Chi tiêu quá mức là một trong những điều cấm kỵ trong quản lý tài chính cá nhân. Muốn kiểm soát chi tiêu hiệu quả, việc lập ngân sách được xem như giới hạn tài chính giúp bạn kiểm soát tình hình tài chính của mình tốt hơn.
Tại sao cần lập ngân sách cá nhân?
- Giúp bạn kiểm soát dòng tiền của mình hiệu quả hơn.
- Giúp bạn kiểm soát chi tiêu hoặc tiết kiệm mỗi tháng.
- Duy trì cân bằng tài chính.
- Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của bản thân (điều này chỉ thực sự hiệu quả khi bạn trung thực trong ghi chép thu – chi).
Có rất nhiều bảng tính trực tuyến hoặc ứng dụng hỗ trợ lập ngân sách nhanh chóng và tiện lợi. Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, hãy bắt tay vào tạo ngân sách cá nhân của bạn.
Cách thiết lập ngân sách cá nhân của bạn:
Bước 1: Tính toán thu nhập hàng tháng
Bạn cần xác định tổng thu nhập hàng tháng của mình, bao gồm thu nhập chính từ công việc, thu nhập bổ sung như tiền lương thưởng, tiền lãi đầu tư hoặc từ kinh doanh.
Bạn cần duy trì điều này một cách thường xuyên như một thói quen. Đây là một trong những bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc thiết lập ngân sách cá nhân.
Bước 2: Chọn phương pháp lập ngân sách phù hợp
Bất kỳ phương pháp lập ngân sách nào cũng phải đáp ứng được nhu cầu và điều kiện của bạn. Khi bạn biết rõ mình muốn gì và hy vọng sử dụng tiền vào những việc gì, hãy chọn một phương pháp lập ngân sách phù hợp với bản thân.
Có ba phương pháp tiêu biểu vừa đơn giản lại hiệu quả được đề xuất:
Nguyên tắc 50/30/20: Giúp phân chia thu nhập của bạn thành ba loại chính: 50% dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% dành cho “mong muốn” hay nhu cầu cá nhân và 20% cho đầu tư, tiết kiệm và trả nợ.
Phương pháp tiết kiệm bằng phong bì: Chia thu nhập bằng tiền mặt vào các phong bì khác nhau dựa theo ngân sách có sẵn. Với mỗi phong bì, bạn có thể tùy ý điều chỉnh số tiền theo các hạng mục chi tiêu cho phù hợp. Các chi phí cố định như tiền nhà, tiền xe sẽ không bao gồm trong phong bì, bạn có thể thanh toán các chi phí này như bình thường.
Phương pháp lập ngân sách dựa trên số 0: phương pháp này sẽ lập ngân sách bắt đầu từ mốc số 0 khi bước vào mỗi chu kỳ mới. Mọi chi phí đều được phân tích lại từ đầu và xây dựng dựa trên những gì thật sự cần thiết cho giai đoạn sắp tới.
Bước 3: Theo dõi quá trình
Ghi lại chi tiêu của bạn hoặc sử dụng các công cụ tiết kiệm, lập ngân sách trực tuyến và theo dõi nó một cách thường xuyên bằng cách:
- Kiểm tra số dư tài khoản và phân loại chi tiêu thực tế rồi so sánh với ngân sách trước đó để đưa ra được con số chi tiêu dự trù gần sát với thực tế nhất. Tổng kết lại các biên lai, hoá đơn liên quan đến việc chi tiêu trong tháng vừa rồi của bản thân như: Các hóa đơn tiền điện, tiền nước gần đây, bảng kê khai nộp thuế, các khoản giao dịch bằng tài khoản đầu tư, hóa đơn chi tiêu thẻ tín dụng, hoá đơn từ các khoản chi tiêu hàng tháng.
- Giữ cho việc theo dõi được nhất quán.
Việc này sẽ giúp các bạn xem lại mức chi tiêu trung bình hàng tháng của bản thân. Từ đó, các bạn có thể điều chỉnh khi lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân hoàn chỉnh.
Bước 4: Quản lý ngân sách một cách thông mình
Tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn: Sử dụng các công cụ, dịch vụ quản lý tài chính tự động để số tiền bạn đã phân bổ cho từng mục đích cụ thể đạt được hiệu quả cao.
Tuân thủ, kiên nhẫn và linh hoạt quản lý chi tiêu hàng ngày.
Hãy cố gắng để các cột thu nhập và chi phí của bạn bằng nhau. Điều này có nghĩa là tất cả thu nhập của bạn đều được hạch toán và lập ngân sách cho các mục tiêu tiết kiệm hoặc chi phí cụ thể. Nếu được, đừng ngại xin lời khuyên quản lý tài chính cá nhân từ chuyên gia.
Có một nguồn ngân sách dư dả sẽ giúp cuộc sống của bạn tốt hơn. Không nên do dự nữa, mà hãy hành động ngay từ hôm nay nhé!
___________
Theo dõi các chủ đề tài chính bổ ích: https://dautu.vndirect.com.vn/category/nep-song-dau-tu/
Công ty Cổ phần Chứng Khoán VNDIRECT
#VNDIRECT #dautu #DWealth #taichinhcanhan #kehoachtaichinh #quyduphong #baohiem #tudotaichinh #HOACHDINHTAICHINH