Mục lục

Trong đầu tư tài chính hiện đại các nhà quản lý tài sản thường đưa ra quan điểm hay lời khuyên là đừng bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ. Không bỏ vào 1 giỏ có nghĩa là nên bỏ vào nhiều giỏ khác nhau, hay theo thuật ngữ chuyên ngành là cần đa dạng hóa (diversification).

Ý tưởng này xuất phát từ “Lý thuyết thị trường hiệu quả”, trong đó nói rằng mọi yếu tố tác động tới giá trị của một loại tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ … đều được phản ánh vào giá của tài sản đó. Trong thị trường hiệu quả, khi có một thông tin mới (có lợi hay không có lợi), thông tin mới đó sẽ được phản ánh gần như lập tức vào giá của tài sản. Như vậy mọi rủi ro của một cổ phiếu đều có thể đo lường được thông qua giá và lịch sử biến động giá của cổ phiếu, vì giá đã phản ánh “ngay lập tức” thông tin rủi ro của cổ phiếu đó. Từ đó, có thể đo lường rủi ro của tài sản bằng biến động lên xuống của cổ phiếu so với sự lên xuống của toàn bộ thị trường – chỉ số đo lường đó gọi là Chỉ số beta.

Trên thị trường sẽ có những cổ phiếu có biến động giá mạnh hơn so với thị trường với beta > 1, và ngược lại, sẽ có những cổ phiếu biến động ít hơn so với thị trường (cổ phiếu phòng thủ) với beta < 1.

Trong lý thuyết thị trường hiệu quả, rủi ro được phân loại làm 2 loại: rủi ro chung thị trường và rủi ro riêng của từng tài sản tài chính. Hệ số beta chỉ đo lường rủi ro riêng của tài sản tài chính với thị trường, chứ không đo lường rủi ro chung của thị trường.
Việc “bỏ trứng vào nhiều giỏ” là cách bạn mua nhiều cổ phiếu khác nhau, việc này sẽ giúp cho beta của toàn danh mục của bạn sẽ tiệm cận gần bằng với thị trường, tức là bạn đã loại bỏ được rủi ro riêng của từng loại cổ phiếu trong danh mục. Tuy nhiên, cần lưu ý là đa dạng hóa không giúp bạn loại bỏ được rủi ro thị trường chung.

Một số phương pháp để đa dạng hóa danh mục đầu tư:

Đa dạng hóa loại chứng khoán

Nếu đầu tư tất cả vốn vào một loại cổ phiếu mà tình hình kinh doanh của công ty đó không tốt, thậm chí đi đến phá sản thì nhà đầu tư không những không thu được cổ tức mà còn bị mất cả vốn. Vậy nên đầu tư vào nhiều loại chứng khoán, cho dù có một vài loại chứng khoán trong số đó gặp rủi ro thì vẫn có thể thu được lợi từ những chứng khoán khác để bù đắp thiệt hại.

Đa dạng hóa với nhiều loại tài sản

Nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản vào nhiều loại công cụ tài chính như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, hợp đồng phái sinh..

Đa dạng hóa ngành nghề

Dựa theo các chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư có thể phân bổ danh mục dầu tư bằng cách đa dạng hóa các ngành nghề tương ứng với từng chu kỳ kinh tế.

Đa dạng hóa theo vốn hóa thị trường

Phân bổ danh mục đầu tư vào các cổ phiếu của công ty có quy mô khác nhau sẽ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư. Chẳng hạn như phần lớn danh mục được phân bổ cho các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn (Bluechip), còn lại là các cổ phiếu có giá trị vốn hóa trung bình (Mid-cap) hoặc tỷ trọng nhỏ để giao dịch ngắn hạn mỗi khi thị trường có sóng.

Mức độ cơ bản nhất trong đa dạng hoá danh mục đầu tư là mua nhiều loại cổ phiếu thay vì mua chỉ một loại cổ phiếu. Khi thực hiện đa dạng hoá đầu tư nhà đầu tư có thể phải mất hàng tuần để mua nhiều loại cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ mở thì việc đa dạng hoá đầu tư chỉ mất vài phút bởi vì bản thân danh mục quỹ mở đã được đa dạng hóa rồi. Quỹ mở được thành lập để đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu theo chiến lược đầu tư đã được xác định trước, ví dụ quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu niêm yết thanh khoản tốt trong các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao; hay quỹ mở đầu tư cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu…. Danh mục đầu tư của một quỹ mở thường có từ 20-50, thậm chí hàng trăm cổ phiếu.

Nhà đầu tư cần hiểu rằng cho dù danh mục đầu tư được đa dạng hóa đến đâu chăng nữa thì không bao giờ nguy cơ rủi ro bằng không vì rủi ro thị trường là rủi ro không loại bỏ được bằng đa dạng hóa. Khi nhà đầu tư xuống tiền tham gia vào thị trường là rủi ro đã xuất hiện, tuy nhiên lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, lợi nhuận là phần thưởng của việc quản trị và chấp nhận rủi ro.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest