DCall Podcast ngày 03/10/2022 – Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng 2022 cao nhất nhiều năm

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Trung Quốc tiếp tục bơm tiền duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng

– Ngày 30/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương – PBoC) đã bơm 186 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 26,2 tỷ USD) vào thị trường nhằm duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nâng tổng số tiền bơm ròng vào thị trường trong tuần này lên 868 tỷ Nhân dân tệ (122 tỷ USD) – mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

– Số tiền trên bao gồm các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) trị giá 128 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 2%, hợp đồng mua lại đảo ngược trị giá 58 tỷ Nhân dân tệ (8 tỷ USD) có kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,15%. Động thái này nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vào giai đoạn cuối quý.

– Mua lại đảo ngược là một quá trình trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng 2022 cao nhất trong nhiều năm

– Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt  170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm  2021 giảm 6,6%). Đây cũng là con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao nhất trong nhiều năm qua, vượt qua cả cùng kỳ năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện.

– Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước 20 (loại trừ yếu tố giá tăng 11,6%). Đóng góp vào mức tăng doanh thu bán lẻ là tăng trưởng khả quan của nhiều mặt hàng: nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 25,9%; may mặc tăng 16,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 15,3%…

– Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2022 ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè 21 . Mặc dù vậy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay chỉ bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2019.​

– Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.​

– Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước đạt 421,1 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. So với năm 2019, doanh thu từ dịch vụ khác trong 9 tháng năm 2022 cũng chưa phục hồi hoàn toàn.

• Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD lên hơn 23.900 đồng
– Sáng 30/9, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN từ 23.700 đồng/USD lên 23.925 đồng/USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá này thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.

– Tỷ giá trung tâm áp cũng được NHNN điều chỉnh mạnh, tăng 29 đồng so với hôm qua lên 23.400 đồng/USD. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho hôm nay lần lượt là 22.698-24.102 đồng/USD.

– Giá mua – bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên 30/9. Tại Vietcombank, tỷ giá USD đang được niêm yết ở mức 23.660-23.970 đồng/USD, tăng 20 đồng so với cuối ngày hôm qua.

– Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ ngày 23/9 là để mở đường cho việc can thiệp mạnh hơn vào tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát từ đầu năm đến nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Việc lãi suất VND tăng lên sẽ giúp giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân và doanh nghiệp, từ đó giúp cho NHNN can thiệp thị trường ngoại hối thuận lợi hơn.

• 6 triệu chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng VNMIDCAP được niêm yết trên HoSE

– Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã chính thức niêm yết giao dịch 6 triệu chứng chỉ Quỹ ETF DCVFMVNMIDAP do Công ty QLQ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) quản lý và vận hành. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 60 tỷ đồng.

– Các thành viên lập quỹ gồm CTCK TP.HCM (HSC), CTCK KIS Việt Nam (KIS), CTCK Bản Việt (VCSC). Ngân hàng giám sát là Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam, đại lý chuyển nhượng là Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

– ETF DCVFMVNMIDAP là chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu đầu tư mô phỏng gần nhất biến động (performance) của bộ chỉ số tham chiếu VNMIDCAP. Đây là chỉ số được xây dựng từ 70 mã cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết tại HOSE, vốn được nhà đầu tư ưa chuộng trong khoảng 2 năm trở lại đây nhờ vào tính thanh khoản cao và có mức độ biến động giá lớn.

– Thống kê của DCVFM cho thấy, chỉ số VNMIDCAP ghi nhận mức tăng trưởng 71% trong năm 2021 (trong khi VN30 là 43%), 35% năm 2020 (trong khi VN30 là 22%). Nhóm các doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc VNMIDCAP Index cũng có tiềm năng tăng trưởng EPS tốt, đạt 34% năm 2021 (nhóm VN30 đạt 8%).

– Được biết, Top 10 cổ phiếu tỷ trọng lớn nhất của quỹ tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản, bao gồm SSB (9,82%NAV), SHB 6,08% NAV, MSB 4,94% NAV, PNJ, DGC, LPB, VND, GMD, KBC, OCB.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• Vinhomes bán 3 công ty con ở Hưng Yên

– Công ty cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) thông báo sẽ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại các công ty con để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, không thông báo bên mua.

– Các đơn vị thoái vốn gồm công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Đại Dương Xanh, có trụ trụ sở tại Khu đô thị Đại An (tỉnh Hưng Yên). Công ty con này có vốn điều lệ hơn 2.340 tỷ đồng do Vinhomes nắm giữ 99,99% vốn.

– Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Hải Đăng, có trụ trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Dream City (tỉnh Hưng Yên). Công ty con này có vốn điều lệ gần 5.260 tỷ đồng do Vinhomes nắm giữ 99,99% vốn.

– Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Trường Minh, có trụ trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Dream City (tỉnh Hưng Yên). Công ty con này có vốn điều lệ hơn 3.500 tỷ đồng do Vinhomes nắm giữ 99,99% vốn.

– Các công ty con này được HĐQT Vinhomes quyết định tham gia góp vốn hồi cuối tháng 8, tức bán đi chỉ sau một tháng thành lập. Tổng vốn điều lệ của nhóm này là hơn 11.100 tỷ đồng.

– Trong năm 2021, Vinhomes đã được tỉnh Hưng Yên chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Dream City quy mô sử dụng đất hơn 445 ha, tổng vốn đầu tư 37.994 tỷ đồng (tương đương hơn 1,6 tỷ USD) và Khu đô thị Đại An với quy mô đất gần 294 ha, tổng vốn đầu tư 32.661 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD).

• HBC: Dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán riêng lẻ– Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

– Cụ thể, Hòa Bình dự kiến phát hành 7,55 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng 2,87% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

– Như vậy, ước tính công ty sẽ huy động được 75,5 tỷ đồng nếu phát hành thành công. Giá bán cổ phiếu ESOP thấp hơn 41,2% so với giá thị trường đang giao dịch ngày 29/9. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ESOP từ 30/9 – 3/11/2022.

– Bên cạnh đó, mới đây, Hòa Bình vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 năm 2022. Theo đó, HBC sẽ chào bán 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,035% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho nhà đầu tư nước ngoài là Sanei Architecture Planning Co, Ltd với giá 32.500 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong quý III – quý IV/2022. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

– Được biết, Sanei Architecture Planning Co, Ltd là doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nhà ở, khai thác, quản lý, đầu tư bất động sản. Tại Việt Nam, đơn vị hiện là cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC), sở hữu 4,91% vốn điều lệ với 4,5 triệu cổ phần.

– Với số tiền dự kiến huy động là 162,5 tỷ đồng, HBC sẽ dùng để thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng (sắt, thép, nhôm, xi măng, …) trong tháng 10 năm nay.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 30/9/2022, VNINDEX tiếp tục mở gap giảm hơn 10 điểm đầu phiên sáng và duy trì tình trạng giảm điểm cho tới hết phiên sáng. Sang phiên chiều, tuy đã có lúc giảm về mốc 1.099 điểm nhưng nhanh chóng đã có lực mua tham gia và đưa chỉ hồi phục trở lại. Kết phiên VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.132,11 điểm, tăng 6,04 điểm (+0,54%).

– Về độ rộng thị trường, đà hồi phục cuối phiên giúp thu hẹp số mã giảm xuống còn 264 mã giảm/192 mã tăng. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt hơn 17.135 tỷ đồng.

– Đóng góp tích cực đến đà hồi phục của VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu VN30 như GAS (+2,44 điểm), BCM (+1,557 điểm) và FPT (+0,979 điểm). Chiều ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường có VCB (-0,965 điểm), EIB (-0,8 điểm) và HPG (-0,667 điểm)

– Phiên hôm nay chỉ có 3/10 nhóm ngành giảm điểm gồm Nguyên vật liệu (-0,88%), Chăm sóc sức khỏe và Tiêu dùng giảm quanh 0,6%. Chiều hồi phục tốt có Công nghệ thông tin (+4,26%), Năng lượng (+1,25%). Các nhóm ngành còn lại tăng nhẹ dưới 1%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (3.302 tỷ đồng), Công nghiệp (2.476 tỷ đồng) và Bất động sản (2.108 tỷ đồng).

– Khối ngoại đã có động thái đảo chiều mua ròng nhẹ 159,66 tỷ đồng sau chuỗi 7 phiên bán ròng, tiêu biểu là DGC (116,97 tỷ đồng), KBC (79,12 tỷ đồng) và DPM (57 tỷ đồng). Trong khi đó, bị bán mạnh có NVL (-140,59 tỷ đồng), VHM (-86,46 tỷ đồng) và HAH (-77,37 tỷ đồng).

– VNINDEX đã có lực mua tham gia khi chạm về mốc 1.100 điểm và giúp chỉ số hồi phục sau chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy vậy nhà đầu tư vẫn cần quan sát thêm để xem lực mua có duy trì được trạng thái tích cực trong những phiên tới hay không. Hiện tại chưa thể khẳng định đà giảm đã kết thúc, nhà đầu tư nên thận trọng trước mỗi quyết định giao dịch, ưu tiên quản trị rủi ro cho tài khoản.

—————————–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 03/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest