DCall Podcast sáng 15/12/2022 – FED tăng lãi suất thêm 0,5%, phát tín hiệu hạ lãi suất từ năm 2024

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• FED tăng lãi suất thêm 0,5%, phát tín hiệu hạ lãi suất từ năm 2024

– Kết thúc cuộc họp mới nhất diễn ra vào ngày 13-14/12, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thống nhất tăng lãi suất thêm 0,5% lên ngưỡng 4,25-4,5%. Lãi suất điều hành của FED đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007, tuy nhiên mức tăng lần này không nằm ngoài kịch bản đã được dự đoán trước của thị trường.

– Ngoài ra, các quan chức của FED dự kiến mức đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất có thể cao hơn dự báo trước đó và sẽ không hạ lãi suất cho đến năm 2024. “Mức lãi suất tối đa” trong năm tới (terminal rate) dự kiến là 5,1%, tương đương với phạm vi lãi suất sẽ nằm trong khoảng 5-5,25%.

– Sau đó, các quan chức đồng thuận về việc thực hiện các đợt hạ lãi suất 1% vào năm 2024, đưa phạm vi xuống 4,1% vào cuối năm đó. Tiếp theo đó là những đợt giảm khác vào năm 2025, đưa lãi suất xuống 3,1% và cuối cùng chạm mục tiêu dài hạn là 2,5%.

– Kinh tế Mỹ cũng được dự báo tăng trưởng 0,5% trong năm 2023 tăng lên 1,6% vào năm 2024. Trong quá trình tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp có thể chạm đỉnh ở ngưỡng 4,6%. Ngoài ra, FOMC cũng nâng dự đoán tỷ lệ lạm phát lõi bình quân cả năm 2023 lên 4,8%, cao hơn 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 9.

– Chủ tịch FED cho biết các số liệu về lạm phát trong tháng 10 và 11 đã cho thấy những nỗ lực làm giảm tốc lạm phát đã có hiệu quả (trong tháng 11, CPI chỉ tăng 0,1% và tăng 7,1% so với 1 năm trước, CPI lõi tăng 6%; cả 2 thước đo đều đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, trong khi đó PCE lõi tháng 10 cũng đã giảm xuống mức 5%), tuy nhiên lạm phát vẫn đang cách khá xa mục tiêu 2%. Các quan chức FED cũng đã nhấn mạnh nhiều lần về việc cần phải thấy lạm phát liên tục giảm và cảnh báo không nên quá lạc quan về các xu hướng chỉ diễn ra trong vài tháng.

– Đà tăng lãi suất của FED trong các cuộc họp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả lạm phát cũng như các dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Nếu không phát sinh những diễn biến bất ngờ làm ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát thì các lần tăng lãi suất sẽ được ổn định ở các mức kịch bản cơ sở và qua đó không gây ra những cú sốc cho thị trường tài chính.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Ngân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

– Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 8728/NHNN yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước, mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.

– Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.

– Đại diện từ phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.

– Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại gần đây đã có phần hạ nhiệt sau một thời gian “đua nhau” tăng cao, nhờ vào các nỗ lực hỗ trợ thanh khoản thị trường của ngân hàng nhà nước như điều tiết thanh khoản thông qua kênh thị trường mở hay bổ sung hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ cần có thêm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, do áp lực để ổn định mặt bằng lãi suất huy động vẫn còn khi tốc độ tăng trưởng giữa lãi suất huy động vẫn đang thấp hơn so với đà tăng của lãi suất cho vay.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải trả gốc, lãi trái phiếu đúng hạn

– Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Công điện nêu rõ Bộ Tài chính có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2022.

– Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính: Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023. Chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

– Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

– Việc đẩy mạnh hơn thẩm quyền quản lý của nhà nước trong hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác sẽ giúp đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh và bền vững trong dài hạn. Chính phủ và Bộ Tài chính đang liên tục có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu và vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, vào ngày 14/12 Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về vấn đề xác định định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và bổ sung quy định gia hạn cho các trái phiếu đã phát hành.

• VNM ETF sắp rót thêm hơn 100 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam

– Tại cuộc họp đầu tháng 12, VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) đã nhất trí thông qua (1) thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index; (2) thay đổi mục tiêu đầu tư và (3) thay đổi chiến lược đầu tư chính.

– Được biết, MarketVector Vietnam Local Index bao gồm 100% cổ phiếu Việt Nam có thanh khoản cao. Các tiêu chí để lọt rổ chỉ số bao gồm: các doanh nghiệp tại Việt Nam; quy mô vốn hóa tối thiểu 150 triệu USD; khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong 3 tháng ít nhất 1 triệu USD tại lần đánh giá cũng như hai lần đánh giá trước đó; Ít nhất 250.000 cổ phiếu được giao dịch mỗi tháng trong 6 tháng gần nhất tại lần xem xét và cả hai lần xem xét trước đó.

– Với việc thay đổi chỉ số cơ sở như trên, VNM ETF dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của Việt Nam lên 100%, tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày có hiệu lực dự kiến 17/3/2023. Đây sẽ là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi tiếp tục có thêm dòng tiền đầu tư từ khối ngoại tham gia.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Ngân hàng nhà nước công bố lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 là 5,0%

– Ngân hàng nhà nước vừa ban hành quyết định 2081/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở.

– Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2023.

– Trong năm 2022 và 2021, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.

– Như vậy mức lãi suất năm 2023 đã tăng 0,2 điểm phần trăm, đây là nỗ lực của Ngân hàng nhà nước để hỗ trợ người dân trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hiện đã tăng mạnh.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 15/12/2022 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest