DCall Podcast ngày 27.07.2022 – Nga chuẩn bị giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp cho Đức

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/07/2022

1.THÔNG TIN VĨ MÔ 

• Nga chuẩn bị giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp cho Đức. 

– Theo Wall Street Journal, doanh nghiệp năng lượng nhà nước Nga Gazprom PJSC công bố khối lượng xuất khẩu khí đốt thông qua hệ thống đường ống Nord Stream sang Đức sẽ giảm xuống còn khoảng bằng 1/5 công suất thực của hệ thống này. 

– Trước đó, hệ thống đường ống Nord Stream vận hành với khoảng 40% công suất, và hiện tại chỉ còn 20% công suất bình thường. Gazprom thông báo quyết định mới nhất sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 27/7. 

– Nguyên nhân chính của quyết định mới nhất, theo lý giải từ phía Nga, là do những vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến cho Nga không tiếp cận được với tuabin cần thiết cho việc vận hành đường ông như bình thường. 

– Ngay sau động thái mới nhất từ phía Nga, giá khí đốt tại khu vực châu Âu tăng 12% lên 179 Euro, tương đương khoảng 183USD/Megawatt giờ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá khí đốt tại khu vực châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. 

– Theo các quan chức châu Âu và chuyên gia phân tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang biến khí đốt thành một thứ “vũ khí” để trả đũa phương Tây do áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, đồng thời phía Nga cũng đang muốn làm yếu đi sự hỗ trợ mà phương Tây dành cho Ukraine trên cả lĩnh vực quân sự và tài chính. 

– Việc Nga giảm cung cấp khí đốt khiến cho nỗ lực của châu Âu trong việc huy động đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay trở nên khó khăn hơn. Khi mà không có đủ nguồn cung khí đốt trong những tháng mùa đông nhu cầu tăng nóng, chính phủ nhiều nước cho biết nhiều khả năng họ sẽ phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng khác và nền kinh tế châu Âu vốn đã mong manh sẽ có thể rơi vào suy thoái. 

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam 

• Thiếu nguồn cung, giá lợn hơi sẽ còn tăng 

– Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sau khi tăng một mạch từ 60.000 đồng/kg lên tới 75.000 đồng/kg chỉ trong vòng 3 tuần, giá lợn hơi mấy ngày gần đây duy trì ở ngưỡng 65.000 đồng-74.000 đồng/kg. 

– Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, dù giá lợn hơi tăng cao trở lại, nhưng với giá này, phần lớn chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi mới có lãi. Chỉ có rất ít nông hộ còn “cầm cự” được trong thời gian qua, duy trì được lợn đến tuổi xuất chuồng. 

– Dự báo về giá lợn hơi trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường đã tăng khá mạnh, nhưng so với các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc thì giá lợn hơi của Việt Nam còn thấp hơn nhiều, do vậy giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng. 

– Tuy nguồn cung từ nông hộ và các trang trại suy giảm, nhưng lượng thịt lợn từ các doanh nghiệp hiện vẫn được đảm bảo. Do đó, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thịt lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ chỉ dao động từ 69.000-75.000 đồng/kg. Để tiếp tục đảm bảo nguồn cung này, Cục chăn nuôi khuyến cáo người dân trong thời điểm được giá nên vào đàn, tăng quy mô sản xuất, đồng thời siết chặt vấn đề lợn xuất lậu sang Trung Quốc. 

• Xuất khẩu phân bón tăng, tỷ lệ nhập siêu khó được rút ngắn  

– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7, xuất khẩu phân bón đạt 1.043.287 tấn, thu về 676,040 USD, so với cùng kỳ tăng 49,42% về lượng, tăng 2,76 lần về giá trị. Vào thấp điểm tiêu thụ như bây giờ, để giảm tồn kho doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, khả năng đến cuối tháng 8/2022 sẽ bằng năm 2021.  

– Cũng theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón nửa đầu tháng 7/2022 đạt 74.081 tấn, trị giá 30,455 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/7 nhập khẩu phân bón các loại đạt 1.851.232 tấn và 874,644 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước tăng 49,42% về lượng và tăng 19,17% về kim ngạch.  

– 6,5 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu gần 808 ngàn tấn. Trong khi đó mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu phân bón bình quân là 2,93 triệu tấn/năm. 

– Việc tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khi giá cao đã giúp kết quả kinh doanh 6 tháng của nhiều công ty vượt kế hoạch. 

• Ngành thủy sản xuất siêu gần 4,5 tỷ USD nửa đầu năm 

– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5,71 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 6, xuất khẩu thủy sản ở mức 1,01 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng 5 nhưng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. 

– Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong tổng kim ngạch, ở mức 1,31 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 14,5%, ở mức 828,73 triệu USD, tăng 89,3%. 

– Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thủy sản 1,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 6, nhập khẩu đạt kim ngạch 251 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 5 và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp nhiều thủy sản nhất cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là Ấn Độ (chiếm 12,2%), Indonesia (chiếm 9,7%), Na Uy (chiếm 9,7%). 

– Như vậy, tính chung trong 6 tháng qua, Việt Nam xuất siêu 4,47 tỷ USD mặt hàng thủy sản. 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT 

• HPG: Ghi nhận 12.229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 

– Quý II/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 37.714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm. 

– Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý II/2022 đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn. Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng (36,2%), ống thép (28,8%). 

– Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.  

– Các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án khai thác mỏ quặng sắt tại Úc, Nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm sản xuất hàng gia dụng tại Hà Nam…cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án hàng điện máy gia dụng, vỏ container sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên trong quý 3-4/2022. Hòa Phát dự kiến hoàn thành dự án Dung Quất 2 vào năm 2025. 

• DCM: Lãi ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong quý 2, lợi nhuận 6 tháng gấp 5 lần kế hoạch năm 

– Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau ( DCM) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2022, ghi nhận doanh thu tăng mạnh 66% so với cùng kỳ, từ mức 2.505 tỷ đồng lên tới 4.145 tỷ đồng trong kỳ này. Giá vốn tăng nhẹ hơn với 49%, theo đó lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 1.353 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với quý 2/2021. 

– Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng tới 90% lên 8.428 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí DCM đạt lãi ròng 2.554 tỷ đồng, tăng 473% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, DCM đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

– Bước sang năm 2022, DCM đặt kế hoạch có phần khá thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 2 quý đầu tiên của năm 2022, DCM đã hoàn thành được 93% mục tiêu về doanh thu và vượt xa hàng lần mục tiêu về lợi nhuận. 

• Viglacera vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng nhờ mảng kính và Bất động sản khu công nghiệp 

– Tổng công ty Viglacera (HOSE: VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần 4.268 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 35,1% lên 2.956 tỷ đồng giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 26,7% lên 30,7%. 

– Qua đó, Viglacera ghi nhận lãi sau thuế đạt gần 691 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 641 tỷ đồng, tăng 91%. Lợi nhuận ròng quý này tăng nhờ doanh thu mảng bất động sản tăng. Ngoài ra, Viglacera đã nâng sở hữu từ 35% lên 65% vốn điều lệ của công ty Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ từ quý IV/2021 nên lợi nhuận của đơn vị này cũng đóng góp thêm vào sự tăng trưởng chung của tổng công ty. 

– Năm nay, doanh nghiệp đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 10% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau 6 tháng, Viglacera đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

– Phiên giao dịch ngày 26/07/2022, chỉ số VNINDEX dao động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu nhưng vẫn giữ được sắc xanh đến đầu phiên chiều.  Cuối phiên, lực cầu suy giảm khiến chỉ số VNINDEX quay đầu giảm điểm, dừng chân ở mốc 1.185 điểm, giảm nhẹ 3,43 điểm (-0,29%).  

– Về độ rộng thị trường, phe bán vẫn chiếm ưu thế khi có 311 mã giảm/139 mã tăng cho thấy áp lực bán vẫn còn lan tỏa trên diện rộng. Thanh khoản giảm nhẹ và duy trì ở dưới mức trung bình 20 phiên, đạt 9.446,833 tỷ đồng.  

– Tác động tiêu cực nhất tới chỉ số VNINDEX là cổ phiếu VIC (-1,158 điểm), tiếp theo có VNM (-0,476 điểm) và HPG (-0,368 điểm). Chiều tăng điểm có VCB (+1,198 điểm), MSN (+0,5 điểm) và SAB (+0,438 điểm).  

– Phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận áp lực bán lan tỏa ở hầu hết nhóm ngành. Tuy vậy biên độ tăng giảm không quá lớn. Cụ thể chỉ có nhóm ngành Năng lượng tăng 0,58% và cũng là nhóm ngành duy nhất tăng điểm trong phiên giao dịch. Nguyên vật liệu giảm nhiều nhất với mức giảm 1,13%. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 1%. Top nhóm ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Tài chính (2.026 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.325 tỷ đồng) và Công nghiệp (1.505 tỷ đồng).   

– Khối ngoại đã có 5 phiên mua ròng liên tiếp nhưng giá trị đã giảm trong 2 phiên gần nhất, phiên hôm qua chỉ đạt giá trị 54,88 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu VCB, MWG, SSI với giá trị quanh 21,5 – 23 tỷ đồng. Chiều bán tiêu biểu có các cổ phiếu ở nhóm ngành hóa chất như BSR (-163,29 tỷ đồng), DGC (-38,72 tỷ đồng)  

– Thị trường có phiên giao dịch trong biên độ khá hẹp, không có quá nhiều sự chênh lệch giữa lực mua và lực bán. Khả năng VNINDEX sẽ tiếp tục điều chỉnh về mốc hỗ trợ quanh mốc 1.160 – 1.180 điểm khi kết phiên lực bán có dành lại một chút ưu thế so với lực mua. Nhà đầu tư ưu tiên theo dõi và chờ đợi tín hiệu suy yếu của lực bán để xem xét tham gia mua mới và đồng thời cũng hạn chế rủi ro điều chỉnh của VNINDEX. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest