DCall Podcast ngày 24.08.2022 – BSR: Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng thêm 223 tỷ đồng sau soát xét

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/08/2022

1. Thông tin thế giới 

• Citigroup: Lạm phát tại Anh có thể vượt 18% 

– Lạm phát tại Anh có thể vượt ngưỡng 18% lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ do giá năng lượng tăng cao, theo ngân hàng đầu tư Citigroup.  

– Dựa vào dự báo mức giá trần bán lẻ năng lượng tại Anh có thể tăng lên ngưỡng gần 6.000 bảng trong tháng 4/2023 từ mốc 1.971 bảng ở thời điểm hiện tại, Chuyên gia kinh tế Benjamin Nabarro của Citi nhận định lạm phát tại quốc gia này có thể chạm đỉnh 18,6% trong tháng 1 năm sau.  

– Lần gần nhất lạm phát tại Anh cao hơn ngưỡng 18,6% là vào năm 1976, thời điểm kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng sau cú sốc cung dầu, buộc Anh phải xin trợ cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

– Trước đó, Goldman Sachs và EY cũng đưa ra dự báo lạm phát tại Anh sẽ chạm ngưỡng 15% vào đầu năm 2023, trong khi đó, BoE dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở ngưỡng 13% vào cuối năm nay đồng thời cảnh báo về một giai đoạn suy thoái kéo dài. 

– Trong tháng 7, lạm phát tại Anh tiếp tục lập đỉnh hơn 40 năm ở ngưỡng 10,1%, đứng đầu các quốc gia trong nhóm G7.  

– Kinh tế Anh đứng trước rủi ro suy thoái lớn nhưng BoE buộc phải tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ nhằm sớm “hạ nhiệt” lạm phát, Nabarro nhận định. Lạm phát cao kéo giảm thu nhập và điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ người dân Anh.  

– Citi dự báo nếu như xuất hiện thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát trở nên cố kết, BoE có thể sẽ phải tăng lãi suất lên ngưỡng 6-7%.  Hiện tại, lãi suất neo ở ngưỡng 1,75%. 

• Giá khí đốt Châu Âu thiết lập kỷ lục mới 

–  Giá bán buôn khí đốt tại thị trường châu Âu đóng cửa ngày 22/8 thiết lập mức cao kỷ lục mới. Theo đó, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan tăng 14,6%, đứng ở mức 280,24 euro/MWh. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu được giao dịch dưới 27 euro/MWh.  

– Tại châu Âu, giá khí đốt liên tiếp tăng mạnh một phần do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sang thị trường này bị gián đoạn. Cuối tuần trước, giá khí đốt trên TTF chốt phiên giao dịch tăng 6,8%, lên 257,4 euro/MWh.  

– Trước đó, ngày 19/8, Nga thông báo sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 trong 3 ngày vào cuối tháng 8, dự kiến từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì. Ngay cả sau khi kết thúc bảo trì, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Nord Stream 1 cũng chỉ đạt 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP tăng gần 22% trong 7 tháng năm 2022 

– Bộ Công Thương nhận định, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. 

– Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới. 

– 7 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so với 7 tháng năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. 

– Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,70% tỷ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. 

– Về tăng trưởng kim ngạch, so với 7 tháng năm 2021, hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng cao về kim ngạch, như Burnay (tăng trưởng trên 659%), Malaysia (tăng 42,26%), Úc (tăng 38,75%). Đây cũng là những thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng trong thời gian tới của Việt Nam. 

3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết 

• HBC: Chuẩn bị đầu tư hai dự án bất động sản tại Canada và Úc 

– Ngày 22/8, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án tại nước ngoài. 

– Cụ thể, dự án tại Canada có tên là 88 James do Elite Developments Group làm chủ đầu tư. Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 4 triệu CAD (đô la Canada), tương đương khoảng 71,9 tỷ đồng. 

– Dự án thứ hai có tên Regent Street tại Australia với vốn đầu tư 2 triệu CAD (khoảng 35,9 tỷ đồng). Đây là dự án do Brightlands Property Fund & Freedom Development Group làm chủ đầu tư. 

– Chủ tịch Lê Viết Hải đặt tham vọng đến năm 2032 công ty sẽ đạt được 437.500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng. Ông Hải cho rằng đây là nhiệm vụ thách thức nhưng không phải không thực hiện được, nếu HBC thành công trong việc xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài. 

– Cụ thể hơn về chiến lược phát triển ra nước ngoài, ông David Martin Ruiz, Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của HBC cho biết, 4 thị trường mà tập đoàn hướng đến là Canada, Australia, Mỹ và châu Âu. Đây là các thị trường lớn, môi trường kinh doanh dễ dàng. Tốc độ tăng trưởng thị trường nhà ở cao. 

– Điểm chung là các thị trường này có giá xây dựng rất cao. Giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn. “Nếu so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Australia, doanh thu của HBC sẽ tăng gấp 7 – 8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15 – 20 lần”, lãnh đạo HBC nói. 

• BSR: Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng thêm 223 tỷ đồng sau soát xét 

– Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2022 của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận lợi nhuận tăng tới 223 tỷ so với báo cáo tự lập, lên mức 12.473 tỷ đồng (tức tăng 1,8%). 

– Cụ thể, doanh thu 6 tháng của BSR vẫn giữ nguyên ở mức 87.174 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn giảm 0,3% sau soát xét về mức 73.665 tỷ đồng, do giảm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ mức 435 tỷ xuống còn 223 tỷ sau soát xét. Nhờ đó lợi nhuận gộp tăng 1,7% lên 13.509 tỷ đồng. 

– Thêm vào đó, doanh thu tài chính cũng tăng 3,4% sau soát xét lên 670,2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm từ 444 tỷ đồng còn 443,9 tỷ đồng. 

– Do đó lợi nhuận sau thuế của BSR tăng tới 223 tỷ so với báo cáo tự lập, lên mức 12.473 tỷ đồng (tức tăng 1,8%). 

– Theo kế hoạch năm 2022, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, lợi nhuận BSR đã gấp 9,6 lần kế hoạch năm. 

• MWG: Doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh tháng 7 giảm 45% so với cùng kỳ 

– Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mới đây công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 7/2022. Theo đó, đại gia ngành bán lẻ tháng này đã bắt đầu có những ghi nhận về chỉ tiêu kinh doanh đi xuống. 

– Cụ thể, riêng trong tháng 7/2022, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 81.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. 

– Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu 8.400 tỷ đồng trong tháng 7, tăng 63% so với cùng kỳ và lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 65.300 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; 

– Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, trong tháng 7, chuỗi ghi nhận doanh thu 2.350 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi này ghi nhận 15.200 tỷ đồng doanh thu, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. MWG cho biết, thực tế so với mức đỉnh cao nhất của tháng 7/2021, doanh thu tháng 7 vừa rồi của chuỗi này giảm giảm nhưng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng dương qua từng tháng, kể từ tháng 3/2022 đến nay. 

– Điểm đáng lưu ý, công ty này đã đóng cửa 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh so với đầu năm và thực hiện thay đổi layout cho toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. 

– Chủ tịch MWG cho biết, khả năng trong quý IV năm nay, chuỗi này sẽ có lời trong bối cảnh MWG đã có nhiều thay đổi, đổi mới hình thức vận hành và trong bối cảnh tết tới sớm. 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán 

– Phiên giao dịch ngày 23/8/2022, VNINDEX đã mở gap giảm 7 điểm ngay đầu phiên do ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Sau đó, lực mua tham gia tích cực, giúp chỉ số dần hồi phục và cuối phiên chiều chỉ số bất ngờ tăng mạnh, đóng cửa ở mốc 1.270,81 điểm, tăng 10,38 điểm (+0,82%). 

– Về độ rộng thị trường, phe mua lấy lại ưu thế với 308 mã tăng so với 140 mã giảm. Số mã tăng chiếm 59% tổng số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản sụt giảm nhẹ, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. 

– Đóng góp cho đà tăng điểm của chỉ số VNINDEX đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID (+1,351 điểm), VNM (+1,116 điểm), GAS (+1,02 điểm). Chiều giảm điểm chỉ số đến từ VIC (-0,97 điểm) và  SAB (-0,652 điểm). 

– Phiên hôm qua ghi nhận sự hồi phục ở hầu hết các nhóm ngành với 9 trên 10 nhóm ngành tăng điểm, chỉ trừ Chăm sóc sức khỏe vẫn giảm 0,61%. Nhóm ngành Năng lược tăng tốt nhất (+3%), Công nghiệp (tăng gần 2%), Dịch vụ tiện ích và Nguyên vật liệu tăng quanh 1,4%. Các nhóm ngành còn lại hồi phục nhẹ, dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm Tài chính (3.945 tỷ đồng), Công nghiệp (2.111 tỷ đồng) và Bất động sản (1.806 tỷ đồng). 

– Khối ngoại phiên hôm qua đã giảm giá trị bán ròng xuống còn hơn 75 tỷ đồng, tập trung vào VHM (-45,15 tỷ đồng), CTG (-42,89 tỷ đồng) và BSR (-38,72 tỷ đồng). Chiều mua ròng, khối ngoại tiếp tục giải ngân mạnh vào VNM (+161,97 tỷ đồng), ngoài ra có DXG và MSN mua quanh  27 tỷ đồng. 

– Phiên giao dịch hôm qua khá tích cực khi thị trường “lội ngược dòng” tăng điểm với sắc xanh lan tỏa trở lại. Khối lượng giao dịch chỉ sụt giảm nhẹ, không chênh lệch quá nhiều so với những phiên giao dịch gần đây. Đà hồi phục có khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên hôm nay, tuy nhiên, nhà đầu tư hạn chế mua đuổi, duy trì tỷ trọng tiền và cổ phiếu hợp lý, chuẩn bị sẵn kịch bản nếu lực mua không giữ được đà tăng như hiện tại. 

———————-

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest