DCall Podcast ngày 20/10/2022 – FPT: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Lạm phát tại Anh đã tăng trở lại trên mức 10% trong tháng 9

– Dẫn thông báo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), hãng tin AFP cho biết Chỉ số Giá Tiêu dùng tại Anh trong tháng 9/2022 đã 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này ngang bằng với mức tăng trong tháng 7/2022 và là mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.

– Giá thực phẩm và đồ uống, như bánh mì, ngũ cốc, thịt, sữa, phomai và trứng, ghi nhận mức tăng hàng năm gần 15%. Mức tăng giá phần nào được bù đắp bởi giá xăng dầu đang trong đà giảm, cũng như giá vé máy bay giảm mạnh hơn bình thường vào thời điểm trong năm.

– Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã bày tỏ sự cảm thông với nhiều gia đình đang phải vật lộn với giá cả và hóa đơn năng lượng tăng cao. Do đó, Chính phủ Anh sẽ ưu tiên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi mang lại sự ổn định kinh tế rộng lớn hơn và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

– Ông Hunt đã chỉ ra lạm phát cơ bản, không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, ngày càng tăng, chạm mức cao mới của 30 năm là 6,5%.

– Các nhà phân tích cho hay số liệu lạm phát trên sẽ gây sức ép cho Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tiếp tục tăng lãi suất với mức tăng mạnh hơn. Capital Economics lưu ý, BoE có thể tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm lên 3,25% tại cuộc họp vào tháng 11 tới.

• Các quỹ đầu tư toàn cầu giữ tiền mặt ở mức cao nhất 21 năm

– Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu (FMS) hàng tháng của ngân hàng Bank of America, các công ty quản lý quỹ đang giữ tỷ lệ tiền mặt trong danh mục cao nhất trong 21 năm trở lại đây.

– Cụ thể, khảo sát cho thấy mức tiền mặt bình quân trong danh mục của các công ty quản lý quỹ là 6,3% trong tháng 10. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2001.

– Theo Bank of America, các nhà đầu tư đang giảm tỷ trọng cổ phiếu do dự báo u ám về suy thoái kinh tế và các chỉ số rủi ro thị trường đang ở mức cao do lo ngại về tiền tệ và tín dụng.

– Tuy nhiên, Bank of America cho rằng, kỳ vọng ngày càng lớn của nhà đầu tư về sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thị trường có thể phục hồi mạnh trong năm 2023. Tỷ lệ các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát dự báo lãi suất ngắn hạn sẽ giảm trong 12 tháng tới đã tăng gấp đôi lên 28% vào tháng 10, so với 14% của tháng 9.

– Khảo sát FMS của Bank of America là báo cáo hàng tháng với 371 nhà đầu tư tổ chức, nhà quản lý quỹ tương hỗ và phòng hộ trên khắp thế giới trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 13/10. Nhóm này đang quản lý khối tài sản trị giá tổng cộng 1.100 tỷ USD.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Xuất khẩu gỗ 9 tháng tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm trước

– Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1.114 tỷ USD, giảm 21% so với tháng trước, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 734.973 triệu USD, giảm đến 17% so với tháng 8/2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong lịch sử ngành gỗ.
– Tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 12.275 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8.572 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng đến 69,83%/tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

– Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh trong thời gian qua, cũng là yếu tố chính tác động lên kim ngạch của ngành hàng này. Tháng 9, xuất khẩu sang thị trường này giảm đến 16,24% so với tháng 8, dù cộng dồn 9 tháng vẫn tăng 1,92% so với cùng kỳ năm ngoái.

– Không chỉ Hoa Kỳ, nhiều thị trường cũng giảm nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Chẳng hạn, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu.

– Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Mặc dù 9 tháng qua xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tăng nhưng không nhiều, dự báo xuất khẩu quý cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, và mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của ngành gỗ sẽ rất khó khăn để hoàn thành.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• DGC: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 342% so với cùng kỳ năm ngoái

– Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022, trong đó lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm sau 9 tháng.

– Doanh thu thuần quý 3 của DGC đạt hơn 3.695 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt hơn 1.513 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.

– Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGC lần lượt đạt 11.333 tỷ đồng và 4.917 tỷ đồng, tương ứng tăng 86% và tăng 342% so với cùng kỳ năm 2021.

– Năm 2022, DGC lên kế hoạch doanh thu hợp nhất là 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 39% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy sau 9 tháng, DGC đã hoàn thành 93,5% kế hoạch về doanh thu và vượt 40% kế hoạch về lợi nhuận.

• FPT: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái

– Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 30.975 tỷ đồng và 5.665 tỷ đồng, đồng loạt tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 9 tháng đạt 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Lợi nhuận sau thuế thuộc về Cổ đông Công ty mẹ tăng 30% lên 3.943 tỷ đồng.

– Trong đó, khối Công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế tăng 26% lên 2.635 tỷ đồng, chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn. Mảng dịch vụ Công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài trong 9 tháng đầu năm, trong đó có 18 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu ký mới đạt 16.799 tỷ đồng tăng trưởng 42,6% so với cùng kỳ.

– Doanh thu Dịch vụ Viễn thông tăng trưởng 2 con số 16%, đạt 10.243 tỷ đồng. Biên lợi nhuận được mở rộng từ 18,1% lên 18,8% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.

– Bên cạnh đó, mảng giáo dục tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 47%, đạt 3.104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022

• DHG: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái

– Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 1.162 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn có mức tăng chậm hơn do đó lợi nhuận gộp Công ty thu về 578 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 459 tỷ đồng hồi quý 3/2021.

– Trong kỳ, hoạt động tài chính không có nhiều thay đổi; chi phí bán hàng ghi nhận tăng 25% từ 180 tỷ lên gần 225 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế quý 3/2022 đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Dược Hậu Giang.

– Theo giải trình của công ty, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt nhờ công ty đã tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng tốt. Ngoài ra, việc quản lý các khoản phải thu và hàng tồn kho tốt giúp cải thiện dòng tiền và tăng hiệu quả hoạt động.

– Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, DHG đạt hơn 3.346 tỷ đồng doanh thu và 752 tỷ đồng LNST, lần lượt tăng 15% và 24% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

– So với kế hoạch đã đề ra, DHG thực hiện được 79% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 19/10/2022, VNINDEX diễn biến khá tiêu cực khi phần lớn thời gian giao dịch chỉ số dao động dưới mức tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ lực mua gia tăng từ một số cổ phiếu ngân hàng đã giúp VNINDEX hồi phục lại đôi chút, đóng cửa tại mốc 1.060,70 điểm, giảm nhẹ hơn 3,5 điểm (-0,34%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán gia tăng với 265 mã giảm/144 mã tăng. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm, chỉ đạt hơn 8.200 tỷ đồng.

– Tác động tiêu cực tới thị trường có GAS (-0,924 điểm), MSN (-0,723 điểm) và HPG (-0,665 điểm). Chiều nâng đỡ cho thị trường chủ yếu là nhóm ngân hàng như BID, CTG, VIB, VCB với mức đóng góp quanh 0,25 điểm.

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 3/10 nhóm ngành giữ được đà tăng gồm Công nghệ thông tin (+0,85%), Tiêu dùng (+0,45%) và Năng lượng (+0,29%). Ở chiều ngược lại, Nguyên vật liệu là nhóm ngành giảm nhiều nhất với mức giảm 1,77%. Các nhóm ngành còn lại giảm nhẹ dưới 0,8%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (1.934 tỷ đồng), Công nghiệp (940 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (884 tỷ đồng).

– Khối ngoại tiếp tục là phiên bán ròng trị đạt 80,58 tỷ đồng, cổ phiếu bị bán mạnh có HPG (-185,25 tỷ đồng), SSI (-36 tỷ đồng) và GAS (-28,26 tỷ đồng). Trong khi đó khối này giải ngân nhẹ vào FPT (+47,34 tỷ đồng), VNM (+46,23 tỷ đồng) và DGC (+44,45 tỷ đồng).

– VNINDEX tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.050 – 1.070 điểm khi lực mua thiếu đi sự quyết liệt để hỗ trợ chỉ số tiến xa hơn. Nếu tình trạng giằng co kéo dài thì khả năng dòng tiền đầu cơ sẽ rút ra và VNINDEX có thể điều chỉnh về vùng 1.000 – 1.020 điểm.

– Nhà đầu tư cân nhắc hạ tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn với những mã cổ phiếu có dấu hiệu gia tăng của lực bán. Hạn chế tham gia mới khi thị trường vẫn chưa xác định rõ xu hướng tiếp theo.

—————————-

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 20/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest