Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/08/2022:
1. Thông tin vĩ mô thế giới
• Eurozone tăng trưởng vượt dự báo, lạm phát cao kỷ lục
– Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) bất ngờ tăng tốc trong quý II. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của khu vực này phần nào bị ảnh hưởng từ việc Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt tới lục địa già. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của eurozone tăng 0,7% trong quý II, theo thông tin vừa được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố. Con số trên thực tế cao hơn dự báo tăng 0,2% của giới chuyên gia đồng thời vượt qua tốc độ tăng trưởng của quý I.
– Dù đối diện với không ít thách thức, tăng trưởng của khu vực này đối lập hoàn toàn với nền kinh tế số một thế giới với hai quý sụt giảm liên tiếp, do được hưởng lợi từ quá trình mở cửa sau đại dịch.
– Tuy nhiên, ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức dự báo eurozone sẽ rơi vào suy thoái trong năm sau. Trước đó, Nomura dự báo kinh tế eurozone sụt giảm 1,2% trong năm 2023 trong khi Berenberg thiên về mức giảm 1% trong cùng giai đoạn. Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) cũng lên tiếng thừa nhận rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái là có thật. Thậm chí, lạm phát có thể xảy ra ngay trong năm nay nếu như Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới khu vực này.
– Theo Eurostat, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của eurozone tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 8,6% trong tháng trước và dự báo tăng 8,7% của Bloomberg. Đóng góp lớn vào mức tăng CPI kỷ lục là chi phí năng lượng và lương thực. Lạm phát cao kỷ lục làm gia tăng áp lực đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), vốn trước đó đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 11 năm.
– “Lạm phát một lần nữa cao hơn dự báo đồng nghĩa với việc kinh tế eurozone tiếp tục phải đối diện với một giai đoạn khó khăn phía trước. Chúng tôi dự báo một cuộc suy thoái sẽ ập tới vào cuối năm nay”, Andrew Kenningham, Kinh tế trưởng châu Âu tại Capital Economics, nhận định.
2. Thông tin vĩ mô Việt Nam
• CPI bình quân 7 tháng tăng 2,54%
– Báo cáo kinh tế – xã hội vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
– Giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7 tăng.
– Trong mức tăng 0,4% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 vừa nêu có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó tăng mạnh nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống ( tăng 1,37%, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm). Giao thông là nhóm hàng hóa dịch vụ giảm duy nhất trong tháng 7 (giảm 2,85%).
– Cũng theo Tổng cục Thống kê bình quân 7 tháng, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
• Vốn FDI giảm tháng thứ 6 liên tiếp
– Theo số liệu cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 15,41 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.
– Trong đó, vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, tới cuối tháng 7, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 5,72 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.
– Cụ thể, trong giai đoạn, đã có 927 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ). Sau 7 tháng, đã có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ); Có 2.072 lượt GVMCP của NĐTNN (giảm 13,8% so với cùng kỳ) với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ).
– Lý giải nguyên nhân vốn FDI đăng ký mới tiếp tục giảm, trong khi vốn đăng ký lại tăng mạnh trong 7 tháng, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau gián đoạn của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
– Điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1,3 điểm % so với thống kê của 6 tháng.
– Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau đại dịch, các doanh nghiệp FDI đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh. Điều này cho thấy các NĐTNN đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, do cùng thời điểm năm ngoái, Việt Nam thu hút được nhiều dự án FDI đăng ký mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Vốn FDI điều chỉnh thêm cũng tăng mạnh do có nhiều dự án điều chỉnh vốn có quy mô lớn. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021. Còn ở 7 tháng đầu năm, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chiếm khoảng 40,2% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn.
• Việt Nam xuất siêu hơn 760 triệu USD trong 7 tháng
– Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước nhưng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021.
– Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 7 tháng qua, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,5%, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,7%, nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%.
– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.Như vậy, trong tháng 7, Việt Nam xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, Việt Nam xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước Việt Nam nhập siêu 3,31 tỷ USD). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% và nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD.
3. Thông tin doanh nghiệp niêm yết
• Lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 42% trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu duy trì thấp chỉ 0,76%
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, chủ yếu nhờ hoàn nhập từ các khách hàng được cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, lãi trước thuế đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng (+42% yoy) – hoàn thành 60% kế hoạch năm.
– Dư nợ tín dụng đạt gần 396 nghìn tỷ, tăng trưởng 9.31% so với đầu năm. Nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức thấp khoảng 0.76%, là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) dù thấp hơn cuối năm 2021 nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao 185%. Dư nợ tái cơ cấu là 13 nghìn tỷ đồng (tương đương chiếm 3% tổng dư nợ cho vay) vào thời điểm cuối Q2/2022.
– Tại thời điểm 30/6/2022, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tiếp tục cải thiện, đạt 11.93% vượt xa mức tỷ lệ tối thiểu 8% của Basel II. Tỷ lệ CASA giảm về 25%, gần tương đương cuối năm 2021. (Q1.2021 đạt 26.7%)
– Cho năm tài chính 2022, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền (10%) và cổ phiếu (15%); tuy nhiên, việc trả cổ tức bằng tiền mặt cần có sự chấp thuận của NHNN.
• Khuyến nghị:
– Năm 2021, ACB là một trong những ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nhất. Tại Q4/21, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 0.77% nhưng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) của lên đến 209.4%. Nhờ khoản “lương khô“ này, trong cả hai quý đầu năm nay, ngân hàng bắt đầu hoàn nhập dự phòng, giúp lợi nhuận tăng mạnh. Luận điểm đầu tư của ngân hàng gồm (1) ACB sẽ chịu ít tác động từ việc siết chặt tín dụng bất động sản của NHNN, (2) Thu ngoài lãi được thúc đẩy bởi bancassurance, (3) Tỷ lệ LLR cao giúp cho ACB linh hoạt trong việc giảm dự phòng. Dự báo LNST 2022 đạt 13.5 nghìn tỷ (+40% yoy). ACB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E 1.4x, cao hơn so với trung vị ngành là 1,3x. ACB có sự vượt trội trong kết quả hoạt động kinh doanh và chất lượng tài sản vững chắc hơn so với trung bình ngành.
• Vietcombank báo lãi 6T2022 tăng 28%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt 500%
– Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, VCB báo LNTT đạt 17.3 nghìn tỷ đồng (+28% yoy). Lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ đạt hơn 13.9 nghìn tỷ đồng (+28% yoy). Tín dụng tăng trưởng 14.4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là 9.35%, chủ yếu nhờ mảng bán lẻ tăng trưởng cho vay 16.5% so với đầu năm.
– Tỷ lệ CASA được cải thiện lên 34.4% cuối Q2/22 từ mức 30.7% cuối Q2/21 và 32.9% cuối Q4/21. Việc cải thiện CASA đã giúp VCB bù đắp một phần việc tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn.
– Tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm về 0.61% vào cuối Q2/22 từ mức 0.81% cuối Q1/22 và 0.64% cuối Q4/21. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt mức kỷ lục trong ngành 505.9% vào cuối Q2/22 từ mức 372% cuối Q1/22 và 424.4% cuối Q4/21.
– Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được gần 57% sau nửa đầu năm.
• Khuyến nghị:
– VCB đã khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường nội địa và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của khu vực, đứng đầu về vốn hóa trong các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm: (1) Thu nhập ngoài lãi được thúc đẩy bởi hoạt động ngoại hối; (2) Lợi nhuận tăng trưởng tích cực khi áp lực trích lập dự phòng không còn lớn và (3) Việc tiếp nhận xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích. Dự báo LNST 2022 đạt 28.5 nghìn tỷ (+30% yoy). VCB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E 2.6x, cao gấp 2 lần so với trung bình định giá của các ngân hàng đang niêm yết là 1,3x.
• FMC báo lãi ròng 6T2022 tăng 46%
– FMC công bố doanh thu Q2/2022 đạt 1.4 nghìn tỷ đồng (+22% yoy); lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 114 tỷ đồng (+ 50% yoy) và ghi nhận mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Lũy kế 6 tháng đầu năm, FMC ghi nhận doanh thu tăng 29% lên 2.7 nghìn tỷ đồng, lãi sau thuế công ty mẹ đạt 155 tỷ đồng (+46% yoy).
– Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên trong năm giúp nâng biên lợi nhuận gộp Q2/2022 tăng từ 8.8% lên 11.7% và 6T/2022 tăng từ 8.3% lên 10.3%.
– Năm 2022, FMC dự kiến đem về 5,290 tỷ đồng tổng doanh thu và 320 tỷ đồng lãi trước thuế (tăng gần 11% so năm trước). So với kế hoạch đề ra, FMC đã thực hiện được 51.7% chỉ tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
• Khuyến nghị:
– Triển vọng dài hạn của FMC được củng cố bởi mở rộng cả vùng nuôi lẫn công suất hoạt động. Trong năm 2022, 2 nhà máy mới giúp tăng 80% công suất và vùng nuôi mới tăng 30% diện tích nuôi sẽ đi vào hoạt động. Việc cổ phiếu kiểm soát 25% cổ phần của FMC, FCM sẽ được ưu tiên nhất định khi mua thức ăn thủy sản và tôm nguyên liệu từ CP, làm giảm áp lực lạm phát hàng hóa tiếp tục sẽ là một lợi thế về chi phí của FMC. Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 375 tỷ đồng (+40% svck) ~ P/E fw2022 ở mức 8.6 lần. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FMC cần theo dõi chặt chẽ biến động giá tôm nguyên vật liệu.
4. Nhịp đập thị trường chứng khoán
– Kết tuần giao dịch 25/7 – 29/7/2022, chỉ số VNINDEX tăng nhẹ 11,57 điểm (+0,97%) đạt mốc 1.206,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 2,5 tỷ cổ phiếu, giảm 5% so với tuần giao dịch trước đó.
– Khối lượng giao dịch từ ngày 25/7 – 29/7 của các nhóm cổ phiếu đều có sự gia tăng, đặc biệt trong nhịp hồi phục ở ngày 28/7. Tuy vậy ở nhịp điều chỉnh của phiên kết tuần, áp lực bán gia tăng, đồng thời khối lượng giao dịch của các nhóm cổ phiếu vẫn được duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền chốt lời lan tỏa rộng trên thị trường.
– Khối ngoại tiếp tục có một tuần giao dịch sôi động khi giá trị mua ròng trong tuần đạt hơn 1.350 tỷ đồng, đặc biệt với lực mua ròng hơn 600 tỷ đồng trong hai phiên 27/07 và 28/07. Điểm nhấn mua ròng của khối ngoại đến từ KDC (+1001.3 tỷ đồng), bỏ xa cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ hai trong tuần là SSI (+256 tỷ đồng). Ngoài SSI, khối ngoại cũng có động thái mua ròng các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính khác như STB, LPB và CTG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng HPG (-351.9 tỷ đồng), NVL (289.9 tỷ đồng) và BSR (196.9 tỷ đồng). Sự hứng khởi của nhà đầu tư nước ngoài đến từ hiệu ứng tâm lý tích cực sau phiên họp tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Fed vào ngày 27/07, khi động thái này cho thấy định hướng của Fed sẽ không mạnh tay tăng lãi suất trong bối cảnh Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP giảm trong hai quý liên tiếp.
– Trên biểu đồ xoay vị tương đối, nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap hiện đang suy yếu và dịch chuyển từ vùng Dẫn dắt sang vùng Suy yếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 hiện di chuyển với tốc độ chậm trong vùng Tụt hậu nhưng điểm tích cực là xu hướng di chuyển đang tiến về vùng Cải thiện. Nhóm ngành có biến động mạnh nhất có thể kể đến Nguyên vật liệu (-2,5%), Hàng tiêu dùng (-3,6%), Tài chính (+1,7%). Nhìn trên biểu đồ xoay vị tương đối có thể thấy nhóm Nguyên vật liệu đã có lực di chuyển mạnh từ vùng Dẫn dắt sang vùng Suy yếu và tiến sát tới vùng Tụt hậu cho thấy áp lực bán ở nhóm cổ phiếu này khá là lớn. Nhóm Hàng tiêu dùng tuy tuần vừa qua có mức giảm mạnh nhưng hướng di chuyển đã chuyển từ vùng Tụt hậu sang phần Cải thiện cho thấy khả năng đây là cú rung lắc để loại bỏ những nhà đầu tư nhỏ lẻ trước khi bước vào đà hồi phục mới. Nhóm ngành cần theo dõi trong thời gian tới là Dịch vụ tiện ích và Hàng thiết yếu khi đang có xu hướng di chuyển từ vùng Cải thiện sang vùng Dẫn dắt.
– Dòng tiền đầu cơ đang có dấu hiệu chốt lời khiến VNINDEX sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn và khả năng sẽ lấp lại khoảng gap ở vùng 1.190 điểm nếu lực bán tiếp tục gia tăng trong những phiên sắp tới. Kịch bản tích cực cho VNINDEX nếu trong nhịp điều chỉnh có lực mua tham gia trợ giá thì có thể đi ngang tích lũy ngay tại vùng 1.200 điểm để hấp thụ lực bán trước khi tiếp tục hồi phục về vùng 1.220 điểm.
– Thời điểm hiện tại, với việc dòng tiền đầu cơ đang chốt lời ngắn hạn, nhà đầu tư hạn chế tham gia mới với những mã cổ phiếu đã tăng mạnh để tránh rủi ro điều chỉnh. Nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi nhịp chỉnh về những vùng hỗ trợ với thanh khoản thấp để xem xét tham gia. Với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, cân nhắc chốt lời/ hạ tỷ trọng dần với những mã cổ phiếu đã tiến tới gần vùng kháng cự và đang có áp lực bán gia tăng để bảo đảm lãi của tài khoản.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0