1. THÔNG TIN THẾ GIỚI
• Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 10 năm
– Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ngày 19/9 đã lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, trong khi đồng USD mạnh lên trong bối cảnh các nhà đầu tư bất an khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần này để kiềm chế lạm phát.
– Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên vượt mốc 3,5% kể từ tháng 4/2011, lên đến 3,518%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm lên tới 3,94% – mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua. Lợi suất cao hơn giúp củng cố “đồng bạc xanh” và khiến vàng ít hấp dẫn hơn. Cụ thể, giá vàng suy yếu và ở quanh mức thấp kỷ lục trong 29 tháng qua, quanh mốc 1.666 USD/ounce.
– Nhiều dự báo cho thấy Fed có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày 21/9 tới. Động thái trên có thể khiến lãi suất cơ bản của Fed tăng lên ngưỡng 3-3,25%. Thậm chí một số nhà phân tích còn nhận định Fed có thể tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.
• Lạm phát tháng 8 tại Nhật Bản cao nhất trong 8 năm qua
– Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 20/9 công bố báo cáo cho biết lạm phát của nước này trong tháng 8 đã chạm con số 2,8% – mức cao nhất kể từ năm 2014.
– Theo báo cáo, nếu trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống có nhiều biến động, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản trên toàn quốc của Nhật Bản có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014 và vẫn cao hơn mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 5 liên tiếp.
– Lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản đã tăng nhanh từ 2,4% trong tháng 7 do giá năng lượng và thực phẩm “leo thang”, cũng như sự suy yếu nhanh chóng của đồng yên.
– Khác với nhiều nước khác, BOJ đã không lựa chọn giải pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bởi ngân hàng này coi việc tăng giá hàng hóa hiện tại chỉ là tạm thời.
– Khoảng cách ngày càng tăng giữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản và việc tăng lãi suất ở các nước khác đã khiến đồng yên lao dốc, xuống mức thấp trong nhiều thập kỷ so với đồng USD.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Quỹ mới từ Hong Kong sẽ rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam
– Công ty Quản lý quỹ CSOP Asset Management Limited (“CSOP”) từ Hong Kong vừa thông báo về việc ra mắt quỹ CSOP FTSE Vietnam 30 ETF niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong. Đây là quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam 30 Index. CSOP FTSE Vietnam 30 ETF bắt đầu giao dịch vào ngày 20/9. Khi mới thành lập, quỹ này đã nhận được khoảng 6,5 triệu USD đầu tư ban đầu.
– Nói về lý do việc xây dựng một quỹ đầu tư chỉ số, CSOP cho biết rằng do thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai nên giá trị vốn hóa thị trường, tính thanh khoản và chất lượng tài chính của các doanh nghiệp khác nhau, rủi ro đối với cổ phiếu đơn lẻ là cao. Chỉ số đầu tư vào 30 công ty lớn nhất Việt Nam, bao gồm các công ty hàng đầu trong các ngành công nghiệp khác nhau, có thể giảm thiểu biến động một cách hiệu quả.
– Về phần vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với Đông Nam Á. GDP của Việt Nam đã tăng gấp 15 lần trong 25 năm qua, trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 bùng phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
– Bên cạnh đó, dân số gần 100 triệu người, tỷ lệ người từ 15-60 tuổi biết chữ là 95%. Dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa thấp là tiềm năng cho Việt Nam.
• Tỷ lệ nội địa hóa dệt may Việt Nam lên cao nhất, đạt gần 57%
– Báo cáo của Vinatex cho thấy, trong 8 tháng vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.
– Điểm đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tất cả nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may là khoảng 13 tỷ USD (sau khi loại trừ khoảng trên 1,5 tỷ USD phụ liệu cho ngành giày da).
– Như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã tạo ra 17 tỷ USD, thặng dư thương mại từ xuất khẩu. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ trước đến nay, dệt may chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50% nhưng 8 tháng năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã lên gần 57%, đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025.
– Cụ thể trong 17 tỷ USD thặng dư này chỉ có khoảng 6,5 tỷ USD là tiền lương cho người lao động còn lại là gần 11 tỷ USD là việc mua các nguồn nguyên liệu, phụ liệu ở trong nước.
• Lào chi hơn 2 tỷ USD làm dự án điện gió xuất khẩu sang Việt Nam
– Chính phủ Lào và các công ty năng lượng liên quan dự kiến sẽ chi hơn 2 tỷ USD để xây dựng một dự án điện gió ở khu vực Lako, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet.
– Ông Sathabandith Insisiengmay – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Công ty Savan Vayu Renewable và Công ty LTM Lào đã ký biên bản ghi nhớ về việc xem xét khả năng triển khai các dự án điện gió trong khu vực.
– Theo đó, nhà máy điện gió này sẽ có công suất lắp đặt 1.200 megawatt và chi phí xây dựng ước tính là 2,159 tỷ USD. Việc xây dựng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025. Nhà máy điện gió này đi vào hoạt động sẽ phục vụ nhu cầu trong nước cũng như việc xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam.
– Từ giữa năm 2021, các nhà phát triển dự án bắt đầu phân tích thông tin về dự án điện gió này, nhận thấy việc phát triển năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn.
– Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào nhận định còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
– Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. EVN đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
• GAS: Lãi sau thuế 8 tháng đạt trên 10 nghìn tỷ đồng
– Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra cho những tháng này.
– Cụ thể, sản lượng condensate vượt 62% kế hoạch và sản lượng LPG kinh doanh vượt 20% kế hoạch, PV GAS duy trì thị phần bán buôn LPG cả nước gần 70%.
– Còn các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch ở mức cao và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng doanh thu đạt trên 69 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt tới 119% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế trên 10 nghìn tỷ đồng, vượt 119% kế hoạch.
– Các dự án đầu tư xây dựng được triển khai tích cực, bám sát kế hoạch và dự kiến trong năm 2022, PV GAS sẽ hoàn thành thi công dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, bổ sung nguồn cung cấp khí cho thị trường mỗi năm khoảng 1,4 tỷ m3 khí.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
– Phiên giao dịch ngày 20/9/2022, chỉ số VNINDEX diễn biến khá bất ngờ khi đầu phiên sáng mở gap tăng 7 điểm nhưng sau đó, trước áp lực bán lớn đã lùi về giao dịch dưới tham chiếu. Đến phiên chiều, có lúc VNINDEX mất mốc 1.200 điểm nhưng nhờ lực cầu từ nhóm VN30 đã nhanh chóng kéo chỉ số hồi phục, đóng cửa trong sắc xanh tại mốc 1.218,93 điểm, tăng hơn 13 điểm so với giá đóng cửa phiên trước đó.
– Về độ rộng thị trường, phe mua giành lại được ưu thế với 309 mã tăng/120 mã giảm. Tuy nhiên, thanh khoản có sự suy giảm khi chỉ đạt mức hơn 11 nghìn tỷ đồng.
– Ảnh hưởng tích cực tới chỉ số VNINDEX phiên hôm qua có BID (+1,2 điểm), VIC (+0,965 điểm), CTG và GVR có tổng mức đóng góp hơn 1,2 điểm. Chiều tác động tiêu cực đến thị trường là BCM và NVL với mức giảm quanh 0,2 điểm.
– Thị trường hồi phục với 10 nhóm ngành đều tăng điểm, tiêu biểu là nhóm ngành Nguyên vật liệu (+1,63%), Tiêu dùng (+1,58%) và Tài chính (+1,28%). Các nhóm ngành còn lại tăng dưới 1,2%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (2.428 tỷ đồng), Công nghiệp (1.795 tỷ đồng) và Bất động sản (1.374 tỷ đồng).
– Khối ngoại phiên hôm qua đã gia tăng giá trị mua ròng lên hơn 423,7 tỷ đồng, vẫn tập trung giải ngân vào các cổ phiếu HPG, DGC, VNM với giá trị quanh 53 tỷ đồng mỗi mã. Ngược lại, khối ngoại bán mạnh FUEVFVND (-85,26 tỷ đồng).
– VNINDEX hiện đã thành công giữ được mốc 1.200 điểm mặc dù thanh khoản vùng này vẫn khá thấp cho thấy lực cầu bắt đáy không quá mạnh. Trong những phiên tới, nếu lực mua có sự gia tăng mạnh thì VNINDEX có thể hồi phục về vùng kháng cự 1.240 – 1.250 điểm.
– Nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi tham gia mua mới ở thời điểm này, cần theo dõi thêm trong những phiên tới để xác nhận đà giảm đã kết thúc. Cân nhắc hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu không có sự gia tăng của lực mua về mức an toàn.
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect