1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• ‘Bão giá’ năng lượng, kinh tế châu Âu căng thẳng
– Lạm phát tại các nước dùng đồng Euro tiếp tục tăng cao, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu tính toán giải pháp mạnh tay để ổn định tình hình.
– Hãng tin Reuters dẫn số liệu sơ bộ được Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1-7 cho thấy lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 8,6%. Mức tăng mạnh của lạm phát tại khu vực này cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối đang ở mức rất cao.
– Tại Eurozone, tỉ lệ việc làm bị thiếu hụt lao động trong quý 1 năm nay đã tăng lên mức cao kỷ lục là 3,1%. Trong đó, ngành dịch vụ đối mặt với nhiều thách thức hơn cả khi có tỷ lệ việc làm không tìm được lao động lên tới 3,6%.
– Nhiều nước Eurozone phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga để sưởi ấm, cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine thì khí đốt từ Nga sang châu Âu, đã giảm hơn một nửa. Dẫn đến việc giá cả lên mức kỷ lục, đồng thời chính phủ các nước châu Âu buộc phải vào cuộc đua tìm nguồn thay thế. Giá năng lượng ở châu Âu trong tháng 6 tăng 41,9%, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng tới 8,9% trong năm qua.
– ECB dự kiến tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách định kỳ tháng 7 và tháng 9, đưa lãi suất cơ bản của khu vực Eurozone sẽ chuyển từ trạng thái âm sang dương. Trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong những tháng sắp tới. Nếu ECB tăng lãi suất quá nhanh, việc này có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế giữa lúc nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc.
• Nga giảm sâu sản lượng: Giá dầu có thể vọt lên 380 USD/thùng?
– Bloomberg dẫn cảnh báo của các nhà phân tích JPMorgan cho rằng giá dầu toàn cầu có thể vọt lên mức 380 USD/thùng nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa.
– Nhóm G7 đang tạo ra một cơ chế phức tạp để hạn chế giá trần dầu thô của Nga trong nỗ lực nhằm siết chặt nguồn thu cho cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Nga Putin.
-Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, điều này lại có thể sẽ rất thảm khốc. Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng, nếu Nga cắt giảm 3 triệu thùng/ngày, giá dầu tại thị trường London có thể bị đẩy lên mức 190 USD/thùng, và trong kịch bản tồi tệ nhất là cắt giảm 5 triệu thùng/ngày thì giá dầu có thể “vọt” lên mức “ngất ngưởng” 380 USD/thùng.
– Rủi ro rõ ràng và có thể xảy ra nhất đối với việc hạn chế giá trần là Nga có thể chọn cách không tham gia và trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu.
2.THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 40% trong nửa đầu năm 2022
– Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6/2022 mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương so với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
– Lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine dẫn đến thiếu cá thịt trắng tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, nhờ vậy cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này. Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần; sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 trong tổng doanh số xuất khẩu thuỷ sản. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD.
– Với thị trường Mỹ, VASEP cho hay, tính trong nửa đầu năm nay, Mỹ giữ vị trí số 1 trong các thị trường tiêu thụ thủy sản, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Mỹ đồng thời là thị trường số 1 của tôm Việt, chiếm 21%; với cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng áp đảo 54%. Với cá tra, Mỹ là thị trường số 2 sau Trung Quốc, chiếm 25,6%.
– VASEP cho hay xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng tới 91% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch đạt 925 triệu USD trong 6 tháng. Trong đó, hai sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối là cá tra chiếm 48% và tôm chiếm 35% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc.
• Đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ khoảng 6 tỷ USD.
– Ngày 1/7, Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng văn bản đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với công suất thông quan 10 – 15 triệu TEU với mức đầu tư khoảng 6 tỷ đô. Dự án sẽ được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư: thi công xây dựng giai đoạn 1 vào 2024 và đưa vào khai thác vào 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác vào 2040.
– Hiện tại, cảng trung chuyển quốc tế Singapore là cảng bận rộn nhất trên thế giới, trung chuyển khoảng 1/5 lượng hàng vận chuyển bằng container trên thế giới mỗi năm.
– Tại Hội thảo “Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết Tập đoàn vận tải biển MSC đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP. HCM. Việc làm này là cần thiết khi vừa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP. HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
– Khu bến Cần Giờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 TEU) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Ngoài ra, khu vực Cần Giờ nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép – Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió nên sẽ tạo điều kiện tốt cho các tàu biển cập bến.
– Dự án cảng trung chuyển quốc tế này sẽ giúp tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP. HCM cũng như cả nước.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• GVR: Ước tính lợi nhuận giảm hơn 17% trong quý II/2022
– Tại Hội nghị Người lao động Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, mã: GVR), lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tính riêng quý II/2022, doanh thu của GVR đạt khoảng tăng gần 19% so với cùng kỳ song lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm khoảng 17,4% còn 1.121 tỷ đồng.
– Tổng doanh thu 6 tháng toàn tập đoàn ước đạt 11.650 tỷ đồng (39,2% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế 2.620 tỷ đồng (40,4% kế hoạch). Riêng công ty mẹ, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 462 tỷ đồng, đạt lần lượt 21,3% và 20% kế hoạch năm.
– 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác toàn tập đoàn ước đạt 128.600 tấn, đạt 32,7% kế hoạch cả năm và vượt 4% kế hoạch 6 tháng đầu năm; thu mua được khoảng 26.000 tấn mủ, đạt 32,4 % kế hoạch năm; chế biến được khoảng 142.800 tấn cao su các loại, đạt 30,3% kế hoạch; tiêu thụ khoảng 172.000 tấn, đạt 36,1% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
– Năm 2022, GVR đặt mục tiêu doanh thu đạt 29.707 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2021. Tuy nhiên, mục tiêu lãi sau thuế chỉ ở mức 5.340 tỷ đồng, đi ngang so với kết quả năm trước.
– Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên/An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).
• KHG: Tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm, lợi nhuận lũy kế gần 130 tỷ đồng
– Theo ước tính, doanh thu Q2/2022 của Khải Hoàn Land tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên lợi nhuận gộp lại tăng đến 39%, cụ thể là từ 81.4 tỷ trong năm 2021 tăng lên 113.3 tỷ trong Q2/2022. Kết quả này là do giá vốn hàng bán của KHG hiện nay vẫn ổn định không tăng so với năm trước. Đồng thời cho thấy mặt bằng giá giỏ hàng của KHG đang ở mức thấp – một lợi thế rất lớn cho việc phân phối dự án dài hơi.
– Chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng nhanh, cụ thể là chi phí lãi vay trong kỳ tăng từ 12.2 tỷ lên 40 tỷ, chi phí bán hàng cũng tăng từ 10.5 lên 27.9 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 4.5 lần.
– Nhờ đó, Q2/2022, lợi nhuận sau thuế của Khải Hoàn Land đạt 78.79 tỷ, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng 2022, lợi nhuận sau thuế của KHG ước đạt 128.9 tỷ đồng, tương đương 232% so với cùng kì- kết quả vô cùng ấn tượng.
– Với phản ứng nhanh nhạy cùng tư duy khác biệt, Khải Hoàn Land đã bứt phá thành công với mô hình kinh doanh, phân phối bất động sản. Tư duy sáng tạo và quyết đoán, gia tăng quỹ dự án phân phối ngay cả khi dịch COVID-19 còn khó lường đã đem lại cho KHG về tốc độ tăng trưởng kinh doanh và nâng cao vị thế dẫn đầu cho KHG trên thị trường bất động sản Việt Nam.
• Sao Ta ước lãi tăng trên 40% trong 6 tháng đầu năm 2022
– Trong 6 tháng đầu năm, Công ty thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) ghi nhận doanh thu chung ước đạt 118,6 triệu USD (khoảng 2.728 tỷ đồng), tăng 136% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến tăng trên 40%.
– Về cơ cấu doanh thu, lượng tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 10.744 tấn, tăng 9% so cùng kỳ năm 2021; tôm tiêu thụ 9.617 tấn, tăng 20%. Nông sản chế biến ghi nhận 1.267 tấn, gấp 2,2 lần và nông sản tiêu thụ 872 tấn, tăng 20% so cùng kỳ 2021.
– Kết quả trên đạt được trong bối cảnh tôm nuôi bị dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu không mạnh và duy trì giá cao suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, chi phí logistic tăng do giá dầu tăng và chuỗi cung ứng chưa tái lập hoàn thiện; lạm phát tác động tâm lý người tiêu dùng, sức cầu không tăng như dự tính cũng đã ảnh hưởng đến doanh số tiêu thụ tôm nửa đầu năm. Ngoài ra tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ đang cạnh tranh mạnh thị phần ở Mỹ và có tác động tiêu cực mặt bằng giá chung.
– Trong thời gian tới, lạm phát có thể khiến sức cầu không như ý và giá cả tiêu thụ khó cải thiện. Nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì dịch bệnh còn tiềm ẩn. Do vậy, chiến lược công ty là tăng cường tiêu thụ các thị trường phù hợp thế mạnh và có tỷ suất lợi nhuận tốt, đồng thời tiếp tục thả nuôi vụ 2 theo quy trình.
4.NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch ngày 04/07/2022. Chỉ số VNINDEX trong phiên sáng khá hưng phấn khi mở GAP hồi phục lên trên mốc 1.200 điểm. Nhưng đến phiên chiều, gặp áp lực bán lớn đến từ một số cổ phiếu trụ khiến VNINDEX quay đầu giảm điểm, đóng cửa mốc 1.195,53 điểm, giảm 3,37 điểm (-0,28%)
– Về độ rộng thị trường, tuy giảm điểm nhẹ nhưng số mã tăng vẫn nhỉnh hơn với 228 mã tăng/219 số mã giảm. Thanh khoản tiếp tục giữ mức thấp, chỉ đạt 10.086,818 nghìn tỷ đồng.
– Áp lực giảm điểm tác động đến chỉ số VNINDEX chủ yếu đến từ cổ phiếu GAS (-2,197 điểm), MSN (-0,669 điểm) và DGC (-0,562 điểm). Chiều tăng điểm có VNM (+0,763 điểm), VIB (+0,628 điểm) và MBB (+0,394 điểm).
– Phiên hôm qua tuy chỉ giảm nhẹ hơn 3 điểm nhưng chỉ có 3/10 nhóm ngành tăng điểm, đó là Tài chính (+1,1%), Năng lượng (+0,48%) và Chăm sóc sức khỏe (+0,04%). Ở chiều ngược lại, Tiêu dùng giảm mạnh nhất (-3,12%), Công nghệ thông tin và Dịch vụ tiện ích giảm quanh 1,8%. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. Top những nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất trong phiên ngày hôm qua gồm có Tài chính (3.062 tỷ đồng), Công nghiệp (1.280 tỷ đồng) và Tiêu dùng thiết yếu (1.029 tỷ đồng).
– Về giao dịch khối ngoại, phiên hôm qua đã bán ròng hơn 129,34 tỷ đồng. Tập trung vào các mã MWG (-80,64 tỷ đồng), BSR (-31,15 tỷ đồng) và HPG (-30,98 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các mã STB (+66,39 tỷ đồng), VNM (+32,13 tỷ đồng) và VHC (+21,11 tỷ đồng).
– Chỉ số VNINDEX đã có phiên điều chỉnh với thanh khoản duy trì ở mức thấp khi áp lực bán gia tăng mạnh ở phiên chiều khiến nhiều mã cổ phiếu không giữ được mức tăng tốt như phiên giao dịch buổi sáng. Tuy vậy với việc số lượng mã tăng vẫn lớn hơn số lượng mã giảm trên sàn HOSE cho thấy áp lực bán chưa thực sự chiếm ưu thế hoàn toàn trên thị trường. Nếu phiên hôm nay áp lực bán tiếp tục gia tăng thì VNINDEX có thể sẽ một lần nữa test lại vùng hỗ trợ đáy quanh 1.160 điểm. Nhà đầu tư quan sát những mã cổ phiếu mình đang nắm giữ, nếu giá giảm dưới vùng hỗ trợ gần nhất thì cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Chưa nên tham gia mới với những mã cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn và đang giao dịch gần vùng kháng cự.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0