1. THÔNG TIN THẾ GIỚI
• Hoạt động sản xuất tại Eurozone tiếp tục suy giảm
– S&P Global công bố khảo sát cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone đã giảm từ mức 48,5 trong tháng 8 xuống mức 48,4 trong tháng 9, thấp nhất trong 27 tháng qua.
– Chỉ số này không chênh lệch đáng kể so với mức 48,5 ước tính sơ bộ trước đó và tiếp tục thấp hơn ngưỡng 50 phân định kinh tế tăng trưởng hay suy giảm.
– Bên cạnh đó, chỉ số sản lượng cũng giảm từ 46,5 trong tháng 8 xuống 46,3 trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp thấp hơn ngưỡng 50.
– Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá chỉ số PMI tổng hợp dự kiến công bố ngày 5/10 và được coi là một thước đo đáng tin cậy phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế.
– Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global, sự kết hợp giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng tăng sẽ càng gây thêm lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Eurozone.
– Nếu không kể đến ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời gian đại dịch COVID-19, đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất khu vực chứng kiến nhu cầu và sản lượng suy giảm ở cấp độ nghiêm trọng như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.
– Trong một khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) hồi tháng trước, nguy cơ kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái trong vòng 1 năm là 60% và các chỉ dấu về PMI trong tương lai trước mắt cũng không sáng sủa.
• IEA: Tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay
– Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm tới do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và nhu cầu khí đốt ở châu Âu suy yếu do giá cao và các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
– Trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý vừa được công bố, IEA cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay và sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm tới.
– Tại châu Âu, tiêu thụ khí đốt đã giảm 10% trong tám tháng kể từ đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, do lĩnh vực công nghiệp giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt khi các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng bới chi phí sản xuất tăng cao.
– Nguồn cung khí đốt từ các đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu đã giảm trong năm nay và giờ chỉ còn lại rất khiêm tốn sau khi đường ống dẫn dầu Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga đến Đức bị đóng cửa vào đầu tháng Chín và rò rỉ trên hệ thống vào tuần trước.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021
– Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.
– Mặc dù vậy, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng gần gấp đôi so với con số thu hút của cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 1,8 tỷ USD).
– Theo thống kê của Savills Việt Nam, tính đến tháng 9 năm nay, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Với ưu thế về cơ sở hạ tầng và giao thông, quỹ đất dành cho công nghiệp tại hai khu vực này cạnh tranh hơn và vô hình trung đẩy giá thuê cao hơn.
– Hiện giá thuê tại Hà Nội đạt mức gần 140 USD/m2, cao nhất tại miền Bắc. Trong khi đó, giá cho thuê tại TP HCM đã vượt ngưỡng 200 USD/m2, đứng đầu khu vực miền Nam.
– Nguyên nhân của sự tích cực trên là nhờ chính sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam được áp dụng sớm, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến và làm việc tại Việt Nam; trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID”.
• Xuất khẩu cao su 9 tháng năm 2022 ước đạt 2,32 tỷ USD– Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 305 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với tháng 8/2022.
– Tuy nhiên, so với tháng 9/2021, xuất khẩu cao su tăng 16% về lượng và tăng 2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2022 đạt 1.455 USD/tấn, giảm 4% so với tháng 8/2022 và giảm 12,1% so với tháng 9/2021.
– Lũy kế 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,41 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
– Trên thị trường thế giới, trong tháng 9/2022, thị trường cao su thế giới bị ảnh hưởng bởi lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại, giá dầu thô giảm nên các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ và lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực thị trường.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
• CTD: Lần đầu làm nhà phát triển dự án bất động sản
– Coteccons (HoSE: CTD) công bố làm nhà phát triển dự án The Emerald 68 do Tập đoàn Lê Phong làm chủ đầu tư. Sự kiện này đánh dấu cột mốc mới của Coteccons khi lần đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với một dự án căn hộ. Trước đó, Coteccons là tổng thầu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.
– The Emerald 68 nằm trong chuỗi căn hộ cao cấp của Tập đoàn Lê Phong tại TP Thuận An, Bình Dương, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Diện tích dự án gần 8.000 m2, gồm 1 khối với 2 block, cao 39 tầng nổi với gần 800 căn hộ từ 1 đến 3 phòng ngủ. Dự án tọa lạc tại mặt tiền đại lộ Bình Dương và đường Vĩnh Phú 16, cách TP HCM 1 km, sát địa phận TP Thủ Đức.
– Tập đoàn Lê Phong đã triển khai hơn 20 dự án nhà phố thương mại, khu đô thị và căn hộ cao cấp tại Bình Dương. Ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Phong cam kết cùng với Coteccons sẽ hoàn thành dự án Emerald 68 và bàn giao đúng tiến độ vào quý I/2025.
– Từ khi ông Bolat Duisenov làm Chủ tịch HĐQT, Coteccons có nhiều sự thay đổi về định hướng. Từ năm 2021, ông Bolat đã vạch ra chiến lược trong 5 năm tiếp theo, với mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng mảng hạ tầng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công. Trong đó, Coteccons muốn đa dạng hóa mảng kinh doanh, mở rộng ngành nghề xây dựng, có hỗ trợ vốn ít nhất cho 2 dự án bất động sản.
• FCN: ‘Cầm chắc’ dự án khu đô thị Nam Thái hơn 2.250 tỷ đồng ở Thái Nguyên
– Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Fecon Phổ Yên, công ty con của của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN), chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư và nộp theo quy định.
– Dự án khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 24,68ha) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên thông báo mời quan tâm đầu tư hồi tháng 6/2022.
– Dự án trên được thực hiện trên tại phường Ba Hàng và phường Nam Tiến, TP. Phổ Yên. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.250 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là 2.097 tỷ đồng; sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 153 tỷ đồng.
– Thời gian hoạt động của dự án 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
– Phiên giao dịch ngày 04/10/2022, VNINDEX mở cửa hồi phục tạo gap tăng 9 điểm nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều giảm. Phiên chiều, tuy có sự hồi phục trở lại nhưng trước áp lực bán lớn đến từ nhóm cổ phiếu trụ khiến chỉ số không giữ được sắc xanh trước đó. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại mốc 1.078,14 điểm, giảm 8,3 điểm (-0,76%).
– Về độ rộng thị trường, áp lực vẫn duy trì mạnh khi có tới 312 mã giảm/144 mã tăng trên sàn HOSE. Thanh khoản tăng nhẹ, đạt hơn 12.048 tỷ đồng.
– Kìm hãm đà hồi phục của chỉ số VNINDEX là HPG, MSN, GVR giảm quanh 1,3 điểm, CTG (-1,04 điểm). Chiều nâng đỡ thị trường có VIC (+1,457 điểm), SAB và VCB tăng gần 1 điểm.
– Phiên hôm qua chỉ ghi nhận 3/10 nhóm ngành hồi phục, gồm Bất động sản (+0,26%), Công nghệ thông tin (+0,3%) và Tiêu dùng (+0,9%). Chiều giảm mạnh có Nguyên vật liệu (-4,09%), Tài chính và Tiêu Dùng thiết yếu ( giảm hơn 1,2%). Các nhóm ngành còn lại giảm dưới 0,8%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm có Tài chính (2.802 tỷ đồng), Công nghiệp (1.820 tỷ đồng) và Bất động sản (1.542 tỷ đồng).
– Khối ngoại vẫn giữ đà bán ròng với giá trị đạt 472,29 tỷ đồng, những cổ phiếu bị bán mạnh gồm HPG (-179,02 tỷ đồng), STB (-117,21 tỷ đồng) và SSI (-63,53 tỷ đồng). Ngược lại chiều mua ròng nhẹ vào các quỹ ETF như FUEVFVND (26 tỷ đồng), E1VFVN30 (21,65 tỷ đồng) và GMD (19,56 tỷ đồng).
– VNINDEX vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc đà giảm khi dòng tiền còn khá thận trọng khi tham gia vào thời điểm hiện tại. Nếu không có sự gia tăng của dòng tiền để hấp thụ lực bán thì khả năng xấu nhất VNINDEX có thể điều chỉnh về vùng 1.000-1.030 điểm.
– Nhà đầu tư ưu tiên theo dõi và chọn lọc những mã cổ phiếu đang có dấu hiệu tạo nền trước thị trường. Giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn và chờ đợi dấu hiệu kết thúc đà giảm từ VNINDEX.