DCall Podcast ngày 11/10/2022 – MBB: Được chấp thuận tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ đồng

Mục lục

1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Ngân hàng Trung ương Anh tăng quy mô mua trái phiếu Chính phủ

– Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết sẽ mua trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn dài ở quy mô lớn hơn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các quỹ hưu trí đang gặp khủng hoảng.

– Trước đó, NHTW Anh tiết lộ cú sụp mạnh của thị trường trái phiếu Chính phủ (xuất phát từ tuyên bố cắt giảm thuế của chính quyền mới) đã gây hoảng loạn cho giới đầu tư, nhất là với ngành quỹ đầu tư thâm dụng nợ (LDI) trị giá 1.69 ngàn tỷ USD của Anh. Trong đó, trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn dài chiếm 2/3 danh mục của các quỹ LDI. Nhiều quỹ LDI nằm dưới sự kiểm soát của các quỹ hưu trí phổ biến ở Anh.

– Trong đợt lao dốc này, nhiều quỹ LDI nhận được nhiều lệnh yêu cầu bổ sung ký quỹ (margin call) từ các ngân hàng. Do đó, vào ngày 28/09, NHTW Anh đã khởi động hàng loạt đợt đấu giá và đến nay, đã mua được 5 tỷ Bảng Anh trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài (tương đương 5.5 tỷ USD). Chương trình này nhằm ngăn chặn thiệt hại từ đợt bán tháo trái phiếu.

– Những đợt đấu giá này dự kiến kết thúc vào ngày 14/10 và BoE cho biết sẽ tăng quy mô mua hàng ngày lên 10 tỷ Bảng Anh từ ngày 10/10. NHTW Anh cho biết tới nay, họ đã mua 5 tỷ Bảng Anh trái phiếu Chính phủ Anh, trong khi dự kiến mua tới 40 tỷ Bảng.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thông điệp chính thức về SCB

– Sáng 10/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chính thức có thông điệp trước mối quan tâm của luận gần đây liên quan đến hoạt động của Ngân hàng SCB.

– Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vừa qua, có một số thông tin lan truyền ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng SCB. Trước tình hình đó, NHNN đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản.

– Trước mối quan tâm của người dân, những người gửi tiền tiết kiệm tại SCB, Thống đốc khẳng định: Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB thì đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.

– “Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình”, Thống đốc nhấn mạnh.

– “Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng. Khi mà xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong đó có ngân hàng SCB”.

• Nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tăng 130% về lượng

– Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, cả nước nhập khẩu hơn 627.000 tấn xăng dầu các loại với giá trị hơn 616 triệu USD (tăng gần 35% về lượng và tăng khoảng 28% về kim ngạch so với tháng 8).

– Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu, với giá trị gần 6,9 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng 132 % về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

– Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt với hơn 2,5 triệu tấn (tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái); thị trường Malaysia khoảng 950.000 tấn (giảm 44%); Singapore 960.000 tấn, tương đương năm ngoái; và Thái Lan 878.000 tấn (tăng 12%).

– Đáng chú ý, năm nay Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn của Việt Nam với hơn 627.000 tấn, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 130%) và kim ngạch đạt 676 triệu USD , gấp 4,4 lần so với năm ngoái.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• POW: PV Power ước doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 9 tháng

– Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power – HoSE: POW) về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022.

– Cụ thể, tổng sản lượng điện sản xuất toàn tổng công ty 9 tháng đầu năm 2022 đạt 10,145 tỷ kWh, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.

– Doanh thu 9 tháng của toàn tổng công ty ước đạt 20.766 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu trực tiếp công ty mẹ ước đạt 12.544 tỷ đồng, giảm 22% so với 9 tháng đầu năm 2021. Doanh thu các công ty thành viên ước đạt 8.358 tỷ đồng, tăng 50% so cùng kỳ năm trước.

– 9 tháng đầu năm, PV Power nộp ngân sách nhà nước 735 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ nộp ngân sách khoảng 187,3 tỷ đồng.

– Năm 2022, PV Power đặt kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty là 24.242 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.088 tỷ đồng. Như vậy, tổng công ty đã thực hiện được gần 86% chỉ tiêu doanh thu và 68% mục tiêu nộp ngân sách cả năm sau ba quý.

• HAG: Lãi sau thuế tháng 9 giảm 8% so với tháng trước

– Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh, trong tháng 9, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đạt doanh thu 475 tỷ đồng và lãi sau thuế 113 tỷ đồng. So với tháng 8, doanh thu thuần của Công ty tăng 6%, lãi sau thuế giảm 8%.

– Sản lượng tiêu thụ ngành chăn nuôi đạt hơn 32,500 con heo thịt và gần 35 ngàn tấn cây ăn trái. Trong đó, sản lượng chuối xuất khẩu đạt hơn 15.1 ngàn tấn. Sản lượng chuỗi dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 19.7 ngàn tấn.

– So với tháng trước, sản lượng tiêu thụ tăng ở cả ngành chăn nuôi và cây ăn trái.

– HAG cho biết kết quả tháng 9 thu được trong bối cảnh giá xuất khẩu chuỗi chưa tăng cao như kỳ vọng, giá heo thấp hơn so với tháng trước. Công ty kỳ vọng giá chuối sẽ tăng trở lại trong quý 4 và sản lượng xuất bán nhiều hơn các quý trước.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAG đạt gần 3.2 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế 894 tỷ đồng (thực hiện 79% kế hoạch đề ra trong năm).

– Năm 2022, HAG dự kiến đem về 4,800 tỷ đồng doanh thu và 1,120 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 29% và gấp gần 9 lần thực hiện năm 2021.

– Sắp tới, HAG sẽ triển khai Phương án chào bán riêng lẻ 161.9 triệu cp ở mức giá 10,500 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến huy động là 1,699 tỷ đồng. Toàn bộ cổ phiếu từ đợt chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

• MBB: Được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ đồng

– Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn vừa ký Quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBBank; HoSE: MBB).

– Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nâng vốn điều lệ của MBBank lên 45.339 tỷ đồng.

– Theo quyết định trên, MBBank có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đối với nội dung sửa đổi.

– Sau khi thực hiện tăng vốn thành công, quy mô vốn của ngân hàng này dự kiến tăng mạnh lên vị trí thứ 4 trong ngành ngân hàng, chỉ xếp sau 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank và Vietcombank và sẽ đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần về vốn điều lệ.

– Trước đó, MBBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của tại cuộc ĐHĐCĐ thường niên 2022 hồi tháng 4, với mức tăng tổng cộng trong năm nay dự kiến lên 46.882 tỷ đồng, tương đương với 24%.

– Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở…) và còn lại để bổ sung vốn cho kinh doanh khác.

– Bên cạnh mục tiêu tăng vốn điều lệ, trong năm nay, ngân hàng này dự kiến tăng tổng tài sản thêm 15% so với năm ngoái. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng (phụ thuộc vào chỉ tiêu NHNN giao), và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 10/10/2022, nối tiếp đà tiêu cực từ tuần trước, đầu phiên sáng thị trường tiếp tục mở gap giảm 16 điểm, VNINDEX đã có lúc giảm sâu về mốc 1.012 điểm. Sau đó, nhờ có sự gia tăng của lực mua đã giúp VNINDEX hồi phục trở lại. Kết phiên VNINDEX đóng cửa trong sắc xanh tăng nhẹ hơn 6,5 điểm, dừng chân tại mốc 1.042,48 điểm (+0,63%).

– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế với 288 mã tăng/175 mã giảm, áp lực bán đã hạ nhiệt. Tuy nhiên thanh khoản sụt giảm, chỉ đạt hơn 15.055 tỷ đồng.

– Đóng góp cho sự hồi phục của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu trụ, tiêu biểu như GAS (+1,951 điểm), MWG và HPG tăng quanh 1,1 điểm. Chiều tác động tiêu cực đến thị trường chủ yếu là nhóm ngân hàng: VCB (-1,929 điểm), TCB (-1,297 điểm), ngoài ra có NVL (-1,292 điểm).

– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 2 nhóm ngành giảm điểm là Bất động sản và Tài chính (giảm nhẹ quanh 0,5%). Ở chiều tích cực, nhóm Tiêu dùng tăng mạnh nhất (+4,21%), tiếp sau là Nguyên vật liệu và Năng lượng tăng quanh 3,8%, Công nghiệp (+3,12%). Các nhóm ngành còn lại tăng dưới 0,6%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn đứng đầu là Tài chính (3.391 tỷ đồng), Công nghiệp (1.447 tỷ đồng) và Bất động sản (1.300 tỷ đồng).

– Khối ngoại phiên hôm qua đã nâng giá trị mua ròng lên 561,39 tỷ đồng, với đại hiện là NVL (108,59 tỷ đồng), BCM (84,78 tỷ đồng) và DGC (50,25 tỷ đồng). Trong đó, khối này bán nhẹ STB (-23,19 tỷ đồng), VEA (-16,46 tỷ đồng) và SAB (-8,45 tỷ đồng).

– Tuy là một phiên hồi phục nhưng thanh khoản của VNINDEX vẫn còn khá khiêm tốn cho thấy dòng tiền vẫn đang thận trọng khi tham gia ở thời điểm hiện tại. Sẽ cần quan sát thêm những phiên giao dịch tới để xác nhận sự tham gia của lực mua.

– Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi giao dịch trong giai đoạn này của thị trường, ưu tiên quan sát chờ dấu hiệu xác nhận kết thúc đà giảm để tránh rủi ro từ những phiên hồi phục kỹ thuật ngắn hạn (bulltrap).

—————————–

Trên đây là bản tinh kinh tế tài chính trước giờ giao dịch ngày 11/10/2022. Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe. Chúc quý vị và các bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8 giờ sáng ngày mai.

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest