1. THÔNG TIN VĨ MÔ
• Ngân hàng Thế giới: Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trong năm 2022 và 2023
– Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự ổn định. Điều này được thể hiện qua việc Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.
– Theo ông Andrea Coppola – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính. Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh trong quá khứ, đã cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
– Động lực tăng trưởng thứ hai là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay và vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
– Thứ ba là vai trò quan trọng đầu tư. 11 tháng năm nay, giải ngân vốn FDI đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ.
– Cuối cùng, có một thực tế là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm ngoái. Do đó, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận trong năm nay cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
– Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, ông Andrea Coppola cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn bởi áp lực lạm phát dai dẳng, các điều kiện tài chính xấu đi và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cùng các nền kinh tế lớn khác.
2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ
• Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi thống nhất lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm
– Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
– Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
– ”Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.
– Theo Phó Thống đốc, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
– Tại hội nghị, Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết đã tổ chức cuộc họp để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
– Việc áp trần lãi suất cho vay có thể giúp giải tỏa đáng kể áp lực cho doanh nghiệp và người dân về chi phí tài chính phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Mặt khác, điều này ảnh hưởng đến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng, kết quả kinh doanh trong 2023 sẽ không thể ghi nhận tăng trưởng tích cực như 2022 (khi cộng hưởng với một số khó khăn khác như chi phí tín dụng tăng, tăng trưởng tín dụng chậm lại). Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-24 (từ mức 32% so với cùng kỳ của năm 2022).
3. THỊ TRƯỜNG VỐN
• Các quỹ đầu tư trái phiếu đẩy mạnh tái cơ cấu danh mục sau biến cố rút ròng
– Theo thống kê của Techcom Capital, từ đầu tháng 10 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng đã bị các nhà đầu tư rút khỏi các quỹ trái phiếu như TCBF SSIBF, MBBond, DCBF… Điều này đã gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
– Sự sụt giảm giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của các quỹ mở trong thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy là do các nhà đầu tư cá nhân vốn chiếm tỷ trọng lớn tại các quỹ dễ bị tác động tâm lý và gây ra làn sóng bán lại chứng chỉ quỹ ồ ạt. Mặt khác, mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục tăng nhanh trong thời gian qua cũng đã trở thành kênh hút tiền cạnh tranh trực tiếp với các kênh đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
– Do vậy, để đảm bảo thanh khoản, các quỹ đầu tư trái phiếu đã tập trung cơ cấu lại danh mục đầu tư bằng cách tăng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn ở các ngân hàng hoặc phải bán trái phiếu ra thị trường kể cả với giá chiết khấu nhằm huy động tiền nhanh nhất có thể.
– Tại 30/11/2022, tỷ trọng danh mục của quỹ đầu tư mở trái phiếu DCBF của Dragon Capital có sự thay đổi khi khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 76,9% (giảm tương đối so với mức 86,6% thời điểm cuối tháng 10/2022); tiếp đến là khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng 16,1% (tăng mạnh so với mức 7% thời điểm cuối tháng 10/2022) và khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi là 7% (cuối tháng 10/2022 là 6,4%).
• Quỹ ETF khu vực mới nổi và cận biên mua ròng hơn 1.700 tỷ cổ phiếu Việt Nam chỉ trong một tháng
– Khoảng giữa tháng 11 trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại. Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital,… dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những động thái tích cực.
– Ngoài những quỹ như Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, đáng chú ý khi iShares MSCI Frontier and Select EM ETF cũng đang liên tục hút ròng. Được biết. IShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi. Tính từ 15/11 tới nay, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã bất ngờ hút ròng xấp xỉ 234 triệu USD, tương ứng 5.850 tỷ đồng.
– Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục xấp xỉ 30% với 44 mã. Như vậy, ước tính với 234 triệu USD iShares MSCI Frontier and Select EM ETF hút ròng trong 1 tháng qua, khoảng 70 triệu USD (~1.750 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
– Có thể thấy, dòng vốn ETF ồ ạt đổ vào thị trường trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử sau giai đoạn liên tục giảm sâu. Thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm xuống mức thấp qua đó kích thích dòng tiền bắt đáy của khối ngoại.
– Đồng thời, việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020-2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%.
4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC
• Thị trường mua bán bất động sản rơi vào trầm lắng, mảng cho thuê sôi động mạnh
– Theo báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn, thị trường cho thuê bất động sản trong quý IV phục hồi mạnh so với đầu năm, song Hà Nội vẫn có tốc độ chậm hơn so với TP. HCM. Mức độ quan tâm tới bất động sản cho thuê tại Hà Nội tăng 63%, còn tại TP. HCM tăng 103% so với quý IV/2022.
– Trong quý IV/2022, lượt tìm mua bất động sản tại TP.HCM ước tính tăng 18% so với quý I/2022, trong khi con số này của Hà Nội lại giảm 8%. Nhu cầu tìm thuê bất động sản ở cả 2 thành phố đều hồi phục tốt trong năm 2022, nhưng TP.HCM chứng kiến tốc độ hồi phục mạnh mẽ hơn với mức độ quan tâm tới bất động sản cho thuê tăng 103% so với đầu năm, trong khi Hà Nội tăng 63%. Trong đó, nhà mặt phố và biệt thự là 2 loại hình bất động sản bán có lượng quan tâm tăng cao nhất ở cả hai khu vực, tuy nhiên mức độ tăng trưởng lượt tìm kiếm, giá bán và lợi suất cho thuê nhà phố ở TP.HCM cao hơn đáng kể so với Hà Nội.
– Nhà phố cho thuê cũng tăng về mức độ quan tâm và giá cho thuê từ đầu năm 2022. So với TP. HCM, loại hình nhà phố tại Hà Nội có tăng trưởng giá bán nhưng lợi suất cho thuê thì thấp hơn. So với quý I/2022, biến động giá bán nhà phố Hà Nội tăng 7% nhưng biến động giá bán nhà phố TP.HCM tăng đến 16%. Lợi suất cho thuê nhà phố của Hà Nội chỉ đạt 2,7%, trong khi TP.HCM đạt 2,9%.
– Trong bối cảnh các phân khúc bất động sản khác như đất nền, chung cư khó chuyển biến tích cực do việc kiểm soát tín dụng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay và tạo áp lực cho người mua nhà, thì việc cho thuê nhà mặt phố và chung cư đang nhận được nhiều sự quan tâm và có thanh khoản tốt. Dự báo trong năm 2023 thị trường cho thuê dự kiến sôi động hơn khi nhu cầu ngày càng gia tăng (giá bán căn hộ/nhà phố ở ngưỡng cao trong khi thu nhập của nhiều người cũng giảm do kinh tế khó khăn dẫn đến họ phải hoãn kế hoạch mua nhà và tiếp tục thuê nhà).
Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 16/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.
Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect