao gồm 1 bến cập tàu và các hạng mục phụ trợ phục vụ bến nhập LNG; tuyến ống vận chuyển LNG từ bến nhập LNG về kho chứa đáp ứng quy mô sản lượng thông qua 2,4 triệu tấn LNG/năm; kho chứa LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm với 2 bồn chứa loại trên cạn, mỗi bồn chứa có dung tích 100.000 m3. 

– Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động khai thác trong quý III/2027. 

• FMC: Doanh số tiêu thụ tháng 8 gần gấp đôi cùng kỳ 

– CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ chung trong 8 tháng đầu năm đạt 161,9 triệu USD (khoảng 3.805 tỷ đồng), tăng gần 22% so cùng kỳ năm ngoái và tương ứng 70,4% kế hoạch cả năm. 

– Như vậy tính riêng trong tháng 8, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt đạt 21,9 triệu USD và gần gấp đôi tháng 8 năm ngoái. Kết quả của tháng 8 cũng là thành quả cao thứ ba từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp này, xếp sau tháng 1 và tháng 5. 

– Nguyên do kết quả tháng 8 tăng trưởng hơn so với cùng kỳ là do hoạt động thả tôm nuôi vụ hai đã hoàn tất, khoảng 380 ao. Hiện nay giá tôm thương phẩm khá cao vì sức cung vừa phải. Theo Sao Ta, tình hình này sẽ hỗ trợ làm giảm chi phí giá thành sản phẩm tôm tiêu thụ, hiệu quả hoạt động quý IV sẽ tốt lên. 

– Hiện Sao Ta đang hoàn tất việc chuyển giao tài sản tại cơ sở nuôi 203 ha vừa chuyển nhượng vốn và kiểm soát hoạt động. Song song đó, Sao Ta sẽ tiến hành quy hoạch hệ thống ao nuôi và tiến hành thi công những hạng mục thực tế cho phép để hy vọng sẽ hoàn tất việc tổ chức sản xuất trước tháng 5/2023 và tiến hành thả nuôi vụ đầu tiên, khả năng sẽ thả nuôi trên toàn bộ trại với khoảng 240 ao nuôi làm mới hoàn toàn. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 6/9/2022, chỉ số VNINDEX mở gap tăng 2 điểm trong phiên sáng và đã có lúc đạt tới 1.286 điểm nhưng sau đó áp lực bán gia tăng trở lại khiến VNINDEX quay đầu suy yếu và đóng cửa ở 1.277,4 điểm, chỉ tăng 0,05 điểm. 

– Về độ rộng thị trường, ưu thế nghiêng về phe bán với 261 mã giảm so với 191 mã tăng. Thanh khoản có sự cải thiện nhẹ, đạt hơn 14.560 tỷ đồng. 

– Mã cổ phiếu đóng góp tăng điểm hỗ trợ VNINDEX gồm BID (+0,704 điểm), CTG và NVL (tăng quanh 0,3 điểm). Chiều ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số có VIC (-0,676 điểm), HPG (-0,515 điểm) và BCM (-0,419 điểm). 

– Phiên hôm qua ghi nhận 4/10 nhóm ngành giảm điểm gồm Nguyên vật liệu giảm nhiều nhất (-1,5%), Công nghệ thông tin, Tiêu dùng thiết yếu, Năng lượng giảm dưới 1%. Các ngành còn lại hồi phục nhẹ với biên độ tăng dưới 0,8%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (2.797 tỷ đồng),  Công nghiệp (2.478 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (2.100 tỷ đồng). 

– Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng trong 6 phiên liên tiếp, giá trị bán ròng phiên hôm qua đạt hơn 270 tỷ đồng, lực bán mạnh đến từ VIC, HPG, KDH với giá trị mỗi mã quanh 30 tỷ đồng. Chiều mua ròng tập trung giải ngân vào nhóm dầu khí như PVD (56,3 tỷ đồng), PVS (36,58 tỷ đồng) và VNM (35,7 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch hôm qua là phiên đi ngang thứ tư liên tiếp của VNINDEXT bởi áp lực bán gia tăng mỗi khi chỉ số vượt trên vùng 1.280 điểm. Với việc số lượng mã giảm liên tục chiếm ưu thế cho thấy bên mua dường như đang mất dần kiên nhẫn. 

– Nhà đầu tư cân nhắc hạ dần tỷ trọng với những mã cổ phiếu đang có dấu hiệu gia tăng của lực bán, ưu tiên đứng ngoài quan, việc mua mới ở thời điểm này vẫn tiềm ẩn rủi ro khi VNINDEX chưa xác nhận diễn biến xu hướng tiếp theo. 

——————- 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 07/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 06/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest