Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/08/2022
1. Thông tin thế giới
• Lạm phát Anh vượt 10% giữa bão giá năng lượng và thực phẩm
– Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng lên 10.1%, theo ước tính từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) trong ngày 17/08. Con số này cao hơn dự báo 9.8% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters và cao hơn mức 9.4% trong tháng 6.
– Lạm phát lõi – vốn loại trừ năng lượng, thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá – ở mức 6.2% trong tháng 7, cao hơn mức 5.8% của tháng 6/2022.
– Giá thực phẩm “góp công” lớn nhất vào đà tăng của lạm phát trong tháng 6-7/2022, ONS cho biết trong báo cáo.
– Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.
– Trước đó, BoE đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,75%, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.
• Nhật Bản thâm hụt thương mại tháng thứ 12 liên tiếp
– Số liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/8 cho thấy, thâm hụt thương mại trong tháng Bảy của Nhật Bản vào khoảng 1.400 tỷ yên (tương đương 10,44 tỷ USD), ghi nhận tình trạng thâm hụt thương mại tháng thứ 12 liên tiếp tại quốc gia Đông Bắc Á này.
– Số liệu công bố cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng Bảy của Nhật Bản là 1.436,8 tỷ yên, cũng là mức chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu cao nhất trong tháng Bảy kể từ năm 1979.
– Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8.752,8 tỷ yên, chủ yếu là ô tô và các thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể, lên tới 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.189,6 tỷ yên, chủ yếu do sự tăng giá mạnh của cả các loại năng lượng như dầu thô, than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
– Riêng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng dầu thô trong tháng Bảy lên tới 1.143,7 tỷ yên với đơn giá thông quan là 99.667 yên/1.000 lít, tăng 99,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Đại diện Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, mặc dù khối lượng các mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu hầu như không thay đổi nhưng giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao đã tác động đến cán cân thương mại trong tháng Bảy vừa qua.
2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
• Apple chọn Việt Nam để sản xuất Apple Watch và MacBook
– Các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc, Nikkei Asia dẫn lại 3 nguồn tin thân cận.
– Theo các chuyên gia trong ngành, Apple Watch là sản phẩm còn tinh vi hơn bởi việc đưa nhiều linh kiện vào trong sản phẩm có kích thước nhỏ như vậy đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao.
– Apple cũng đã tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi các đợt phong tỏa ngừa COVID-19 ở Thượng Hải dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng lớn. BYD (Trung Quốc) là đơn vị đầu tiên hỗ trợ việc chuyển đổi này nhưng nguồn tin của Nikkei Asia cũng cho biết Foxconn cũng đang giúp Apple tăng cường sản xuất iPad ở Việt Nam.
– Bên cạnh đó, Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm loa thông minh HomePod tại Việt Nam.
– Về Macbook, Apple đang yêu cầu các nhà cung ứng xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam, nguồn tin từ Nikkei Asia cho biết.
– Đối với Việt Nam, xu hướng chuyển dịch của Apple đang tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Số lượng nhà cung ứng Apple có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên ít nhất là 22, tăng từ mức 14 trong năm 2018, theo phân tích từ Nikkei Asia. Nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử khác như Google, Dell và Amazon cũng tiếp bước Apple, chọn Việt Nam là nơi để đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.
3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
• VHC: Duyệt tăng vốn góp vào Thức ăn thủy sản Feed One lên 195 tỷ đồng
– Nghị quyết họp HĐQT mới đây của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa thông qua phương án tăng vốn góp vào Công ty TNHH thức ăn thủy sản Feed One.
– Cụ thể, Vĩnh Hoàn sẽ tăng vốn góp vào Thức ăn thủy sản Feed One bằng Quyền sử dụng của thửa đất số 313, tờ bản đồ số 10, địa chỉ khu đất tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng diện tích khu đất là 48.062,1 m2, mục đích sử dụng đất cụm công nghiệp; nguồn gốc sử dụng là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần. Giá trị góp vốn là 31.3 tỷ đồng; thời hạn góp vốn tính từ ngày ký hợp đồng góp vốn cho tới hạn của Quyền sử dụng đất 22/08/2062.
– Trong Nghị quyết HĐQT VHC cũng thông qua điều chỉnh nội dung tăng vốn góp. Tổng cộng, VHC sẽ tăng vốn góp tại Thức ăn Thủy sản Feed One từ 50 tỷ đồng lên 195 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 31,3 tỷ đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất như đề cập trên đây và 163,7 tỷ đồng góp vốn theo hình thức chuyển khoản.
– Ngoài ra, ông Đặng Văn Viễn, một cổ đông khác cũng vốn góp từ 2 tỷ đồng lên 65 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản.
– Như vậy, sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của Vĩnh Hoàn tại Feed One là 75% và tỷ lệ sở hữu của ông Đặng Văn Viễn tại Feed One là 25%.
– Trong tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay bởi tình hình quốc tế khiến nguồn cung bị thiếu hụt và giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao, Nghị quyết duyệt tăng vốn được duyệt là một bước đi chiến lược của Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả về tự chủ được nguồn nguyên liệu và tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn trong thời gian tới.
• HBC: Dự kiến phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu
– CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa lên phương án phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 32.500 đồng/cp để huy động 162,5 tỷ đồng, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
– Hiện tại HBC kết phiên 17/8 ở mức 22.000 đồng/cp, như vậy, giá phát hành dự kiến cao hơn 45,4% so với giá thị trường đang giao dịch.
– Công ty cho biết, nhà đầu tư tham gia đợt chào bán là Sanei Architecture Planning Co., Ltd. Thời gian dự kiến triển khai là quý 3 đến quý 4/2022 và sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
– Với số tiền huy động được Công ty sử dụng toàn bộ thanh toán chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động thi công xây dựng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ HBC sẽ tăng từ 2.456,5 tỷ đồng lên 2.506,5 tỷ đồng.
• FLC, HAI: Có thể bị đình chỉ giao dịch
– Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo khả năng đình chỉ giao dịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) và Công ty Cổ phần Nông dược HAI (HOSE: HAI).
– Cụ thể: qua quá trình giám sát hoạt động của tổ chức niêm yết, HOSE nhận thấy đến ngày 15/08/2022 FLC và HAI chưa họp Đại hội đổng cổ đông thường niên (quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021; đồng thời chưa lựa chọn được đơn vị kiểm toán BCTC năm 2022.
– HOSE sẽ thực hiện xử lý nâng lên diện đình chỉ giao dịch theo quy định hiện hành nếu Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.
– HOSE cho biết để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông công ty cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, HOSE đề nghị FLC và HAI có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cũng như việc lựa chọn đơn vị kiêm toán BCTC năm 2022 về HOSE trước ngày 19/08/2022.
4. Nhịp đập thị trường chứng khoán
– Phiên giao dịch ngày 17/08/2022, chỉ số VNINDEX mở gap tăng nhẹ ngay đầu phiên sáng và giữ sắc xanh trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch. Trong phiên chiều, đã có thời điểm VNINDEX chạm lên vùng 1.280 điểm nhưng nhanh chóng chịu áp lực điều chỉnh giảm trở lại. Nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 đã giúp VNINDEX hồi phục ở cuối phiên và đóng cửa ở mốc 1.275,28 điểm, tăng nhẹ 0,59 điểm (+0,05%).
– Về độ rộng thị trường, tuy chỉ số tăng điểm nhẹ nhưng phe bán lại chiếm ưu thế khi có 247 mã giảm/189 mã tăng. Thanh khoản có sự gia tăng, đạt hơn 17.674 tỷ đồng.
– Hỗ trợ chỉ số VNINDEX có sự đóng góp từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, như VIC (+1,353 điểm), MSN (+0,83 điểm), NVL (+0,692 điểm). Chiều kìm hãm đà tăng điểm đến từ cổ phiếu BID (-0,641 điểm), GAS (-0,534 điểm), MWG (-0,371 điểm).
– Phiên hôm qua ghi nhận áp lực bán ở 6/10 nhóm với biên độ dưới 1%, trong đó diễn biến tiêu cực nhất là nhóm Tiêu dùng và Nguyên vật liệu với mức giảm quanh 0,9%. Chiều hồi phục tốt có Bất động sản (+1,13%), Chăm sóc sức khỏe (+1,35%), Tiêu dùng thiết yếu và Tài chính tăng dưới 1%. Các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (4.207 tỷ đồng), Công nghiệp (3.032 tỷ đồng) và Bất động sản (2.771 tỷ đồng)
– Khối ngoại sau nhiều phiên mua ròng liên tiếp thì phiên hôm qua đã bắt đầu bán ròng nhẹ với giá trị đạt hơn 47 tỷ đồng, tập trung vào KBC và VHM với giá trị quanh 71 tỷ đồng, HCM (-43,48 tỷ đồng). Chiều mua ròng có HDB (83 tỷ đồng), PVD (53,4 tỷ đồng) và DXG (36,59 tỷ đồng)
– Phiên giao dịch hôm qua, VNINDEX ghi nhận dấu hiệu “Xanh vỏ đỏ lòng” – số lượng mã giảm chiếm phần lớn số mã trên thị trường trong khi nhóm cổ phiếu trụ hỗ trợ nâng đỡ giữ chỉ số đóng cửa trong sắc xanh. Bên cạnh đó, thanh khoản duy trì ở mức cao cho thấy lực mua đang dần suy yếu và khả năng VNINDEX sẽ có nhịp điều chỉnh trong những phiên tới. Chỉ số có khả năng sẽ test lại vùng nền hỗ trợ ngắn hạn quanh mốc 1.250 điểm nếu lực bán tiếp tục gia tăng mạnh. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời/ hạ tỷ trọng với những mã cổ phiếu đang gặp lực bán mạnh tại vùng kháng cự. Ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục, hạn chế mua đuổi cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại.
———————-
- Hãy cùng VNDIRECT thiết lập La bàn sức khỏe và Bảo an thịnh vượng từ hôm nay: https://dgo.vndirect.com.vn/
- Tham gia khóa học La bàn định hướng đầu tư DGO Life – Sáng thứ Bảy tại: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
- Kiện toàn tam bảo đầu tư và xây dựng tháp tài sản vững chắc: https://dautu.vndirect.com.vn/
- VNDIRECT sẽ luôn đồng hành cùng Quý nhà đầu tư trên con đường đầu tư tài chính thông qua các bản tin được cập nhật tại:
- Website: https://www.vndirect.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
- Fanpage: https://www.facebook.com/vndirect