DCall Podcast ngày 05.09.2022 – TNG: Doanh thu tháng 8/2022 tăng 20% so với cùng kỳ

Mục lục

1. Thông tin thế giới 

• Lạm phát ở châu Âu lập kỷ lục mới 

– Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của lục địa này trong tháng 8 đã tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt mức dự báo tăng 9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện. 

– Theo CNBC, chỉ số lạm phát ở châu Âu đã lập kỷ lục tăng 9 tháng liên tiếp. Trong tháng 7, tỷ lệ lạm phát của khu vực này là 8,9%. 

– Theo số liệu từ Eurostat, giá năng lượng tháng này vẫn tăng tới 38,3%, đóng góp nhiều nhất vào lạm phát toàn phần, mặc dù mức tăng này đã giảm nhẹ từ 39,6% trong tháng 7. 

– Ngoài ra, nhóm lương thực thực phẩm và đồ uống cũng tăng 10,6%, nhiều hơn gần 1% so với mức tăng 9,8% trong tháng 7. Một số mặt hàng khác như quần áo, thiết bị gia dụng hay ô tô đã tăng giá 5% so với năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng trước. Cùng lúc đó giá dịch vụ cũng nhích lên khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

– Nguyên nhân chính khiến cho chỉ số lạm phát tăng vọt trong tháng 8 được cho là vì châu Âu đang phải trải qua tình hình thời tiết nắng nóng và khô hạn bất thường. 

– Theo đó, tháng 8 vừa qua, chỉ số lạm phát tại Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu – đã đạt đỉnh 8,8%, cao nhất trong gần nửa thế kỷ. Một số nền kinh tế láng giềng của Đức như Pháp và Tây Ban Nha có chứng kiến sự dịu đi của lạm phát, nhưng con số vẫn chưa ở mức có thể chấp nhận. 

• Trung Quốc: Chỉ số PMI sản xuất tiếp tục dưới mốc 50 

– Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chính về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, đạt 49,4 trong tháng 8/2022, tăng so với mức 49,0 của tháng 7/2022, nhưng vẫn dưới mốc 50 (ranh giới giữa tăng trưởng và sụt giảm). 

– Cuộc khủng hoảng điện do hạn hán làm suy yếu hoạt động ở tỉnh Tứ Xuyên và mất điện ở Thượng Hải đã gây gián đoạn cho lĩnh vực sản xuất của nước này vào tháng 8. 

– Việc đóng cửa ở các trung tâm công nghiệp như Yiwa cũng gây áp lực lên hoạt động, do các nhà máy phải đóng cửa tuân thủ các quy tắc chống dịch COVID-19. 

– Sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất giờ đây dường như đã lan sang các khía cạnh khác của nền kinh tế, với chỉ số PMI phi sản xuất của tháng 8 là 52,6, thấp hơn của tháng 7 là 53,8. 

– Điều này, cùng với sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất, đã khiến PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 8 giảm xuống 51,7 từ 52,5 trong tháng 7, dưới mức ước tính là 52,3. 

• Nga tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần 

– Ngày 2/9, các Bộ trưởng tài chính của nhóm G7 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga nhằm ngăn nguồn thu quan trọng của Nga cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là biện pháp được thực hiện đồng thời với các lệnh trừng phạt trước đây của G7 đối với dầu Nga. Mức giá trần G7 dự định áp lên dầu Nga chưa được công bố. 

– Ngay lập tức, Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với năng lượng Nga và nói rằng việc áp giá trần như vậy sẽ gây ra sự bất ổn lớn với thị trường dầu toàn cầu. 

– Cùng ngày, Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố đóng Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức vô thời hạn vì “rò rỉ” do “các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở các hoạt động bảo trì thường kỳ đường ống”. Theo Kremlin, việc cung cấp khí đốt sẽ còn gặp nhiều gián đoạn hơn trong tương lai. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Ngành dệt may xuất siêu hơn 12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022

– Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Năm nay, dệt may Việt Nam dự kiến đạt 43,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, mặc dù dự báo những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. 

– Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dự báo khó khăn của ngành đã bắt đầu hiện thực hoá, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng, đang chấp nhận làm với giá thấp. 

– Mặt khác, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế nhưng các thị trường khác, trong đó có thị trường cung cấp nguyên phụ liệu chính cho ngành như Trung Quốc (cung cấp 50% nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam) thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch rất chặt chẽ đã ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho sản xuất. 

– Ngoài ra, EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỉ lệ thay thế, xanh hoá sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững điều nay yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng. 

• Gạo Việt Nam vào hệ thống siêu thị Pháp 

– Kể từ hôm 2/9, sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Vietnam” đã có mặt trong 300 cửa hàng của hệ thống E.Leclerc tại Pháp. Trong tuần tới, “Cơm Việt Nam” sẽ còn tiếp tục hành trình của mình trong những hệ thống siêu thị khác nữa trên nước Pháp. 

– Ở đợt đầu này 860 tấn gạo Jasmin sẽ được bán trên toàn hệ thống của của E.Leclers cho phân khúc vừa, trong thời gian tới TT foods và E.Leclerc dự kiến sẽ nhập gạo chất lượng cao hơn để phục vụ phân khúc cao trong tuần hàng Việt Nam vào tháng 11 và dịp Tết Nguyên đán. 

– Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước quan trọng đối với ngành nông nghiệp sản xuất lúa gạo Việt Nam, mà còn là một bước tiến mới của Việt Nam kể từ sau hiệp định thương mại châu Âu được ký kết. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• TNG: Doanh thu tháng 8/2022 tăng 20% so với cùng kỳ 

– CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8/2022. Cụ thể, doanh thu tiêu thụ tháng 8/2022 của TNG đạt 696 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch tháng. 

– Xét về cơ câu doanh thu, xuất khẩu đóng đến 99% vào tổng doanh thu 8 tháng của TNG với 686 tỷ đồng. Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ vẫn dẫn đầu chiếm 40% và Pháp theo sau đạt 29%. 

– Lũy kế 8 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 4.690 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả này, TNG đã hoàn thành 78% chỉ tiêu doanh thu năm 2022. 

– Thông tin có liên quan, ngày 30/8, TNG đã ký kết hợp đồng chuyển giao giải pháp phần mềm ERP do TNG xây dựng và phát triển với doanh nghiệp khác. Giải pháp công nghệ phần mềm ERP giúp cho doanh nghiệp ngành tối ưu hóa trong quá trình sản xuất, linh hoạt trong điều hành (thực hiện được cả trên app mobile), tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.  

• FLC: Bị đình chỉ giao dịch từ 9/9/2022 

– Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022. 

– Lý do được HOSE đưa ra là Tập đoàn FLC tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. 

– Trước đó, cổ phiếu FLC đã vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được mua bán vào phiên chiều kể từ ngày 1/6/2022 do Tập đoàn FLC chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. 

– Thậm chí, đến hiện tại, FLC vẫn chưa hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán 2021, đồng thời chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Đây là lý do vì sao HOSE cho rằng Tập đoàn FLC tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. 

 4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 31/8/2022, phần lớn thời gian VNINDEX giao dịch giằng co quanh tham chiếu. Đến gần cuối phiên chiều, nhóm cổ phiếu trụ đã nỗ lực kéo chỉ số nhưng trước áp lực bán trong phiên ATC, VNINDEX đã đóng cửa ở mốc 1.280,51 điểm, tăng nhẹ 1,12 điểm (+0,09%). 

– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế hơn khi có 267 mã tăng so với 162 mã giảm và có đến 83 mã đứng giá. Thanh khoản tiếp tục giảm nhẹ khi chỉ đạt 12.700 tỷ đồng. 

– Nâng đỡ cho chỉ số VNINDEX là VHM (+1,2 điểm), VPB (+0,51 điểm). Chiều tác động tiêu cực nhất đến chỉ nhất là VCB (-2.396 điểm), GAS (-0,872 điểm). 

– Phiên hôm nay ghi nhật sự hồi phục tốt, chỉ có 2/10 nhóm giảm điểm, gồm Năng lượng (-1,99%) và Nguyên vật liệu (-0,15%). Trong khi đó Dịch vụ tiện ích và Tiêu dùng tăng tốt nhất gần 1 %, các ngành còn lại tăng dưới 0,7%. 

– Khối ngoại ghi nhận nay là 3 phiên bán ròng liên tiếp với giá trị hơn 175 tỷ đồng, tập trung vào NVL (-97,07 tỷ đồng), KBC (-31,11 tỷ đồng) và VRE (-29,51 tỷ đồng). Chiều mua ròng có SHB (gần 47 tỷ đồng), HDB (33,75 tỷ đồng) và VHC (21,31 tỷ đồng). 

– Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2022 đã không có nhiều sự biến động và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này là hoàn toàn bình thường, cho thấy nhà đầu tư cẩn trọng và có tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ rõ ràng hơn và thanh khoản sẽ cải thiện trong thời gian tới.  

——————- 

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 05/09/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai. 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest