DCall Podcast ngày 30.08.2022 – KBC: Lợi nhuận sau thuế bán niên giảm gần 92% sau soát xét

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Các công ty Trung Quốc thoát nguy cơ hủy niêm yết ở Mỹ 

– Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Bộ Tài chính Trung Quốc và Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) đã ký kết thỏa thuận sơ bộ cho phép giới chức Mỹ thanh tra tài liệu kiểm toán của các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại New York. Thỏa thuận là bước đầu tiên, giúp gần 200 công ty Trung Quốc, bao gồm những tập đoàn lớn như Alibaba, Baidu, có tổng vốn hóa gần 1.000 tỉ đô la, tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York. 

– Thỏa thuận trên đánh dấu một bước đột phá lớn trong sự bế tắc kéo dài hàng thập niên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về quyền tiếp cận tài liệu kiểm toán. Trên thực tế, đạo luật này chủ yếu nhắm đến các công ty Trung Quốc đang có cổ phiếu giao dịch ở Phố Wall vì Trung Quốc và Hong Kong là hai khu vực pháp lý duy nhất trên toàn thế giới không cho phép PCAOB kiểm tra tài liệu kiểm toán của họ do lo ngại thông tin về an ninh và bí mật quốc gia bị lộ. 

– “Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận chưa từng có tiền lệ vào sáng nay, nhưng chúng tôi vẫn cần xem trong vài tháng tới liệu Trung Quốc có tuân thủ hay không”, Chủ tịch SEC, Gary Gensler cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 26-8. Ông nói thỏa thuận này toàn diện hơn so với bất kỳ nước nào khác và đến tháng 12 tới, các quan chức Mỹ sẽ đánh giá liệu họ có được tiếp cận đầy đủ tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc hay không. 

– Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới chỉ là bước đầu tiên. PCAOB sẽ cần phải có một số lượng lớn thanh tra viên và việc đánh giá đánh giá các công ty Trung Quốc được chọn lọc có thể mất hàng tháng. 

• Tình hình xuất khẩu đáng lo ngại của Hong Kong 

– Văn phòng Thống kê Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) công bố số liệu cho thấy giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tháng 7/2022 của Hong Kong đã giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, với biên độ sụt giảm nới rộng thêm 2,5 điểm phần trăm so với tháng trước đó, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 10,7%, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và Anh lần lượt giảm 15,8%, 17,5% và 29,2%. 

– Nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả xuất khẩu của Hong Kong sa sút là do môi trường kinh tế bên ngoài tiêu cực khi các nền kinh tế tiên tiến bao gồm Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và cuộc xung đột Nga- Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển đường bộ xuyên biên giới tiếp tục bị dịch bệnh cản trở. 

– Triển vọng thời gian tới cho thấy môi trường bên ngoài chưa nhìn thấy dấu hiệu cải thiện nhanh chóng, nên tình hình xuất khẩu vẫn rất đáng lo ngại, nhìn chung ngành xuất khẩu vẫn phải tiếp tục trải qua những ngày tháng khó khăn. 

– Đối diện với nhiều thách thức, chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ có nhiều hỗ trợ thực chất hơn, nhưng giới doanh nghiệp cần ứng phó linh hoạt thì mới có thể vượt qua khó khăn, vững tin vào tương lai.    

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• CPI cả nước 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021 

– Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. Trong đó, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022. 

– Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%. 

– Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. 

• Bộ Công Thương ban hành Quyết định về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 

– Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-BCT về lượng và thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022. 

– Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá năm 2022 là 113.000 tấn, gồm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô 79.000 tấn; lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường tinh luyện 34.000 tấn. 

– Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thông qua phương thức đấu giá tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022 vào tháng 9/2022. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

– KBC: Lợi nhuận sau thuế bán niên giảm gần 92% sau soát xét 

– Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) mới công bố thông tin bất thường giải trình về chênh lệch kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 giữa báo cáo tài chính công ty tự lập và đã được kiểm toán soát xét. 

– Tại báo cáo tự lập, KBC ghi nhận hơn 2.456 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau soát xét bởi công ty kiểm toán, chỉ tiêu này đã giảm 91,8% xuống còn 200,2 tỷ đồng. 

– Giải trình về khoản chênh lệch này, KBC cho biết trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên tự lập, Công ty ghi nhận kế toán ban đầu tạm thời thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. Đô thị Kinh Bắc cho biết theo báo cáo tư vấn thẩm định giá độc lập, giá trị hợp lý tài sản thuần của Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng ước tính là khoảng 4.805 tỷ đồng. Đây thực chất là việc đánh giá lại tài sản mua rẻ. 

– Tuy nhiên, theo công văn mới đây của đơn vị kiểm toán là công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY),  đơn vị này đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn định giá để soát xét báo cáo định giá nêu trên. Nhưng do số lượng các tài sản là bất động sản và tính phức tạp của việc định giá nên công việc xoát xét của EY với báo cáo định giá trên chưa được hoàn tất. 

– Do đó, trên BCTC bán niên, Đô thị Kinh Bắc sẽ chưa ghi nhận thu nhập từ giao dịch định giá tài sản này. KBC cho rằng việc hoàn tất kế toán tạm thời của công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng sẽ được ghi nhận sau khi EY hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào BTCT hợp nhất năm 2022 

• GMD: Đặt mục tiêu đưa giai đoạn 2 cảng nước sâu Gemalink 1,5 triệu TEU vào khai thác từ 2024 

– Gemadept (HoSE: GMD) cho biết đang trong tiến độ thực hiện các thủ tục, thu xếp vốn để triển khai xây dựng giai đoạn 2 của cảng Gemalink trong nửa cuối năm, sẵn sàng đưa giai đoạn 2 vào khai thác từ năm 2024, đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

– Theo Gemadept, cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT. Giai đoạn 1 của dự án là 1,5 triệu TEU/năm và tổng đầu tư 330 triệu USD. Dự án được đưa vào vận hành đầu năm 2021. Sau 1 năm vận hành, cảng ghi nhận 1 triệu TEU thông qua, lập kỷ lục tại Việt Nam. 

– Giai đoạn 2 của Gemalink dự kiến có tổng đầu tư 300 triệu USD, công suất 1,5 triệu TEU, diện tích mở rộng 39 ha, 700 m cầu bến. Việc hoàn thành dự án này sẽ nâng tổng công suất của cảng Gemalink lên 3 triệu TEU. 

– Bên cạnh đó, vào cuối năm trước, công ty đã khởi công giai đoạn 2 cụm cảng Nam Đình Vũ, tính đến đầu tháng 8 đã hoàn thành hơn 50% tổng khối lượng thi công. Giai đoạn 2 có tổng đầu tư 1.700 – 4.500 tỷ đồng, quy mô 22 – 44 ha, 440 – 1.100 m cầu bến và năng suất từ 600.000 – 1.200.000 TEU. 

– Đây là 2 đại dự án của Gemadept hiện nay, khi giai đoạn 2 của Gemalink và Nam Đình Vũ hoàn thành, năng lực khai thác cảng của công ty sẽ gấp đôi đạt 6 triệu TEU. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 29.8.2022, chỉ số VNINDEX chịu ảnh hưởng từ phiên giảm điểm của TTCK Mỹ từ tuần trước mà ngay từ phiên sáng đã mã gap giảm điểm và diễn biến tiêu cực. Toàn thị trường đỏ lửa, đã có lúc VNINDEX giảm mạnh hơn 30 điểm. Sau đó nhờ lực cầu vào đã nâng đỡ chỉ số,  giúp VNINDEX thu hẹp đà giảm, đóng cửa mốc 1.270,8 điểm, giảm 11,77 điểm (-0,92%) 

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán gia tăng khi có 399 mã giảm so với73 mã tăng. Tuy nhiên thanh khoản bùng nổ, đạt 20.562,315 tỷ đồng. 

– Áp lực gây giảm điểm chỉ số VNINDEX chủ yếu là cổ phiếu VIC (-1,352 điểm), HPG (-0,741 điểm) và VNM (-0,736 điểm). Trong khi đó chiều nâng đỡ chỉ số là GAS (+1,115 điểm), MWG (+0,667 điểm).  

– Phiên hôm qua ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ ở nhóm Năng lượng (+2,72%) và Tiêu dùng (+1,11%). Ngược lại các nhóm ngành khác đều ở chiều giảm trong biên độ 1%, giảm nhiều có Bất động sản (-1,78%), Chăm sóc sức khỏe (-1,67%). Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (5.114 tỷ đồng), Công nghiệp (3.324 tỷ đồng), Nguyên vật và Bất động sản (quanh 2.700  tỷ đồng) 

– Khối ngoại phiên hôm qua nâng giá trị bán ròng lên gần 371,14 tỷ đồng, với đại diện là TLG (-101,99 tỷ đồng), DGC (-53,95 tỷ đồng). Chiều mua ròng có DXG (26,1 tỷ đồng), MSN (21,35 tỷ đồng 

– Vùng 1.250 – 1.270 điểm tiếp tục thể hiện là hỗ trợ mạnh của chỉ số VNINDEX với lực cầu bắt đáy tích cực. Trong phiên giao dịch tới, VNINDEX có thể sẽ diễn biến giằng co để tìm lại sự cân bằng sau phiên giao dịch đầu tuần đầy biến động. Nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường, cân đối tỷ trọng tiền và cổ phiếu hợp lý khi kỳ nghỉ lễ 2/9 đang đến gần. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest