1. THÔNG TIN THẾ GIỚI
• Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý III/2022
– Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/11 cho biết, trong quý III/2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn so với ước tính trước đó, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục cao trong tháng 10/2022.
– Theo báo cáo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III/2022 tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,9%, cao hơn so với ước tính ban đầu là 2,8% nhờ tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư cho kinh doanh.
– Trong tháng 10/2022, tổng số cơ hội việc làm được điều chỉnh theo mùa là 10,33 triệu, cao hơn so với ước tính ban đầu là 10,24 triệu, cho thấy nhu cầu về lao động dịp cuối năm có dấu hiệu khả quan hơn dự báo bất chấp làn sóng sa thải ở các ngành công nghiệp của Mỹ như công nghệ, giải trí và bất động sản.
• OPEC giảm sản lượng dầu trong tháng 11 để hỗ trợ thị trường
– Theo khảo sát của hãng tin Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm sản lượng dầu trong tháng 11, sau khi OPEC và đối tác (OPEC+) cam kết cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
– Cụ thể, OPEC đã cung cấp 29,01 triệu thùng/ngày trong tháng 11, giảm 710.000 thùng/ngày so với tháng 10. Trước đó, vào tháng 9, sản lượng dầu của OPEC đạt 29,81 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
– Trong số các quốc gia thành viên OPEC, Saudi Arabia giảm sản lượng mạnh nhất, với mức giảm 500.000 thùng/ngày so với tháng 10, đúng theo cam kết đưa ra. Tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.
– Dự kiến, tại cuộc họp tiếp theo tại Vienna (Áo) vào ngày 4/12 tới, OPEC+ sẽ tiếp tục xem xét các điều kiện để cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• PMI Việt Nam tháng 11/2022 giảm còn 47,4 điểm
– Theo S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 11/2022 chỉ đạt 47,4 điểm, giảm so với 50,6 điểm của tháng 10. Chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11.
– Số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 14 tháng vào giữa quý cuối của năm, theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam cũng giảm sản lượng lần đầu kể từ tháng 3. Tốc độ giảm nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm kéo theo việc làm trong tháng 11 cũng giảm theo.
– Đồng tiền giảm giá so với đô la Mỹ cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong tháng khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn một chút. Trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, áp lực lạm phát vẫn ở mức nhẹ giúp các nhà sản xuất có thể giảm giá để kích thích nhu cầu.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
• PET: Dừng kế hoạch chào bán 44,9 triệu cổ phiếu
– Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE: PET) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu và triển khai độc lập phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.
– Cụ thể: công ty sẽ dừng triển khai phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (2 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới) với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm 44,9 triệu cổ phiếu để huy động 673,78 tỷ đồng.
– Bên cạnh đó, Petrosetco dự kiến sẽ triển khai độc lập phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 được thông qua ngày 28/6/2022. Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 6 đã thông qua kế hoạch cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
– Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, VNINDEX vẫn duy trì đà tích cực trong phiên sáng. Phiên chiều áp lực bán gia tăng khiến chỉ số quay đầu giảm điểm. VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.036,28 điểm, giảm 12,14 điểm (-1,16%).
– Trên sàn HOSE, có 281 mã tăng, 166 mã giảm và 75 mã đứng giá. Thanh khoản có sự gia tăng mạnh, đạt hơn 21.830 tỷ đồng.
– Những cổ phiếu tác động tiêu cực đến VNINDEX là VIC, BID và GAS với mức tác động lần lượt là -3,4 điểm, -2,6 điểm và -1,7 điểm. Chiều hỗ trợ chỉ số có TCB (+1,32 điểm), GVR (+0,6 điểm) và PLX (+0,48 điểm).
– Trong phiên điều chỉnh của thị trường, chỉ có 3 nhóm ngành giữ được đà tăng dưới 0,3% gồm Tài chính, Công nghiệp và Công nghệ thông tin. Chiều giảm mạnh có Dịch vụ tiện ích (-2,17%), các nhóm ngành còn lại có mức giảm từ 0,05% – 1,7%.
– Khối ngoại duy trì vị thế mua ròng nhưng đã hạ giá trị mua xuống còn hơn 1.016 tỷ đồng. Cụ thể họ mua VHM (+211,15 tỷ đồng), STB (+145,69 tỷ đồng) và MSN (+105,83 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối này tập trung vào DXG (-55,72 tỷ đồng), CTG (-38,59 tỷ đồng) và GAS (-27,44 tỷ đồng).
– VNINDEX đã xuất hiện áp lực bán khi tiếp cận vùng kháng cự 1.050 – 1.070 điểm, tâm lý chốt lời của nhà đầu tư có thể tiếp diễn trong những phiên tới.
– Đối với nhà giao dịch ngắn hạn, cân nhắc hạ tỷ trọng với những cổ phiếu đã đạt mục tiêu ngắn hạn và có áp lực bán mạnh, giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn.
– Đối với nhà đầu tư tích sản, duy trì kỷ luật tích lũy đầu tư, ưu tiên chọn lựa những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt cho danh mục dài hạn.
Trên đây là Podcast do VNDIRECT thực hiện trước giờ giao dịch ngày 02/12/2022. Hy vọng các thông tin này có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.
Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect