DCall Podcast ngày 01/11/2022 – Goldman Sachs dự báo Fed nâng lãi suất lên 5% vào tháng 3/2023

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Goldman Sachs dự báo Fed nâng lãi suất lên 5% vào tháng 3/2023

– Các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs dự báo Fed có thể tăng lãi suất lên 5% vào tháng 3/2023, cao hơn 0.25 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

– Theo kế hoạch, cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra ngày 1-2/11. Nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm, lần thứ 4 liên tiếp.

– Các nhà kinh tế Goldman Sachs dự báo, sau lần tăng 0.75 điểm phần trăm tới đây, lãi suất sẽ tiếp tục tăng 0.5 điểm phần trăm vào tháng 12, tiếp đó lần lượt tăng 0.25 điểm phần trăm vào tháng 2 và tháng 3/2023.

– Các chuyên gia nhận định, có 3 lý do giải thích cho quyết định trên: Lạm phát cao, nhu cầu hạ nhiệt nền kinh tế khi chính sách tài khóa thắt chặt kết thúc và thu nhập điều chỉnh theo giá tăng mạnh, tránh nới lỏng quá sớm các điều kiện tài chính.

• Lạm phát ở khu vực Eurozone đạt mức cao kỷ lục

– Theo báo cáo sơ bộ công bố ngày 31/10 của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mức tăng giá tiêu dùng của 19 nước sử dụng đồng euro trong tháng 10 đã lên tới 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo 10,2% được đưa ra trước đó. Trong đó, lạm phát của các nền kinh tế lớn nhất như Đức, Italy và Pháp tăng lần lượt 11,6%, 12,8% và 7,1%.

– Bên cạnh yếu tố chính thúc đẩy lạm phát “leo thang” là giá năng lượng tăng cao, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu cũng tác động phần nào về mặt bằng chung chi phí sinh hoạt.

– Trong 3 tháng qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã điều chỉnh lãi suất tăng tổng cộng 200 điểm cơ bản và nhiều khả năng ECB sẽ thực hiện tăng lãi suất thêm 50 đến 70 điểm cơ bản vào tháng 12 tới để kiềm chế lạm phát.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Việt Nam: Ước tính 10 tháng đầu năm 2022 xuất siêu 9,4 tỷ USD

– Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

– Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước.

– Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước.

– Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

– Cũng theo số liệu này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2022 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• STB: Tổng nợ xấu chỉ còn gần 3,791 tỷ đồng, giảm 34% so với đầu năm

– Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.957 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Mặc dù Sacombank dành ra 2.425 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhưng Ngân hàng vẫn lãi trước thuế hơn 1.532 tỷ đồng, tăng 86%.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sacombank thu được hơn 9.990 tỷ đồng lợi nhuận thuần. Tuy nhiên, Ngân hàng trích lập 5.550 tỷ đồng nhằm dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, do đó thu được 4.440 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 37%.

– Tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2022 giảm đến 34% so với đầu năm, chỉ còn gần 3.791 tỷ đồng. Đáng chú ý là tất cả nhóm nợ xấu đều giảm mạnh. Kết quả này đưa tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,47% đầu năm về mức 0,9%.

– So với kế hoạch 5.280 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Sacombank đã thực hiện được 84% kế hoạch sau 9 tháng.

• DGW: Lãi sau thuế quý 3/2022 tăng 68% so với cùng kỳ năm trước

– Quý 3/2022, CTCP Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW) ghi nhận doanh thu thuần hơn 6 ngàn tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng mạnh này chủ yếu đến từ mảng laptop, điện thoại di động và thiết bị văn phòng.

– Kết quả, Digiworld lãi ròng 180 tỷ đồng trong quý 3, tăng 68% so với cùng kỳ.

– Sau 9 tháng, doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị di động ghi nhận doanh thu gần 18 nghìn tỷ đồng và lãi ròng 528 tỷ đồng, tăng tương ứng 38% và 60% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Digiworld đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

• PVD: Lỗ sau thuế quý 3/2022 gần 52 tỷ đồng

– Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) ghi nhận hơn 1.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng nhiều hơn khiến lãi gộp theo đó giảm 2% xuống còn 117 tỷ đồng. PVD ghi nhận lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 56 tỷ đồng.

– Nguyên nhân vì hụt thu tài chính và lãi từ công ty liên doanh, liên kết trong khi các chi phí gia tăng, đặc biệt là chi phí tài chính ghi nhận gấp đôi cùng kỳ lên 87 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đột biến lên gần 42 tỷ đồng và tăng chi phí đi vay.

– Lũy kế 9 tháng, PVD báo cáo doanh thu 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. lợi nhuận sau thuế 9 tháng âm 202 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ khoảng 13 tỷ đồng.

– Năm 2022, PV Drilling đặt mục tiêu 4.700 tỷ đồng doanh thu, 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 31/10/2022, VNINDEX đã có lúc giảm 22 điểm nhưng nhờ lực mua gia tăng từ giữa phiên chiều, thị trường đã dần hồi phục và kết phiên đóng cửa tại 1.027,94 điểm, tăng nhẹ 0,58 điểm (+0,06%).

– Tuy đóng của trong sắc xanh nhẹ nhưng số mã giảm vẫn đang chiếm ưu thế với 317 mã giảm/ 138 mã tăng, số mã giảm chiếm hơn 60% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự sụt giảm, chỉ đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng.

– Hỗ trợ cho chỉ số VNINDEX là các cổ phiếu trụ trong VN30 như VCB (+2,259 điểm), GAS (+1 điểm) và BID (+0,953 điểm). Chiều tác động tiêu cực gồm các cổ phiếu như HPG (-1,68 điểm), NVL (-1,225 điểm) và EIB (-0,745 điểm).

– 5/10 nhóm ngành tăng nhẹ dưới 0,6%, gồm Tài chính, Tiêu dùng thiết yếu, Công nghệ thông tin, Chăm sóc sức khỏe và Dịch vụ tiện ích. Ngược lại bị điều chỉnh mạnh nhất là Nguyên vật liệu (-2,83%), Năng lượng (-3,72%) và Tiêu dùng (-1,89%). Các ngành còn lại giảm dưới 1%. Top nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.054 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.847 tỷ đồng) và Công nghiệp (1.355 tỷ đồng).

– Khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ sau chuỗi 4 phiên bán ròng, giá trị mua đạt 230,1 tỷ đồng với các đại diện FUESSVFL (+265,99 tỷ đồng), KDH (+104,76 tỷ đồng), MSN (+66,54 tỷ đồng). Trong khi đó, rút ròng mạnh HPG (-316,58 tỷ đồng), ngoài ra có VIC (-28,53 tỷ đồng) và KBC (-28,16 tỷ đồng).

– Tâm điểm phiên hôm qua là ngành Thép với hàng loạt cổ phiếu nằm sàn như HPG, HSG, NKG đã tác động tiêu cực đến cả chỉ số và tâm lý nhà đầu tư. Nhờ sự dẫn dắt của VCB, BID, GAS, MSN mà VNINDEX đã có sự hồi phục ấn tượng về cuối phiên. Tuy vậy, số lượng mã giảm vẫn chiếm đa số cho thấy thị trường vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao mà chủ yếu nhờ nỗ lực của những cổ phiếu vốn hóa lớn.

– Nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn. Việc mua mới nên được hạn chế bởi rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu khi VNINDEX hồi phục trong nghi ngờ với sự đồng thuận chưa cao.

——–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 01/11/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest