DCall Podcast sáng 22/12/2022 – Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sau lời kêu gọi của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022

– Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/12 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 xuống còn 2,7%, giảm so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 6, viện dẫn tác động do dịch COVID-19 và hoạt động yếu kém trong ngành bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

– Trước đó, dự báo về tình hình kinh tế năm 2023, một quan chức thuộc Ủy ban các vấn đề tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc cho rằng nền kinh tế nước này sẽ đi theo một biểu đồ tăng trưởng độc lập, phục hồi toàn diện, nhờ 3 yếu tố chính gồm biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 được điều chỉnh phù hợp, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng phát huy hiệu quả và cơ sở tham chiếu (mức tăng trưởng năm nay) thấp. Quan chức này dự báo giúp tốc độ hồi phục nhanh hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là quý II.

– Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tàu của thế giới, vì vậy, việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những tác động sẽ chưa đến ngay như kỳ vọng mà sẽ phụ thuộc vào các chính sách của Trung Quốc sau giai đoạn Zero-Covid, cũng như dự kiến phải đến giữa năm 2023 thì những tác động tích cực sẽ rõ nét hơn.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền sau hơn 1 tháng tạm dừng

– Phiên giao dịch 20/12 ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, NHNN đã sử dụng lại công cụ tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống.

– Cụ thể, NHNN đã chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,39%. Lần gần nhất Nhà điều hành chào thầu tín phiếu diễn ra trong thời gian 15/11 – 18/11 với quy mô 40.000 tỷ, kỳ hạn 28 ngày và lãi suất dao động 4,5 – 6%. Như vậy, so với đợt gần nhất vào trung tuần tháng 11, lần phát hành tín phiếu mới nhất của NHNN có kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất trúng thầu thấp hơn.

– Song hành với việc mở lại kênh hút thanh khoản, NHNN tiếp tục dừng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá (OMO) 91 ngày. Trong ba phiên vừa qua, NHNN chỉ còn sử dụng nghiệp vụ OMO 14 ngày và 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng với quy mô đạt gần 15.000 tỷ đồng.

– Trước đó, NHNN đã liên tục cung ứng thanh khoản kỳ hạn dài cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO 91 ngày với khối lượng đều đặn gần 3.000 tỷ/phiên trong giai đoạn 7/12 – 15/12, tổng lượng cung ứng cho hệ thống đạt gần 21.000 tỷ. Với việc mở lại kênh tín phiếu và giảm lượng OMO hỗ trợ, NHNN đã hút ròng khỏi hệ thống gần 31.500 tỷ trong hai phiên đầu tuần. Số OMO đang lưu hành giảm về còn 58.285 tỷ đồng, trong khi số tín phiếu lưu hành tăng lên 20.000 tỷ.

– Những động thái NHNN diễn ra sau khi FED thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 15/12, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25- 4,5%.

• Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sau lời kêu gọi của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

– Kể từ đầu năm 2022, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Xu hướng này được tiếp nối với tần suất nhiều hơn và cường độ lớn hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng 2 lần lãi suất điều hành.

– Tuy nhiên, cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Trong tuần vừa qua, không còn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Thậm chí, một vài ngân hàng đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó. Gần nhất, vào ngày 20/12, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm mạnh khoảng 0,4-1 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm. Một đơn vị khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (MSB) kể từ ngày 19/12, điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Tương tự, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) mới đây đã hạ mức lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm.

– Động thái điều chỉnh trên của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất.-

– Để các tổ chức tín dụng yên tâm đồng thuận hạ lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường mở. Đây là thông tin tích cực giúp ổn định mặt bằng lãi suất, giảm bớt tình trạng cạnh tranh huy động gắt gao giữa các ngân hàng. Đồng thời động thái này góp phần ổn định tâm lý cả người gửi tiền và người đi vay, giúp cho chi phí đầu vào của các ngân hàng được cắt giảm. Đối với doanh nghiệp, đây chính là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí tài chính tăng cao thời gian qua.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Cổ phiếu ngành nào sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa

– Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Theo đó, các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ. Ngược lại, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực.

– Cụ thể, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại hoạt động hàng không quốc tế. Ngay khi Trung Quốc có động thái mở cửa, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đã nhanh chóng triển khai lại các đường bay.

– Với ngành thủy sản, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2023. Tuy nhiên doanh nghiệp nào có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn được hưởng lợi nhiều hơn. Ví dụ như ANV, IDI, VHC.

– Với ngành xi măng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Nổi bật trong nhóm Xi măng được hưởng lợi là BCC với 15 – 20% cơ cấu sản lượng tiêu thụ đến từ thị trường Trung Quốc.

– Với ngành cao su, việc Trung Quốc mở cửa cho hoạt động xuất khẩu không chỉ gỡ được nút thắt về sản lượng đầu ra của cao su mà còn tạo đà tăng cho giá cao su tới từ nhu cầu khá cao cho sản xuất lốp xe của quốc gia này. Các doanh nghiệp dẫn đầu ngành có sản lượng xuất khẩu cao su lớn sang Trung Quốc như PHR, DPR sẽ được hưởng lợi.

– Với ngành thép, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng tại quốc gia này phục hồi. Các doanh nghiệp được hưởng lợi như HPG, HSG, NKG.

– Với ngành dệt may, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may. Doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất là ADS với 80% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Trung Quốc.

– Tương tự, ngành bán lẻ đặc biệt là bán lẻ sản phẩm ITC như DGW, FRT, MWG cũng sẽ đỡ tiêu cực hơn từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩn Apple.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Giá xăng về mức thấp nhất trong hơn 1 năm– Chiều 21/12, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Theo điều chỉnh của liên Bộ, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 500 đồng, về mức 20,700 đồng một lít. Xăng E5 RON 92 có giá mới 19,970 đồng, tức giảm 370 đồng. Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này cũng tiếp tục giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 70 đồng/lít còn 21,600 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.

– Như vậy, sau khi giảm lần thứ 4 liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm tháng 6/2021. Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 16 lần giảm, một lần giữ nguyên.

– Trong đó, cơ quan điều hành chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 là 8 lần, RON 95 là 6 lần; trích quỹ đối với 2 mặt hàng này tới hơn 20 lần. Thực tế, từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn chi ở mức trung bình 100-250 đồng/lít; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành trích quỹ trung bình 300-700 đồng/lít.

– Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 12/12, Petrolimex dương 1,587 tỷ đồng, PVOil âm 626 tỷ đồng, Saigon Petro 281 tỷ đồng, Petimex là 346 tỷ đồng…

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 22/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest