Đầu tư chứng khoán là một hình thức kinh doanh rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán hay đầu tư thông qua các quỹ đều cần hiểu và chấp nhận được các rủi ro này – giống như việc mình cần tìm hiểu về con đường mình sẽ đi có thể gặp các vật cản gì để chuẩn bị tâm thế đón nhận.
Rủi ro trong đầu tư chứng khoán bao gồm hai loại rủi ro là (1) Rủi ro hệ thống (còn được gọi là rủi ro thị trường – loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường – là rủi ro không thể phân tán được) và (2) Rủi ro cụ thể (đây là rủi ro phi hệ thống, rủi ro riêng, xảy ra ở từng trường hợp đầu tư riêng lẻ, ảnh hưởng cá biệt tới khoản đầu tư đó, không có tính chất bao trùm cả thị trường).
Việc phân biệt hai loại rủi ro trên đây nghe có vẻ rất chuyên môn, tưởng chừng như chỉ là việc của giám đốc đầu tư. Tuy nhiên, với nhà đầu tư cá nhân, việc hiểu rõ bản chất của hai loại rủi ro này sẽ rất hữu ích trong việc thiết lập một kỳ vọng hợp lý và đánh giá được hiệu quả của các khoản đầu tư của mình.
Hình 1: Phân loại rủi ro đầu tư
Phần I của chuyên đề này, chúng tôi xin dành đề cập đến Rủi ro hệ thống. Trong phạm vi hẹp của quỹ mở VNDAF, do đối tượng tài sản đầu tư là các cổ phiếu niêm yết trong nước, chúng tôi sẽ đề cập đến rủi ro hệ thống của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những rủi ro nào thì thuộc loại Rủi ro hệ thống?
Các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới, biến động lãi suất, tỷ giá đều đại diện cho các nguồn rủi ro hệ thống vì chúng ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán và chúng ta không thể tránh được những rủi ro này thông qua việc đa dạng hoá, phân bổ đầu tư vào các cổ phiếu khác nhau.
Một ví dụ điển hình là thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một giai đoạn điều chỉnh mạnh, giảm khoảng 25% từ đỉnh tháng 4. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có đóng góp từ nhiều yếu tố rủi ro hệ thống: (1) Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung gây ra sự bất ổn vĩ mô trong suốt thời gian qua (thể hiện qua chỉ số bất ổn toàn cầu- Global Economic Policy Index) và (2) Đồng USD trên đà tăng mạnh trong một vài tháng gần đây. Điều này khiến khối ngoại có xu hướng bán ròng. Lẽ đương nhiên bởi quỹ ngoại đầu tư vào Việt Nam, chưa biết doanh nghiệp làm ăn ra sao, thì họ đã lỗ do tỷ giá rồi!
Hình 3: Chỉ số bất ổn toàn cầu- Global Economic Policy Index
Làm thế nào để quản trị rủi ro hệ thống?
Chúng ta không thể giảm thiểu rủi ro hệ thống bằng cách đa dạng hóa danh mục chứng khoán được. Lý do là một khi yếu tố rủi ro hệ thống đã tác động đến toàn bộ thị trường, thì việc kết hợp đầu tư nhiều cổ phiếu khác nhau, ở nhiều ngành thì tất cả cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực chung từ thị trường. Cách tốt nhất để phòng tránh rủi ro hệ thống là tìm cách đầu tư ở thị trường rộng lớn hơn. Ví dụ là thay vì đầu tư cổ phiếu, bạn có thể mua USD, mua vàng tích trữ.
Tuy nhiên với quỹ mở, phạm vi đầu tư là các cổ phiếu niêm yết, thì các nhà quản lý quỹ sẽ không có quá nhiều công cụ để loại trừ rủi ro này do quỹ mở chỉ có thể đầu tư chứng khoán niêm yết. Một số công cụ của nhà quản lý quỹ bao gồm: giữ một tỷ trọng tiền mặt lớn hơn, phòng ngừa rủi ro bằng các vị thế chứng khoán phái sinh (nếu được cho phép). Do đó, không có gì quá ngạc nhiên khi các quỹ mở trên thị trường đều gánh chịu sụt giảm giá trị đầu tư trong giai đoạn vừa rồi.
Kỳ sau, chúng tôi sẽ đề cập đến phần rủi ro cụ thể. Đây là rủi ro mang tính chuyên biệt. Do đó, thực lực của nhà quản lý quỹ sẽ trực tiếp được chứng minh trong việc quản trị rủi ro cụ thể.