1. THÔNG TIN VĨ MÔ
• Xuất siêu góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô
– Theo số liệu sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố chiều 26/12, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2022 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2022) đạt 27,58 tỷ USD, giảm 3,8% (tương ứng giảm 1,1 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2022. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2022 đạt 701,28 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng gần 66,9 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 487,45 tỷ USD, tăng 10,7% (tương ứng tăng tới 47,04 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 213,83 tỷ USD, tăng 10,2% (tương ứng tăng 19,86 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 12/2022 đạt 13,62 tỷ USD, giảm 11,1% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 11/2022. Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 12/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 11/2022, gồm: điện thoại các loại và linh kiện giảm 378 triệu USD (tương ứng giảm 17,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 377 triệu USD (tương ứng giảm 18,7%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 184 triệu USD (tương ứng giảm 7,7%); hàng dệt may giảm 115 triệu USD (tương ứng giảm 7,8%)… Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/12/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 355,82 tỷ USD, tăng 12% (tương ứng tăng 38,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 12/2022, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam đạt 13,96 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 599 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2022. Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 12/2022 tăng so với kỳ 2 tháng 11/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: dầu thô tăng 250 triệu USD (tương ứng tăng 104,7%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 226 triệu USD (tương ứng tăng 8,3%); sắt thép các loại tăng 168 triệu USD (tương ứng tăng 54,6%); xăng dầu các loại tăng 143 triệu USD (tương ứng tăng 37,6%)… Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/12/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 345,47 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 28,67 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 12/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 342 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 10,35 tỷ USD. Có thể thấy, việc tiếp tục duy trì được xuất siêu đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
• Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023
– Theo SCMP, Trung Quốc cho biết sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Trung Quốc trong việc hủy bỏ chính sách Zero-COVID được nước này áp dụng trong suốt 3 năm qua.
– Kể từ năm 2020, Trung Quốc ứng phó với COVID-19 như một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặt ngang hàng với bệnh dịch hạch và dịch tả. Ở cấp độ này, chính quyền phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt nhất như cách ly người mắc bệnh và người tiếp xúc gần, đồng thời phong tỏa toàn thành phố để dập dịch.
– Việc Trung Quốc có động thái thay đổi trong chính sách lần này sẽ tác động tương đối tích cực tới thị trường du lịch quốc tế khi vắng bóng và thiếu hụt nguồn khách Trung.
2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ
• Tính đến ngày 21/12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 12.87%
– Tại cuộc họp thông tin một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 tổ chức sáng 27/12, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước cho biết, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, Ngân hàng nhà nước có điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng để phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
– Cụ thể, tính đến tháng 11/2022, nhận thấy tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của các tổ chức tín dụng cải thiện hơn, Ngân hàng nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn
– Tuy nhiên, phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng cho biết, tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021 và tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy có thể thấy, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã nới thêm chỉ tiêu tín dụng cho cả năm 2022 lên 15 -15,5%, tuy nhiên nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ không sử dụng hết “room” này trong năm tài chính 2022.
3. THỊ TRƯỜNG VỐN
• VNINDEX lấy lại mốc 1000 +/-
– Kết phiên giao dịch ngày 27/12/2022, VNINDEX quay lại mốc 1000 điểm đóng cửa tại 1.004,57 điểm, tăng 19,36 điểm so với phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản giảm nhẹ với giá trị giao dịch đạt hơn 9.346 tỷ đồng.
– Hầu hết các nhóm ngành đều tăng điểm, mạnh nhất có thể kể đến: Nguyên vật liệu (5,32%), Bất động sản (2,49%), Tài chính (2,6%)…
– Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 700 tỷ đồng tập trung các mã như: HPG, NVL, ACV,…
– Sau nhịp giảm mạnh phiên hôm qua, thị trường đầu phiên sáng diễn biến khá thận trọng nhưng đã dần khởi sắc kể từ phiên chiều với lực cầu tích cực tham gia khi chỉ số tiệm cận vùng hỗ trợ mạnh 960-980. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng VNINDEX sẽ tạo đáy quanh vùng này với mặt bằng thanh khoản duy trì ở mức 10-12 nghìn tỷ đồng.
• Các quỹ ETF mua ròng gấp 4 lần cùng kỳ trong năm 2022.
– Dòng vốn từ các quỹ ETF đã ghi nhận giá trị mua ròng đạt 12.636 tỷ đồng tương đương 537 triệu USD vào Việt Nam trong Q4/2022 so với chỉ 6,4 tỷ đồng trong Q3/2022. Trong số các quỹ ETF, Fubon ETF có giá trị mua ròng lớn nhất trong Q4/22 với 5.252 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41% tổng vốn. Tiếp theo là VNDiamond ETF với 2.890 tỷ đồng chiếm 22,6% tổng vốn và V.N.M ETF với 2.762 tỷ đồng chiếm 21,6% tổng vốn.
– Như vậy trong năm 2022, các quỹ ETF ghi nhận giá trị mua ròng lên đến 20.853 tỷ đồng tương đương 880 triệu USD, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự đóng góp lớn của Fubon ETF (~53,2% tổng dòng vốn vào) và ETF VNDiamond (32,8% tổng dòng vốn vào). Dòng vốn của các ETF chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022.
– Trong tuần này sẽ diễn ra hoạt động chốt NAV của các quỹ (cơ cấu lại danh mục để chốt số liệu), đây có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ đối với thị trường.
4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC
• Thị trường bất động sản phục hồi nhưng đối diện thách thức.
– Những dấu hiệu hỗ trợ thị trường bất động sản trong năm 2023: Nghị định 65 đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại, mở thêm room tín dụng. Đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ nhu cầu thật, nhà ở xã hội và nhà giá thấp.
– So với đầu năm, hiện nay giá bất động sản cá nhân nắm giữ đã giảm nhiều nhất lên tới 35%. Còn bất động sản của tổ chức có mức giá giảm lên tới 40 – 50% dù không phổ biến. Do đó giới chuyên gia dự báo, năm 2023, giá bất động sản sẽ điều chỉnh nhưng không vượt được đỉnh của năm 2022.
– Thị trường 2023 vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, như việc tiếp cận vốn vay và mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, việc thị trường đón nhận nhiều hơn các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thực sẽ là động lực kéo thị trường giữ được đà tăng trưởng cho những năm sau.
– Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tăng trưởng trong thận trọng khoảng 1-2%, và khó có thể quay lại đỉnh của 2022. Những nhìn một cách tích cực là thị trường sẽ có giao dịch trở lại và thanh khoản trên thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn khi những vấn đề của doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang dần được giải quyết.
Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 28/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.
Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect